Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Vấn đề thế kỷ châu Á (Phần 4)

Vấn đề thế kỷ châu Á (Phần 4)

02:11 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 3)

Vấn đề thế kỷ châu Á

GS, TS Hồ Sĩ Quý*

IV. Vấn đề biển Đông - thế kẹt của tham vọng cường quốc

Cần thiết phải nói rõ rằng, Biển Đông mà chúng tôi nói đến ở đây là vùng biển phía Tây Thái Bình Dương được giới hạn bởi các nước Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines, Đài Loan, và Trung Quốc. Ở Việt Nam, vùng biển này xưa nay vẫn được gọi là “Biển Đông”. Trên phạm vi hàng hải quốc tế, theo thói quen từ trong lịch sử, vùng biển này được biết đến bằng tên gọi biển “South China Sea”. Vấn đề là ở chỗ, gần đây, một số chính khách vụ lợi và một số đầu óc dân tộc chủ nghĩa Trung Hoa cố tình nhầm lẫn hiểu tên gọi này là “Vùng biển phía Nam thuộc Trung Quốc”. Bởi vậy đã có nhiều học giả và chính khách đề nghị đổi tên là “Biển Đông” hoặc “Biển Đông Nam Á”. Từ năm 2012, Philippines đã chính thức đặt tên vùng biển này là “Biển Tây Philippines”.

Cùng với sự lớn mạnh vượt trội về kinh tế, sức mạnh quân sự của Trung Quốc cũng được tăng cường và tham vọng trở thành cường quốc biển ngày nay đã trở thành cơn khát trong tâm lý dân tộc chủ nghĩa Trung Hoa. Sau nhiều thập niên thực hiện phương châm của Đặng Tiểu Bình “Ẩn sáng dưỡng tối” (giấu mình chờ thời), ngày nay, một số đầu óc chiến lược Trung Quốc đã lộ rõ tâm trạng nôn nóng[1]. Điểm nôn nóng nhất mà Trung Quốc chủ tâm thể hiện là kế hoạch độc chiếm biển Đông. Bên cạnh việc tăng cường nghiên cứu và tuyên truyền về biển đảo, từng bước hiện thực hóa mưu đồ “đường lười bò”, hiện đại hóa quân đội và lực lượng hải quân, đóng thử và đưa vào hoạt động tàu sân bay, phóng thêm vệ tinh giám sát toàn bộ biển đảo, vận hành giàn khoan khổng lồ…, Trung Quốc còn thực hiện kế sách gây phức tạp ở biển Đông, cản trở việc thực thi công ước Liên Hợp Quốc về luật biển 1982, đối đầu với Philipinnes, cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, cản trở ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trong vùng biển của mình, mời thầu khai thác dầu khí tại thềm lục địa của Việt Nam, tổ chức với số lượng lớn ngư dân đánh cá trái phép, lập đơn vị hành chính Tam Sa, hành chính hóa sự quản lý Hoàng Sa - Trường sa, chia rẽ và gây áp lực với các nước ASEAN trong vấn đề biển đảo... Trên bàn cờ địa chính trị, vấn đề biển Đông với tham vọng khai thác tài nguyên, kiểm soát tự do hàng hải, chi phối ASEAN và khống chế toàn bộ vùng phía Tây Thái Bình Dương…, trong chiến lược trỗi dậy của Trung Quốc, đã trở thành cái không thể che giấu[2].

Tình huống này, không chỉ gây áp lực đối với Việt Nam, các nước ASEAN, mà còn liên quan trực tiếp và thách thức lợi ích chiến lược của Mỹ[3].

Bởi vậy, ngày 23/7/2010 Hillary Clinton, ngoại trưởng Mỹ chính thức lên tiếng tại Hà Nội về “lợi ích quốc gia của Mỹ trong việc tự do hàng hải ở biển Đông”. Mỹ tuyên bố “hỗ trợ ngoại giao đối với các bên tranh chấp và lên án sự cưỡng ép, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực của bất kỳ nước nào”. Ngoại trưởng Mỹ còn nói rõ, “việc đòi chủ quyền đối với không gian biển phải bắt nguồn từ việc đòi chủ quyền hợp pháp với các đảo, đất, đá...trên biển”. Bài phát biểu của Clinton lập tức gây chấn động mạnh; ngoại trưởng Trung Quốc bỏ phòng họp và chính giới Trung Quốc khó chịu[4].

Không dừng ở đó, cuối năm 2011, Mỹ đã chính thức tuyên bố thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ. Phục vụ chiến lược này, Mỹ đã nâng cấp quan hệ quân sự và tiến hành tập trận chung với các nước như Philippines, Singapore, Australia, Ấn Độ… - những nước đang có tranh chấp với Trung Quốc. Kế hoạch cho sự có mặt dài lâu của quân đội Mỹ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng đã không ngần ngại được nói đến. Tinh thần “thế kỷ Thái Bình Dương” được Mỹ liên tục nhắc lại trong các diễn đàn chính trị quốc tế và cũng ít nhiều đã được triển khai trong thực tế. Mới đây nhất, tại Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) diễn ra ở đảo Cook ngày 31/8/2012, ngoại trưởng Mỹ một lần nữa khẳng định “Washington sẽ can dự lâu dài ở Nam Thái Bình Dương” và điều này không phải là độc chiếm Thái Bình Dương mà là do “Khu vực Thái Bình Dương đủ rộng cho tất cả các nước, cho Mỹ và cho một Trung Quốc đang lên”[5]. Tại Trung Quốc ngày 5/9/2012, Ngoại trưởng Clinton cũng nhắc lại, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực được Mỹ xem là động lực chính cho sự phát triển kinh tế và chính trị của thế giới trong thế kỷ XXI. Bà thúc giục Trung Quốc giải quyết tranh chấp trên biển Đông phải tiến hành bằng các biện pháp hòa bình, “không cưỡng ép” (without coercion) và việc đạt được Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC) là phù hợp với “lợi ích của tất cả các bên”[6]. Cỗ máy truyền thông Trung Quốc ngay lập tức đã tỏ thái độ phản ứng với quan điểm của Ngoại trưởng Mỹ.

Thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ - lời tuyên bố chính thức cho chiến lược này được ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton công bố tại hội nghị thượng đỉnh khối APEC gồm các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương nhóm họp tại Honolulu ngày 10/11/2011. Bài phát biểu của bà Clinton sau đó được đăng lại trên tờ Foreign Policy số tháng 11/2011. Chắc chắn đây là một văn kiện quan trọng mà có thể nhiều thập niên sau người ta mới thấy hết ý nghĩa của nó. Trong bài này, bà Clinton nói rõ: “Tương lai của các hoạt động chính trị sẽ được quyết định ở châu Á, chứ không phải ở Apghanistan hay Iraq, và Mỹ sẽ ở trung tâm của những hành động đó… Đúng là châu Á có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của nước Mỹ, một nước Mỹ can dự sẽ mang tính sống còn đối với tương lai của châu Á. Mỹ là cường quốc duy nhất có mạng lưới liên minh mạnh mẽ trong khu vực, không tham vọng về lãnh thổ, và có một thành tích lâu dài trong việc mang lại lợi ích chung. Cùng với các đồng minh, Mỹ đã nhận trách nhiệm đảm bảo an ninh khu vực trong nhiều thập niên - tuần tra các tuyến đường biển châu Á và duy trì sự ổn định - và đến lượt nó, điều đó đã góp phần tạo điều kiện cho sự tăng trưởng. Mỹ đã giúp đỡ hội nhập hàng tỉ người trong khắp khu vực vào nền kinh tế toàn cầu bằng cách thúc đẩy hiệu quả kinh tế, trao quyền xã hội, và tạo các mối quan hệ to lớn hơn giữa người dân với người dân. Mỹ là đối tác thương mại và đầu tư lớn, một nguồn tạo ra sự đổi mới có lợi cho người lao động và các doanh nghiệp ở cả hai bờ Thái Bình Dương, là nơi học tập của 350.000 sinh viên châu Á mỗi năm, người đấu tranh cho các thị trường mở cửa, và là một quốc gia ủng hộ các quyền phổ biến của con người”[7].

Có thể là để chuẩn bị cho bà Clinton công bố chiến lược Thế kỷ Thái Bình Dương, tờ Foreign Policy, trước đó một số, số tháng 9 và tháng 10 năm 2011 đã đăng bài “Biển Đông: tương lại của xung đột”, một bài viết ở tầm tư duy chiến lược, vạch rõ những căn cứ lý luận, những tư tưởng nền tảng cho chiến lược Biển Đông của Mỹ. Tác giả bài viết này là Robert D. Kaplan, chuyên viên cao cấp của Trung tâm An ninh Mỹ (CNAS - Center for a New American Security), thành viên Hội đồng Chính sách Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng. Ông cũng là một trong các tác giả CNAS hoạch định Chiến lược của Mỹ về Biển Đông thể hiện trong bản phúc trình 115 trang của CNAS công bố 1/2012[8]. Từ lúc công bố đến nay, bài viết này (“Biển Đông: tương lại của xung đột”) đã gây được sự chú ý của giới nghiên cứu, giới quân sự và các nhà hoạt động xã hội ở khắp các diễn đàn liên quan tới tình hình Biển Đông và Châu Á - Thái Bình Dương.

Robert D. Kaplan viết: “Đông Nam Á ngày nay đã nằm sâu trong giai đoạn hậu - Chiến tranh Lạnh. Việt Nam, thống soái bờ phía tây của Biển Đông, đang tìm kiếm các mối quan hệ quân sự gần gũi hơn với Mỹ... Cuộc đấu tranh để giành địa vị ưu việt tại Tây Thái Bình Dương không nhất thiết phải bao gồm chiến tranh. Chiến tranh chẳng phải là chuyện không thể tránh khỏi cho dù cạnh tranh là điều hiển nhiên. Và nếu Trung Quốc và Hoa Kỳ xử lý thành công cuộc chuyển giao sắp đến, thì châu Á, và cả thế giới, sẽ là một nơi an toàn và thịnh vượng hơn. Có gì có thể đạo đức hơn điều đó?”[9]. Dĩ nhiên đây không chỉ là quan điểm của riêng Kaplan.

Dẫn ra một cách kỹ hơn những quan niệm của Hillary Clinton và Robert Kaplan, chúng tôi muốn góp phần lý giải, tại sao vấn đề Biển Đông lại có ý nghĩa đáng kể đến như vậy trong tham vọng chiến lược của Trung Quốc và Mỹ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhóm chuyên gia phân tích tình hình quốc tế trong báo cáo của mình về tình hình biển Đông còn đánh giá rằng, vấn đề Biển Đông sẽ là “thế kẹt” (trapped) của những tham vọng cường quốc[10]. Câu hỏi Trung Quốc liệu có vượt qua Mỹ để trở thành cường quốc chi phối thế giới trong thế kỷ XXI hay không, trên thực tế lại phụ thuộc không nhỏ vào việc giải quyết vấn đề Biển Đông. (Xem tiếp phần 5)

*Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Thông tin khoa học xã hội.


[1] Xem: Lưu Minh Phúc (2011). Giấc mơ Trung Quốc.Tư duy nước lớn và định vị chiến lược trong thời đại hậu Mỹ. Nxb. Thời đại. // 同主题阅读:[ZGPT]未来50年中国的六场战争:将彻底打破世界格局 (6 cuộc chiến tranh của Trung Quốc 50 năm tới). http://www.mitbbs.com/article_t/MiscNews/31207047.html

[2] Xem: David Uren (2012). The Kingdom and the quarry: China, Autralia feear and Greed. Publisher: Black Inc. (Rất nhiều tài liệu về vấn đề này, nhưng đây là tài liệu đáng chú ý hơn cả). Xem thêm: Trung Quốc tham vọng độc chiếm biển Đông - Kế hoạch ứng phó liên minh Mỹ - Australia http://miscellaneous-land.over-blog.net/article-trung-qu-c-tham-v-ng-c-chi-m-bi-n-ong-k-ho-ch-ng-pho-ng-minh-m-_-uc-106345685.html.

[3] Xem: Vikram Nehru (2012). Collision Course in the South China Sea. http://nationalinterest.org/commentary/collision-course-the-south-china-sea-7380.

[4] Hillary Rodham Clinton, Secretary of State (2010). Tài liệu đd.

[5] Hillary Rodham Clinton, Secretary of State (2012). Commemorating U.S. Peace and Security Partnerships in the Pacific.Cook Islands, August 31. http://www.state.gov/secretary/rm/2012/08/197262.htm

[6] Ngoại trưởng Mỹ: COC phù hợp với lợi ích của tất cả các bên. http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/The-gioi/558457/ngoai-truong-my-coc-phu-hop-voi-loi-ich-cua-tat-ca-cac-ben.htm.

[7] Hillary Clinton (2011). America's Pacific Century. Foreign Policy. November, 2011. http://www.foreignpolicy.com/articles/2011/10/11/americas_pacific_century?page=full.

[8] CNAS (2012). Tài liệu đđ.

[9] Robert D. Kaplan (2011). Tài liệu đd.

[10] Xem: International Crisis Group (2012). Stirring up the South China Sea (II): Regional Responses. Asia Report N°229,. 24 Jul 2012. http://www.crisisgroup.

Nguồn:

Cùng chuyên mục