Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Việt Nam - Ấn Độ phát huy “sức mạnh mềm” thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược (Phần 3)

Việt Nam - Ấn Độ phát huy “sức mạnh mềm” thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược (Phần 3)

Trong thời đại ngày nay, “sức mạnh mềm” đang là vấn đề nổi lên như một nhân tố cơ bản để nâng cao sức cạnh tranh quốc gia cũng như để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của đất nước trong khu vực và trên thế giới. Sức mạnh mềm đang trở thành công cụ của quan hệ quốc tế giúp các chủ thể trong tương lai chiếm ưu thế, phát huy sức mạnh tổng thể của quốc gia. Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia đang phát triển, có nhiều tiềm năng về “sức mạnh mềm” và đang tích cực, chủ động phát huy nó nhằm nâng cao vai trò, vị thế của mình ở khu vực cũng như trên thế giới. Nghiên cứu, phát huy tiềm năng “sức mạnh mềm”của mỗi nước, cũng như phối kết hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực này là việc làm cần thiết, cấp bách của cả hai quốc gia.

03:01 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

Việt Nam - Ấn Độ phát huy “sức mạnh mềm” thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược

PGS, TS Thái Văn Long*

 

Các con đường phát huy ảnh hưởng ở nước ngoài của Ấn Độ rất phong phú, đa dạng, được Ấn Độ thực hiện một cách sáng tạo, phù hợp và hiệu quả. Chính phủ mới của ông Narendra Modi tìm mọi cách để xây dựng nền kinh tế Ấn Độ và phát huy các nguồn lực ngoại giao, văn hóa. Ấn Độ đã nâng "thanh chắn" để khai thông mối quan hệ giữa tiềm năng quyền lực mềm của Ấn Độ và chính sách đối ngoại của mình. Lần đầu tiên, Nhà nước Ấn Độ đang bắt đầu sử dụng một cách có hệ thống của các nguồn tài nguyên con người và lịch sử, văn hóa giàu có của đất nước, dân tộc Ấn Độ, mà trước đây đã phát triển khá độc lập với các chính sách bó hẹp của nhà nước. Chính những điều này đã có tác động tích cực, làm gia tăng nhanh chóng sức mạnh mềm của Ấn Độ, nâng cao uy tín và vị thế của một cường quốc mới nổi này trên thế giới.

3. Một số nhận xét về việc Việt Nam phát huy sức mạnh mềm trong quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ

Những kinh nghiệm từ việc phát huy sức mạnh mềm của Ấn Độ là bài học quý, Việt Nam cũng có khá nhiều điểm tương đồng với quốc gia Nam Á này, chúng ta cần tham khảo. Sức mạnh mềm của Việt Nam đã từng được vận dụng rất khéo léo trong các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước của cha ông ta trong lịch sử. Ngày nay, chúng ta cần nhận thức đúng đắn hơn những tiềm năng sức mạnh mềm của Việt Nam, cần phát huy hơn nữa và sử dụng khéo léo sức mạnh ấy trong chiến lược mở cửa, hội nhập, phát triển, chấn hưng đất nước. Việt Nam có nhiều lợi thế có thể thu hút, lôi kéo các quốc gia khác như sự nổi danh từ cuộc đấu tranh giành độc lập, sự chuyển đổi thành công trở thành một nền kinh tế có mức tăng trưởng ấn tượng,... những điều này đã giúp gia tăng sức mạnh mềm của quốc gia. Cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa cần được đặc biệt chú trọng phát triển bởi nó đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất nước. Để làm tốt điều này, các nguồn lực cấu thành cơ bản của sức mạnh mềm là văn hóa quốc gia, hệ giá trị quốc gia và chính sách quốc gia rất cần được bồi đắp, trên cơ sở kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Riêng trong quan hệ với Ấn Độ, thời gian gần đây, Việt Nam đã và đang khai thác khá tốt những lợi thế “sức mạnh mềm” làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác chiến lược đã được hai nước ký kết từ năm 2007. Cụ thể:

Trước hết, trong chuyến thăm New Delhi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 10 năm 2014, hai nhà lãnh đạo Việt - Ấn đã ký kết 7 hiệp định hợp tác trong đó có các vấn đề hóc búa như Biển Đông, hợp tác quốc phòng, an ninh, năng lượng và thương mại. Đây là những yếu tố nổi trội trong quyền lực mềm của Việt Nam và đóng vai trò rất quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn. Ví dụ: hai bên khẳng định mong muốn và quyết tâm cùng nhau duy trì hoà bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Hai bên nhất trí cho rằng, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông không thể bị cản trở và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng hoặc đe đoạ sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Hai bên cam kết tuân thủ và thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002, hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận. Hai bên cam kết tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực bảo đảm an ninh của các tuyến đường biển, an ninh hàng hải, chống cướp biển và các hoạt động tìm kiếm cứu nạn[1].

Thứ hai, yếu tố tôn giáo đóng vai trò như một chất kết dính Ấn Độ với Việt Nam trong nhiều thập kỷ nay. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Ấn Độ (10/2014), hai bên đã ký một biên bản ghi nhớ về bảo tồn và phục hồi di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, một trong nhưng khu phức hợp đền thờ Hindu quan trọng nhất ở Đông Nam Á được xây dựng bởi các vương quốc Champa. Ngoài ra, Phật giáo cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc Việt Nam phát huy quyền lực mềm trong quan hệ với Ấn Độ. Hiện nay, Phật giáo được xác định là một trong 3 tôn giáo lớn của Việt Nam và chiếm gần 16,4% dân số. Với nền tảng này, Việt Nam và Ấn Độ đã ký biên bản ghi nhớ về việc thành lập đại học Nalanda tại Việt Nam như là biểu tượng của di sản Phật giáo mà Việt Nam và Ấn Độ cùng chia sẻ[2].

Thứ ba, hợp tác văn hóa cũng là một trong những nội dung quan trọng mà Việt Nam nhắm tới trong quan hệ với Ấn Độ. Một chương trình giao lưu văn hóa Việt - Ấn giai đoạn 2015 - 2017 cũng đã được ký kết khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm New Delhi. Việc hình thành cơ chế Hội nghị Bàn tròn Mạng lưới các học giả ASEAN - Ấn Độ; việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Hà Nội; sự hợp tác giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Hành chính công Ấn Độ là những bước tiến quan trọng trong nghiên cứu hiểu biết giữa hai nước.

Thứ tư, Về khoa học kỹ thuật, Việt Nam đã chủ động ký với Ấn Độ thành lập các viện nghiên cứu tại Việt Nam nhằm nâng cao năng lực về công nghệ thông tin, đào tạo tiếng Anh, phát triển doanh nghiệp, máy tính công nghệ cao và các lĩnh vực khác, chủ động hoàn tất các dự án hợp tác phát triển đã được hai bên lên kế hoạch, bao gồm dự án thành lập Trung tâm đào tạo tiếng Anh và Tin học tại Trường Đại học Thông tin Liên lạc tại Nha Trang, Trung tâm Tài năng Phát triển Phần mềm và Đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Dò tìm tín hiệu Vệ tinh và Tiếp nhận Dữ liệu Hình ảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục hợp tác về việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực không gian vũ trụ, bao gồm cả phóng vệ tinh…

Thứ năm, Việt Nam chủ động nâng cao sự hợp tác và phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; tăng cường hợp tác Việt - Ấn tại các diễn đàn ASEAN, RCEP, ARF, ADMM+, EAS, Liên Hợp quốc, Phong trào Không liên kết, ASEM và WTO, cũng như các cơ chế hợp tác khu vực khác. Việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Điều phối viên quan hệ ASEAN - Ấn Độ trong giai đoạn từ năm 2015 - 2018 sẽ thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa hai nước, khi ASEAN tiến tới hoàn thành mục tiêu trở thành Cộng đồng vào năm 2015.

Với những nhận thức đúng đắn về phát huy sức mạnh mềm, cùng tiềm năng và những bước triển khai của mỗi bên thời gian qua, cho phép chúng ta có một cái nhìn đầy lạc quan về mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ trong những năm tới. Hai quốc gia đã và đang tích cực, chủ động phát huy “sức mạnh mềm” nhằm nâng cao vai trò, vị thế của mình ở khu vực cũng như trên thế giới, điều này có lợi cho việc duy trì hoà bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới./.


* Phó Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

[1] Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ, Vnxprees ngày 28/10/2014

[2] Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ, Vnxprees ngày 28/10/2014 

Nguồn:

Cùng chuyên mục