Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ phê duyệt vắc-xin ngừa Covid-19

Ấn Độ phê duyệt vắc-xin ngừa Covid-19

Ấn Độ đã phê duyệt thủ tục để bắt đầu một chiến dịch tiêm chủng trên quy mô lớn cho 1,3 tỷ dân của quốc gia hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Trong đó, Chính phủ cũng phê duyệt cho một loại sinh phẩm được phát triển bởi Bharat Biotech, một công ty dược phẩm của Ấn Độ.

05:20 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ cho biết họ đã phê duyệt hai loại vắc xin ngừa vi-rút corona, một loại do công ty dược AstraZeneca và Đại học Oxford sản xuất, và loại thứ hai được phát triển ở Ấn Độ, để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Đây là một bước quan trọng nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi-rút corona ở một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch trên thế giới.

Các phê duyệt đã được công bố tại một cuộc họp báo ở New Delhi vào Chủ nhật ngày 27/12/2020. Tiến sĩ V.G. Somani, tổng thanh tra kiểm soát dược phẩm của Ấn Độ, cho biết, quyết định phê duyệt vắc-xin Oxford-AstraZeneca và vắc-xin bản địa do Bharat Biotech phát triển được đưa ra sau khi Tổ chức Kiểm soát Tiêu chuẩn Thuốc Trung ương của Ấn Độ đã “kiểm tra kỹ” cả hai loại vắc-xin này. Các cơ quan quản lý Ấn Độ vẫn đang xem xét phê duyệt hai loại vắc-xin khác. Một là, loại do Pfizer và BioNTech thực hiện, đã được phê duyệt ở Mỹ và Châu Âu. Hai là, vắc-xin Sputnik V của Nga, dường như hai loại này cũng sẽ sớm được phê chuẩn.

Hôm thứ Tư (23/12/2020), Anh trở thành quốc gia đầu tiên cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Oxford-AstraZeneca. Argentina cũng sớm thực hiện biện pháp này.

Các quan chức Ấn Độ đã nhanh chóng đi tới quyết định phê duyệt vắc-xin vì một số lý do. Quốc gia này đứng thứ 2 trong số các ca lây nhiễm được xác nhận, sau Mỹ, và  nhiều người cho rằng, dịch bùng phát tồi tệ hơn số liệu chính thức. Đại dịch đã tàn phá nền kinh tế, và tỷ lệ thất nghiệp tại Ấn Độ ở mức cao nhất trong 45 năm qua. Giáo dục đã bị gián đoạn, dẫn đến những lo lắng về tác động lâu dài đối với giới trẻ của đất nước. Ấn Độ hiện phải đối mặt với một số thách thức lớn. Liều vắc-xin dùng cho hơn 1,3 tỷ người phải được mua và phân phối trên địa bàn rộng lớn. Các quan chức cũng có thể đối mặt với sự nghi ngờ của công chúng về tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin, một phần do Chính phủ Ấn Độ còn chưa công bố các quy trình thử nghiệm lâm sàng.

Nhanh chóng xuất hiện những lời phê bình sự thiếu rõ ràng trong dữ liệu mà cơ quan quản lý đã kiểm tra sau khi hai loại vắc-xin được phép sử dụng khẩn cấp. Cơ quan giám sát y tế công cộng All India Drug Action Network ngay lập tức đưa ra thông báo yêu cầu thêm thông tin về phạm vi thử nghiệm lâm sàng và phác đồ sử dụng cho cả hai loại vắc xin. Về vắc-xin Bharat Biotech, được gọi là Covaxin, nhóm cho biết, họ đã “bối rối không hiểu logic khoa học nào đã thúc đẩy các chuyên gia hàng đầu” cấp phép cho một loại vắc-xin vẫn đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Tiến sĩ Somani, thuộc cơ quan giám sát y tế công cộng, cho biết vắc-xin cho đến nay đã được sử dụng trên 22.500 người tình nguyện, và “đã được chứng minh là an toàn”.

Tiến sĩ Somani nói, cả vắc-xin AstraZeneca và vắc-xin Bharat Biotech đều cần tiêm hai mũi. Ông không nói rõ liệu những người tham gia thử nghiệm lâm sàng cho vắc-xin Bharat Biotech có được tiêm đủ hai liều hay chưa.

Quá trình tiêm vắc-xin đại trà đã phải đối mặt với nhiều rào cản. Viện Huyết thanh tại Pune, Ấn Độ, đã đạt được thỏa thuận sản xuất vắc-xin Oxford ngay cả trước khi hiệu quả của nó đã được chứng minh, nhưng chỉ có khả năng sản xuất được khoảng 1/10 trong số 400 triệu liều mà họ cam kết sản xuất trong năm 2020.

Chính phủ Ấn Độ cho biết vắc-xin đã sẵn sàng. Để có được vắc-xin trên khắp quốc gia rộng lớn về quy mô, và con đường vận chuyển vắc-xin còn chưa hoàn toàn đủ tin cậy, các quan chức sẽ khai thác bài học kinh nghiệm từ các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin bại liệt cho trẻ sơ sinh trên toàn quốc, cũng như kỹ năng và sự linh hoạt được sử dụng trong cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ, khi các thùng phiếu được chuyển đến nhiều vùng sâu vùng xa nhất của đất nước.

Mayank Sen, phát ngôn viên của Viện Huyết thanh cho biết, Viện đang trên đà tăng cường sản xuất vắc-xin Covishield Ấn Độ. Với 270 triệu USD vốn tự có và 300 triệu USD từ Quỹ Bill và Melinda Gates, Viện Huyết thanh có kế hoạch tăng công suất sản xuất lên 100 triệu liều mỗi tháng bắt đầu từ tháng 2/2021.

Viện Huyết thanh cũng đã ký một thỏa thuận với AstraZeneca để sản xuất một tỷ liều vắc-xin cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Vắc-xin này thu hút được sự quan tâm của các nước đang phát triển vì chi phí sản xuất rẻ hơn và dễ vận chuyển hơn so với những loại vắc-xin yêu cầu nhiệt độ lạnh trong quá trình bảo quản và vận chuyển.

Viện Huyết thanh gặp phải sự chậm trễ trong sản xuất khi xây dựng các cơ sở mới để sản xuất vắc-xin. Nó nói rằng họ đã sản xuất từ 40 triệu đến 50 triệu liều cho thế giới. Giám đốc điều hành Viện Huyết thanh, ông Adar Poonawalla, nói với các phóng viên hôm thứ Hai (28/12/2020) rằng, phần lớn liều vắc-xin sẽ được cung cấp cho Ấn Độ.

Các quan chức Ấn Độ còn chưa nắm rõ họ dự kiến sẽ nhận được bao nhiêu liều vắc-xin và khi nào sẽ được. Ông Sen cho biết Viện Huyết thanh không có thỏa thuận chắc chắn với Chính phủ Ấn Độ, nhưng đã cam kết dành phần lớn kho dự trữ hiện có sẽ dành cho vắc-xin dùng cho Ấn Độ.

Ông Sen cho biết “Chính phủ Ấn Độ vẫn chưa ký các giấy tờ và chưa đạt tới thỏa thuận cuối cùng, nhưng điều này dựa trên các cuộc thảo luận ban đầu mà chúng tôi đã có vì chúng tôi luôn nói rằng Ấn Độ sẽ là ưu tiên trong chương trình vắc-xin”. Ông Sen cho biết thêm, trong khi chờ phê duyệt vắc-xin của Tổ chức Y tế Thế giới, Viện Huyết thanh sẽ bắt đầu cung cấp vắc-xin cho các quốc gia đang phát triển khác với giá bằng chi phí sản xuất.

Quá trình phê duyệt của Ấn Độ cũng bị trì hoãn. Viện Huyết thanh đã nộp đơn xin phê duyệt sử dụng khẩn cấp vào đầu tháng 12/2020, nhưng các nhà quản lý đã yêu cầu cung cấp thêm thông tin chi tiết từ các thử nghiệm lâm sàng, bao gồm cả việc liệu một người tham gia thử nghiệm có gặp phải các biến chứng y khoa hay không. Sau khi tiêm vắc-xin Covishield vào ngày 1/10/2020, một tình nguyện viên 40 tuổi đến từ Chennai, Ấn Độ, đã công khai lên tiếng về việc gặp phải các triệu trứng ảnh hưởng tới thần kinh. Viện Huyết thanh đã đáp trả bằng cách đe dọa sẽ kiện ra tòa vì tội phỉ báng và nếu bị kết tội thì tình nguyện phải trả khoảng 13,7 triệu USD. Trong khi các tác động tiêu cực đến sức khỏe từ các thử nghiệm vắc-xin là rất hiếm, các chuyên gia y tế cho biết Viện Huyết thanh đã mạo hiểm khi đe dọa trừng phạt những người lên tiếng phản đối.

Ông Poonawalla cho biết hôm thứ Hai (28/12/2020) rằng, Viện Huyết thanh đã đệ trình các cơ quan quản lý thông tin bổ sung theo yêu cầu. Viện đã phủ nhận những vấn đề do người tham gia thử nghiệm ở Chennai nêu ra có liên quan đến Covishield, nhưng từ chối bình luận về việc có ý kiến cho rằng Viện đe dọa người đó.

Các quan chức Ấn Độ đã vạch ra một kế hoạch đầy tham vọng cho số dân khổng lồ của đất nước này, và họ cho rằng đây sẽ là chương trình lớn nhất trong lịch sử Ấn Độ. Ấn Độ có kế hoạch bắt đầu chiến dịch tiêm chủng trong ba tháng đầu năm 2021, sẽ tiêm cho khoảng 1/4 dân số từ nay tới tháng 8/2021.

30 triệu người đầu tiên được tiêm chủng sẽ là các nhân viên y tế, sau đó là cảnh sát và các nhân viên tuyến đầu khác. Đối với 270 triệu người còn lại, các nhà chức trách sẽ tập trung vào những người trên 50 tuổi hoặc những người có các điều kiện có thể khiến họ dễ bị tổn thương. Phần còn lại của dân số sẽ được tiêm chủng dựa trên sự sẵn có của vắc-xin và các tiến bộ khoa học mới nhất.

Ấn Độ có kinh nghiệm lâu dài trong việc tiêm chủng đại trà. Tiêm chủng đại trà đầu tiên của Ấn Độ diễn ra vào năm 1802, để chống bệnh đậu mùa. Những nỗ lực sau đó bị thông tin sai và chậm được chấp nhận. Đất nước đã có những bước tiến mạnh mẽ trong những năm gần đây. Trong cuộc chiến chống lại bệnh bại liệt, các quan chức Chính phủ Ấn Độ đã nhắm đến các chiến dịch thông tin đến các nhà lãnh đạo tôn giáo, giúp gần như xóa sổ căn bệnh này. Theo một nghiên cứu, một chiến dịch tiêm vắc-xin sởi hàng loạt đã cứu sống hàng chục nghìn trẻ em từ năm 2010 đến năm 2013. Đối với chiến dịch chống vi-rút corona, Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các bang chuẩn bị chiến lược tiêm chủng. Một số bang đã thành lập các lực lượng đặc nhiệm ở cấp bang, cấp huyện và cấp làng xã. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, cho đến nay hơn 20.000 nhân viên y tế ở khoảng 260 quận, huyện đã được đào tạo để sử dụng vắc-xin.

Chính phủ có kế hoạch sử dụng lại khuôn khổ mô hình chương trình tiêm chủng phổ thông cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, một trong những can thiệp y tế công cộng lớn nhất và rẻ nhất trên thế giới, cho lần tiêm chủng ngừa vi-rút corona.

Bộ trưởng Hàng không dân dụng Ấn Độ, Hardeep Singh Puri, cho biết hôm thứ Ba (29/12/2020) rằng, các hãng hàng không, sân bay và nhân viên mặt đất đã được yêu cầu lập kế hoạch vận chuyển các lọ vắc xin ở nhiệt độ lạnh. Trong tuần cuối cùng của năm 2020, các nhân viên y tế ở 4 bang của Ấn Độ đã thực hiện diễn tập vận chuyển. Các quan chức y tế ở các nơi khác nhau đã trao hơn 100 liều vắc-xin giả dược cho những người tham gia tập huấn. Sau đó, họ theo dõi nhiệt độ của các liều thuốc trên suốt hành trình từ kho tàu đến địa điểm tiêm chủng, cũng như thời gian vận chuyển và liệu chúng có đến được bệnh nhân dự kiến hay không.

Ấn Độ vẫn sẽ cần cải thiện khả năng lưu trữ và di chuyển vắc xin trong điều kiện được kiểm soát nhiệt độ - được gọi là mạng lưới dây chuyền lạnh - cũng như cải thiện phương thức phân phối và đào tạo những người mới tham gia vào quy trình vắc-xin.

Theo Thekkekara Jacob John, một nhà nghiên cứu virus cao cấp ở bang Tamil Nadu, Ấn Độ có thể phải tăng gấp đôi số nhân viên y tế từ con số 2,5 triệu người hiện nay. Ông John nói: “Đây là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Thách thức không nằm ở các thành phố đông dân cư mà là các vùng nông thôn - quê hương thực sự của Ấn Độ”. Ông nói, các quan chức chính phủ cũng sẽ phải dừng việc tung tin đồn nhảm. Các nhóm trò chuyện trên WhatsApp, dịch vụ nhắn tin thuộc sở hữu của Facebook được sử dụng rộng rãi ở Ấn Độ, đã trở thành nơi lan truyền những thông tin sai về tác dụng phụ của vắc-xin. Tháng 11/2020, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi người dân để mắt đến những kẻ cố tung tin đồn về vắc-xin mà ông gọi là “phản bội tổ quốc và chống lại loài người”, đồng thời kêu gọi các chính trị gia giúp nâng cao nhận thức cho người dân.

Thủ tướng Modi đã nhắc lại lời kêu gọi đó vào thứ Năm (31/12/2020), biến cuộc chiến tiếp tục chống lại virus trở thành một cuộc chiến chống lại kẻ thù không xác định. “Hãy cẩn thận với những tin đồn,” ông nói, “Và với tư cách là những công dân có trách nhiệm, hãy tránh chia sẻ tin nhắn trên mạng xã hội mà không kiểm tra.”

Tác giả: Emily Schmall, phóng viên thường trú khu vực Nam Á của tờ Thời báo New York; và Sameer Yasir, phóng viên của tờ The New York Times văn phòng tại New Delhi, Ấn Độ.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: India Approves Oxford-AstraZeneca Covid-19 Vaccine and 1 Other - The New York Times (nytimes.com)

Nguồn:

Cùng chuyên mục