Ấn Độ - Iran: Cơ hội và Thách thức (Phần 1)
Sơ đồ chiến lược các nước láng giềng của Iran sẽ thay đổi nhanh chóng sau thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các nước nhóm P5+1 (5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức). Một ván bài địa chiến lược lớn đã được đặt ra, Iran bắt đầu khai thác những cơ hội hợp tác kinh tế và hợp tác an ninh lớn hơn trong khu vực. Điều này có ảnh hưởng tới Ấn Độ và Pakistan - hai nước có quan hệ chiến lược với Iran nhưng lại luôn đối đầu căng thẳng với nhau.
Ấn Độ - Iran: Cơ hội và Thách thức*
Vinay Kaura**
Sơ đồ chiến lược các nước láng giềng của Iran sẽ thay đổi nhanh chóng sau thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các nước nhóm P5+1 (5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức). Một ván bài địa chiến lược lớn đã được đặt ra, Iran bắt đầu khai thác những cơ hội hợp tác kinh tế và hợp tác an ninh lớn hơn trong khu vực. Điều này có ảnh hưởng tới Ấn Độ và Pakistan - hai nước có quan hệ chiến lược với Iran nhưng lại luôn đối đầu căng thẳng với nhau.
Theo quy luật thực tiễn của quan hệ quốc tế, để tồn tại trong một thế giới hỗn loạn, đòi hỏi tất cả các quốc gia đều phải chấp nhận những hành vi ở chừng mực nhất định, chẳng hạn như sự tối đa hóa quyền lực và các chiến lược cân bằng. Tin tưởng vào tầm nhìn rộng lớn của mình, lãnh đạo các nước đã biến những lợi thế và điểm yếu về vị trí địa lý trở thành chiến lược địa chính trị. Ngoài những ngôn từ mang tính hùng biện về thay đổi mạnh mẽ, các nhà hoạch định chính sách ở Iran, dù ít hay nhiều, đã đưa ra chính sách đối ngoại của họ, theo cách thực tế nhất, với việc cân bằng giữa chi phí và lợi ích. Nếu thực hiện được điều này, chắc chắn thỏa thuận hạt nhân sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới trong địa chính trị Châu Á. Iran đang chuẩn bị đảm nhận một vai trò to lớn hơn trong khu vực và đã được quốc tế hợp thức hóa, điều này cho phép Iran tăng cường hành động để nâng cao uy thế cũng như tận dụng các cơ hội thương mại của họ ở bất cứ đâu.
Iran đứng thứ hai thế giới về trữ lượng khí đốt tự nhiên nhưng chưa phải là một nước xuất khẩu chính. Quốc gia này luôn mong muốn được gia nhập thị trường trên phạm vi rộng lớn. Tuy nhiên, Iran phải vượt qua nhiều thách thức trước khi có thể trở thành một nhà cung cấp năng lượng cho Châu Âu và Châu Á. Cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran, điều đã bị bỏ quên từ lâu do các biện pháp trừng phạt của phương Tây, đang cần được nâng cấp để tạo ra khả năng xuất khẩu năng lượng bền vững. Việc này sẽ đòi hỏi một khoản vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ.
Sự tương tác giữa Ấn Độ và Iran
Ấn Độ và Iran luôn chia sẻ những kết nối và quan hệ sâu sắc về xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị, chính những điều này đã làm phong phú thêm nền văn minh hai nước. Việc sử dụng ngôn ngữ Ba Tư tại Tòa án Mughal là một ví dụ về ảnh hưởng của văn hóa Iran đến phía Bắc Ấn Độ.
Với sự thành lập Nhà nước Pakistan vào năm 1947, Ấn Độ và Iran đã mất đi phần tiếp giáp địa lý vốn đã tồn tại trong nhiều thế kỷ. Chiến tranh Lạnh đã đánh dấu một thời kỳ sóng gió trong quan hệ hai nước, trong khi Vua Shah của Iran liên kết với Mỹ, Ấn Độ vẫn là một nước theo Phong trào Không liên kết. Tuy nhiên, việc kết thúc Chiến tranh Lạnh và cái chết của Ayatollah Khomeini, nhà lãnh đạo tối cao của Iran, đã mở ra một cơ hội mới cho Ấn Độ và Iran để xóa bỏ những hiểu nhầm và nâng cấp mối quan hệ hai nước. Mặc dù Hồi giáo có liên kết chặt chẽ với Pakistan nhưng Iran đã bắt đầu vun đắp một mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Ấn Độ. Quan hệ song phương hai nước vẫn vô cùng mật thiết trong suốt những năm Iran chịu sự trừng phạt toàn cầu vì chương trình hạt nhân của họ, ngoại trừ một khoảng thời gian ngắn khi Ấn Độ không giải quyết được nguyên nhân gây ra sự chia rẽ trong quan hệ giữa Iran và Mỹ.
Nhìn chung, quan hệ ngoại giao của Ấn Độ với Iran bắt nguồn từ lợi ích kinh tế và được củng cố thêm bởi mối liên kết văn minh giữa hai nước. Sự hợp tác hiện nay giữa New Delhi và Tehran chủ yếu dựa trên tiền đề an ninh năng lượng của Ấn Độ, nhằm mục đích tiếp cận Afghanistan và Trung Á và sự cạnh tranh lâu dài giữa New Delhi với Islamabad. Cần phải nhấn mạnh những lợi ích của Ấn Độ ở Trung Á là rất lớn, do đó, Ấn Độ cần phải tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực. Mong muốn của New Delhi là khôi phục ảnh hưởng và quan hệ văn hóa đã từng có với các nước Trung Á trước thời kì bình minh của chủ nghĩa thực dân, điều này có thể được thấy rõ thông qua trường hợp của Iran. Ấn Độ và Iran cũng chia sẻ nhiều điểm tương đồng như: những tham vọng ngoài khu vực và ý thức mạnh mẽ về việc theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập là mục tiêu chung trong hành động ngoại giao của hai nước. Hơn nữa, quan hệ Ấn Độ - Iran cũng có chiều hướng chính trị trong nước. Dân số đông đảo người Shia ở Ấn Độ là một biến số quan trọng trong sự tương tác giữa Ấn Độ và Iran.
Ấn Độ giữ vị trí là nước hưởng lợi chính trong thỏa thuận hạt nhân Iran. New Delhi không ngừng theo đuổi dự án đường ống dẫn khí Iran - Pakistan - Ấn Độ (IPI) trong suốt thập kỷ qua. Các hoạt động của dự án IPI sẽ được tăng cường bởi “Hiệp định khung” ba bên, trong đó chính phủ ba nước cam kết tuân theo các điều khoản của Hiệp ước Hiến chương Năng lượng. Quyền sở hữu dự án thuộc về một tập đoàn quốc tế và có một thực tế là, bản thân Pakistan sẽ là người tiêu dùng chính, điều này sẽ làm hạn chế đáng kể khả năng làm giả tuyến đường ống.
Dự án IPI (bao gồm cả sự tham gia của Trung Quốc và Nga) đã bị đình trệ vì áp lực từ phía Mỹ. Mỹ đã thúc giục Ấn Độ hành động hướng đến một tuyến đường vận chuyển khí đốt thay thế từ Turkmenistan qua Afghanistan và Pakistan. Hillary Clinton, sau này là Ngoại trưởng Mỹ, đã tiết lộ trong cuốn sách “Sự lựa chọn khó khăn” (Hard Choices) rằng, mục đích chính của chuyến thăm ngắn tới Ấn Độ của bà vào tháng 5 năm 2012 là để thuyết phục Ấn Độ giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ của Iran. Sau đó, Ấn Độ cũng đã hạ cấp quan hệ thương mại với Iran.
Ấn Độ nhận thấy khó khăn trong việc cân bằng giữa nhu cầu cấp bách cải thiện quan hệ với Mỹ và sự cần thiết phải có một mối quan hệ vững chắc hơn với Iran. Hiện nay, New Delhi cũng đã lộ rõ ý định của mình về kế hoạch hồi sinh các dự án đường ống dẫn khí đốt Iran - Pakistan - Ấn Độ.
Có một số yếu tố sẽ làm cho mối quan hệ giữa Ấn Độ và Iran trở nên ấm áp hơn. Ví dụ, Iran và Nga hợp tác với Ấn Độ trong việc tăng cường phản ứng của Liên minh phương Bắc với phong trào Taliban chính thống có khuynh hướng chống Shia và Iran. Trước hiện trạng khu vực từ Pakistan đến Địa Trung Hải trở thành nơi trú ngụ của một số nhóm khủng bố thánh chiến nguy hiểm nhất, cùng với các vấn đề như sự kết nối toàn cầu, quốc gia và khu vực, Ấn Độ và Iran có thể sẽ quay lại hợp tác với nhau để giải quyết các mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố.
Cảng Chabahar, một biểu tượng của hợp tác kinh tế và chiến lược giữa Ấn Độ và Iran, sẽ là con đường dẫn Ấn Độ đến Afghanistan mà không cần đi qua Pakistan. Cảng Chabahar là nơi Ấn Độ nhận hàng nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Iran và cũng là điểm khởi đầu của đường ống dẫn Iran - Oman - Ấn Độ. Các nhà tư tưởng chiến lược của Ấn Độ cũng đánh giá cảng Chabaher như một đối trọng chiến lược với một cảng ở Gwadar (Pakistan) mà Trung Quốc đang theo đuổi.
Mặc dù có những khác biệt và hiểu lầm cũng như những điểm tương đồng và lợi ích chung giữa Ấn Độ và Iran, nhưng sắp tới, Ấn Độ sẽ phải đối mặt với một vài thực tế không khả quan do sự chuyển hướng chính sách cơ bản nhất của họ: sự phản đối vấn đề hạt nhân của Iran tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Có nhiều nguyên nhân để cho rằng, Iran có thể sẽ không nhiệt tình trong việc đáp ứng những đề nghị kinh tế hay chiến lược của Ấn Độ. Làm thế nào để New Delhi có thể chắc chắn rằng giờ đây Tehran sẽ bỏ phiếu cho Ấn Độ tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA)? Liệu một Iran có óc thực tế sẽ lựa chọn lợi ích lâu dài trong mối quan hệ hợp tác chung? Rất nhiều điều phụ thuộc vào những tính toán chiến lược dài hạn của Iran.
Khi Mỹ và Châu Âu quyết tâm khôi phục lại trao đổi thương mại với Iran, liệu rằng Tehran có dành ưu tiên cho việc thiết lập lại quan hệ kinh tế với Ấn Độ? Ấn Độ chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ các công ty công nghệ tiên tiến của Mỹ, Châu Âu, Nga và Trung Quốc về vấn đề đầu tư vào Iran. Một yếu tố khu vực khác có thể buộc Ấn Độ tiết chế quan hệ với Iran là sự ràng buộc sâu sắc của Ấn Độ với Israel và các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). (Xem tiếp phần 2)
*http://thediplomat.com/2015/09/india-iran-relations-challenges-and-opportunity/
**Giáo sư dự khuyết, Khoa Quan hệ quốc tế và nghiên cứu an ninh, Điều phối viên tại Trung tâm Nghiên cứu hòa bình và xung Đột, Đại học Cảnh sát, an ninh và tư pháp hình sự Sardar Patel, Jodhpur, bang Rajasthan, Ấn Độ.
Người dịch: Nguyễn Thị Thu Hiền
Hiệu đính: ThS. Phùng Thị Thanh Hà
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục