Vì sao Ấn Độ muốn tham gia phát triển ngành giấy tại Việt Nam?
Trong thời gian tới, Ấn Độ mong muốn được tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển ngành giấy, đáp ứng với nhu cầu của thị trường Việt Nam và Ấn Độ.
Ông K. Srikar Reddi - Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Việt Nam - đánh giá, năm 2018 là một năm thành công về mặt trao đổi cấp cao giữa Ấn Độ và Việt Nam. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Ấn Độ vào tháng 1/2018; Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind cũng đến thăm Việt Nam từ ngày 18 - 20/11/2018. Việc lãnh đạo cấp cao của hai nước gặp gỡ đã góp phần củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược ở tất cả các cấp, với kinh tế và thương mại như một mục tiêu chiến lược.
Thống kê của Chính phủ Ấn Độ cho thấy, từ mức 200 triệu USD trong năm 2000, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã tăng gần 60 lần vào năm 2017. Gần đây nhất, từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2018, thương mại của hai nước đã đạt 12,83 tỷ USD, với mức tăng 27% so với năm 2016. Và hai nước đang trên đường đạt được mục tiêu thương mại 15 tỷ USD vào năm 2020 như kỳ vọng của các nhà lãnh đạo của hai nước đã đặt ra.
Liên quan đến việc phát triển ngành giấy - ông K. Srikar Reddi - nhận xét, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình khoảng 6,2% trong giai đoạn 2000 - 2017, và năm 2017 tổng thương mại của Việt Nam tăng trưởng khoảng 21% với kim ngạch xuất khẩu lên tới 231 tỷ USD và nhập khẩu 211 tỷ USD. Dự kiến các Hiêp định thương mại tự do như CPTPP, FTA Liên minh Châu Âu - Việt Nam sẽ có hiệu lực trong năm 2019. Khi đó xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ tăng hơn so với thời điểm hiện tại và nhu cầu về giấy bao bì cũng sẽ tăng theo.
Theo các doanh nghiệp Ấn Độ, nhu cầu giấy phục vụ cho thị trường Việt Nam là rất lớn nhưng vì Việt Nam phải phụ thuộc vào giấy nhập khẩu nên doanh nghiệp Ấn Độ mong muốn được hợp tác, phát triển ngành giấy tại Việt Nam để bù đắp phần thiếu hụt này.
Cụ thể, vào tháng 2/2018, một phái đoàn gồm 40 thành viên của Hiệp hội Thương nhân giấy Ấn Độ đã đến thành phố Hồ Chí Minh và gặp gỡ các thành viên của Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam để tìm hiểu các cơ hội thương mại và đầu tư trong ngành này. Dự kiến đầu năm 2019 sẽ có hơn 10 công ty giấy của Ấn Độ đến Việt Nam để tham gia một triển lãm chuyên ngành giấy nhằm tiếp tục tiếp cận thị trường.
Theo ông Phan Thế Anh, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Công Thương), hiện ngành giấy Việt Nam có hơn 300 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 20 doanh nghiệp quy mô sản xuất từ 100 nghìn tấn/năm, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dự báo nhu cầu giấy của Việt Nam trong thời gian tới có thể tăng trưởng từ 8-10%/năm. Những điều này đã cho thấy tiềm năng phát triển lớn của lĩnh vực sản xuất giấy và bột giấy.
Với việc khảo sát thị trường, tham gia các triển lãm tại Việt Nam, phía Ấn Độ đang muốn tăng cường hợp tác, tiến tới hỗ trợ doanh nghiệp của Việt Nam về công nghệ, quy trình sản xuất để phát triển ngành giấy, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Ấn Độ đang phải nhập khẩu rất nhiều giấy và sản phẩm giấy để phục vụ cho nhu cầu trong nước. Năm 2017, Ấn Độ đã nhập khẩu các sản phẩm giấy có giá trị lên tới trên 3 tỷ USD từ khắp nơi trên thế giới nhưng giá trị nhập từ Việt Nam chỉ chiếm phần rất nhỏ với gần 20 triệu USD. Dự kiến nhu cầu giấy của Ấn Độ có khả năng đạt 19,9 triệu tấn mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2021 - 2022. Với mức tiêu thụ lớn như vậy, Ấn Độ cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất nhiều hơn để xuất qua nước này.
Nguồn: https://congthuong.vn/vi-sao-an-do-muon-tham-gia-phat-trien-nganh-giay-tai-viet-nam-114031.html
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ: Chứng khoán bùng nổ và cách bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ
Kinh tế 10:00 09-12-2024
Tập đoàn Vietravel mở rộng hoạt động tại Ấn Độ
Kinh tế 03:00 16-11-2024
Ấn Độ đạt kỷ lục trong xuất khẩu hàng hóa
Kinh tế 03:00 17-11-2024
Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và những tác động
Kinh tế 02:00 28-10-2024