Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Từ “Nhìn về hướng Đông” đến “Hành động Phía Đông”: Ấn Độ đang mở rộng và hiện thực hóa các quan hệ hợp tác khu vực từ Nam Á sang Đông Nam Á và toàn Châu Á – Thái Bình Dương (Phần 2)

Từ “Nhìn về hướng Đông” đến “Hành động Phía Đông”: Ấn Độ đang mở rộng và hiện thực hóa các quan hệ hợp tác khu vực từ Nam Á sang Đông Nam Á và toàn Châu Á – Thái Bình Dương (Phần 2)

Ấn Độ đã đạt được một số thành công bước đầu trong Chính sách Hướng Đông, trước hết và cơ bản nhất là nhờ đã đẩy mạnh công cuộc tự do hóa ở trong nước đi đôi với việc mở cửa thực thi chính sách hội nhập khu vực và quốc tế, trong đó Chính sách Hướng Đông là một trọng tâm.

02:37 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Từ “Nhìn vhướng Đông” đến “Hành động Phía Đông”: 
Ấn Độ đang mở rộng và hiện thực hóa các quan hệ hợp tác khu vực 
từ Nam Á sang Đông Nam Á và toàn Châu Á – Thái Bình Dương

 

PGS, TS Đỗ Đức Định*

 

3. Phát triển sang Đông Nam Á

Vào thời điểm khi có sự phân cực tại Đông Nam Á trong Chiến tranh Lạnh, trong khi Ấn Độ theo đuổi chính sách thay thế nhập khẩu và hướng nội để phát triển kinh tế thì các nước ASEAN bắt tay vào phát triển kinh tế theo hướng xuất khẩu, hội nhập khu vực và toàn cầu. Vào thời kỳ này, Ấn Độ và ASEAN có một số bất đồng nên Ấn Độ đã hai lần từ chối tham gia đối thoại với ASEAN. Tuy nhiên, tình hình bắt đầu thay đổi từ cuối thập kỷ 1980 - đầu thập kỷ 1990, khi Liên Xô cũ sụp đổ, tiến trình hội nhập của Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) tỏ ra trì trệ, cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán của Ấn Độ năm 1989-1990 dẫn đến sự chuyển hướng sang chính sách tự do hoá của nước này, trong khi đó mô hình hợp tác khu vực ASEAN ngày càng phát triển mạnh, đạt nhiều thành tựu quan trọng, thu hút sự chú ý ngày càng tăng của Ấn Độ. Từ năm 1991, Ấn Độ bắt tay vào công cuộc cải cách, thực hiện chính sách tự do hoá và liên kết nhiều hơn với nền kinh tế toàn cầu. Tiến trình hợp tác liên khu vực đã được thể chế hoá và chính thức hoá với việc Ấn Độ trở thành đối tác đối thoại khu vực của ASEAN năm 1992, đối tác đối thoại đầy đủ năm 1995, là thành viên của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) năm 1996. Ngoài ra, cơ chế thảo luận của các cuộc họp cấp cao Ấn Độ - ASEAN bắt đầu từ năm 2002 và việc ký thoả thuận đối tác Ấn Độ - ASEAN vì hoà bình, tiến bộ và thịnh vượng tháng 11 năm 2004 đã củng cố và đa dạng hoá hơn nữa sự hợp tác năng động liên khu vực giữa Ấn Độ và ASEAN. Ấn Độ xác định ASEAN là mắt xích trung tâm, là khâu đột phá nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, ngoại giao với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Với tổng số dân gần 600 triệu người, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 1500 tỷ USD và kim ngạch xuất khẩu khoảng 700 tỷ USD, ASEAN là một thị trường đầy tiềm năng, là một cơ hội hợp tác buôn bán đối với nhiều nước và khu vực trên thế giới. Thực hiện "Chính sách Hướng Đông", Ấn Độ đã và đang tăng cường các quan hệ hợp tác với các nước khu vực Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có các nước ASEAN.

Một trong những mục tiêu chủ yếu trong Chính sách “Hướng Đông" của Ấn Độ là đẩy mạnh hợp tác kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại. Năm 1993, Ấn Độ trở thành thành viên đối thoại bộ phận với ASEAN. Cuộc họp các quan chức cao cấp đầu tiên về đối thoại bộ phận Ấn Độ - ASEAN được tổ chức tại Niu Đêli từ ngày 16 đến ngày 17-3-1993. Từ đó hai bên tăng cường trao đổi nhiều đoàn cấp cao và số cuộc tiếp xúc của các doanh nghiệp hai bên cũng tăng lên. Tháng 12/1995, Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Băngcốc quyết định nâng quan hệ Ấn Độ - ASEAN lên quy chế thành viên đối thoại đầy đủ. Tháng 7-1996, Ngoại trưởng Ấn Độ I. K.  Gujral lần đầu tiên tham dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và Diễn đàn ARF tổ chức ở Giacacta. Tại cuộc họp thành lập Uỷ ban Hợp tác chung Ấn Độ - ASEAN (JCC), Ngoại trưởng Ấn Độ Gujral khẳng định, quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN ngày càng trở nên quan trọng hơn. Theo ông, sự bổ sung kinh tế cho nhau sẽ đóng góp cho những mục tiêu quốc gia và khu vực trong khi các bên đang tiến tới một thế kỷ Châu Á - Thái Bình Dương.

Với một thị trường có nhiều tiềm năng, kinh tế phát triển năng động và ngày càng mở rộng quan hệ với Ấn Độ, ASEAN+3 (gồm ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) đã trở thành một khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với Ấn Độ, trở thành đối tác thương mại lớn của Ấn Độ, vượt cả EU và Mỹ. Trong tài khoá 2003-2004, kim ngạch buôn bán của ASEAN+3 với Ấn Độ đã chiếm 19,9% tổng giá trị ngoại thương của Ấn Độ, trong khi đó kim ngạch buôn bán với EU chỉ chiếm 19%, với Mỹ là 12,9%. Kim ngạch buôn bán của Ấn Độ với ASEAN đã tăng 450% trong 10 năm từ tài khoá 1993-1994 đến 2003-2004, riêng năm 2003-2004, kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 13 tỷ USD, trong đó Ấn Độ nhập 8,15 tỷ USD từ ASEAN và xuất 4,85 tỷ USD sang ASEAN. Tiếp đó kim ngạch thương mại của Ấn Độ với ASEAN đã tăng từ 39,08 tỷ USD vào năm 2007-08 lên 45,34 tỷ USD vào năm 2008-09. Ấn Độ xuất khẩu sang ASEAN chủ yếu bột khô dầu, đá quý, đồ trang sức, sợi bông, máy móc, gạo, dược phẩm và hoá chất; nhập khẩu chủ yếu chất dẻo, cao su tự nhiên, len và sản phẩm len, chất hữu cơ và phân bón. Chính sách thuế của Ấn Độ với ASEAN được cải thiện từng phần. Chính phủ Ấn Độ quyết định giữ nguyên mức thuế nhập khẩu đối với một số nông sản của các nước ASEAN như quế, hạt điều, dừa, ca cao, do các mặt hàng này vẫn nằm trong danh mục hàng hoá nhạy cảm. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu đánh vào hạt tiêu sẽ giảm từ mức 70% hiện nay xuống còn 50% vào năm 2018, tương tự đối với mặt hàng cà phê và chè đen sẽ là từ 100% xuống còn 50%.

Về hoạt động đầu tư, từ năm 1994 đến 2004, đầu tư trực tiếp của Ấn Độ vào ASEAN mới chỉ đạt 736,8 triệu USD, phần lớn tập trung vào các ngành khoa học công nghệ cao và vốn lớn[1]. Ngược lai, trong giai đoạn 1991-2002, các nước ASEAN đã đầu tư trực tiếp tổng số khoảng 4 tỷ USD vào Ấn Độ, chiếm 6,1% tổng số đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào nước này, phần lớn tập trung trong các ngành điện tử, dầu mỏ, công nghiệp nặng.

Từ khi Ấn Độ trở thành đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN năm 1996, các quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Ấn Độ và ASEAN ngày càng sâu rộng, từ chính trị đến kinh tế. Không chỉ có quan hệ ngoại thương tăng nhanh, mà sự hợp tác trong các lĩnh vực khác như du lịch, giao thông, đầu tư, khoa học, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng và nhân lực cũng được tăng cường. Mối quan hệ hợp tác này có điều kiện phát triển là vì hai bên có những mối quan hệ gần gũi lâu đời, kinh tế Ấn Độ và kinh tế ASEAN có thể bổ sung cho nhau trên nhiều lĩnh vực: Ấn Độ cần vốn, kỹ thuật cao và phù hợp từ một số nước ASEAN, học hỏi kinh nghiệm quản lý kinh tế của Singapo, Thái Lan, Malaysia, và cần thị trường rộng lớn của khu vực này; mặt khác, Ấn Độ có thể đáp ứng nhu cầu của các nước ASEAN về thị trường đầu tư, xuất - nhập khẩu, nguồn lao động dồi dào, giá rẻ... Ngoài ra, Ấn Độ còn có thế mạnh về khoa học, kỹ thuật mà các nước ASEAN có thể hợp tác, kể cả lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Ấn Độ có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật đông đảo, dầy kinh nghiệm, có hệ thống viện và trung tâm nghiên cứu rộng khắp cả nước với trang thiết bị khá hiện đại. Ấn Độ có khả năng sản xuất phụ tùng thay thế cho các loại máy bay phản lực chiến đấu MIG do Nga chế tạo, có khả năng đào tạo sĩ quan và phi công. Các nước ASEAN, đi đầu là Singapo, Thái Lan đang tăng cường đầu tư, buôn bán với Ấn Độ.

Để mở rộng và đa dạng hoá các mối quan hệ kinh tế, Ấn Độ và ASEAN đã thành lập các cơ chế, thể chế khác nhau nhằm tiến hành các cuộc thương lượng kinh tế, thương mại. Hiện nay hợp tác kinh tế Ấn Độ - ASEAN đang được thực hiện thông qua: +) Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Ấn Độ - ASEAN; +) Hội đồng Kinh doanh Ấn Độ - ASEAN; +) Các cuộc họp của các bộ trưởng kinh tế Ấn Độ - ASEAN; +) Uỷ ban Đàm phán thương mại Ấn Độ - ASEAN; +) Nhóm Công tác về đầu tư và thương mại Ấn Độ - ASEAN.

Thông qua các cuộc tiếp xúc và trao đổi, Ấn Độ và ASEAN đều khuyến khích khu vực tư nhân tham gia tích cực hơn vào tiến trình hợp tác kinh tế toàn diện từ đầu tư đến thương mại, cả về hàng hoá và dịch vụ, đặc biệt là việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Ấn Độ – ASEAN (FTA) được chính thức ký kết ngày 13 tháng 8 năm 2009 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, có hiệu lực từ tháng 1 năm 2010, sau 6 năm nỗ lực và sự kiên trì đàm phán.

Theo Hiệp định FTA Ấn Độ - ASEAN, các loại thuế đánh vào khoảng 4.000 mặt hàng điện tử, hóa chất, máy móc và dệt may, chiếm 80% lượng hàng hóa buôn bán giữa Ấn Độ và ASEAN, sẽ được giảm dần, tiến tới loại bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, Ấn Độ được phép tiếp tục bảo hộ lĩnh vực nông nghiêp với việc loại 489 mặt hàng, trong đó có cao su, ra khỏi FTA. Mục tiêu hàng đầu mà hai bên mong muốn thực hiện thông qua Hiệp định này là tăng kim ngạch thương mại hai chiều lên thêm 10 tỷ USD ngay trong năm đầu tiên thực hiện Hiệp định (2010). Năm 2008, ASEAN là bạn hàng lớn thứ tư của Ấn Độ với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 47 tỷ USD. Theo quan điểm chính thống, FTA Ấn Độ – ASEAN là một thắng lợi cho cả hai bên, đặc biệt đối với Ấn Độ vì đây còn là một biểu hiện về sự thành công của Chính sách Hướng Đông.

Với việc ký kết Hiệp định FTA, quan hệ Ấn Độ - ASEAN đã mở ra những cơ hội mới, nhưng mặt khác cũng ẩn chứa nhiều thách thức. Thực tế quan hệ Ấn Độ - ASEAN đã được củng cố và tăng cường rất nhiều. Các cơ hội ngày càng thể hiện rõ do sự năng động trong hợp tác kinh tế Ấn Độ - ASEAN, nỗ lực đa dạng hoá của hợp tác khu vực giữa hai bên. Các nước ASEAN luôn bày tỏ thái độ sẵn sàng hợp tác với Ấn Độ trong các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, tạo đà cho sự phát triển kinh tế của mỗi bên. Tuy vậy, quan hệ thương mại Ấn Độ - ASEAN còn thấp, tỷ trọng của Ấn Độ trong tổng kim ngạch thương mại của ASEAN chỉ chiếm 1%. Các cuộc thương lượng về FTA cho hàng hoá của hai bên mới đạt được sự thỏa thuận một phần, nhiều mặt hàng nhạy cảm như phần mềm máy tính, công nghệ thông tin, sản phẩm dầu cọ, cà phê,... chưa có giải pháp triệt để. Chính sách của Ấn Độ về đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn hạn chế luồng vốn FDI đến từ ASEAN. Theo tờ Business Line, Ấn Độ có thể sẽ bị thiệt hại khi các nước ASEAN xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Ấn Độ với một hàng rào thuế quan thấp hơn trước nhiều. Thâm hụt thương mại của Ấn Độ trong buôn bán với ASEAN đã tăng từ 3,5 tỷ USD năm 2000 lên 14,5 tỷ USD năm 2007. (Xem tiếp phần 3)


* Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

 [1] ASEAN Secretariat, “ASEAN Statistical Yearboook”, 2005, p.70-73.

Nguồn:

Cùng chuyên mục