Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ chấn hưng quan hệ thương mại với EU

Ấn Độ chấn hưng quan hệ thương mại với EU

Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ - EU lần thứ 14 có thể thúc đẩy việc nối lại đối thoại về các vấn đề như năng lượng tái tạo, chống khủng bố, đô thị hoá, trao đổi giáo dục và các dự án phát triển chung.

05:33 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - EU lần thứ 14 sắp tới tại Delhi có khả năng chấn hưng quan hệ song phương, và đưa ra một hướng đi mới cho các cuộc đàm phán tự do thương mại (FTA). EU vẫn là một trong những nền kinh tế lớn nhất trên thế giới với năng suất lao động cao và thu nhập bình quân đầu người khá cao. Dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Eurozone năm 2017 là 2,2%, nhanh nhất trong 10 năm qua. Điều này tương phản với tình hình những năm gần đây khi Châu Âu đương đầu với nhiều khó khăn như khủng hoảng kinh tế Hy Lạp, rắc rối trong khu vực Eurozone, cuộc chiến ở Ukraine và dòng người tị nạn. Nhưng đây có thể là tin tốt cho Ấn Độ. Với giá trị hơn 100 tỷ USD thương mại hàng hoá và dịch vụ, EU là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. So với thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc, cán cân thương mại Ấn Độ - EU khá cân bằng. Trong 15 năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nước thành viên EU ở Ấn Độ đã cao hơn FDI của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga kết hợp lại. EU cũng là một điểm đến quan trọng cho đầu tư xuyên biên giới và mua lại nước ngoài của các công ty Ấn Độ.

Mặc dù vẫn còn những điều không chắc chắn về việc Brexit sẽ được xử lý như thế nào, nhưng EU đang chuẩn bị cho thời hậu Brexit ở châu Âu. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cánh hữu cũng được coi là một mối đe dọa lớn đối với chương trình của châu Âu. Mặc dù đạt được một số thắng lợi trong các cuộc bầu cử, nhưng các cuộc bầu cử gần đây ở Áo, Hà Lan, Pháp, Anh và Đức cho thấy rằng, các đảng chính trị cánh hữu vẫn còn lâu mới có thể tham gia vào các liên minh cầm quyền. Một số nhà lãnh đạo dân túy đang lãnh đạo ở Trung và Đông Âu. Hơn nữa, do dòng người tị nạn, cùng với các vụ khủng bố thường xuyên, các đảng cánh hữu sẽ tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ để tồn tại. Tuy nhiên, tình hình chung không đáng báo động và sự ổn định chính trị ở các nước EU cũng là điều hợp lý .

Sau khi bắt đầu quan hệ đối tác chiến lược giữa vào năm 2004, kế hoạch hành động chung vào năm 2005, và bắt đầu các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại và Đầu tư (BTIA) vào năm 2007, Ấn Độ và EU đều thể hiện sự chào đón nhiệt tình. Tuy nhiên, giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015, mối quan hệ này đã mất đà. Nhiều yếu tố bao gồm cả sự bế tắc trong đàm phán BTIA, suy thoái kinh tế toàn cầu, khủng hoảng ở một số nền kinh tế khu vực đồng Euro, tình trạng tê liệt chính sách ở Ấn Độ trong Liên minh tiến bộ thống nhất (UPA) và sự tập trung ban đầu của Chính phủ Modi đối với Mỹ và Châu Á đã góp phần tạo nên tình trạng này.

Tuy nhiên, mọi thứ đang dần thay đổi. Sau khi nhận thấy rằng, người châu Âu có thể đóng góp đáng kể cho chương trình nghị sự kinh tế trong nước, Thủ tướng Ấn Độ đã thăm Vương quốc Bỉ, Pháp, Đức, Ireland, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Anh. Hợp đồng mua máy bay Rafale giữa Ấn Độ và Pháp đã làm sâu sắc thêm sự tham gia chiến lược. Sau thời gian 4 năm, Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ - EU lần thứ 13 cũng đã được tổ chức năm 2016, và đã đưa ra một chương trình hành động thống nhất cho năm 2020. Mặc dù có tồn tại một số bất đồng về các vấn đề địa chính trị, nhưng những tương tác nói trên đã đưa châu Âu trở lại chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Sau khi nhận thấy việc kết thúc đàm phán FTA có thể mất thời gian, cả hai bên đã bắt đầu tập trung vào các lĩnh vực khác nhau bao gồm: thay đổi khí hậu, năng lượng, chống khủng bố, an ninh hàng hải, khoa học và công nghệ, hợp tác phát triển, di dân và đối thoại về châu Á và châu Phi.

Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 14 có thể là cơ hội để ít nhất bắt đầu đàm phán lại BTIA. Sau 12 vòng đàm phán, các cuộc đàm phán bị đình lại vào năm 2013 do “không phù hợp giữa mức độ tham vọng và kỳ vọng”. Trong khi đó, Ấn Độ đã chấm dứt các hiệp định đầu tư song phương với nhiều nước, bao gồm cả 22 quốc gia EU. Mặc dù đầu tư là một phần của đề xuất BTIA, động thái này đã tạo ra sự không chắc chắn cho đến khi thỏa thuận thời gian sẵn sàng để thực hiện. Các cuộc đàm phán cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi kết quả cuối cùng của thỏa thuận Brexit. Hiện tại, Vương quốc Anh đã loại trừ khả năng tham gia bất kỳ liên minh thuế quan hoặc khu vực kinh tế với EU. Điều đó có nghĩa là, Vương quốc Anh hy vọng về một thỏa thuận thương mại tự do riêng biệt với EU. Vì vậy, Ấn Độ sẽ phải đánh giá về thỏa thuận thương mại Ấn Độ - EU mà không có Anh. Do Anh là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ trong EU, New Delhi và London cũng đã có những hoạt động mới cho một Hiệp định thương mại tự do Ấn Độ - Anh. Trong những trường hợp này, có khả năng là FTA giữa Ấn Độ - EU sẽ khó lòng thực hiện trong 2-3 năm tới. Tuy nhiên, việc tái khởi động đàm phán sẽ mang lại một tín hiệu chính trị tích cực và sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tổng thể.

Hội nghị Thượng đỉnh nên tập trung vào các vấn đề hợp tác đã và đang diễn ra và những thành quả cụ thể, bao gồm: năng lượng tái tạo, chống khủng bố, đô thị hoá, trao đổi giáo dục và các dự án phát triển chung ở các nước thứ ba. EU nỗ lực rất lớn để giải quyết các vấn đề liên quan đến quản trị toàn cầu, biến đổi khí hậu và chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Ấn Độ phải sử dụng những năng lực này thông qua đối thoại song phương và tham vấn. Mặc dù Trung Quốc là một đối tác quan trọng của EU, nhưng Ấn Độ phải đạt được hiểu biết chiến lược chung về sáng kiến “Vành đai, Con đường” với các đối tác châu Âu. Làm việc một cách lặng lẽ về FTA và đạt được các kết quả cụ thể trong các lĩnh vực khác có thể khiến quan hệ đối tác Ấn Độ - EU thực sự trở nên chiến lược.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: http://www.hindustantimes.com/analysis/india-must-rejuvenate-its-business-ties-with-the-eu/story-2Zok1wJv1OkiyTYdHn9MkO.html

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục