Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tổng thuật các tham luận tại Hội thảo khoa học "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ kinh tế" (Phần 1)

Tổng thuật các tham luận tại Hội thảo khoa học "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ kinh tế" (Phần 1)

Ngày 11/5/2015, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện CTQG Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ kinh tế”. Hội thảo đã nhận được 38 tham luận của gần 50 tác giả trong và ngoài nước, gồm các nhà lãnh đạo, quản lý, học giả Việt Nam, các học giả, doanh nhân Ấn Độ. Xin trân trọng giới thiệu “Tổng thuật các tham luận tại Hội thảo khoa học” (Phần 1) của PGS, TS Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

02:17 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tổng thuật các tham luận tại Hội thảo khoa học "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ kinh tế"

PGS, TS Lê Văn Toan*

Kính thưa GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện!
Kính thưa Bà Preeti Saran, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam!
Kính thưa các vị khách quý, các học giả Việt Nam và Ấn Độ!

Năm 2015, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Học viện, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh triển khai hoạt động khoa học trên nhiều bình diện. Hội thảo khoa học các cấp, từ cấp Học viện, cấp quốc gia và cấp quốc tế là những công việc trọng điểm trong chuỗi hoạt động khoa học của Trung tâm.

Gần hai tháng nay, kể từ khi Ban Tổ chức gửi giấy mời viết bài và tham dự Hội thảo lần thứ nhất với chủ đề “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ kinh tế”, chúng tôi đã nhận được 38 tham luận của gần 50 tác giả trong và ngoài nước. Trong những tham luận này, có bài là của riêng một tác giả, có bài là của nhóm tác giả. Có 42 nhà lãnh đạo, quản lý, học giả Việt Nam và gần 10 nhà lãnh đạo, học giả, doanh nhân Ấn Độ tham gia viết bài cho Hội thảo này. Sự tham gia đông đảo của các nhà lãnh đạo, quản lý, các chính khách, các học giả, doanh nhân trong và ngoài nước chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc đến đất nước và nhân dân Ấn Độ, đến mối quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ, đến Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ và với lòng mong mỏi đóng góp được gì đó vào tình đoàn kết hữu nghị Việt - Ấn vốn có nền tảng vững chắc lâu đời và đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước gìn giữ, vun đắp và liên tục phát triển lên tầm cao mới.

Với kết quả bước đầu này, thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo và Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, chúng  tôi chân tình cảm ơn các quý vị đại biểu, các vị khách quý, các nhà khoa học đã dành cho Hội thảo khoa học “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ kinh tế” rất nhiều tình cảm và trí tuệ. Kính chúc tất cả các quý vị mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc Hội thảo khoa học thành công rực rỡ!

Kính thưa quý vị khách quý, các nhà khoa học, các quý vị đại biểu!

Tất cả các bài tham luận trong Hội thảo này đều tập trung vào những vấn đề chung và vấn đề kinh tế, đặc biệt coi trọng vấn đề kinh tế trên các cấp độ kinh tế vĩ mô và kinh tế vi mô.

* Về những vấn đề chung

Các học giả đã luận giải bối cảnh lịch sử và đương đại, tầm quan trọng của mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. PGS, TS Trần Minh Trưởng, Học viện CTQG HCM đã lược khảo toàn bộ quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng xây dựng quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ ngay từ những năm đầu thế kỷ XX; đi sâu phân tích, luận giải nhiều sự kiện lịch sử, nhiều bài viết, nhiều việc làm của Bác Hồ với Chính phủ và nhân dân Ấn Độ, từ đó rút ra nhiều bài học quý giá để mỗi chúng ta ngày nay có trách nhiệm vun đắp cho tình hữu nghị Việt - Ấn ngày càng đơm hoa kết trái.

GS, TS Nguyễn Hùng Hậu, Học viện CTQG HCM đã đi sâu khảo sát lịch sử văn minh Ấn Độ và khẳng định “ngay từ khoảng năm 3000 – 2000 TCN, Ấn Độ đã có một nền văn minh Hindu mà xét ở một vài phương diện, nó vượt qua nền văn minh Ba Tư và Ai Cập đương thời”. Ấn Độ có một nền văn hóa lâu đời dựa trên một nhân sinh quan chung đã tạo nên một tinh thần riêng biệt của nó và để lại dấu ấn ở tất cả các thời kỳ lịch sử, dù chúng có khác biệt với nhau như thế nào chăng nữa. Tác giả đã đi sâu minh giải vũ trụ quan và thế giới quan của đạo Hindu, để trên cơ sở đó tìm hiểu cái cơ bản, cái bền vững tạo nên sức mạnh của Ấn Độ; cái bề sâu của tâm hồn thanh thản, già dặn và của tấm lòng nhân từ yêu thương mọi sinh vật; cũng như cơ sở của một trí óc bình tĩnh, một nhân sinh quan chung.

Tiếp cận từ giá trị văn hóa chung giữa hai dân tộc Việt - Ấn, tham luận của PGS, TS Phạm Hồng Chương, Học viện CTQG HCM đã đi sâu phân tích chính sách đối ngoại của Ấn Độ nhằm tường minh mục tiêu của Ấn Độ trong quan hệ quốc tế; với mong muốn làm rõ việc phát triển quan hệ Việt - Ấn một cách bền vững và lâu dài không chỉ thuần túy dựa trên lợi ích của mỗi quốc gia trên bình diện vật chất, mà phải dựa trên cơ sở tăng cường giao lưu, hiểu biết, tiếp nhận, dung nạp các giá trị văn hóa của hai dân tộc.

Tiếp cận từ “Chính sách hướng Đông” của Ấn Độ, tác giả Võ Văn Chỉ đến từ Học viện CT khu vực IV đã khái quát nguyên nhân dẫn đến sự điều chỉnh “Chính sách hướng Đông” của Ấn Độ; nội dung “Chính sách hướng Đông”; tác động của “Chính sách hướng Đông” đến quan hệ Việt - Ấn trên các lĩnh vực kinh tế, tranh chấp chủ quyền Biển Đông, an ninh – chính trị, văn hóa giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực. Tác giả cho rằng, “Chính sách hướng Đông” đã góp phần nâng cấp quan hệ Việt - Ấn từ quan hệ truyền thống tốt đẹp lên quan hệ đối tác chiến lược.

Tác giả Đoàn Trung Dũng – Học viện CT khu vực IV - với tham luận “Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Những bước phát triển mới” và tham luận “Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: truyền thống và triển vọng” của nhóm tác giả Trần Thị Thúy, Nguyễn Văn Vỹ, cũng như tham luận “Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ” của TS Lê Thu Hồng, Học viện CTQG HCM và ThS Huỳnh Ngọc An, Đại học An Giang đều đi sâu lược khảo những thành tựu nổi bật trong quan hệ Việt - Ấn từ truyền thống đến hiện đại trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo, dân tộc, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo. Nhóm tác giả trên khẳng định rằng, việc nâng cao mối quan hệ Việt - Ấn lên tầm cao mới là phù hợp với nguyện vọng của Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước, có lợi cho sự phát triển của hai quốc gia, có lợi cho hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Bằng nhãn quan an ninh chính trị nhạy cảm, sâu sắc, PGS, TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an - đã đi sâu luận giải “thời đại Narendra Modi” trên ba bình diện: Di sản của người tiền nhiệm để lại, Phong cách Narendra Modi, Các đột phá chiến lược. Về di sản của người tiền nhiệm, sau khi phân tích các số liệu, tác giả tham luận dẫn lời Thời báo “Châu Á trực tuyến” số cuối tháng 4, 2014 cho rằng, mười năm dưới thời Thủ tướng Manmohan Singh (2004-2014) “Chính quyền M.Singh nhút nhát và thiếu sáng tạo”, vì thế kinh tế, xã hội trì trệ và lúng túng, bị động, thiếu quyết đoán trong chính sách đối ngoại, trở thành nút thắt trên con đường phát triển của Ấn Độ. Về phong cách Narendra Modi, tác giả nhận định:  đây là con người tận tâm với sự phục hưng của Ấn Độ, với bàn tay sạch và quyết đoán, dứt khoát đưa ra các quyết định để tạo ra bước phát triển mang tính đột phá. Về các đột phá, qua phân tích, tác giả khẳng định hai đột phá lớn: 1. Khôi phục sự tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và 2. Chống tham nhũng, quyết tâm xây dựng cơ quan nhà nước trong sạch, hoạt động hiệu quả vì dân. Tác giả cũng phân tích sâu mối quan hệ chặt chẽ Mỹ - Ấn và Ấn – Nhật, mối quan hệ này sẽ làm cho Ấn Độ mạnh, và một nước Ấn Độ mạnh là phù hợp với lợi ích của Việt Nam.

* Về vấn đề kinh tế và các tầng bậc khác của kinh tế như kinh tế - thương mại, kinh tế du lịch

Tại Hội thảo này, đây là vấn đề thu hút rất nhiều học giả quan tâm. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã tiếp cận từ cơ chế, chính sách, đi sâu luận giải quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Ấn Độ trên các mặt: quan hệ thương mại (có các bảng so sánh kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Ấn Độ từ 2008 – 2014) và khẳng định, thương mại song phương Việt - Ấn chắc chắn sẽ đạt mục tiêu kim ngạch mà lãnh đạo hai nước đã đặt ra. Tác giả đã đi sâu phân tích hợp tác song phương trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, dệt may; phân tích Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ, tác động của Hiệp định này đến quan hệ thương mại Việt - Ấn. Tham luận cũng chỉ rõ những rào cản và triển vọng phát triển quan hệ kinh tế thương mại Việt - Ấn trong tương lai.

Là người có 30 năm tình nghĩa với Việt Nam và hiện nay là Tổng giám đốc điều hành Công ty Ishan, Chủ tịch Ủy ban xúc tiến thương mại Ấn Độ - ASEAN, Chủ tịch sáng lập Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam, người vinh dự được trao tặng Huân chương Hữu nghị của Việt Nam, Ngài Shantanu Srivastava trong tham luận “4 thập niên hợp tác kinh tế và thương mại Ấn Độ - Việt Nam và con đường phía trước” đã thể hiện tình cảm chân tình của Ngài đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Tác giả khẳng định rằng, lịch sử cho thấy, Ấn Độ và Việt Nam là hai người bạn thực sự của nhau với mối quan hệ hàng thế kỷ. Tham luận đã lược khảo bốn thập kỷ kinh tế thương mại Việt - Ấn. Nhiều số liệu trong tham luận là những tư liệu quý giúp các nhà khoa học có cứ liệu phân tích, đánh giá, rút ra những bài học quý giá. Tác giả đã đề xuất, kiến nghị 17 gợi ý với các nhà hoạch định chính sách hai nước nghiên cứu, tham khảo, cân nhắc ban hành chủ trương chính sách phù hợp để thúc đẩy hợp tác thương mại Việt - Ấn phát triển lên tầm cao mới.

Cùng với chủ đề Thương mại và đầu tư, nhóm tác giả Mignesh; Prana Moondra, CB Prakash đến từ Công ty The Kamma Incorportation thuộc Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam đã phác thảo khái quát về đất nước và nhân dân Ấn Độ trên các bình diện: điều kiện địa lý, tự nhiên, dân số, dân tộc, tôn giáo, chính trị, kinh tế; đi sâu phân tích cơ hội thương mại và đầu tư trên các lĩnh vực: dược phẩm, dệt may, nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống, thủy sản, công nghệ thông tin và truyền thông; đi sâu minh giải để trả lời cho các câu hỏi: Làm thế nào để thu hút nhà đầu tư Ấn Độ? Làm thế nào để kinh doanh ở Ấn Độ?

Khi bàn về Những rào cản và triển vọng trong hợp tác thương mại Việt - Ấn, TS Nguyễn Quốc Dũng – Giám đốc Học viện CT khu vực IV - cho rằng, những năm gần đây, hợp tác thương mại Việt - Ấn phát triển ổn định. Điều đó được thể hiện trên năm bình diện: 1. Kim ngạch hai chiều được thiết lập theo xu hướng tăng bền vững; 2. Việt - Ấn đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao; 3. Ấn Độ là nước đông dân nên thị trường tiêu thụ phong phú; 4. Hai nước Việt - Ấn đã ký kết nhiều Hiệp định hợp tác và cùng phối hợp trên các diễn đàn kinh tế khu vực và quốc tế; 5. Kinh tế hai nước có những nét tương đồng và có thế mạnh riêng, có thể hỗ trợ cho nhau cùng phát triển. Tác giả cũng đi sâu phân tích năm rào cản trong hợp tác thương mại Việt - Ấn và tin tưởng rằng, hai nước sẽ phát huy những thành tựu, vượt qua những rào cản để phát triển thịnh vượng.

(Xem tiếp phần 2)

*Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn:

Cùng chuyên mục