10 năm thực hiện chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ
 Look East to Act East.jpg)
Bối cảnh địa chính trị ở khu vực trở nên phức tạp hơn rất nhiều, gây ra những lo ngại sâu sắc về sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc và leo thang cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Tình hình này đã trở nên trầm trọng hơn nữa vì sự gián đoạn do đại dịch COVID gây ra, tiếp theo là chiến tranh Ukraine-Nga, xung đột Gaza và mới nhất là cuộc chiến thuế quan.
Các lập trường gần đây của Mỹ, gây bất lợi cho lợi ích các đồng minh thân cận nhất của họ trong khu vực, làm phức tạp thêm viễn cảnh an ninh. Có những ý kiến hoài nghi tính hiệu quả của cách Mỹ ứng phó với những thách thức trong tương lai ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trung Quốc thể hiện vai trò trong Chiến dịch Sindoor qua việc cung cấp vũ khí sát thương, máy bay, tên lửa và thông tin tình báo cho Pakistan. Hiệu quả của các nền tảng và thiết bị phòng thủ của họ đã được thử nghiệm lần đầu tiên, làm nổi bật tầm quan trọng của công nghệ. Có những bài học cần rút ra, không chỉ cho Ấn Độ, mà còn cho tất cả các nước khác trong khu vực, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Úc, Việt Nam và Philippines. Điều này cũng đáng để phân tích về độ tin cậy trong các quan hệ đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Điều đó cũng cho phép Ấn Độ tăng cường hợp tác quốc phòng với các đối tác truyền thống như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Singapore và Indonesia, không chỉ là hoạt động đào tạo và tăng cường năng lực hướng tới mua sắm quốc phòng, khi xét đến thành tựu gần đây của quân sự nội địa của Ấn Độ. Một số hợp tác này đã bắt đầu và phát triển trong thập kỷ qua. Vai trò của chiến tranh vùng xám, bao gồm các cuộc tấn công mạng và chiến tranh thông tin, đưa ra thêm những bài học quan trọng để tinh chỉnh Chính sách Hành động Hướng Đông (AEP) của Ấn Độ.
Sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng của các nước nhỏ hơn vào Trung Quốc và gánh nặng tài chính lớn hơn của nợ Trung Quốc đè lên vai những quốc gia đã tham gia các thỏa thuận tài chính không khả thi. Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đã ảnh hưởng có hại đến nền kinh tế và môi trường địa phương của các quốc gia tiếp nhận khi phục vụ lợi ích của Trung Quốc. Những trải nghiệm về nợ của Trung Quốc ở Pakistan, Sri Lanka, Maldives, Campuchia, Lào và Myanmar là các ví dụ. Sự phụ thuộc quá mức vào các khoản vay, thị trường, tài chính, chuỗi cung ứng và sản xuất của Trung Quốc, đã cản trở những nỗ lực nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Trong bối cảnh này, Chính sách Hành động hướng Đông (AEP) của Ấn Độ và tầm nhìn MAHASAGAR (Tiến bộ toàn diện và tương hỗ về an ninh và tăng trưởng cho tất cả mọi người trong khu vực) đã trở nên nổi bật hơn giúp củng cố quan hệ với các đối tác chiến lược. Các chương trình hợp tác phát triển của Ấn Độ với phương Nam toàn cầu trong khu vực này cũng ngày càng trở nên quan trọng thông qua các khoản vay, tài trợ, xây dựng năng lực và công nghệ, bao gồm các lĩnh vực hợp tác mới ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Chính sách AEP của Ấn Độ trong thập kỷ vừa qua đã thiết lập một nền tảng vững chắc. Điều này phù hợp với sáng kiến Sagarmala đầy tham vọng của Ấn Độ nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng hàng hải và cảng biển, tăng cường kết nối, thương mại và hoạt động kinh tế trên khắp Khu vực Ấn Độ Dương (IOR). Trong mười năm qua, AEP của Ấn Độ đã phát triển thành một cam kết chiến lược, tạo ra mạng lưới quan hệ đối tác với ASEAN và các khuôn khổ liên quan, cũng như với các quốc gia xa hơn về phía đông, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Nga, Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương. AEP đã mở rộng phạm vi, kết hợp các chiều hướng địa chính trị, địa chiến lược và địa kinh tế nâng cao. AEP hướng đến hành động, phục hồi các mối liên hệ lịch sử, văn hóa và giao lưu nhân dân của Ấn Độ với các quốc gia ở phía Đông. AEP đã đạt được mục tiêu kép là củng cố quan hệ thương mại - kinh doanh đồng thời tạo ra các cơ hội phát triển cho các bang đông bắc của Ấn Độ, nằm ở ngã ba chiến lược của Bhutan, Trung Quốc, Bangladesh và Myanmar. Do đó, Thương mại, Văn hóa và Kết nối (ba chữ C) là những trụ cột chính của AEP của Ấn Độ.
Đồng thời, hoạt động hợp tác khu vực cũng được chú ý hơn. Ấn Độ tích cực tham gia thành lập các nhóm đa phương mới và khôi phục các nhóm hiện có thông qua các cuộc họp cấp cao thường kỳ của QUAD, FIPIC (Diễn đàn Ấn Độ và các quốc đảo Thái Bình Dương), BIMSTEC, IORA và các khuôn khổ liên quan đến ASEAN như EAS, ARF, ADMM+ và MGC.
QUAD đã thiết lập chương trình nghị sự mang tính thực dụng để giải quyết các thách thức cấp bách nhất của khu vực, bao gồm an ninh y tế, biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng phục hồi, công nghệ quan trọng và mới nổi, an ninh mạng, viện trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, không gian, an ninh hàng hải, chống thông tin sai lệch và chống khủng bố. Tất cả những điều này đã được thực hiện chỉ trong vài năm.
Một nhóm mới nổi quan trọng khác mà Ấn Độ đã hợp tác với các quốc gia năng động trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là Khung kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF). Các thành viên khác của nhóm bao gồm Mỹ, Úc, Brunei Darussalam, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Các quốc gia này cam kết “khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở, công bằng, toàn diện, kết nối, kiên cường, an toàn và thịnh vượng, có tiềm năng đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm”. Tuyên bố IPEF, ban hành tại Tokyo tháng 5 năm 2022, thừa nhận rằng, các lợi ích chính sách kinh tế trong khu vực đan xen vào nhau và tăng cường sự tham gia kinh tế giữa các đối tác là rất quan trọng để tiếp tục tăng trưởng, hòa bình và thịnh vượng. Các bên tham gia đã nhất trí hợp tác theo các trụ cột thương mại, chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, thuế và chống tham nhũng.
Cam kết hợp tác của Ấn Độ với các quốc đảo Thái Bình Dương, với sự tham dự của Thủ tướng Modi tại ba Hội nghị thượng đỉnh FIPIC (Hội nghị thượng đỉnh FIPIC lần thứ nhất tại Fiji tháng 11 năm 2014, tiếp theo là Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 tại Jaipur năm 2015 và lần thứ 3 tại Papua New Guinea tháng 5 năm 2023), minh họa cho những nỗ lực của Ấn Độ nhằm mở rộng phạm vi AEP sang các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, nơi Ấn Độ có mối liên hệ chặt chẽ về văn hóa và giao lưu nhân dân. Ấn Độ là đối tác với các quốc gia này về hợp tác phát triển, đặc biệt là trong việc giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Ấn Độ đã khởi xướng và tham gia một số dự án hợp tác song phương và ba bên quan trọng khác. Bao gồm Ấn Độ-Indonesia-Úc, Ấn Độ-Nhật Bản-Sri Lanka/Bangladesh và hợp tác với Nga, Pháp và các quốc gia châu Âu khác, tất cả đều là các bên liên quan đến hòa bình và phát triển trong khu vực.
Ấn Độ đã có những đóng góp đáng kể cho an ninh hàng hải khu vực khi đảm bảo an toàn cho giao thông hàng hải, nâng cao kỹ năng và hậu cần của các quốc gia ở Nam Á và Đông Nam Á. Ấn Độ đã ký các thỏa thuận vận chuyển trắng (thỏa thuận chia sẻ thông tin lộ trình hàng hải trước hải trình) với một số quốc gia. Hơn nữa, các tàu của Ấn Độ đã tham gia vào hoạt động tuần tra phối hợp và giám sát EEZ. Ấn Độ còn hỗ trợ các nước láng giềng ven biển trong việc thiết lập các hệ thống giám sát bờ biển để nâng cao nhận thức chung về lĩnh vực hàng hải. Hỗ trợ thủy văn và xây dựng năng lực cho các đối tác của Ấn Độ giúp tăng cường an toàn hàng hải.
Ấn Độ đã nổi lên như một nhà cung cấp an ninh được ưa chuộng trong việc giải quyết các mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống, bao gồm cướp biển, buôn người, đánh bắt cá bất hợp pháp và buôn lậu. Một lĩnh vực thành công đáng chú ý khác của Ấn Độ là hợp tác trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai (HADR), bao gồm giảm thiểu rủi ro. Ấn Độ là nước có ứng phó đầu tiên, như chứng minh một lần nữa trong đại dịch COVID của khu vực và các thảm họa thiên nhiên sau đó. Hai sáng kiến do Ấn Độ dẫn đầu trong bối cảnh này bao gồm Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế và Liên minh cơ sở hạ tầng giảm thiểu rủi ro thiên tai. Hợp tác trong không gian và an ninh mạng cũng nổi lên như một lĩnh vực hợp tác quan trọng.
Cho dù tình hình bất ổn nội bộ hiện tại ở Bangladesh, chính sách Láng giềng Trước tiên kể từ năm 2014 đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Tại Bangladesh, Bhutan, Nepal và Myanmar, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển của những con đường, trạm kiểm soát, tuyến đường sắt, đường thủy, lưới điện, đường ống dẫn nhiên liệu và cơ sở trung chuyển mới. Còn nhiều thứ khác đang được tiến hành. Trong nước, Ấn Độ đang nhanh chóng cải thiện cơ sở hạ tầng biên giới trên đường bộ, đường sắt, cảng và đường thủy. Đường sắt Ấn Độ đang thực hiện một số dự án quốc tế, bao gồm tuyến Jogbani-Biratnagar (Nepal), Agartala đến Akhaura (Bangladesh), khôi phục tuyến Haldibari (Ấn Độ) - Chilahati (Bangladesh) và tuyến Rakhipur (Ấn Độ) đến Birol (Bangladesh) dài 9 km. Hai mươi thị trấn cảng sẽ được phát triển dọc theo hệ thống sông Brahmaputra và Barak để tăng cường kết nối nội vùng.
Với ASEAN, mối quan hệ này được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022. Thương mại, đầu tư, du lịch và thậm chí là an ninh đã chứng kiến những tiến triển ổn định giữa tất cả các thành viên. Việc xem xét gần đây về Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Ấn Độ (AITIGA) là kịp thời và sẽ mang lại động lực kinh tế mới cho mối quan hệ này. Tầm quan trọng của các quy tắc thương mại quốc tế, đặc biệt là các quy tắc xuất xứ, trở nên có ý nghĩa trong bối cảnh này, mang đến cho Ấn Độ và các đối tác thương mại khu vực cơ hội tập trung vào sự hiệp lực, bổ sung và lợi ích chung để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và đóng vai trò là các giải pháp thay thế trong chiến lược Trung Quốc cộng một. Các cơ hội trong các lĩnh vực mới nổi như AI, chất bán dẫn, vận tải biển xanh và hydro xanh cũng đang được theo đuổi tích cực. Một số nước ASEAN, bao gồm Việt Nam, Malaysia và Thái Lan, đã tự do hóa thị thực cho người Ấn Độ, trong khi các thành viên ASEAN khác cũng đã mở rộng kết nối hàng không. Những diễn biến này sẽ góp phần tăng cường thương mại, du lịch và kết nối giữa người với người. Giáo dục và dạy nghề là những lĩnh vực hợp tác khác đang được khai thác.
Khía cạnh quan trọng trong định hướng hướng Đông của Ấn Độ là tăng cường kết nối vật lý, kỹ thuật số và con người. Ấn Độ đã công bố hạn mức tín dụng 1 tỷ đô la Mỹ để cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và kết nối với ASEAN. Việc xây dựng đường cao tốc ba bên nối Ấn Độ với Thái Lan qua Myanmar và đề xuất mở rộng sang Lào, Campuchia và Việt Nam là một nỗ lực quan trọng. Đổi lại, điều này sẽ phù hợp với Kế hoạch tổng thể ASEAN về kết nối và Hành lang Đông-Tây ASEAN. Nó cũng sẽ đóng vai trò là cầu nối đất liền quan trọng giữa các tiểu bang Đông Bắc Ấn Độ và Đông Nam Á. Đây sẽ là một bước ngoặt. Thật không may, tiến trình hiện đang bị cản trở bởi xung đột nội bộ ở Myanmar, cần đưa ra các giải pháp thực tế để giải quyết.
Dự án vận tải đa phương thức Kaladan sẽ nối Kolkata với cảng Sittwe ở Myanmar, mở rộng vào Mizoram qua các tuyến đường sông và đường bộ. Các tuyến đường biển cũng rất quan trọng giữa bờ biển phía đông Ấn Độ, bao gồm các cảng Ennore và Chennai, các nước CMLV và Vladivostok. Cần phải cải thiện các tuyến trung chuyển với Malaysia, Singapore, Indonesia và Thái Lan. Ngoài ra, còn có một đề xuất kết nối cảng Dawei ở Myanmar, đang được phát triển với Thái Lan, với cảng Chennai ở Ấn Độ, qua đó giảm chi phí và thời gian vận chuyển. Để các đề xuất này thành công, Ấn Độ và ASEAN sẽ cần phải tìm hiểu các liên doanh và các nhượng bộ liên quan. Một thỏa thuận về vận tải biển giữa Ấn Độ và ASEAN có thể bao gồm các lĩnh vực thiết yếu này. Có rất nhiều khả năng, bao gồm kết nối các cảng thương mại để tăng cường du lịch.
Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) đã hỗ trợ ASEAN và các nước thành viên trong việc phát triển công nghệ không gian và các ứng dụng của công nghệ này. Việc khai thác không gian vũ trụ một cách hòa bình sẽ tiếp tục thông qua việc triển khai chương trình hợp tác không gian ASEAN-Ấn Độ, bao gồm việc phóng vệ tinh, giám sát chúng thông qua theo dõi từ xa và các trạm chỉ huy, và việc sử dụng dữ liệu hình ảnh vệ tinh để khai thác bền vững các nguồn tài nguyên trên mặt đất, trên biển, trên khí quyển và kỹ thuật số nhằm phát triển công bằng trong khu vực. Có hai dự án không gian lớn đang được triển khai tại Biak và Thành phố Hồ Chí Minh. Ấn Độ cũng đang nỗ lực tăng cường hợp tác trong lĩnh vực số hóa, đặc biệt là về cơ cấu tài chính và quản trị điện tử.
Hợp tác sông Hằng - sông Mê Kông (MGC), hợp tác phát triển, Dự án tác động nhanh cho các nước CLMV và các sáng kiến hợp tác với Tam giác tăng trưởng Indonesia-Malaysia-Thái Lan (IMT-GT) đã tăng cường sự tham gia của Ấn Độ vào khu vực này. Điểm mấu chốt là Đông Nam Á, với dân số gần 700 triệu người, bằng một nửa dân số Ấn Độ, và GDP khoảng 4,25 nghìn tỷ đô la Mỹ, lớn hơn một chút so với GDP của Ấn Độ, là đối tác có ý nghĩa to lớn đối với sự thịnh vượng và tiến bộ chung. Sự chú ý ngày càng tăng cũng được hướng đến BIMSTEC, nơi chính sách Hành động hướng Đông giao thoa với chính sách Láng giềng Trước tiên.
Hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất tại Bangkok vào tháng 4 đã thông qua Hiến chương BIMSTEC năm 2022 và có một Ban thư ký thường trực hoạt động từ Dhaka. Quan hệ song phương với mỗi quốc gia BIMSTEC đang trên đà phát triển. Là quốc gia lớn nhất trong nhóm này, Ấn Độ đã đề xuất vai trò quan trọng hơn trong việc đóng góp vào thành công của BIMSTEC. Kế hoạch mở rộng hoạt động, thành lập thêm nhiều trung tâm xuất sắc, tăng cường mạng lưới thanh niên, giải quyết các thách thức về sức khỏe và tăng cường xây dựng năng lực là một bước quan trọng. Ấn Độ cũng đang nỗ lực hướng tới việc tạo ra cơ sở hạ tầng lưới điện chung cho khu vực và tiểu khu vực trong khuôn khổ song phương và ba bên, cũng như trong BBIN và BIMSTEC.
Việc củng cố mối quan hệ của Ấn Độ với khu vực này cũng đã khuyến khích các kết nối tham vọng hơn với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều nổi lên như những nhân tố kinh tế quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Ấn Độ. Ấn Độ đặt mục tiêu làm sâu sắc thêm mối quan hệ này và mang lại cho sự hợp tác một bản sắc đương đại hơn. Năng lực và khả năng được nâng cao của Ấn Độ cũng cho phép các nỗ lực cùng có lợi hơn. Đóng góp của Nhật Bản cho Diễn đàn Hành động hướng Đông, ưu tiên các dự án phát triển ở Đông Bắc, sẽ mang lại lợi ích cho các quốc gia Đông Bắc của Ấn Độ. Sự tham gia của Ấn Độ về phía đông ngày nay mở rộng đến Úc, New Zealand và các đảo Thái Bình Dương. Úc xứng đáng được nhắc đến đặc biệt khi chúng ta chứng kiến những lợi ích của ECTA (Hiệp định hợp tác kinh tế và thương mại), cùng với sự gia tăng mạnh mẽ trong hợp tác chính trị và an ninh.
Giáo dục và tính linh động cũng là những đặc điểm đáng chú ý của mối quan hệ này. Tương tự Nhật Bản, tư cách thành viên QUAD đã hỗ trợ mối quan hệ của Ấn Độ. Con đường phía trước cần bao gồm những điều sau:
• Xây dựng trên mạng lưới quan hệ đối tác hiện có để thúc đẩy lợi ích kinh tế và chiến lược của chúng ta.
• Triển khai mạnh mẽ các sáng kiến thiết yếu, cả nội bộ và bên ngoài.
• Duy trì sự linh hoạt ứng phó với các thách thức địa chính trị, địa chiến lược và địa kinh tế đang thay đổi và mới nổi.
• Tăng cường năng lực kinh tế và quốc phòng bằng cách tận dụng các cơ hội được mang lại, đồng thời tập trung vào sự tự lực và tăng trưởng nhanh.
--------
Tác giả: Đại sứ Preeti Saran, thành viên của Ủy ban Kinh tế, Xã hội và Văn hóa của Liên hợp quốc. Bà là cựu Bí thư (phụ trách khu vực phía Đông) tại Bộ Ngoại giao Ấn Độ. Bà cũng đã phục vụ trong các phái bộ Ấn Độ tại Moscow, Dhaka, Geneva và là Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Toronto và Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam. Bà là Thành viên của Hội đồng Quản lý cơ quan nghiên cứu India Foundation.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
.png)



