Vị trí, vai trò quan trọng của Ấn Độ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Châu Á - Thái Bình Dương đang trở thành trung tâm của quyền lực toàn cầu trong thế kỷ XXI, là nơi tập trung những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Ấn Độ không phải là một quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, nhưng với vị trí địa lý cận kề, quy mô dân số, diện tích, tầm ảnh hưởng văn hóa - ngoại giao cũng như tiềm lực chính trị - quân sự của mình, Ấn Độ hoàn toàn có đủ sự quan tâm và lợi ích để tham gia trọn vẹn vào tiến trình phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bởi vậy, một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng trong thế kỷ XXI chắc chắn không thể thiếu vai trò và đóng góp to lớn của Ấn Độ với tư cách là một cường quốc khu vực đang ngày càng lớn mạnh và xứng đáng có một vị thế tương xứng.
Vị trí, vai trò quan trọng của Ấn Độ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ*
Gần 52 năm trước đây, ngày 17/10/1954, Thủ tướng Ấn Độ, Jawarharlal Nehru, đã đặt chân đến Hà Nội, thăm chính thức Việt Nam. Đó là một thời khắc có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ giữa hai đất nước Việt Nam và Ấn Độ. Chuyến đi của Thủ tướng Nehru, người đứng đầu chính phủ nước ngoài đầu tiên đến Hà Nội, chỉ một tuần sau ngày giải phóng Thủ đô, không chỉ là minh chứng cho sự ghi nhận to lớn của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đối với cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà quan trọng hơn, là bước đi đầu tiên đặt nền móng vững chắc cho quan hệ tốt đẹp giữa hai đất nước. Cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Nehru ngày đó thắm đượm tình hữu nghị và cũng tràn đầy viễn cảnh tươi sáng.
Tình hữu nghị bền chặt Việt Nam - Ấn Độ đã được lửa thử vàng và nâng lên tầm cao mới trong suốt cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam những năm sau đó. Với tư cách là một trong những lá cờ đầu của Phong trào Không liên kết và phong trào giải phóng thuộc địa, Ấn Độ luôn sát cánh ủng hộ Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong những năm tiếp theo. Việt Nam độc lập, tự do, đi tới hạnh phúc có công đóng góp không nhỏ của Ấn Độ. Tình hữu nghị, sự tin cậy và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước là nền tảng vững chắc để Việt Nam và Ấn Độ vững bước tiến vào tương lai.
Ngày nay, tình hình thế giới và khu vực đã và đang có những thay đổi mạnh mẽ, sâu sắc, nhiều mặt phức tạp đòi hỏi cả Việt Nam lẫn Ấn Độ đều phải xây dựng cho mình tầm nhìn mới, tin cậy cho một chiến lược lâu dài. Chiến tranh Lạnh kết thúc cách đây hơn hai mươi năm đã xóa bỏ trật tự Yalta hình thành từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II và tạo nên những xáo trộn địa chính trị sâu sắc trên toàn cầu. Trong thời gian kéo dài hơn hai thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến một thế giới phân cực, với một siêu cường ở vị trí thống trị và rất nhiều cường quốc khu vực vươn lên mạnh mẽ. Trật tự đó tuy duy trì được một sự ổn định tương đối trên toàn cầu nhưng không ngăn được những cuộc xung đột và những cuộc chiến tranh khu vực ngày càng có tính chất phức tạp hơn. Các cuộc chiến ở Kosovo, Iraq, Afghanistan hay mới đây ở Lybia và Syria; các biến động chính trị, xã hội to lớn ở Ai Cập, Lybia.. đã làm đảo lộn trật tự địa chính trị ở Balkan, Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi và thổi lên những ngọn lửa xung đột âm ỉ về sắc tộc, tôn giáo, những hình thức xung đột mà trước đây nhiều nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế đã vội loại ra khỏi các dự đoán điển hình.
Tuy nhiên, điều nghiêm trọng nhất về an ninh mà chúng ta phải đối mặt trong quan hệ quốc tế ngày nay là sự nổi lên mạnh mẽ của những thách thức an ninh phi truyền thống, bên cạnh những nguy cơ bất ổn từ sự cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc. Chủ nghĩa khủng bố giờ là kẻ thù của mọi quốc gia, trong đó có Ấn Độ với khu vực bất ổn ở Jammu&Kashmir. Ngoài ra, tình trạng biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực là những thách thức lớn khác mà cả Ấn Độ và Việt Nam, hai trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu, cùng phải đối mặt.
Trong bức tranh toàn cảnh đó, châu Á - Thái Bình Dương đang trở thành trung tâm của quyền lực toàn cầu trong thế kỷ XXI và cũng là trung tâm của những ngòi nổ xung đột tiềm ẩn đáng quan tâm nhất. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tầm quan trọng chiến lược, chiếm khoảng 40% diện tích lãnh thổ và hơn 41% dân số thế giới, có nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có và nhiều tuyến giao thông hàng hải huyết mạch của thế giới đi qua. Từ khi bước vào thế kỷ XXI đến nay, châu Á - Thái Bình Dương là nơi tập trung những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới và 3 nền kinh tế lớn nhất Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đều nằm trong khu vực. Về chính trị - quân sự, châu Á - Thái Bình Dương có sự hiện diện của 3/5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Mỹ, Trung Quốc, Nga) và có sự ganh đua tranh giành ảnh hưởng ngày càng rõ rệt giữa một bên là các cường quốc muốn duy trì trật tự cũ (Mỹ, Nhật) với một bên là các cường quốc đang trỗi dậy muốn thiết lập một trật tự mới (Trung Quốc, Nga). Vì thế, có thể nói, tương lai thế giới trong thế kỷ XXI là hòa bình hay chiến tranh, thịnh vượng hay đói nghèo phụ thuộc rất lớn vào bàn cờ chính trị tại châu Á - Thái Bình Dương.
Vậy, trong tất cả những tiến trình này, đâu là vai trò và vị trị dành cho Ấn Độ? Về mặt địa lý, Ấn Độ không phải là một quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng với vị trí địa lý cận kề, quy mô dân số, diện tích, tầm ảnh hưởng văn hóa - ngoại giao cũng như tiềm lực chính trị - quân sự của mình, Ấn Độ hoàn toàn có đủ sự quan tâm và lợi ích để tham gia trọn vẹn vào tiến trình phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã sớm nhận ra điều này và từ nhiều năm trước đã đề ra Chính sách Hướng Đông, với mục đích tăng cường can dự chính trị và thúc đẩy quan hệ kinh tế với các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Chính sách này không chỉ phục vụ lợi ích quốc gia của Ấn Độ mà còn đem lại những đóng góp tích cực cho sự ổn định khu vực, bởi nó tạo nên những đối trọng quyền lực cần thiết trong thời điểm có những quốc gia đang trỗi dậy một cách không hòa bình.
Thời gian qua, chúng ta đang chứng kiến chính sách đó biến thành hành động. Ấn Độ đã xây dựng được các cơ chế đối thoại hiệu quả với ASEAN, tham gia tích cực vào các Diễn đàn đa phương của khu vực châu Á - Thái Bình Dường như Diễn đàn An ninh ASEAN (ARF), Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu ASEM hay Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)… cũng như đã nâng quan hệ với nhiều thành viên trong khu vực Đông Nam Á lên mức đối tác chiến lược. Đối với các chủ đề nóng và phức tạp trong khu vực như tranh chấp ở Biển Đông, quan điểm của Ấn Độ cũng ngày một rõ ràng hơn. Năm 2000, khi hạ thủy tàu khu trục Brahmaputra, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ khi đó là George Fernandes đã tuyên bố: “Khu vực lợi ích của Ấn Độ mở rộng từ phía bắc Biển Ả-rập đến Biển Đông”.
Xuất phát ban đầu từ tuyên bố đó, các đời chính phủ tiếp theo của Thủ tướng Manmohan Singh và Thủ tướng Narendra Modi đều tái khẳng định rằng Ấn Độ có lợi ích tại châu Á - Thái Bình Dương, và cụ thể là trong việc duy trì tự do hàng hải và hòa bình trên Biển Đông, như tuyên bố của Thủ tướng Narendra Modi vào tháng 5/2014. Từ tuyên bố đến hành động, mới đây nhất, tháng 6/2016, Ấn Độ đã cùng Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành tập trận tại Biển Đông với mục đích hỗ trợ an ninh hàng hải. Những bước đi cụ thể và mạnh mẽ đó là minh chứng cho cam kết vững chắc của Ấn Độ đối với chiến lược “Hành động Phía Đông” do Thủ tướng Narendra Modi nâng cấp sau khi nhậm chức năm 2014.
Để thực hiện hiệu quả sự chuyển dịch chiến lược đó sang phía Đông, Ấn Độ có những điểm tựa vững vàng.
Điểm tựa thứ nhất là một nền kinh tế năng động bậc nhất thế giới. Quý I/2016, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 7,9%, lạm phát bị hạ xuống 5% so với 10% vào năm 2014. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chững lại trong thời gian qua, Ấn Độ đang dần trở thành đầu tàu và động lực của kinh tế châu Á. Năm 2015, với gần 30 tỷ USD nhận được từ cam kết của các nhà đầu tư nước ngoài, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia tiếp nhận FDI lớn nhất thế giới. Những chỉ số lạc quan này là thành quả của chương trình Công nghiệp hóa quan trọng “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ) mà Thủ tướng Narendra Modi đưa ra vào năm 2014, theo đó Ấn Độ quyết tâm thực hiện những cải cách mạnh bạo để thu hút đầu tư nước ngoài nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng và phát triển công nghiệp sản xuất nội địa.
Điểm tựa thứ hai của Ấn Độ là một nền quốc phòng lớn mạnh và một chính sách ngoại giao văn hóa gần gũi với nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt tại Đông Nam Á, nơi văn hóa truyền thống Ấn Độ tạo được ảnh hưởng đậm nét trong nhiều thế kỷ qua và các kiều dân gốc Ấn hiện diện đông đảo tại nhiều quốc gia. Tất cả những điều này tạo cho Ấn Độ một biên độ hành động rộng lớn trong các chính sách ngoại giao - quốc phòng của mình tại châu Á - Thái Bình Dương.
Đối với Việt Nam, sự can dự ngày càng tích cực của Ấn Độ vào châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt trong việc đảm bảo an ninh hàng hải và ngăn ngừa các xung đột trên biển, là một tín hiệu tích cực. Việt Nam - Ấn Độ có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp lâu đời và năm 2007, hai nước đã nâng tầm quan hệ lên mức đối tác chiến lược. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ nhiều lần khẳng định Việt Nam là một trong những trụ cột trong Chính sách Hướng Đông của mình và các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng coi Ấn Độ là đối tác đặc biệt quan trọng có cùng chia sẻ nhận thức chung về các vấn đề lớn trên trường quốc tế. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ hiện đang phát triển sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị kinh tế đến an ninh quốc phòng. Với Ấn Độ, Việt Nam là cầu nối với Đông Nam Á còn với Việt Nam, Ấn Độ là đối tác tin cậy hàng đầu có thể giúp Việt Nam phát triển nội lực và củng cố môi trường an ninh. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong tương lai vẫn còn rất lớn, bởi càng ngày Việt Nam và Ấn Độ càng nhận thức rõ rằng, hai nước có rất nhiều lợi ích chiến lược chung trong việc duy trì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương ổn định, hòa bình, phát triển và kiềm chế những ý định hung hăng của những thế lực đang muốn dùng sức mạnh để gạt bỏ vai trò của trật tự và công lý quốc tế.
Một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình thịnh vượng trong thế kỷ XXI chắc chắn không thể thiếu vai trò và đóng góp to lớn của Ấn Độ với tư cách là một cường quốc khu vực đang ngày càng lớn mạnh và xứng đáng có một vị thế tương xứng.
* Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục