Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Việt Nam - Ấn Độ phát huy “sức mạnh mềm” thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược (Phần 2)

Việt Nam - Ấn Độ phát huy “sức mạnh mềm” thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược (Phần 2)

Trong thời đại ngày nay, “sức mạnh mềm” đang là vấn đề nổi lên như một nhân tố cơ bản để nâng cao sức cạnh tranh quốc gia cũng như để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của đất nước trong khu vực và trên thế giới. Sức mạnh mềm đang trở thành công cụ của quan hệ quốc tế giúp các chủ thể trong tương lai chiếm ưu thế, phát huy sức mạnh tổng thể của quốc gia. Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia đang phát triển, có nhiều tiềm năng về “sức mạnh mềm” và đang tích cực, chủ động phát huy nó nhằm nâng cao vai trò, vị thế của mình ở khu vực cũng như trên thế giới. Nghiên cứu, phát huy tiềm năng “sức mạnh mềm”của mỗi nước, cũng như phối kết hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực này là việc làm cần thiết, cấp bách của cả hai quốc gia.

02:08 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Việt Nam - Ấn Độ phát huy “sức mạnh mềm” thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược

PGS, TS Thái Văn Long*

Thứ hai, sự đột phá trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là phần mềm, đã từng khiến cả thế giới phải sửng sốt, đây cũng là một hướng khác trong việc phát huy “sức mạnh mềm” của Ấn Độ.

Hướng đi này giúp Ấn Độ liên tục đạt được hết thành tựu này đến thành tựu khác và trở thành quốc gia được mệnh danh “văn phòng của thế giới”. Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, đi cùng với chủ trương tự do hoá và mở cửa kinh tế, Chính phủ Ấn Độ đã có những đầu tư chiến lược để đạt được mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành một siêu cường về công nghệ thông tin của thế giới. Đưa công nghệ thông tin lên ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung nhanh, mạnh vào lĩnh vực phần mềm, Ấn Độ đã nhanh chóng có được thành công vượt trội. "India is IT" đã không còn là một khẩu hiệu suông mà thực sự trở thành một phương châm đưa Ấn Độ lên hàng đầu trong danh sách những địa chỉ gia công phần mềm của thế giới với tốc độ phát triển vài trăm phần trăm mỗi năm. Theo báo cáo năm 2014, chỉ tính riêng doanh thu của ngành phần mềm, Ấn Độ đã thu về tới 39 tỷ USD. Nếu so sánh với ngành phần cứng của chính đất nước này, chỉ với 6 tỷ USD, thì 39 tỷ USD doanh số cũng đã là một con số thành công thật sự nổi bật[1].

Điều đầu tiên trực tiếp có thể nhìn thấy ngay đã tạo nên thành công cho ngành phần mềm Ấn Độ chính là nguồn nhân lực. Hệ thống giáo dục tuyệt vời với các học viện công nghệ quốc gia được trang bị các trang thiết bị hiện đại nhất, mạng lưới hơn 1000 trường đại học và cao đẳng đào tạo chuyên ngành về công nghệ thông tin nằm rải rác khắp cả nước, chưa kể các cơ sở đào tạo tư nhân uy tín, các trung tâm đào tạo và đào tạo lại của các doanh nghiệp lớn... tất cả đã tạo cho nguồn nhân lực phần mềm của quốc gia này một căn bản cực tốt. Cộng thêm thuận lợi sẵn có, tiếng Anh là thứ ngôn ngữ chính thống dùng giảng dạy, các kỹ sư công nghệ thông tin, kỹ sư phần mềm của Ấn Độ ngay khi ra trường đã có thể làm việc ngay tại môi trường quốc tế với chất lượng đạt chuẩn toàn cầu. Đó là chưa kể khả năng thích ứng cực tốt của các kỹ sư này với mọi môi trường làm việc và những biến đổi nhạy bén của thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Cùng với xu hướng toàn cầu hoá, những kỹ sư này được hút ra các thị trường ngoài biên giới Ấn Độ như Mỹ, châu Âu và rồi lại trở lại thị trường Ấn Độ để tạo ra các thế hệ kỹ sư phần mềm mới cho đất nước. Tất nhiên, không thể phủ nhận sau những thế hệ kỹ sư được đào tạo từ thời Xô viết, chất lượng nhân lực của ngành có phần giảm sút, mất cân đối cung cầu, song không vì thế, nguồn nhân lực mất đi vai trò chủ chốt trong nội lực của ngành phần mềm nước này. Có thể khẳng định, nguồn nhân lực được đào tạo bàn bản vẫn luôn là một trong những nguồn sức mạnh chủ yếu của Ấn Độ.

Tiếp theo, có thể đề cập tới là chính sách. Dù không thực sự rõ ràng và trực tiếp tác động, nhưng chính sách mở cửa, thông thoáng và những ưu đãi nhất định của Chính phủ Ấn Độ đã phần nào tạo nên sức hút khiến phần lớn những tên tuổi lớn nhất của công nghệ toàn cầu đã phải có mặt ở đây. Ví dụ: 7 khu công nghệ cao nằm rải rác khắp cả nước đã được xây dựng nên nhờ những nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng của các tên tuổi lớn của thế giới như IBM, Digital, Hewlett Packard, Sun, Motorola... với những chính sách ưu đãi đặc biệt như: cung cấp đầy đủ cơ sở hạ tầng, miễn thuế nhập khẩu, thuế doanh thu trong 5 năm, tối giản các thủ tục hành chính phức tạp và tạo quyền chuyển lợi nhuận về nước[2]. Đó cũng là những hành động thiết thực nhất thể hiện quyết tâm đầu tư quyết liệt của chính phủ nước này cho công nghệ thông tin nói chung và phần mềm nói riêng.

Thứ ba, Ấn Độ thực thi chính sách ngoại giao dung hòa, hữu nghị

Có thể thấy, uy tín và ảnh hưởng quốc tế của Ấn Độ được phát huy khi các lợi ích chiến lược của họ mở rộng khắp Ấn Độ - Thái Bình Dương và xa hơn nữa. Quyền lực mềm của Ấn Độ có những đặc điểm rất hiếm thấy so với các cường quốc khác trong thế giới đa cực đang hình thành như: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và châu Âu (như là một thực thể thống nhất). Hình ảnh tương đối trung lập, không gây đe dọa ai đã khiến Ấn Độ trở thành một cường quốc hấp dẫn đối với các quốc gia dân tộc đang tìm kiếm phương thức để có thể độc lập, tự chủ, tránh khỏi các tác động của cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như các cường quốc khác trong tương lai. Ấn Độ luôn thực hiện chính sách đối ngoại thân thiện, không muốn phải đối đầu với một trong hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc, Ấn Độ muốn trở thành một cường quốc của sự hợp tác.

Việc đẩy mạnh hoạt động ngoại giao làm cho Ấn Độ có thể chuyển đổi lợi thế quyền lực thành lợi ích chiến lược và kinh tế. Chính phủ của ông Modi nhận ra điều này và đang xây dựng các sáng kiến Quốc hội để nâng cao công cụ ngoại giao nhân dân của Ấn Độ. Ấn Độ thiếu về “cơ bắp” ngoại giao nhưng lại được bổ sung bằng sức mạnh mềm. Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã tung ra một ứng dụng điện thoại thông minh tích hợp các dịch vụ lãnh sự, thông tin về chính sách đối ngoại của Ấn Độ, và một tính năng “Dõi theo Thủ tướng” cho phép người dùng theo dõi các chuyến thăm nước ngoài của ông Modi. Các kênh này được thiết kế để bổ trợ cho nền ngoại giao thông thường của Ấn Độ, giao tiếp trực tiếp với giới tinh hoa chính trị và công chúng trên toàn thế giới. Sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để khuếch trương các chuyến đi nước ngoài cho phép Modi khắc họa mình như là một chính khách quốc tế, làm sống lại niềm tự hào về Nhãn hiệu Ấn Độ và thu hút đầu tư. Thương hiệu ngoại giao mới và tràn đầy sinh lực của Chính phủ của ông Modi đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo thế giới.

Cùng với việc tìm cách tăng cường vị thế quốc tế của Ấn Độ bằng cách cải tạo các công cụ được sử dụng để giao tiếp với thế giới, ông Modi đã bắt đầu cập nhật việc truyền tải thông điệp của quốc gia. Ông mong muốn biến Ấn Độ thành một nước “lãnh đạo tư tưởng toàn cầu”, như một vị giáo trưởng Vishwa, hoặc giáo trưởng của thế giới[3].

Thứ tư, Ấn Độ tích cực phát huy lợi thế về lịch sử, văn hóa

Ấn Độ tự hào về Bollywood, Yoga, Phật giáo và một truyền thống triết học phong phú. Ấn Độ có những nhà trí thức tầm cỡ thế giới từ Amartya Sen tới Salman Rushdie; có một cộng đồng người Ấn rộng khắp, giàu có và ngày càng tham chính ở nhiều trung tâm chính trị và kinh tế của thế giới. Để giải quyết những vấn đề này, Thủ tướng Ấn Độ Modi thực hiện một số những biện pháp. Ông đã tiếp cận với cộng đồng 25 triệu người Ấn Độ trong các chuyến thăm chính của ông ở nước ngoài. Nhiều người trong số những người di cư tương đối giàu có, có nhiều quan hệ kết nối và đặc biệt là họ không giống như những người Trung Quốc ở hải ngoại tham gia vào chính trị ngày càng nhiều. Thủ tướng Modi cũng sử dụng ngoại giao kỹ thuật số để cải thiện hình ảnh của đất nước mình. Ấn Độ từ lâu dường như đã không thể hoặc không sẵn sàng để trở thành một cầu thủ lớn trên đấu trường thế giới. Nhưng Thủ tướng Narendra Modi đang tìm cách để thay đổi điều này. Để bù đắp cho một đội ngũ đối ngoại nhỏ và yếu, ông đang khai thác quyền lực mềm đáng kể của Ấn Độ là những người dân di cư, các nhà trí thức và những người yêu thích Yoga. Trong một phát biểu gần đây tại trường Đại học Banaras Hindu, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nói với các giáo viên rằng: “trong thời đại hiện nay, có thể được coi là một kỷ nguyên của kiến ​​thức, vai trò và trách nhiệm của chúng ta đã tăng lên. Chúng ta phải nổi lên như một guru vishwa, không chỉ để cung cấp hướng đi mới cho thế giới, mà còn để bảo vệ di sản của chúng ta"[4].

Điều đó cho thấy, ý tưởng của Thủ tướng Narendra Modi là mong muốn làm nổi bật cách Ấn Độ kết nối giữa những giá trị lịch sử cổ xưa truyền thống và giá trị hiện đại. Việc ông lập luận trong chuyến thăm của ông tới New York rằng: “Ấn Độ là quốc gia trẻ nhất và cũng cổ xưa nhất của thế giới”[5] đã cho thấy, Ấn Độ khá thành công trong việc kết hợp yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại nâng cao ảnh hưởng và gia tăng sức mạnh mềm của đất nước mình. Như vậy, Ấn Độ đã dựa trên cả hai nền văn hóa: truyền thống cổ xưa và hiện đại để không những hồi sinh hình ảnh quốc tế của mình, mà còn quảng bá, phát huy hình ảnh đó trước cộng đồng nhân loại. (Xem tiếp phần 3)


* Phó Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

[1] http://computerjobs.vn/huong-nghiep/kinh-doanh-ict : “Điều gì làm nên sức mạnh của nghành công nghiệp phần mềm Ấn độ”

[2] Dẫn theo: http://computerjobs.vn/huong-nghiep/kinh-doanh-ict : “Điều gì làm nên sức mạnh của nghành công nghiệp phần mềm Ấn độ”

[3] Dẫn theo:Văn Cường “Ngoại giao Yoga: Chiến lược quyền lực mềm của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi” Nghiên cứu Biển Đông, ngày 10-3-2015

[5] SĐD:Văn Cường “Ngoại giao Yoga: Chiến lược quyền lực mềm của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi” Nghiên cứu Biển Đông, ngày 10-3-2015

Nguồn:

Cùng chuyên mục