Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ, Nhật Bản cân nhắc cho phép lực lượng vũ trang của mỗi bên sử dụng các căn cứ quân sự của nhau

Ấn Độ, Nhật Bản cân nhắc cho phép lực lượng vũ trang của mỗi bên sử dụng các căn cứ quân sự của nhau

Thủ tướng Ấn Độ và Nhật Bản sẽ thảo luận về thỏa thuận chia sẻ căn cứ quân sự trong Hội nghị Thượng đỉnh vào cuối tháng 10/2018.

05:01 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Franz-Stefan Gady*

Ấn Độ và Nhật Bản sẽ thảo luận và có khả năng hoàn tất một hiệp ước chia sẻ căn cứ tại một cuộc họp thượng đỉnh song phương sắp tới giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào cuối tháng 10/2018. Thỏa thuận dịch vụ mua và trao đổi chéo (ACSA) sẽ cho phép quân đội Ấn Độ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) sử dụng các căn cứ của nhau vì mục đích hỗ trợ hậu cần.

Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ - Nhật Bản lần thứ 13 sắp diễn ra tại Tokyo vào ngày 28-29/10/2018 dự kiến sẽ có các cuộc thảo luận về hợp tác quân sự sâu hơn giữa hai nước, bao gồm việc chia sẻ tài sản quân sự và năng lực trong lĩnh vực hậu cần. Cụ thể, thỏa thuận sẽ cho phép Hải quân Ấn Độ tiếp cận căn cứ của Nhật Bản tại Djibouti, trong khi Hải quân Nhật Bản (JMSDF) sẽ được phép sử dụng các căn cứ quân sự của Ấn Độ trên quần đảo Andaman và Nicobar ở Ấn Độ Dương bên cạnh các cơ sở hải quân khác.

Ngày 17/10/2018, tờ Deccan Herald Ấn Độ đưa tin: "Các nguồn tin cho biết, hiệp ước sẽ yêu cầu lực lượng vũ trang của Ấn Độ và Nhật Bản hỗ trợ nhau về hậu cần, bao gồm lương thực, nước, trú quân, vận tải (hàng không, nếu cần thiết), xăng dầu, quần áo, thông tin liên lạc, dịch vụ y tế, cơ sở hỗ trợ, lưu trữ, sử dụng các cơ sở, dịch vụ đào tạo, phụ tùng, sửa chữa và bảo dưỡng, dịch vụ sân bay và cảng biển”. Cả Ấn Độ lẫn Nhật Bản đều không tiết lộ chi tiết về thỏa thuận. Tuy nhiên, nó có thể sẽ giống với các thỏa thuận tương tự mà Ấn Độ đã ký kết với Pháp trong năm 2010 và Mỹ vào năm 2016.

Thỏa thuận chia sẻ cơ sở hậu cần được đề xuất đã được thảo luận trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ - Nhật Bản được tổ chức tại New Delhi vào tháng 8/2018 được hai bên nhanh chóng đồng ý ký kết. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera, nói với các phóng viên khi kết thúc đối thoại vào ngày 21/8/2018 rằng: “Ký kết (sớm) ACSA song phương rất quan trọng để tạo ra một môi trường cho phép SDF và quân đội Ấn Độ tiến hành các cuộc tập trận chung”.

Ngoài ra, thỏa thuận này được cho là chủ đề thảo luận trong cuộc họp tuần trước giữa Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval với người đồng nhiệm phía Nhật Bản, Shotaro Yachi, ở New Delhi. Đáng chú ý, thỏa thuận sẽ không có bất kỳ điều khoản cam kết nào yêu cầu một quốc gia có bất kỳ hành động quân sự nào. Vẫn chưa rõ liệu ACSA đã được dự kiến ký trong tháng 10/2018 hay không, mặc dù đã có những dấu hiệu cho thấy cả hai bên đều tìm kiếm một kết luận nhanh chóng về các kế hoạch chung nhằm tăng số lượng các cuộc tập trận quân sự chung vào năm 2019 và 2020.

Cho đến hiện tại, cả Ấn Độ lẫn Nhật Bản đều chưa công bố một chương trình chính thức cho cuộc họp thượng đỉnh tháng 10/2018. Thông cáo báo chí của Chính phủ Ấn Độ ngày 12/10/2018 về Hội nghị Thượng đỉnh song phương sắp tới cho biết: “Trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và toàn cầu đặc biệt giữa Ấn Độ và Nhật Bản, hai nhà lãnh đạo sẽ có các cuộc thảo luận rộng rãi trong hai ngày về các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu”, mà không cung cấp bất kỳ chi tiết nào. Bất kỳ thỏa thuận hậu cần nào giữa Ấn Độ - Nhật Bản cũng có khả năng gây nên phản ứng từ phía Trung Quốc, quốc gia đang duy trì căn cứ quân sự ở Djibouti, và đều có các các tranh chấp lãnh thổ với cả Ấn Độ lẫn Nhật Bản.

Trong thời gian diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh, Nhật Bản cũng dự kiến sẽ thảo luận với Ấn Độ về việc mua 12 máy bay giám sát tìm kiếm và cứu nạn hàng hải Shinmaywa US-2i cho Hải quân Ấn Độ. Nếu được mua, US-2i dự kiến sẽ được bố trí trên quần đảo Andaman và Nicobar ở Vịnh Bengal. Ấn Độ và Nhật Bản đã bị kẹt trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận quốc phòng trị giá 1,35 tỷ USD này trong 3 năm qua. Nếu được ký kết hợp đồng này giữa hai nước sẽ là thỏa thuận quốc phòng lớn đầu tiên của Nhật Bản kể từ khi nước này tự dỡ bỏ lệnh cấm vận  xuất khẩu vũ khí trong năm 2014.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://thediplomat.com/2018/10/india-japan-mull-allowing-their-armed-forces-to-use-each-others-military-bases/

Franz-Stefan Gady, Biên tập viên cao cấp tờ Diplomat.

Nguồn:

Cùng chuyên mục