Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tư tưởng giáo dục Ấn Độ trong văn hóa Việt Nam: Câu chuyện của sự thẩm thấu (Phần 2)

Tư tưởng giáo dục Ấn Độ trong văn hóa Việt Nam: Câu chuyện của sự thẩm thấu (Phần 2)

03:38 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Tư tưởng giáo dục Ấn Độ trong văn hóa Việt Nam:
Câu chuyện của sự thẩm thấu

TS Nguyễn Phương Liên*

Nhân vật chính của câu chuyện, cậu bé 7 tuổi, bất chấp những ngăn cản vô hình mà tác giả cố ý chêm xen vào, thúc đẩy mạch truyện bằng một loạt những câu giục giã bà: “Kể đi bà, kể một câu chuyện đi bà!”... “Rồi sao nữa bà?”... “Rồi sao nữa?”... Hơn thế, khi câu chuyện đến đoạn vui thì cậu bé nhảy choi choi trên giường ghì lấy chiếc gối thật chặt; còn đến đoạn buồn thì tim cậu bé đập liên hồi, giọng nói tắc nghẹn... Những cảm xúc thật sự của cậu bé khi nghe câu chuyện bằng tất cả niềm tin đã làm lu mờ sự thông thái không đúng chỗ của người lớn. Thế giới của xúc cảm và tượng trưng với thế giới của lý trí trở thành đối cực của nhau mà ưu thế về cái đẹp lại thuộc về thế giới của xúc cảm và tượng trưng. Tư tưởng này được Tagore bộc lộ rất rõ ràng khi ông viết: “Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta cảm nhận được tất cả những điều thuần khiết; và chúng ta có thể khám phá những tinh túy này trong một câu chuyện thần tiên bằng một thứ khoa học chính xác của riêng chúng ta. Chúng ta chẳng bao giờ quan tâm đến những điều vô dụng của kiến thức như vậy. Chúng ta chỉ quan tâm đến lẽ phải. Và trái tim non nớt của chúng ta biết rõ Cung điện Chân lý bằng Pha lê nằm ở đâu và đi đến đó bằng cách nào...” [3;tr.346]. Rõ ràng là với truyện ngắn này, Tagore đã tạo nên một phép ẩn dụ lớn mà thái độ của ông hiển nhiên là bênh vực xúc cảm tinh khôi, trong sáng, thứ có thể chỉ huy nhận thức của con người; cho dù cảm xúc ấy có rời xa lý trí và sự phân tích đầy chuẩn xác theo kiểu khoa học phương Tây. Qua đó mà Tagore dường như đang khẳng định về con đường đi của một tác phẩm văn học khi đích đến cuối cùng là tâm trí của độc giả. Và ở truyện ngắn này, con đường đi ấy là con đường muôn thủa mà những người bà, người mẹ đã tìm ra. Bằng cách kể những câu chuyện thần tiên, họ đã khơi gợi được trong lòng chú bé biết bao mơ ước và tình yêu cuộc sống. Và đó chính là cách giáo dục phù hợp nhất cho những mầm non của cuộc sống con người trong những năm tháng đầu đời. Hẳn là khi chuyển ngữ tác phẩm này, dịch giả đã phần nào thẩm thấu những tư tưởng của Tagore về lựa chọn phương pháp giáo dục khi đại thi hào đặt ra một cặp tương phản rõ nét đến thế. Và thực tế là các nhà nghiên cứu văn học ở Việt Nam cũng không chỉ chú ý đến tác phẩm này vì cấu trúc đặc biệt của nó mà còn vì những quan điểm về giáo dục rất rõ nét trong câu chuyện.

Ý tưởng này của Tagore đã trở thành một tư tưởng về giáo dục thực sự khi ông đã lặp lại nhiều lần trong nhiều tác phẩm khác như một motif. Việc giáo dục một đứa trẻ dựa trên những nhân tố hiện thực của cuộc sống, cho đứa trẻ phát huy toàn bộ trí tưởng tượng và khả năng quan sát của đứa trẻ để xây dựng những nhận thức đầu tiên về cuộc sống. Và đây là một quá trình đòi hỏi một người thầy, một người dẫn dắt có bản lĩnh, có kiến thức và có tình yêu thương làm nền tảng cho động cơ và mục đích. Tagore đã biến kiểu hành động có ý thức này trở thành một nét tính cách của những nhân vật lý tưởng trong nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại của ông. Cách anh sinh viên luật Xasibusan dạy cô bé Giribala trong truyện ngắn Mây và mặt trời, cách anh sinh viên y Bihari dạy cậu bé trong tiểu thuyết Nàng Binodini, cách anh thanh niên dạy cậu bé con nhà giàu trong truyện ngắn Gia sư, cách người cha là nhà văn dạy cô con gái bé nhỏ trong truyện ngắn Bác hàng rong Kabul ... đều theo phương thức nói trên. Tuy vậy, điều đáng nói là những người đảm nhận vai trò người thầy, người hướng dẫn đều là những trí thức. Họ có ý thức và phương pháp rõ ràng cũng như sự sáng suốt để đánh giá đúng năng lực của học trò để từ đó gây dựng tình cảm yêu thương trong lòng đứa trẻ, từ lòng yêu thương dành cho người thầy đến lòng yêu thương dành cho tri thức và khoa học. Đồng thời, những người thầy, dù chỉ đảm nhận vai trò trong một thời gian ngắn ngủi, chuyên hay không chuyên, đều có ý thức tìm kiếm, thay đổi nếu cần thiết, phương pháp giáo dục của bản thân cho phù hợp với nhu cầu và năng lực của học trò. Thực tế, những câu chuyện này không chuyên sâu về vấn đề giáo dục nhưng tư tưởng giáo dục, cũng như những tư tưởng khác, lặp đi lặp lại trong các tác phẩm ở các thể loại khác nhau đã trở thành một đặc trưng trong phong cách của Tagore. Riêng với tư tưởng giáo dục, Tagore đã đưa vào ứng dụng trong trường học mà ông thành lập tại Shankitinetan, nay đặt tại tư gia của ông trước đây ở Calcutta và đạt được những thành công mang yếu tố tiên phong đối với nền giáo dục tại Ấn Độ.

Bước sang thế kỷ XXI, khi điện ảnh Ấn Độ có những bước tiến nhảy vọt thì những bộ phim về giáo dục cũng lan sang Việt Nam và tạo được tiếng vang lớn. Khi đã trở thành “quả bom tấn” của điện ảnh Ấn Độ, bộ phim Ba chàng ngốc của đạo diễn , chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn C.B, được công chiếu rộng rãi ở Việt Nam và trở thành một bộ phim được giới sinh viên bàn tán xôn xao vì động đến những vấn đề cốt yếu trong cuộc sống của họ. Trên các mạng xã hội, những lời bình luận tốt đẹp về bộ phim này lan tràn với không ít những ý kiến bộc lộ thẳng thắn những tác động to lớn đối với họ trong quá trình học tập và chọn nghề nghiệp. Triết lý quan trọng của bộ phim gửi gắm qua hành động và tư tưởng của nhân vật chính: chọn công việc bằng sự say mê, yêu thích thì sẽ thành công trong sự nghiệp. Chưa bàn đến tính lý tưởng lãng mạn của thông điệp cũng như tác động thực sự của tư tưởng này đến ngành giáo dục Việt Nam ra sao, bản thân ý nghĩa tích cực của thông điệp này đã cụ thể hóa triết lý của Ấn Độ vốn lan tỏa âm thầm trong tư tưởng của con người Việt Nam xưa nay: dung hòa được niềm yêu thích và tính thiết thực của công việc là một công thức lý tưởng cho tuổi trẻ khi bắt đầu sự nghiệp.

Kế tiếp, bộ phim Cậu bé đặc biệt (Like Stars on the Earth), với nam diễn viên chính trong bộ phim Ba chàng ngốc nói trên, đã dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với khán giả vốn đã dần quen với những bộ phim có những nét đặc trưng rất khác biệt của văn hóa Ấn Độ. Tuy nhiên, việc chiếu trên kênh HBO chỉ vài lần trong một thời gian ngắn và đề tài thu hẹp hơn cũng dẫn đến sự thu hẹp của lượng khán giả. Nhưng những người đang và sẽ công tác trong ngành giáo dục Việt Nam lại có ấn tượng khá mạnh với thông điệp của bộ phim này. Bản thân chúng tôi đã có những khảo sát trong bộ phận sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn và các học viên Cao học (đang giảng dạy tại hệ thống các trường học Việt Nam, từ cấp tiểu học đến Đại học) về phản ứng và trạng thái nhận thức trước và sau khi xem bộ phim đối với những học sinh cá biệt (như mẫu hình cậu bé nhân vật chính trong bộ phim). Nhìn chung, phản ứng của họ là sự thay đổi trong cách nhìn và coi tư tưởng giáo dục trong bộ phim là một xu hướng tiếp cận mới của phương pháp giáo dục. Cũng phải nói thêm là, trong những năm gần đây, lý thuyết giáo dục “đa trí tuệ” đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến giáo dục Việt Nam, đặc biệt là khối mầm non và tiểu học. Theo quan niệm đó, tài năng của mỗi người là khác biệt (có thể chia thành 8 dạng thông minh) nên không vận dụng chủ nghĩa cào bằng trong đánh giá năng lực của mỗi đứa trẻ. Giáo viên, vì thế, sẽ kiêm thêm nhiệm vụ đánh giá năng lực của trẻ ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó đưa ra định hướng cho phụ huynh trong cách giáo dục đứa trẻ để phát huy tối đa những ưu thế vốn có cũng như đạt chuẩn tối thiểu trong các lĩnh vực, các môn học còn lại. Phương pháp giáo dục này đã được triển khai rộng rãi, đặc biệt là ở những trường thực nghiệm hoặc bán công tại thủ đô Hà Nội hiện nay. Điều này nhận được sự ủng hộ của các bậc phụ huynh và được coi là một thành tựu của giáo dục ở thủ đô. Do đó, thông điệp của bộ phim Cậu bé đặc biệt (Like Stars on the Earth) với hình tượng cậu bé Ishaan được đón nhận một cách nồng nhiệt khi nhà làm phim xoáy sâu vào khả năng hội họa của cậu bé để khẳng định đó là một tài năng, chỉ cần khắc phục chứng khó đọc là cậu bé có thể đuổi kịp tập thể trong các môn học còn lại. Có lẽ chính vì lý do này mà khi tiến hành làm phụ đề tiếng Việt và quảng cáo cho bộ phim, những người có trách nhiệm đã chọn việc dịch tên bộ phim theo cách đưa cậu bé lên làm nhân vật trung tâm đến mức không lựa chọn cách nói ẩn dụ trong tên tiếng Anh, ám chỉ nhiều đứa trẻ cá biệt trong phim (cũng là một câu nói của nhân vật chính khác: thầy giáo Ram). Kết quả là bộ phim đã có một cái tên hoàn toàn khác về nghĩa, thu hẹp đối tượng hơn và nhấn mạnh vào nhân vật trung tâm hơn.

Nhưng với những người công tác trong ngành giáo dục, nhân vật Ram lại gây một sự chú ý đáng kể theo cách khác. Không chỉ vì hình tượng người thầy này có thể coi là một mẫu hình lý tưởng của giáo viên (dù được sử dụng thủ pháp phóng đại quen thuộc của điện ảnh Ấn Độ và cũng có nhiều yếu tố không thể tương thích với hoàn cảnh và cơ sở vật chất của giáo dục Việt Nam), hình tượng này còn bộc lộ một khía cạnh thực tiễn của giáo dục Việt Nam nói riêng và giáo dục thế giới nói chung. Theo quan niệm của Ram, mọi đứa trẻ đều có quyền học chung một môi trường, và với tình huống trong bộ phim, những học sinh ở trường Tulip, nơi Ram giảng dạy, cũng là một địa điểm có thực tại Ấn Độ, hoàn toàn có thể học cùng với những học sinh được đánh giá là bình thường khác. Tư tưởng này cũng không hoàn toàn xa lạ đối với giáo dục Việt Nam hiện nay. Kể từ thập niên 80 của thế kỷ XX, trong hệ thống trường công lập của Việt Nam đã có những lớp học dành riêng cho những học sinh chậm phát triển hơn về trí tuệ, với chương trình học và sự chăm sóc đặc biệt. Tất nhiên, những lớp học này nằm trong các dự án của chính phủ kết hợp với các tổ chức nhân đạo quốc tế. Nhưng trong những năm đầu của thế kỷ XXI, đã xuất hiện trường hợp “học sinh hòa nhập” trong các lớp học bình thường của một loạt các trường tại Hà Nội. Xét về mặt lý thuyết và tư tưởng, khó có thể truy nguyên nguồn gốc tư tưởng chủ đạo và mang tính khởi nguồn của hoạt động khoa học và xã hội. Nhưng có thể thấy rõ rằng, khi nguồn thông tin đang ngày càng rộng mở với xã hội Việt Nam đương đại thì nhiều nguồn khác nhau cùng chung một tư tưởng tích cực từ bên ngoài lan rộng vào theo nhiều con đường, sẽ khiến cho những người tiên phong cảm thấy vững bước hơn. Cũng như vậy, khi bắt gặp tư tưởng giáo dục tiến bộ trong bộ phim Cậu bé đặc biệt (Like Stars on the Earth) thì các nhà giáo dục sẽ càng dễ dàng hơn trong việc xúc tiến dự án nói trên, đồng thời có thể sử dụng bộ phim như một công cụ truyền bá những tư tưởng này cả trong và ngoài ngành.

Như vậy, có thể tổng kết công thức lý tưởng từ quan điểm giáo dục của Ấn Độ sau nhiều thế kỷ thẩm thấu ở Việt Nam chính là phép cộng của những yếu tố sau:

  • Đánh thức cảm xúc say mê với một công việc cụ thể trong tương lai.
  • Khơi gợi để tìm kiếm tiềm năng (trong đó người thầy rất cần tri thức, kiên trì, sáng tạo).
  • Lựa chọn phương pháp phù hợp với đối tượng (ưu tiên lấy thực tiễn làm yếu tố hàng đầu).
  • Phát huy trí tưởng tượng một cách hữu hiệu để mở rộng kiến thức.
  • Đối thoại và tổng kết ngắn gọn bằng hình thức văn vần để cô đọng kiến thức. (Xem tiếp phần 3)

* Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nguồn:

Cùng chuyên mục