Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ liên kết với Mỹ nhằm cân bằng các mối quan ngại về an ninh phát sinh từ Trung Quốc

Ấn Độ liên kết với Mỹ nhằm cân bằng các mối quan ngại về an ninh phát sinh từ Trung Quốc

Tại Diễn đàn Shangri-La ở Singapore, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ mong muốn Ấn Độ đưa “Ấn Độ - Thái Bình Dương” trở thành nhân tố quyết định cho cấu trúc an ninh mới ở châu Á, đồng thời mô tả địa lý mới của khu vực “Ấn Độ - Thái Bình Dương” kéo dài từ bờ biển châu Phi đến châu Mỹ.

05:39 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ông Modi cũng nhấn mạnh rằng, “khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương an toàn và thịnh vượng” là “trụ cột quan trọng” của quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - Hoa Kỳ. Nước Mỹ cũng tràn đầy nhiệt huyết với khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương. Có thể gọi sự nhấn mạnh của Chính quyền Donald Trump về “Ấn Độ - Thái Bình Dương” là hành động chiến lược quan trọng nhất đối với Ấn Độ.

Lầu Năm Góc đã bắt đầu sử dụng thuật ngữ mới này trong các tài liệu chính thức của Hoa Kỳ. Quân đội Mỹ đã đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã nhận xét rằng, "mối quan hệ với các đồng minh và các đối tác Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đã chứng minh là quan trọng để duy trì ổn định khu vực... Căn cứ vào tính kết nối ngày càng gia tăng giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, hôm nay chúng ta đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương”.

Mặc dù động thái này cơ bản được xem mang tính biểu tượng, tuy nhiên, nó nhấn mạnh tầm quan trọng đang gia tăng của Ấn Độ trong các tính toán chiến lược của Mỹ. Vào tháng 4/2018, Alex Wong, Phó trợ lý ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, thừa nhận rằng, Ấn Độ đóng một vai trò quan trọng ở Thái Bình Dương, Đông Á và Đông Nam Á trong “thực tế lịch sử và thực tế hiện nay”.

Từ góc độ định tính, cách tiếp cận của ông Modi đối với Mỹ không khác so với những người tiền nhiệm của ông kể từ khi mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ được xem như một công cụ quan trọng để tăng cường thế chiến lược của Ấn Độ cũng như quyền tự chủ của Ấn Độ. Dưới sự lãnh đạo của ông Modi, Ấn Độ đã mở ra một lĩnh vực mới trong việc theo đuổi các chính sách được định hướng bởi tầm nhìn dài hạn về lợi ích quốc gia.

Ví dụ, New Delhi ký kết LEMAO (Biên bản ghi nhớ về trao đổi hậu cần) với Washington vào năm 2016 sau nhiều năm do dự. Do khu vực châu Á - Thái Bình Dương không bao gồm Ấn Độ, nên cơ bản đã giới hạn Ấn Độ ở khu vực Nam Á, vì thế, New Delhi đã nhiệt tình chấp nhận khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Khuôn khổ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của Chính quyền Trump công nhận mối liên hệ chặt chẽ giữa khu vực Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương, điều này hiển nhiên đặt Ấn Độ ở trung tâm của cấu trúc địa chính trị mới này, tuy nhiên, các quốc gia khác nhau lại có cách giải thích không giống nhau.

Thuật ngữ "Ấn Độ - Thái Bình Dương" về mặt phương hướng là một chiến lược rõ ràng, và bối cảnh chính trị của nó cũng không thể nhầm lẫn: Trung Quốc. Trong khi "Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" vẫn đang trong giai đoạn đầu, nhưng tầm quan trọng chỉ nằm ở sự cứng rắn của Trung Quốc.

Hành vi cứng rắn của Bắc Kinh có thể được giải thích bằng sự phát triển liên tục về khả năng quân sự, những thay đổi đáng kể trong sự phân bố quyền lực toàn cầu, đặc biệt là, sự suy giảm niềm tin vào khả năng lãnh đạo của Mỹ. Sự hiện diện ngày càng tích cực của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương, cũng như những nỗ lực mở rộng không ngừng phạm vi địa chính trị ở châu Á, và xa hơn nữa là việc sử dụng thương mại và quân sự làm công cụ kép, đã rút ngắn thời kỳ thai nghén nên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Một “trò chơi lớn” mới đã thể hiện ý nghĩa tương tự trong lĩnh vực hàng hải, trong đó sự kiểm soát các tuyến đường biển và các hải cảng sẽ là nhân tố thay đổi của quy tắc trò chơi. Trung Quốc dường như đã dẫn đầu trong trò chơi nước cờ địa chính trị mới này với dự án địa chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình - “Sáng kiến Vành đai, Con đường” (BRI) - nhằm tìm cách vẽ lại bản đồ đại lục châu Á, đồng thời ngăn chặn Ấn Độ tiếp cận khu vực này một cách hệ thống hơn.

Nhằm ứng phó với chiến lược của ông Tập, Chính phủ Modi cũng đã đưa ra “Chính sách Hành động Phía Đông” nhằm cải thiện đáng kể mối quan hệ của Ấn Độ với khu vực Đông Nam Á, nơi nhiều quốc gia vẫn e ngại về ý định của Trung Quốc ở vũ đài biển rộng lớn.

Chuyến thăm mới kết thúc của ông Modi đến Indonesia, Malaysia và Singapore là một biểu hiện rõ ràng của chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ. Khi mô tả Singapore là “bàn đạp đến ASEAN” của Ấn Độ và “cửa ngõ cho Ấn Độ về phía Đông”, ông Modi cũng đã tuyên bố rằng, ASEAN phải là vùng lõi địa lý cho bất kỳ cấu trúc Ấn Độ - Thái Bình Dương nào. Trung Quốc đang dõi theo một cách chặt chẽ sự tham gia của Ấn Độ thông qua các cuộc đối thoại chiến lược, các cuộc diễn tập quân sự và các thỏa thuận an ninh với nhiều quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Tương đồng với chiến thuật của Trung Quốc ở khu vực sân sau của Ấn Độ,  Ấn Độ cũng đang cố gắng sử dụng một cách sáng tạo công cụ thương mại và ngoại giao làm vũ khí chiến lược. Nhưng tỷ lệ thành công của BRI cùng với sự thiếu vắng một tầm nhìn thay thế của Ấn Độ là một sự ngăn trở trong nỗ lực của New Delhi để đối phó hiệu quả các thủ đoạn của Trung Quốc.

Và các động thái diễn biến của Đối thoại Nga - Ấn Độ - Trung Quốc, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, và Nhóm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) cũng được xem là bộ phận cấu thành của hành động cân bằng giữa New Delhi giữa Washington và Bắc Kinh. Điều này được minh họa bởi “Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức” giữa ông Tập và ông Modi, và những nhận xét tích cực của ông Modi tại Đối thoại Shangri-La gần đây, phương pháp tiếp cận của Ấn Độ có thể là phương thức có lợi nhất về mặt chính trị trong thời kỳ khủng hoảng chưa từng có về địa chính trị toàn cầu.

Tuy nhiên, các yếu tố cấu trúc mới đòi hỏi Ấn Độ phải gia tăng liên kết chiến lược với Hoa Kỳ để cân bằng các mối quan ngại về an ninh xuất phát từ lập trường cứng rắn của Trung Quốc. Trên thực tế, khi ông Modi nhắc đến quan điểm Ấn Độ về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là trật tự chung dựa trên nguyên tắc sự đồng thuận chung của đa số các nước chứ không dựa trên quyền lực của một số nước thiểu số, cũng như "dựa vào lòng tin đối thoại, chứ không phải là vũ lực”.

Chính quyền Modi luôn ủng hộ tự do hàng hải và tuân thủ trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế, và những gì ông Modi lập luận tại Đối thoại Shangri-La là việc tái khẳng định nguyên tắc này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lại không hề nương nhẹ trong bài phát biểu tại Shangri-La khi lập luận rằng, "chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông tương phản hoàn toàn với sự cởi mở về chiến lược của chúng tôi". Ông Modi sau đó đã nhấn mạnh mối nguy hiểm về các khoản nợ lớn, điều này phản ánh rõ ràng về sự liên kết chặt chẽ giữa New Delhi và Washington về "ngoại giao về bẫy nợ" của BRI.

Do đó, lợi ích chiến lược của Ấn Độ là khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương với tư cách là một khu vực đa cực có khả năng chống lại sự bá quyền tiềm năng của một nước, bất kể quốc gia đó có thể cảm nhận mạnh mẽ đến đâu.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://www.firstpost.com/india/narendra-modi-at-shangri-la-dialogue-india-aligning-with-us-to-balance-security-concerns-emanating-from-china-4497285.html

Nguồn:

Cùng chuyên mục