Ấn Độ - Afghanistan: Mối quan hệ hữu nghị ngày một sâu sắc
Quan hệ Ấn Độ - Afghanistan là một trong số ít các mối quan hệ song phương bao gồm các yếu tố ràng buộc trên phương diện văn minh, tình cảm và chiến lược.
Ấn Độ - Afghanistan: Mối quan hệ hữu nghị ngày một sâu sắc
Davood Moradian*
Quan hệ Ấn Độ - Afghanistan là một trong số ít các mối quan hệ song phương bao gồm các yếu tố ràng buộc trên phương diện văn minh, tình cảm và chiến lược. Kabul đã từng là một thành phố Ấn giáo và Phật giáo; trong khi Delhi từng là một trung tâm hàng đầu của văn học và ngôn ngữ Ba Tư cũng như là quê hương của triều đại chính trị Pathan và Hồi giáo Sufi. Đối với nhiều người Afghanistan, Ấn Độ là một trong số ít các quốc gia dành cho họ sự tôn trọng và phẩm giá, trái ngược lại những quan niệm khủng bố, đói nghèo, lạc hậu,… mà nhiều nước khác thường thành kiến. Kabul và Delhi cũng là những nạn nhân chính của việc Rawalpindi sử dụng khủng bố để gây bất ổn khu vực và theo đuổi tham vọng của mình. Mặt khác, Ấn Độ luôn có nhu cầu tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên và thị trường của Afghanistan và Trung Á, đồng thời nó cũng là một thị trường rộng lớn cho nền kinh tế đang phát triển của Afghanistan. Trong thời kỳ xây dựng thể chế sơ khai của Afghanistan, mô hình Ấn Độ là một nguồn cảm hứng hàng đầu. Ấn Độ đã thành công trong việc quản lý cộng đồng đa dạng của mình, xây dựng các tổ chức nhà nước, nuôi dưỡng một nền dân chủ bản địa, bảo đảm quyền phụ nữ và chuyển đổi từ một xã hội nông nghiệp thành một quốc gia đang phát triển. Afghanistan có thể học hỏi được rất nhiều từ Ấn Độ.
Tuy nhiên, Delhi và Kabul đã thất bại trong việc chuyển hóa sự tin cậy sâu sắc giữa hai bên thành mối quan hệ đối tác quan trọng và hiệu quả, điều này mang tính phát triển và nhạy cảm nhiều hơn là mang tính chất chính trị và chiến lược. Ấn Độ đã hào phóng và thực hiện hiệu quả trong việc trợ giúp nhân đạo và phát triển cho Afghanistan, nhưng lại hầu như đứng ngoài công cuộc định hình chính trị và quan trọng hơn là cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố của nước này. Sự miễn cưỡng của New Delhi trong việc thực hiện thỏa thuận hợp tác chiến lược với Afghanistan được ký kết vào năm 2011, đã chứng tỏ sự nghi ngờ và lo ngại của Ấn Độ trong quan hệ với Afghanistan. Phải mất gần bốn năm để Delhi cung cấp 3 máy bay trực thăng quân sự cho Afghanistan. Có một số yếu tố đã định hình nên chính sách thận trọng này đối với Afghanistan. Ấn Độ đang chuyển từ một quốc gia đang phát triển chủ yếu là hướng nội trở thành một quyền lực chính trị và kinh tế quan trọng. Ưu tiên cạnh tranh, thờ ơ quan liêu, hạn chế nguồn lực, chính trị trong nước, bầu cử và một tư duy địa chiến lược nước đôi là đặc trưng cho chính sách đối ngoại của quốc gia đang chuyển đổi này.
Các yếu tố khác là thể hiện của Pakistan trong trò chơi chính trị đầy nguy cơ và động thái của các đối thủ cạnh tranh. Pakistan đã che giấu mục tiêu bành trướng khu vực của mình với “cuộc chiến ủy nhiệm” giữa Ấn Độ và Pakistan, đánh đồng sự hỗ trợ của Ấn Độ đối với quá trình ổn định, dân chủ hóa, tái thiết và xây dựng nhà nước ở Afghanistan với sự hỗ trợ, ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Sự rối loạn và các lựa chọn chính sách của các cường quốc phương tây cũng là một trở ngại khác trong việc tăng cường quan hệ giữa Afghanistan và Ấn Độ. Một số quốc gia phương Tây sẵn sàng đặt độc lập, chủ quyền và dân chủ của Afghanistan lên bàn đàm phán với Rawalpindi để giảm các chi phí tham gia liên kết và duy trì các lợi ích chiến lược của họ trong khu vực. Quan chức cao cấp của Kabul bị chia rẽ bởi sự miễn cưỡng của Delhi, trò chơi đầy lôi cuốn của Islamabad và sự phức tạp của phương Tây.
Tuy nhiên, dưới Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi, chính sách Afghanistan của Ấn Độ đang chuyển từ miễn cưỡng thân thiện sang một cách tiếp cận tự tin và đa chiều hơn: Đầu tư cho dân chủ và nền kinh tế non trẻ của Afghanistan; tăng cường khả năng phòng thủ của Kabul và thúc đẩy kết nối, hội nhập khu vực. Việc nhanh chóng đưa vào vận hành cảng Chahbahar của Iran đã làm sống lại quá trình ba bên giữa Kabul - Delhi - Washington và tiếp theo đó là tận dụng tối ưu cơ chế tham vấn Nga - Trung Quốc - Ấn Độ đối với vấn đề an ninh. Bên cạnh đó, không nhất thiết bỏ qua mối quan tâm chính đáng của Pakistan và vai trò xây dựng tiềm năng của nó. Chính sách Afghanistan của Pakistan được đặc trưng bởi các mối quan tâm, sự nghi ngờ và tham vọng của Islamabad / Rawalpindi. Delhi và Kabul có thể và cần phải giải quyết hai vấn đề đầu tiên trong số này. Để đạt được đến mục tiêu đó, một cơ chế ba bên đối thoại giữa Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ có thể sẽ làm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và xác định các lĩnh vực hợp tác tiềm năng. Một Afghanistan ổn định và độc lập cũng sẽ là đối tác của Pakistan trong việc hỗ trợ mối quan tâm chính đáng của mình như khủng bố và liên kết khu vực.
Trên tất cả, mục tiêu của quan hệ đối tác Afghanistan - Ấn Độ là để đạt được một mức độ tin tưởng lẫn nhau, thể hiện mối quan hệ Kabul - Delhi là quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia dân chủ có chủ quyền. Điều mà nhiều người Afghanistan mong đợi từ Delhi là nâng cao trật tự hiến pháp và độc lập chính trị của Afghanistan. Chính phủ Karzai thể hiện kỳ vọng này bằng cách tìm kiếm một hiệp ước quốc phòng với Delhi. Mặc dù cũng đã ký kết các thỏa thuận với các nước phương Tây, nhưng cả Kabul và các đối thủ của nó đều không đánh giá cao độ tin cậy đối với phương Tây trong vai trò là người bảo lãnh độc lập chính trị và trật tự hiến pháp của Afghanistan. Các cường quốc khu vực khác - ví dụ như Iran, Trung Quốc và Nga - hoặc thiếu ý chí hoặc các thiếu các biện pháp để có thể đưa ra bảo đảm như vậy cho Afghanistan.
May mắn thay, việc xây dựng một mối quan hệ như vậy không đòi hỏi phải có những nguồn nguyên liệu có thật. Afghanistan được ưu đãi với nguồn nhân lực trong nước và ngoài nước, tài nguyên thiên nhiên và tài chính để giải quyết nhiều thách thức ghê gớm của nó. Những gì nó thiếu là một môi trường chính trị và tâm lý đáng tin cậy và hợp tác. Delhi có được vị trí tốt để cung cấp Kabul sự đảm bảo đó. Ngoài ra, Ấn Độ cũng là một nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố và một tấm gương sáng của “Hồi giáo Khurasani”, do đó, nó đóng một vai trò hàng đầu trong việc khớp nối một thỏa thuận toàn cầu và xây dựng một cơ chế khu vực chống khủng bố cũng như thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau và sự hiểu biết giữa các cộng đồng và tôn giáo khác nhau. Cùng với Trung Quốc, các con hổ châu Á và Nhật Bản, Ấn Độ đang biến thế kỷ này trở thành “thế kỷ của châu Á”. Là một phần thiết yếu của các khu vực Nam Á, Trung Á và Tây Á, sự ổn định và phát triển của Afghanistan là một yếu tố quyết định đến việc hiện thực hóa “thế kỷ châu Á”. Sự nhận thức một cách đầy đủ về tình cảm anh em giữa Afghanistan và Ấn Độ là điều cần thiết cho nỗ lực này.
* Người sáng lập và Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Afghanistan.
Source: http://indianexpress.com/article/opinion/columns/india-afghanistan-relation-trade-narendra-modi-3031473/
Người dịch: ThS Phùng Thanh Hà
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 04:00 12-12-2024
G20 và Cơ hội Mở Rộng Quan Hệ Ấn Độ - Mỹ Latinh
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 03:00 12-12-2024