Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới (Phần 1)

Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới (Phần 1)

Hai nước Việt Nam- Ấn Độ có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, Ấn Độ là người bạn lớn và đáng tin cậy của Việt Nam, trong khi Việt Nam là một trụ cột trong Chính sách Hướng Đông, nay là Hành động Phía Đông của Ấn Độ. Với việc nâng cấp quan hệ hai nước trở thành đối tác chiến lược vào năm 2007, hai nước Việt Nam và Ấn Độ đang nỗ lực hướng đến một tầm nhìn mới trong một bối cảnh khu vực và thế giới mới có nhiều biến động hàm chứa nhiều cơ hội cũng như đầy rẫy thách thức.

02:02 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới

                 PGS, TS Trương Thị Thông*

1. Một số nét khái quát về tình hình đặc điểm nước cộng hòa Ấn Độ

Ấn Độ (tiếng Hindi: भारत, tiếng Anh: India), tên gọi chính thức là nước Cộng hòa Ấn Độ, là một quốc gia thuộc khu vực Nam Á. Đây là quốc gia có diện tích lớn thứ bảy thế giới và đông dân thứ nhì trên thế giới với trên 1,2 tỷ người. Ấn Độ tiếp giáp với Ấn Độ Dương ở phía nam, biển Ả Rập ở phía tây nam, và vịnh Bengal ở phía đông nam, có biên giới trên bộ với Pakistan ở phía tây; với Trung Quốc, Nepal, và Bhutan ở phía đông bắc; và Myanmar cùng Bangladesh ở phía đông. Tại Ấn Độ Dương, Ấn Độ tiếp giáp với Sri Lanka và Maldives; thêm vào đó, quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ có chung đường biên giới trên biển với Thái Lan và Indonesia. Tiểu lục địa Ấn Độ là nơi xuất hiện văn minh lưu vực sông Ấn cổ đại, có các tuyến đường mậu dịch mang tính lịch sử cùng những đế quốc rộng lớn, và trở nên giàu có về thương mại và văn hóa trong hầu hết lịch sử lâu dài của mình. Đây cũng là nơi bắt nguồn của bốn tôn giáo lớn: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Jaina giáo và Sikh giáo; trong khi Do Thái giáo, Hỏa giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo được truyền đến vào thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên và cũng giúp hình thành nền văn hóa đa dạng của khu vực. Khu vực dần bị thôn tính và chuyển sang nằm dưới quyền quản lý của Công ty Đông Ấn Anh từ đầu thế kỷ XVIII, rồi nằm dưới quyền quản lý trực tiếp của Anh Quốc từ giữa thế kỷ XIX. Ấn Độ trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1947 sau một cuộc đấu tranh giành độc lập dưới hình thức đấu tranh bất bạo động do Mahatma Gandhi lãnh đạo. Nền kinh tế Ấn Độ lớn thứ 11 thế giới xét theo GDP và lớn thứ ba thế giới xét theo sức mua tương đương (PPP). Sau các cải cách kinh tế dựa trên cơ sở thị trường vào năm 1991, Ấn Độ trở thành một trong số các nền kinh tế lớn có mức tăng trưởng nhanh nhất và được nhận định là một nước công nghiệp mới. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn tiếp tục phải đối diện với những thách thức từ nghèo đói, tham nhũng, kém dinh dưỡng, y tế công thiếu thốn, và chủ nghĩa khủng bố. Ấn Độ là một quốc gia vũ khí hạt nhân và là một cường quốc trong khu vực, có quân đội thường trực lớn thứ ba và xếp hạng thứ tám về chi tiêu quân sự trên thế giới. Ấn Độ là một nước cộng hòa lập hiến liên bang theo thể chế nghị viện, gồm có 29 bang và 7 lãnh thổ liên bang với một hệ thống đa đảng, đa ngôn ngữ và đa dân tộc. Trong thập niên 1930, Anh Quốc ban hành các cải cách lập pháp một cách chậm chạp, Đảng Quốc đại Ấn Độ giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử, trong đó Mohandas Karamchand Gandhi trở thành lãnh tụ. Thập niên tiếp theo chìm trong các cuộc khủng hoảng: Ấn Độ tham gia vào Chiến tranh Thế giới thứ hai, Đảng Quốc Đại kiên quyết bất hợp tác, và một đợt bột phát chủ nghĩa dân tộc Hồi giáo. Tất cả đều bị ngăn lại với việc Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947, song bị kiềm chế do thuộc địa này phân chia thành hai quốc gia: Ấn Độ và Pakistan.

Trong 60 năm kể từ đó, Ấn Độ đã trải qua cả những thành công và thất bại. Tự do hóa kinh tế bắt đầu từ thập niên 1990, và tạo ra một tầng lớp trung lưu thành thị có quy mô lớn, biến Ấn Độ thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và tăng cường ảnh hưởng địa chính trị của mình. Phim, âm nhạc, và tôn giáo của Ấn Độ đóng một vai trò ngày càng lớn trong văn hóa toàn cầu. Tuy nhiên, Ấn Độ phải đương đầu với các vấn đề như nghèo nàn ở cả thành thị lẫn nông thôn, xung đột liên quan đến tôn giáo và đẳng cấp, quân nổi dậy Naxalite, chủ nghĩa ly khai tại Jammu và Kashmir và tại khu vực Đông Bắc Ấn Độ.  Bên cạnh đó, Ấn Độ còn có tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết với Trung Quốc và từng leo thang thành Chiến tranh Trung - Ấn vào năm 1962 và các cuộc chiến tranh biên giới với Pakistan bùng phát vào các năm 1947, 1965, 1971 và 1999. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, năm 2013, nền kinh tế Ấn Độ có GDP danh nghĩa là 1.758 tỷ USD; và có GDP theo sức mua tương đương là 4.962 tỷ USD. Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng GDP trung bình đạt 5,8% mỗi năm trong hai thập niên qua, và đạt mức 6,1% trong giai đoạn 2011-12,  Ấn Độ là một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, Ấn Độ đều xếp hạng trên 100 của thế giới về GDP danh nghĩa bình quân đầu người và GDP, PPP bình quân đầu người. Cho đến năm 1991, tất cả các Chính phủ Ấn Độ đều theo chính sách bảo hộ do chịu ảnh hưởng từ các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Sự can thiệp và sắp đặt của nhà nước là phổ biến, tạo nên một bức tường lớn ngăn cách kinh tế Ấn Độ với thế giới bên ngoài. Một cuộc khủng hoảng sâu sắc về cán cân thanh toán vào năm 1991 buộc đất nước phải tự do hóa nền kinh tế; kể từ đó, Ấn Độ chuyển đổi chậm hướng về một hệ thống thị trường tự do với việc nhấn mạnh cả ngoại thương và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mô hình nền kinh tế Ấn Độ trong thời gian gần đây phần lớn là tư bản chủ nghĩa. Ấn Độ trở thành một thành viên của WTO từ ngày 1 tháng 1 năm 1995. Ấn Độ có lực lượng lao động gồm 486,6 triệu người theo số liệu năm 2011. Lĩnh vực dịch vụ chiếm 55,6% GDP, lĩnh vực công nghiệp chiếm 26,3% và lĩnh vực nông nghiệp chiếm 18,1%. Các nông sản chính của Ấn Độ là lúa gạo, lúa mì, hạt có dầu, bông, đay, chè, mía, và khoai tây. Các ngành công nghiệp chính của Ấn Độ là dệt, viễn thông, hóa chất, dược phẩm, công nghệ sinh học, chế biến thực phẩm, thép, thiết bị vận tải, xi măng, khai mỏ, dầu mỏ, máy móc, và phần mềm. Năm 2008, Ấn Độ chiếm 1,68% giá trị ngoại thương toàn cầu; Năm 2011, Ấn Độ là nước nhập khẩu lớn thứ 10 và nước xuất khẩu lớn thứ 19 trên thế giới. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Ấn Độ bao gồm các sản phẩm dầu mỏ, hàng dệt may, đồ kim hoàn, phần mềm, sản phẩm công nghệ, hóa chất, và gia công đồ da thuộc. Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm dầu, máy móc, ngọc, đá quý, phân bón, và hóa chất. Từ năm 2001 đến năm 2011, đóng góp của các mặt hàng hóa dầu và công nghệ vào giá trị xuất khẩu tăng từ 14% lên 42%. Mức lương theo giờ tại Ấn Độ tăng gấp đôi trong thập niên đầu của thế kỷ XXI. Khoảng 431 triệu người Ấn Độ thoát nghèo kể từ năm 1985; các tầng lớp trung lưu của Ấn Độ được dự tính sẽ đạt khoảng 580 triệu người vào năm 2030. Năm 2010, Ấn Độ xếp hạng 51 về năng lực cạnh tranh toàn cầu, xếp hạng 7 về trình độ phát triển của thị trường tài chính, xếp hạng 24 về lĩnh vực ngân hàng, xếp hạng 44 về trình độ phát triển trong kinh doanh và xếp thứ 39 về cách tân, đứng trước một số nền kinh tế tiến bộ. Năm 2009, 7 trong số 15 công ty gia công phần mềm hàng đầu thế giới đặt tại Ấn Độ, do vậy đất nước này được nhìn nhận là nơi gia công phần mềm thuận lợi thứ hai sau Hoa Kỳ. Thị trường tiêu dùng của Ấn Độ hiện lớn thứ 11 thế giới, và dự kiến sẽ lên vị trí thứ 5 vào năm 2030. Đến cuối tháng 5 năm 2012, Ấn Độ có 960,9 triệu thuê bao điện thoại,và sau quý đầu tiên của năm 2013, Ấn Độ vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường điện thoại thông minh lớn thứ ba trên thế giới sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ngành công nghiệp ô tô của Ấn Độ tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới, doanh số bán hàng nội địa tăng 26% trong giai đoạn 2009-10 và doanh số xuất khẩu tăng 36% trong giai đoạn 2008-09. Công suất điện năng của Ấn Độ là 250 GW, trong đó 8% là năng lượng tái tạo. Đến cuối năm 2011, ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Ấn Độ tạo việc làm cho 2,8 triệu chuyên viên, tạo ra doanh thu gần 100 tỷ USD, tức bằng 7,5% GDP của Ấn Độ và đóng góp 26% kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ. (Xem tiếp phần 2)


* Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn:

Cùng chuyên mục