Ấn Độ sắp ký Hiệp ước Quốc phòng thứ ba với Mỹ
Hiện đang có ngày càng nhiều động thái ở Ấn Độ thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận quân sự cơ bản thứ 3 với Mỹ nhằm trung hòa trục Nga - Trung Quốc - Pakistan (RCP) vì lợi ích lớn hơn của Ấn Độ cũng như sự ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Cuộc đối đầu hiện nay giữa Ấn Độ và Pakistan càng làm nổi bật tầm quan trọng của việc Ấn Độ sớm ký kết thỏa thuận thứ 3 với Mỹ. Các chuyên gia chính sách đối ngoại và quốc phòng cho rằng, Ấn Độ cần phải nỗ lực hơn nữa để đạt được thỏa thuận này.
Một số chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc đang vi phạm chuẩn mực quốc tế trong những năm gần đây, đặc biệt là việc xây dựng các cơ sở quân sự trên những thực thể mà nước này chiếm đóng bằng vũ lực và bồi lấn ở Biển Đông. Trong khi đó, sức mạnh kinh tế và quân sự gia tăng của Trung Quốc đang đặt ra thách thức chiến lược đối với những quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Ấn Độ, Mỹ và các đồng minh - đối tác chiến lược. Họ nhận thấy mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Nga - Trung Quốc - Pakistan là vấn đề gây quan ngại không chỉ đối với Ấn Độ mà với cả những nước khác trong khu vực. Trong bối cảnh đó, quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - Mỹ nổi lên với tư cách là một chiến lược phòng ngừa rủi ro cho cả hai nước.
Ấn Độ đã ký Thỏa thuận Trao đổi hậu cần (LEMOA) và Thỏa thuận An ninh và tương thích liên lạc (COMCASA) với Mỹ. Tuy nhiên, hai nước này vẫn chưa ký thỏa thuận thứ 3 có tên Thỏa thuận Hợp tác và trao đổi cơ bản về không gian địa lý (BECA). Một quốc gia cần ký 3 thỏa thuận trên để có thể sở hữu các hệ thống vũ khí và liên lạc tối tân từ Mỹ.
COMCASA là một trong ba hiệp ước quốc phòng cơ bản cần được ký kết bởi một quốc gia để có được phần cứng quân sự công nghệ cao từ Mỹ. Trước COMCASA, Ấn Độ đã ký LEMOA vào năm 2016. Tuy nhiên, hai nước vẫn chưa bắt đầu đàm phán về thỏa thuận thứ ba - BECA.
Ông Brig Gurmeet Kanwal, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng Ấn Độ (IDSA), nhận định: "Mối quan hệ ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc-Pakistan trong lĩnh vực đầu đạn hạt nhân, tên lửa đạn đạo và khí tài quân sự là vấn đề gây quan ngại không chỉ cho Ấn Độ mà cho cả những nước khác trong khu vực. Ấn Độ phải cùng với Mỹ và các đối tác chiến lược khác như Australia, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc thiết lập một khuôn khổ an ninh phối hợp vì hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm đảm bảo an ninh toàn cầu và đối phó với những tình huống khẩn cấp".
Theo ông Brig Gurmeet Kanwal, “Hợp tác quốc phòng, một thành tố chủ chốt trong đối tác chiến lược Ấn - Mỹ, phải được đẩy lên một cấp độ mới để cho phép hai nước triển khai công tác đánh giá chung về mối đe dọa, lên kế hoạch khẩn cấp cho các hoạt động chung, chia sẻ thông tin tình báo, diễn tập chỉ huy và huấn luyện thực địa, kiểm soát và liên lạc, lên kế hoạch cho triển khai tác chiến và hỗ trợ hậu cần. Tất cả những hoạt động này phải phối hợp thực hiện với các nước Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và các đối tác chiến lược của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
COMCASA đã được ký kết vào năm ngoái và hai nước đã đồng ý hợp tác với nhau về việc Ấn Độ gia nhập Nhóm Các nước cung cấp hạt nhân (NSG). Thỏa thuận này đã chờ đợi trong gần mười năm, nhằm mở đường cho việc bán các thiết bị quân sự nhạy cảm của Mỹ cho Ấn Độ. Cần lưu ý rằng, Ấn Độ đã được Mỹ xem là đối tác quốc phòng chủ chốt vào năm 2016.
COMCASA đã bị trì hoãn trong một thời gian dài, vì Ấn Độ lo lắng hiệp ước này sẽ mở cửa mạng lưới liên lạc cho quân đội Mỹ. Những người phản đối đã nói rằng, thỏa thuận cũng có thể gây nguy hiểm cho Ấn Độ - nước đã thiết lập quan hệ quân sự với Nga và với vũ khí của họ.
Bà K.P. Vijayalakshmi, Giáo sư Hoa Kỳ học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Canada, Mỹ và Mỹ Latin, Trường Nghiên cứu quốc tế, Đại học Jawaharlal Nehru nhận định, nếu có một mối quan hệ đối tác thực sự gây quan ngại ở New Delhi, đó chính là trục Trung Quốc - Pakistan. Mặc dù Ấn Độ có mối quan hệ lịch sử lâu đời với Nga, nước này đang có nhu cầu thực sự về việc ký kết BECA, bởi thỏa thuận này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho New Delhi trong lĩnh vực tình báo khi mà Ấn Độ đang phải triển khai các chiến dịch chống khủng bố. BECA sẽ khởi động một bộ quy tắc giữa hai nước về chia sẻ thông tin tình báo liên quan đến các hoạt động đo đạc bản đồ và không gian địa lý thời gian thực. Thỏa thuận được đánh giá sẽ đóng vai trò then chốt trong quan hệ Ấn - Mỹ bởi nó rốt cuộc sẽ mang lại cho hai nước cơ hội để vượt lên trên những ngôn từ hoa mỹ.
Ba thỏa thuận trên (LEMOA, COMCASA và BECA) sẽ báo hiệu sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới. Tuy Thỏa thuận An ninh thông tin (ISA) ngăn chặn Ấn Độ chia sẻ công nghệ của Mỹ cho những nước khác, BECA sẽ thúc đẩy hoạt động trao đổi thông tin không gian địa lý giữa Ấn Độ và Mỹ phục vụ cho cả mục đích quân sự lẫn dân sự. Thỏa thuận này sẽ đặt ra một khuôn khổ mà theo đó, Mỹ có thể chia sẻ các dữ liệu nhạy cảm để hỗ trợ Ấn Độ trong việc định vị và dẫn đường.
Quan hệ Ấn Độ và Mỹ đã thắt chặt trong những năm gần đây, hai nước tìm cách chống lại tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở châu Á, đặc biệt là Pakistan, Đông Nam Á và Ấn Độ Dương. Mỹ đã nổi lên là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai của Ấn Độ, với các thương vụ trị giá 15 tỷ USD trong 10 năm qua.
Trong năm ngoái (2018), quân đội Ấn Độ và Mỹ tham gia 5 cuộc tập trận chung quy mô lớn, tiến hành hơn 50 hoạt động trao đổi quân sự khác và tiếp tục triển khai LEMOA, thỏa thuận cho phép quân đội hai nước tiếp cận các cơ sở của nhau để tiếp tế và sửa chữa.
Như GS Vijayalakshmi đã đề cập: “Cho đến hiện tại, dường như Ấn Độ đang tận dụng vị thế của mình và đồng ý ký kết những thỏa thuận mang lại lợi ích cho chính mình. Hợp tác quốc phòng song phương giữa Ấn Độ và Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn nhờ việc ký kết các thỏa thuận như LEMOA và COMCASA, song vẫn cần BECA như một hòn đá tảng cuối cùng để làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược Ấn - Mỹ. Và rõ ràng, mối quan hệ đối tác chiến lược ấy đang tạo ra nhiều thành quả, đặc biệt liên quan đến Pakistan”.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: https://www.sundayguardianlive.com/news/india-close-signing-third-defence-pact-u-s
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục