Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách tổng hợp: nền tảng cho tăng trưởng cấp số nhân của Ấn Độ

Chính sách tổng hợp: nền tảng cho tăng trưởng cấp số nhân của Ấn Độ

07:46 09-06-2025 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ đang gặt hái thành quả từ quá trình cải cách kinh tế, vốn khởi đầu với nhiều điều bất cập, song đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện tại, Ấn Độ đang hoàn tất giai đoạn cuối của quá trình cải cách để đảm bảo tuân thủ và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.  

Trước năm 1991, tầng lớp lãnh đạo chính trị từng kìm hãm khát vọng phát triển của đất nước bằng cách quay lưng với doanh nghiệp tư nhân và duy trì nền kinh tế gần như tự cung tự cấp. Sau cột mốc cải cách năm 1991, chính sách kinh tế của Ấn Độ đã thay đổi mạnh mẽ, mở rộng cơ hội và chủ động hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

Hơn ba thập kỷ sau, Ấn Độ đã lột xác trở thành một nền kinh tế hoàn toàn khác biệt. Tính đến năm 2025, với GDP đạt 4.187 tỷ USD, Ấn Độ đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, chỉ hơn Nhật 1 tỷ USD. Đây cũng là nền kinh tế nghìn tỷ đô duy nhất duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6%. Để so sánh, Indonesia tăng trưởng 4,7%, Trung Quốc 4%, Ả Rập Xê Út 3%, Brazil 2%, và Mỹ 1,8%. Nếu duy trì đà tăng này, Ấn Độ dự kiến sẽ vượt Đức (GDP 4,5 nghìn tỷ USD) để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong vòng 18 tháng tới.

Tốc độ tăng trưởng ngoạn mục này thể hiện rõ cả về giá trị tuyệt đối và tương đối. Năm 1991, thu nhập bình quân đầu người của Ấn Độ (theo PPP) là 1.239 USD, chỉ bằng 21% mức trung bình toàn cầu (5.764 USD). Đến năm 2023, tỷ lệ này đã tăng lên 44% (Ấn Độ: 10.166 USD; thế giới: 22.850 USD). Về thực trạng xóa đói giảm nghèo, năm 1975, hơn 60% dân số Ấn Độ sống dưới mức 1,9 USD/ngày; hiện nay tỷ lệ giảm mạnh xuống còn 0,8%.

Số lượng tỷ phú tại Ấn Độ cũng gia tăng nhanh chóng, tính đến năm 2025, Ấn Độ có 187 tỷ phú USD, so với năm 1991 chỉ có 1 tỷ phú USD. Tuy nhiên, mức độ bất bình đẳng thu nhập không gia tăng. Hệ số Gini đo lường chênh lệch thu nhập, gần như ổn định: từ 31,6% năm 1993, lên 34% năm 2004 và 32,8% vào năm 2021. Nói cách khác, mọi tầng lớp trong xã hội Ấn Độ đều đã được hưởng lợi từ cuộc cải cách lịch sử năm 1991 do Thủ tướng Narasimha Rao khởi xướng.

Những cải cách kinh tế của Ấn Độ bắt đầu trong điều kiện hạn chế nhưng đã trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ. Kể từ đó, các đời thủ tướng kế tiếp đã biến cải cách kinh tế thành cây cầu kết nối giữa khát vọng của người dân và nền kinh tế chính trị. Từ năm 2014 đến nay, Thủ tướng Narendra Modi đã theo đuổi lộ trình cải cách với mức độ quyết liệt chưa từng có. Ông tiếp quản nền kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD và đã nâng quy mô lên 4.000 tỷ USD trong vòng một thập kỷ, đồng thời kiểm soát lạm phát hiệu quả.

Những cải cách mang tính bước ngoặt đã định hình hành trình phát triển của Ấn Độ gồm: Tuyên bố về Chính sách Công nghiệp năm 1991 (Thủ tướng Narasimha Rao) đặt nền tảng cho quá trình cải cách kinh tế; Đạo luật Đảm bảo Việc làm Nông thôn Quốc gia Mahatma Gandhi (Thủ tướng Manmohan Singh) đóng vai trò như một chương trình an sinh xã hội; Dự án Tứ giác Vàng (Atal Bihari Vajpayee) thúc đẩy hệ số kết nối kinh tế; Thuế Hàng hóa và Dịch vụ (GST) (Narendra Modi) đơn giản hóa hệ thống thuế gián tiếp, tăng cường hiệu quả quản lý tài khóa.

Bên cạnh đó, chương trình Jan Dhan Yojana đã mở rộng khả năng tiếp cận tài chính cho người nghèo, biến điện thoại di động thành công cụ ngân hàng. Thuế GST giúp đơn giản hóa hệ thống thuế gián thu. Bộ luật Phá sản và Tái cấu trúc đã đẩy nhanh tiến trình xử lý tài sản xấu. Cơ chế chuyển khoản phúc lợi trực tiếp (Direct Benefit Transfer) trở thành công cụ nâng cao hiệu quả chi tiêu công. Hệ thống đường cao tốc quốc gia thúc đẩy sản xuất và giao thương. Đồng thời, các cơ hội cải cách mới tiếp tục mở ra trong các lĩnh vực như sản xuất, công nghệ tài chính (fintech) và chất bán dẫn.

Mỗi cải cách tiếp theo dưới thời Thủ tướng Modi đều tạo ra hiệu ứng tích lũy trong hoạch định chính sách kinh tế, từ năng lượng, viễn thông, bán lẻ, đến đường sắt, đường bộ, cảng biển và nay là công nghệ tài chính, hệ thống thanh toán và chất bán dẫn. Trong thế kỷ 21, Ấn Độ đã trở thành hình mẫu về việc thực hiện cải cách kinh tế trong một nền dân chủ đầy cạnh tranh.

Ngày nay, trong bối cảnh trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang rạn nứt nghiêm trọng, do chiến sự tại Ukraine, xung đột ở Israel và cả những thách thức gần đây của Ấn Độ, Thủ tướng Modi cần tiếp tục củng cố chiến lược hoạch định chính sách kinh tế. Nếu như năm 1991, Ấn Độ đối mặt với áp lực vĩ mô, thì năm 2025, thách thức chủ Ấn Độ đã xoay sở tốt trước làn sóng biến động toàn cầu. Chiến thắng gần đây trước Pakistan, điển hình là chiến dịch Sindoor, không chỉ mang lại thắng lợi chiến lược, mà còn mở ra cơ hội kinh tế mới, khẳng định năng lực sản xuất quốc phòng “Sản xuất tại Ấn Độ”.

Trong suốt 34 năm qua, các cuộc cải cách kinh tế đã giúp định hình sự phát triển của Ấn Độ và sẽ tiếp tục phát huy tác dụng trong 22 năm tới, khi Ấn Độ tiến nhanh tới mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển (Viksit Bharat) vào năm 2047 với quy mô nền kinh tế 30.000 tỷ USD.

Ấn Độ chính thức bước vào nhóm nền kinh tế nghìn tỷ USD vào năm 2006. Phải mất tám năm để Ấn Độ đạt mốc 2.000 tỷ USD, bảy năm để chạm mốc 3.000 tỷ USD và chỉ bốn năm để vượt qua 4.000 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới. Với đà tăng trưởng hiện tại, Ấn Độ sẽ nhanh chóng vượt mốc 5.000 tỷ USD. Với mỗi nghìn tỷ USD tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng thêm 700 USD, một con số có tác động đáng kể đến các hộ gia đình, doanh nghiệp, thị trường, thuế và phúc lợi xã hội.

Chính sách tiền tệ ban hành năm 2016 đã đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định đi kèm với lạm phát thấp. Khung chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã duy trì duy trì tỷ lệ lạm phát khoảng 4%, với giới hạn tối đa là 6%. Nhờ vậy, trong vòng 9 năm qua, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ duy trì với mức lạm phát trung bình 5,0%, so với 7,9% trong giai đoạn 2004-2014.

So với thế hệ thanh niên năm 1991, thanh niên Ấn Độ ngày nay có rất nhiều cơ hội. Công nghệ đã dân chủ hóa tinh thần khởi nghiệp, mạng xã hội dân chủ hóa tiếng nói của người dân và hệ thống vận tải, hậu cần giúp tiếp cận thị trường vùng miền dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một cải cách quan trọng cuối cùng, đó là yếu tố có thể biến sự tích lũy cải cách chính sách thành tăng trưởng theo cấp số nhân.

Thủ tướng Narendra Modi đang thúc đẩy tiến trình cải cách kinh tế mạnh mẽ. Ông khuyến khích khu vực tư nhân làm đầu tàu tăng trưởng, đồng thời nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp khu vực công.

Tuy nhiên, một cải cách mang tính nền tảng, giảm gánh nặng quy định và đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, mới là yếu tố sẽ thay đổi toàn cảnh khởi nghiệp tại Ấn Độ, tạo động lực cho tăng trưởng và mang lại hiệu quả vượt bậc trên hành trình hướng tới nền kinh tế 10.000 tỷ USD vào năm 2032. Cải cách này sẽ tận dụng toàn bộ thành quả đã có, tạo ra một hệ sinh thái hiệu quả từ sản xuất, hậu cần, xuất khẩu, tiêu dùng.

Một nghiên cứu công bố tháng 2 năm 2022 với tiêu đề “Đi tù vì làm kinh tế” đã liệt kê hàng loạt rào cản pháp lý mà doanh nhân Ấn Độ phải đối mặt. Cụ thể, có tới 1.536 đạo luật với 69.233 quy định tuân thủ pháp lý, yêu cầu 6.618 lần báo cáo định kỳ hằng năm.

Sau khi nghiên cứu này được công bố, Thủ tướng Modi đã chỉ đạo thành lập một ủy ban dưới sự chủ trì của NITI Aayog và thông qua Luật Niềm tin Nhân dân (Jan Vishwas Amendment of Provisions Act, 2023) vào ngày 11 tháng 8 năm 2023. Giai đoạn hai của chương trình cải cách Jan Vishwas hiện đang được triển khai nhằm đơn giản hóa hơn nữa khung pháp lý, thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi và tạo động lực cho tăng trưởng theo cấp số nhân.

Theo thống kê từ TeamLease, tính đến ngày 22 tháng 2 năm 2022, hệ thống quy định pháp lý về kinh doanh tại Ấn Độ bao gồm tổng cộng 1.536 đạo luật, trong đó có 678 luật thuộc cấp liên bang (chiếm 44,1%) và 858 luật thuộc cấp bang (chiếm 55,9%). Tổng số quy định, điều kiện tuân thủ lên tới 69.233, trong đó có 25.537 yêu cầu từ cấp liên bang (36,9%) và 43.696 yêu cầu từ cấp bang (63,1%). Đáng chú ý, có tới 843 luật (tương đương 54,9% tổng số luật) có quy định hình phạt tù. Trong số đó, 244 luật là của liên bang (28,9%) và 599 luật là của các bang (71,1%). Ngoài ra, có 26.134 yêu cầu tuân thủ kèm theo nguy cơ bị phạt tù (chiếm 37,7% tổng số yêu cầu), với 5.239 đến từ liên bang (20%) và 20.895 từ cấp bang (80%).

Sáng kiến Jan Vishwas 1.0 tiếp cận cải cách pháp lý với sự đổi mới trong cách làm, chọn lọc có chủ đích và tinh thần kiên định. Điểm đổi mới nổi bật nhất nằm ở việc sử dụng một đạo luật duy nhất để sửa đổi nhiều luật khác nhau. Sự chọn lọc thể hiện rõ ở việc giữ lại một số điều khoản mang tính răn đe nhằm ngăn chặn các hành vi gây hại, trong khi loại bỏ các điều khoản hình sự hóa không cần thiết đối với những sai sót nhỏ mang tính hành chính. Sự kiên trì được thể hiện qua quá trình rà soát và loại bỏ 113 điều khoản hình sự hóa không công bằng, bằng cách tham vấn nhiều bộ trung ương để xem xét và tự nguyện bãi bỏ các hình phạt không cần thiết.

Tuy nhiên, cách tiếp cận dựa trên sự đồng thuận và tham vấn này lại vô tình duy trì hiện trạng, chỉ tạo ra những thay đổi nhỏ. Rất ít cơ quan sẵn sàng loại bỏ các quy định mà chính họ đã xây dựng và đang vận hành. Kết quả là, chỉ khoảng 4% trong tổng số 678 đạo luật cấp liên bang liên quan đến doanh nghiệp được sửa đổi. Trong số 5.239 điều khoản về phạt tù thuộc hệ thống luật liên bang, chỉ có 2% bị bãi bỏ trong khuôn khổ Jan Vishwas 1.0.

Nhận thức rõ sự cần thiết của một cuộc cải cách sâu rộng hơn, chính phủ đã phát tín hiệu khởi động Jan Vishwas 2.0, với dự kiến loại bỏ thêm khoảng 100 quy định hình sự. Tuy nhiên, điều này chưa tương xứng với tầm nhìn đầy tham vọng của Thủ tướng Modi về một “Ấn Độ phát triển” (Viksit Bharat). Giai đoạn tiếp theo của cải cách cần một bước chuyển từ tư duy gia tăng sang một cuộc đại cải tổ. Điều này đòi hỏi một chiến lược ba mũi nhọn:

Thứ nhất, cần có một nhà lãnh đạo độc lập ngoài bộ máy hiện tại, người có khả năng kiến tạo một cơ sở hạ tầng pháp lý hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thay vì kiểm soát. Bộ máy hành chính cần đóng vai trò hỗ trợ, chứ không phải là trung tâm điều phối cải cách, tương tự như vai trò hỗ trợ đối với nhánh hành pháp.

Thứ hai, cải cách phải dựa trên nguyên tắc nhưng cũng đảm bảo tính khách quan. Dù hai yếu tố này có thể mâu thuẫn nhưng hoạch định chính sách không phải là khoa học thuần túy hay nghệ thuật thuần túy, sự kết hợp giữa tính khoa học và tính thực tiễn là cần thiết. Ví dụ, các đạo luật liên quan đến ô nhiễm môi trường hoặc bảo vệ người lao động cần tiếp tục duy trì cơ chế trừng phạt nghiêm khắc. Những quy định gây chậm trễ hoặc gia tăng chi phí hành chính không cần thiết cần được loại bỏ.

Một hướng tiếp cận khác là phi hình sự hóa tất cả các quy định trước, sau đó xem xét lại và điều chỉnh những trường hợp thực sự cần hình phạt tù. Điều này buộc chính phủ phải rà soát toàn diện từng quy tắc, từng điều khoản, đồng thời thiết lập một khuôn khổ liên bộ, nhằm ngăn chặn các hậu quả không mong muốn và vá lỗ hổng pháp lý. Mục tiêu không phải là phi hình sự hóa mọi quy định, mà là hợp lý hóa toàn bộ hệ thống, bao gồm việc loại bỏ những quy định lỗi thời, không còn phù hợp.

Thứ ba, sau khi hoàn thiện dự thảo cải cách, cần tổ chức các cuộc đối thoại đa chiều giữa các bên liên quan – từ chính phủ, bộ máy hành chính, doanh nghiệp cho đến giới học giả – trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau như khu công nghiệp, đô thị lớn, v.v. Cơ chế đối thoại này chỉ nên được thiết lập sau khi hai bước đầu tiên đã hoàn thiện.

Khi môi trường kinh doanh được cải thiện, những cải cách bắt đầu từ năm 1991 và tiếp nối đến năm 2025 sẽ thực sự lan tỏa tới cả doanh nghiệp nhỏ và vừa lẫn các tập đoàn lớn. Kết quả cuối cùng là một mức tăng trưởng theo cấp số nhân. Những rào cản về hệ thống tuân thủ được giải quyết triệt để sẽ trở thành động lực thúc đẩy mục tiêu đạt quy mô nền kinh tế 30 nghìn tỷ USD vào năm 2047.

Tác giả: Gautam Chikermane, Phó Chủ tịch cơ quan nghiên cứu quan sát (ORF), New Delhi, Ấn Độ

Người dịch: Dương Thanh Hằng, Viện Chính trị và Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

 

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục