Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Việt Nam và Ấn Độ tăng cường hợp tác kinh tế nông nghiệp lên tầm cao mới trong bối cảnh “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (Phần 2)

Việt Nam và Ấn Độ tăng cường hợp tác kinh tế nông nghiệp lên tầm cao mới trong bối cảnh “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (Phần 2)

03:38 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

TS Vũ Trọng Hùng*

Ngài Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish khẳng định: Nông nghiệp là lĩnh vực then chốt trong các chương trình hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam, nhất là đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, các mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại song phương. Thời gian qua, các công ty Ấn Độ đã đầu tư đáng kể vào Việt Nam trên các lĩnh vực quan trọng: đường, chè, cà phê, hồ tiêu, hạt giống, trang thiết bị nông nghiệp,… Trên cơ sở phân tích sâu sắc tiềm năng và thế mạnh giữa hai quốc gia, ông cho rằng: Trong thời gian tới, Ấn Độ và Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác ở các lĩnh vực có nhiều triển vọng, trong đó đáng chú ý là: hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp; hợp tác nghiên cứu về giống, kỹ thuật canh tác tiên tiến như công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch,… để xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao và bền vững; xúc tiến thương mại đối với trái cây, rau quả, thủy sản chế biến.

Về phía Việt Nam cho rằng, Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ 2 trên thế giới với hơn 1,3 tỷ người, chủ yếu là nông dân, nên có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp và là thị trường tiêu thụ rất lớn nông sản của Việt Nam. Do đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam coi Ấn Độ là thị trường hết sức tiềm năng, có vị trí quan trọng đặc biệt và mong muốn được hợp tác làm ăn lâu dài. Công ty Cổ phần Gò Đàng có trụ sở tại Khu công nghiệp Mỹ Tho (Tiền Giang) là một đơn vị xuất khẩu sản phẩm cá tra hàng đầu của Việt Nam. Công ty hiện có 70 sản phẩm xuất khẩu sang 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó Ấn Độ là thị trường chính. Từ năm 2015, công ty đã tiếp cận và xuất khẩu sang Ấn Độ các sản phẩm philê đông lạnh và philê tẩm bột chiên. Với mức tăng trưởng 20%/năm, năm 2017, công ty đã đạt doanh thu khoảng 15 triệu USD và đã không ngừng đa dạng hóa sản phẩm, giữ vững chất lượng hàng hóa để đứng vững trên thị trường Ấn Độ. Các công ty ở Ấn Độ cũng mong muốn được đẩy mạnh giao lưu thương mại và hợp tác đầu tư trong các mặt hàng như trà và tơ tằm. Đây là những lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu hợp tác.

Với nền tảng lâu đời của mối quan hệ đối tác chiến lược, cùng việc VCCI và Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (ICCI) đã ký Biên bản ghi nhớ thành lập Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa doanh nghiệp hai bên, tạo điều kiện nâng cao kim ngạch thương mại song phương. Ông Mohit Singla, Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến thương mại Ấn Độ (TPCI), khẳng định: Chúng tôi hy vọng trong vòng 5 năm tới, nền tảng này sẽ thu hút các công ty thực phẩm quốc tế, dù là Mỹ, Nepal hay Nhật Bản, Việt Nam,... đến và giao dịch, trao đổi với các công ty trong nước. Tất cả mọi công ty đều được chào đón đến tham gia giao dịch và kinh doanh làm ăn. Đặc biệt, các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam luôn luôn được chào đón và chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện về thuế, thủ tục hành chính để trợ giúp[1]. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế, tăng cường xúc tiến thương mại, hợp tác khai thác các tiềm năng và thế mạnh để phát triển bền vững mà Ấn Độ chính là một trong những đối tác quan trọng.

Sau hội thảo, ngày 30-11-2017, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc hội đàm với ông Parvathaneni Harish, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam và đại diện Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp của Ấn Độ về việc thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản giữa hai nước. Mặc dù quan hệ thương mại song phương giữa hai nước, nhất là về nông sản tương đối cao và đang ngày càng tăng mạnh, nhưng theo ông Parvathaneni Harish: Hai nước vẫn chưa phát huy hết tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và mong muốn thúc đẩy hợp tác hai bên bằng việc hình thành nghị định thư về hợp tác trong lĩnh vực nông sản giữa hai nước. Ông nhấn mạnh: Ấn Độ rất mong xuất khẩu sang Việt Nam một số mặt hàng nông sản của Ấn Độ như: nho, hạt vừng, quả lựu,... Và phía Việt Nam cũng rất quan tâm đến việc xuất khẩu các mặt hàng hoa quả sang Ấn Độ như thanh long và các loại quả khác. Từ đó, hai bên thỏa thuận thúc đẩy hợp tác về trồng trọt, chăn nuôi - thú y, thủy sản,... Ấn Độ mong muốn Việt Nam xuất khẩu trực tiếp hồ tiêu sang Ấn Độ và đề nghị Việt Nam tạo điều kiện để Ấn Độ xuất khẩu các mặt hàng nho, lựu, hạt kê sang Việt Nam. Ấn Độ cũng mong muốn Việt Nam sang đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản, trồng thanh long; còn Việt Nam mong muốn Ấn Độ tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp tục xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực[2] và đề nghị Ấn Độ cải thiện hơn về mức thuế áp với các mặt hàng nông sản của Việt Nam để cân bằng cán cân thương mại nông sản giữa hai bên (hiện Việt Nam đang nhập siêu từ Ấn Độ).

Bước sang năm 2018, quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục được tăng cường. Ngày 18-01-2018, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Ấn Độ phối hợp với Hội đồng Xúc tiến Thương mại Ấn Độ tổ chức thành công Tọa đàm “Hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực Nông nghiệp - Thực phẩm chế biến”. Nhân dịp này, đại diện Bộ Công Thương Việt Nam và Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã giới thiệu những tiềm năng và cơ hội thúc đẩy thương mại giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực nông, lâm thủy sản; khuyến nghị một số giải pháp để thúc đẩy thương mại song phương. Qua đó, quan hệ hợp tác nông nghiệp giữa hai nước tiếp tục được tăng cường và thực tế đã có sự tăng trưởng đột biến. Việt Nam nhập khẩu thủy hải sản, thịt trâu, hàng rau quả, thức ăn chăn nuôi từ Ấn Độ, trong khi Ấn Độ nhập khẩu trái cây, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, hải sản,… từ Việt Nam.

Đánh giá về triển vọng mối quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam nhân sự kiện Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Ấn Độ (3-2018), Giáo sư, Tiến sĩ Pankaj Jha cho rằng: Trong 3 năm trở lại đây, các hoạt động tích cực trong quan hệ Ấn Độ - Việt Nam đã mở ra những viễn cảnh hợp tác mới giữa hai bên. Điều này bao gồm sự hiểu biết chính trị về các lĩnh vực quan tâm chủ chốt, các lĩnh vực quốc phòng và chiến lược, tăng cường thương mại và đầu tư, nâng cao năng lực trong chế tạo, giáo dục, y tế, năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo và năng lượng không tái tạo, nông nghiệp với trọng tâm tập trung vào nghiên cứu nông nghiệp và phát triển các giống lúa mới, tăng cường quan hệ du lịch, văn hóa và kết nối cả về cơ sở hạ tầng và kỹ thuật số, tăng cường tín dụng và tìm kiếm những lĩnh vực mới của quan hệ đối tác đang phát triển. Với thực tế Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và Ấn Độ là nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất ở châu Á, hai nước cần tăng cường hợp tác với nhau. Riêng trên lĩnh vực nông nghiệp, quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước vẫn rất nhiều tiềm năng. Ấn Độ tiếp tục là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch song phương tăng bình quân 16%/năm trong 10 năm qua. Nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ đã và đang đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Ấn Độ dành nhiều ưu tiên cho Việt Nam trong hợp tác phát triển nông nghiệp[3].

Như vậy, quan hệ hợp tác nông nghiệp giữa hai nước ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả và từng bước được nâng lên tầm cao mới với những kết quả hết sức to lớn. Tính đến hết năm 2017, tổng vốn đăng ký đầu tư Ấn Độ vào Việt Nam đạt 756 triệu USD, với 168 dự án đầu tư, đứng thứ 28/126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực chế biến nông sản, khai khoáng, dầu khí, chế biến khoáng sản, công nghệ thông tin,... Việt Nam hiện có 7 dự án đầu tư sang Ấn Độ với tổng vốn đăng ký là 6,15 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực phân phối các sản phẩm thức ăn gia súc, phân phối vật liệu xây dựng, xuất khẩu mỹ phẩm, các sản phẩm tin học. Theo số liệu thống kê của Ấn Độ, kim ngạch thương mại hai nước năm 2017 đạt trên 12 tỷ USD. Đến nay, hai nước đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhau và đang hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020[4].

Bên cạnh những thành quả đạt được, Việt Nam và Ấn Độ còn nhiều vấn đề, khó khăn, thử thách cần vượt qua để tiếp tục đưa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đi vào thực chất, hiệu quả. Để quan hệ hợp tác kinh tế nông nghiệp giữa Việt Nam và Ấn Độ được nâng lên tầm cao mới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng: Cần đẩy mạnh kết nối trong thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững ở hai nước, gắn kết chặt chẽ giữa khuôn khổ Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững với các khuôn khổ hợp tác khu vực, trong đó có cơ chế hợp tác Mêkông - sông Hằng. Việt Nam mong muốn hợp tác hiệu quả, thực chất với Ấn Độ trong các lĩnh vực nông nghiệp xanh, công nghệ xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, nâng cao năng lực công nghệ thông tin, phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu[5]. Đẩy mạnh kết nối trong thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững ở hai nước, gắn kết chặt chẽ giữa khuôn khổ Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững với các khuôn khổ hợp tác khu vực, trong đó có cơ chế hợp tác Mêkông - sông Hằng. Trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu đề ra trong kinh tế nông nghiệp, Ấn Độ và Việt Nam nhất trí tăng cường hợp tác chuyên ngành nhằm phát huy tối đa thế mạnh sản xuất nông nghiệp của mỗi nước, xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, gắn với bảo vệ mội trường và ngày càng khẳng định thương hiệu các sản phẩm sạch, chất lượng tốt trên thị trường.

Qua 47 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1972-2018), quan hệ hợp tác Việt Nam và Ấn Độ ngày càng phát triển và được nâng lên tầm cao mới, trở thành “Đối tác chiến lược toàn diện” trong bối cảnh “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Trên cơ sở mối quan hệ sâu sắc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawahar Lal Nehru tạo dựng, được thử thách qua thời gian và được các thế hệ lãnh đạo hai bên dày công vun đắp, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ ngày càng phát triển và đạt nhiều thành tựu quan trọng.  Với nhiều điểm tương đồng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, Việt Nam và Ấn Độ đã xây dựng được quan hệ song phương chặt chẽ, hiệu quả. Là hai nền kinh tế đang vươn lên mạnh mẽ, triển vọng tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế nông nghiệp giữa hai nước trong thời gian tới là hết sức to lớn. Việt Nam luôn mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Ấn Độ lên một tầm cao mới, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, vì lợi ích của hai dân tộc, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế ở mỗi nước, góp phần nâng cao vị thế của hai nước trên trường quốc tế./.


* TS Vũ Trọng Hùng, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

[1] Dẫn theo Diễn đàn doanh nghiệp:Triển vọng mở rộng hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực thực phẩm, ngày 12-12-2017 (http://enternews.vn/trien-vong-mo-rong-hop-tac-viet-nam-an-do-trong-linh-vuc-thuc-pham-121730.html).

[2] Cà phê, cao su, hạt điều và hạt tiêu và xem xét nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi như thịt gà, lợn,...

[3] Dẫn theo VOV5.vn Đài Tiền nói Việt Nam - Ban Đối ngoại: “Viễn cảnh hợp tác mới trong quan hệ Việt Nam và Ấn Độ”, ngày 01-3-2018 (http://vovworld.vn/vi-VN/chinh-tri/vien-canh-hop-tac-moi-trong-quan-he-viet-nam-va-an-do-623411.vov).

[4] Dẫn theo Dân Việt: “Tăng cường hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam với Ấn Độ và Bangladesh”, ngày 07-3-2018 (http://danviet.vn/nha-nong/tang-cuong-hop-tac-nong-nghiep-giua-viet-nam-voi-an-do-va-bangladesh854652.html)..

[5] Phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong chuyến thăm Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 2 đến ngày 4-3-2018.

** Bài tham luận Hội thảo khoa học quốc tế "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở" tổ chức tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 24/8/2018.

Nguồn:

Cùng chuyên mục