Ấn Độ thâm hụt thương mại với Trung Quốc mang tính địa chiến lược
Niranjan Rajadhyaksha*
Các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ từ lâu đã lo lắng về quy mô thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc. Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết, trong tuần này thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã giảm 10 tỷ USD, xuống còn 53 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2019. Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ đã thông báo điều này trên Twitter. Tuy nhiên, ngày 15/4/2019, Asit Ranjan Mishra đã viết rằng, Trung Quốc đã bắt đầu vận chuyển một số mặt hàng thông qua Hồng Kông thay vì các cảng nội địa. Thâm hụt thương mại kết hợp của Ấn Độ với Trung Quốc cộng với Hồng Kông không hề giảm.
Thâm hụt thương mại song phương giữa Ấn Độ với Trung Quốc và Hồng Kông chiếm khoảng 1/3 tổng thâm hụt thương mại với tất cả các nước cộng lại. Chỉ riêng với Trung Quốc chiếm khoảng 1/4 tổng thâm hụt thương mại. Con số thâm hụt với Trung Quốc đã bị thu hẹp trong năm tài chính trước đó do xuất khẩu tăng. Trong một báo cáo gần đây, Ngân hàng Đầu tư Credit Suisse AG cho biết, thâm hụt thương mại thu hẹp củng cố quan điểm rằng, động lực toàn cầu vẫn mạnh trong khi nhu cầu trong nước đang suy yếu. Động lực toàn cầu đang giúp tăng trưởng xuất khẩu trong khi nhu cầu trong nước đang hạn chế nhập khẩu.
Ấn Độ có nên lo lắng về thâm hụt thương mại song phương với Trung Quốc? Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã xem xét kỹ hơn vấn đề mất cân bằng thương mại song phương trong báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” mới nhất dựa trên nghiên cứu từ 63 quốc gia trong hơn 20 năm.
Các tổ chức cho vay đa phương đưa ra hai lập luận rộng rãi liên quan đến vấn đề thâm hụt thương mại giữa Ấn Độ với Trung Quốc. Thứ nhất là, mất cân bằng thương mại song phương chủ yếu được thúc đẩy bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô hơn là thuế quan. Thứ hai là, sự thay đổi cán cân thương mại tổng thể ở một nước có xu hướng ảnh hưởng đến cán cân thương mại với từng quốc gia, nhưng điều ngược lại là không đúng, vì mọi nỗ lực thay đổi mất cân bằng thương mại song phương thông qua thuế quan sẽ chỉ dẫn đến sự chuyển hướng thương mại đó sang các nước khác.
Không thể phủ nhận vai trò của các yếu tố kinh tế vĩ mô. Ví dụ, một quốc gia tuân theo chính sách tài khóa mở rộng khi đã tiến gần đến mức tăng trưởng tiềm năng dẫn đến nhu cầu nhập khẩu cao hơn. Sự phân công lao động quốc tế cũng rất quan trọng. Một quốc gia chuyên sản xuất trong khi đối tác thương mại của họ tiêu thụ nhiều sản phẩm công nghiệp hơn đương nhiên sẽ tạo ra dòng chảy thương mại. Vấn đề thương mại của Trung Quốc phức tạp hơn một chút bởi ba lý do:
Một là, tuy hạch toán kinh tế vĩ mô cơ bản cho chúng ta biết rằng, Trung Quốc có thặng dư thương mại rất lớn bởi vì tiết kiệm nhiều hơn so với đầu tư, nhưng nước này cũng đã can thiệp mạnh mẽ vào cách quản lý tỷ giá hối đoái. Thao túng tiền tệ được duy trì của Trung Quốc được phản ánh trong mức tích trữ dự trữ ngoại hối trị giá 3 nghìn tỷ USD.
Hai là, Trung Quốc đã tích cực sử dụng các khoản trợ cấp để thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước, từ đó tạo ra một lợi thế không công bằng trong nhiều lĩnh vực. IMF cũng đã ghi nhận điều này trong báo cáo mới: Sản lượng đầu ra cũng tăng nhanh hơn chi tiêu ở Trung Quốc trong giai đoạn này, một phần nó phản ánh các chính sách của phía cung trong nước, như trợ cấp cho chi phí sản xuất hàng hóa.
Ba là, bộ phận chính sách Ấn Độ có những lo ngại về mối liên hệ sâu sắc giữa ngành công nghiệp Trung Quốc và Chính quyền Bắc Kinh, do đó thâm hụt thương mại song phương đã trở thành một phần của vấn đề nan giải địa chiến lược lớn hơn. Điều này đặc biệt đúng với các mặt hàng cụ thể như thương mại điện tử, thiết bị viễn thông và thiết bị điện.
Không nghi ngờ rằng, thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc là một phần của một thách thức lớn hơn về năng lực cạnh tranh thương mại, bao gồm một loạt các vấn đề từ mất cân đối kinh tế vĩ mô trong nước đến việc không thể chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, cũng có những lý do chính đáng để tập trung vào thâm hụt thương mại với Trung Quốc như một thách thức chính sách cụ thể. Tuy nhiên, chiến tranh thuế quan song phương không phải là giải pháp, vì người tiêu dùng Ấn Độ sẽ chỉ mua từ các quốc gia khác, hoặc Trung Quốc có thể chuyển hàng xuất khẩu của mình sang Ấn Độ cho bên thứ ba như Hồng Kông.
Câu hỏi đặt ra là, liệu Ấn Độ có thể kiềm chế sự mất cân đối kinh tế vĩ mô trong nước, và mặt khác, xây dựng ngành công nghiệp có sức cạnh tranhhay không. Một bài viết trước đây thuộc chuyên mục này đã lập luận rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tạo cho Ấn Độ cơ hội để quay trở lại với nền cơ sở sản xuất toàn cầu, khi chuỗi cung ứng toàn cầu được nối lại. Tiền lương tăng lên ở Trung Quốc cũng là một yếu tố khác có thể giúp Ấn Độ. Nhưng một thực tế đáng tiếc là, Ấn Độ đang thua các nước khác trong khu vực như Việt Nam, Indonesia, Bangladesh, Malaysia và Philippines.
Các dự án đầu tư lớn trên toàn cầu sẽ là chìa khóa. Bloomberg đã báo cáo rằng, tập đoàn Foxconn Technology Co. Ltd sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt iPhone của Apple trong năm nay tại nhà máy ở ngoại ô Chennai. Công ty Đài Loan này cũng sản xuất điện thoại cho Xiaomi và Nokia tại Ấn Độ. Đây có lẽ là sự khởi đầu, nhưng rõ ràng còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận hoành tráng nào. Bài học lớn hơn là các dự án công nghiệp như vậy sẽ giúp Ấn Độ chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu và sử dụng chúng làm băng chuyền để xuất khẩu hàng hóa.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: https://www.livemint.com/opinion/online-views/opinon-india-s-trade-deficit-with-china-has-a-geostrategic-dimension-1555442346843.html
* Giám đốc nghiên cứu và là thành viên cao cấp tại Viện IDFC, Ấn Độ
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 04:00 12-12-2024
G20 và Cơ hội Mở Rộng Quan Hệ Ấn Độ - Mỹ Latinh
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 03:00 12-12-2024