Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ tràn đầy khát vọng trên các chính trường quốc tế

Ấn Độ tràn đầy khát vọng trên các chính trường quốc tế

Bài viết thảo luận về các ưu tiên mới trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ, trong đó, nguyên tắc “Ấn Độ trên hết”, xuất phát từ thực tế và nguyện vọng kinh tế xã hội của đất nước, có thể dẫn dắt Ấn Độ trong những năm tới.

08:00 27-09-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Khi cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine leo thang vào đầu năm 2022, phản ứng của Ấn Độ đã tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi ở các thủ đô phương Tây. New Delhi bị cáo buộc không ủng hộ Ukraine và không đứng về phía phương Tây do từ chối công khai chỉ đích danh Nga là bên xâm lược. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Tiến sĩ S. Jaishankar đã phản ứng trực diện bằng cách lập luận rằng, chính sách đối ngoại của Ấn Độ không chọn phe, và không hành động dựa theo ý kiến của quốc gia nào. “Không chọn phe có nghĩa là chúng tôi có lập trường vững vàng”, ông nói, và lập luận rằng “Châu Âu phải thoát khỏi suy nghĩ rằng, vấn đề của châu Âu là vấn đề của thế giới nhưng vấn đề của thế giới không phải là vấn đề của châu Âu”, nói rõ rằng “Ấn Độ là một phần năm dân số thế giới. Ngày nay Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 5 hoặc thứ 6 trên toàn cầu. Ấn Độ cảm thấy có quyền có phe của riêng Ấn Độ. Ấn Độ được quyền cân nhắc lợi ích của mình và đưa ra lựa chọn của riêng mình ... Không có quốc gia nào trên thế giới coi thường lợi ích của chính bản thân mình”.

Chắc chắn nguyên lý cơ bản của quan hệ quốc tế là lợi ích quốc gia là trên hết và Ấn Độ, cũng như các quốc gia khác, đã theo đuổi lợi ích của mình khi đưa ra các chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm độc lập, điều khiến Ấn Độ tự tin hơn trong việc thể hiện rõ chính sách đối ngoại “Ấn Độ trên hết” là khả năng kinh tế, quân sự và ngoại giao ngày càng tăng cũng như tinh thần lạc quan về tương lai. Hơn bất kỳ cường quốc lớn nào khác hiện nay, người Ấn Độ nhìn nhận tương lai của họ theo những cách đầy khát khao và hoài bão, và điều đó đang định hình các mối quan hệ đối nội cũng như đối ngoại của Ấn Độ.

Hậu quả là khá đáng kể. Ngay cả khi thế giới phương Tây bày tỏ sự thất vọng về quan điểm của Ấn Độ trong cuộc xung đột ở Ukraine, mối quan hệ giữa New Delhi và phương Tây đã có động lực phát triển. Vì vậy, trong khi các phương tiện truyền thông phương Tây đang thuyết giảng về trách nhiệm dân chủ của Ấn Độ, các chính phủ phương Tây dường như hiểu rõ hơn những thách thức của Ấn Độ; trớ trêu thay, cuộc khủng hoảng Ukraine đã cung cấp các phương tiện để cả New Delhi và phương Tây xích lại gần nhau hơn, và tương tác với nhau thực chất hơn.

Trật tự quốc tế đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Những thay đổi về cấu trúc cũng như sự thay đổi cán cân quyền lực với sự trỗi dậy của Trung Quốc đang buộc Ấn Độ và phương Tây phải hợp tác với nhau trên cơ sở những thực tế của thế kỷ 21. Ấn Độ đã đặt những ưu tiên chiến lược của mình lên hàng đầu. Ngày nay, Ấn Độ có tiếng nói mới trên nền tảng vững chắc toàn cầu - rõ ràng, bắt nguồn từ thực tế trong nước và sự kiên định trong việc theo đuổi các lợi ích quan trọng của Ấn Độ. Như Bộ trưởng Jaishankar đã nhận xét tại cuộc “Đối thoại Raisina” (Hội nghị địa chính trị, địa kinh tế đa phương thường niên) năm 2022, tốt hơn nên tham gia với thế giới trên cơ sở hiểu rõ “chúng ta là ai” hơn là cố gắng và làm hài lòng thế giới. Nếu Ấn Độ tự tin về bản sắc và các ưu tiên của mình, thế giới sẽ tương tác với Ấn Độ theo các điều kiện của Ấn Độ. Trong vài năm qua, New Delhi đã không tạo ra ác cảm khi thách thức đối thủ, và cũng không gây phản cảm trong việc làm hài lòng các quốc gia bằng hữu với hành trang tư tưởng bắt nguồn sâu từ quá khứ. Từ việc trở thành cường quốc toàn cầu duy nhất thách thức “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” từ năm 2014 đến việc đáp trả hiềm khích với quân đội Trung Quốc, từ việc cố gắng làm việc với Mỹ nhưng không tham gia đầy đủ về mặt quân sự trong nhóm liên minh có Mỹ, cho đến việc can dự sâu với thế giới phương Tây để xây dựng năng lực trong nước, Ấn Độ đã thực dụng đến cốt lõi và sẵn sàng sử dụng sự cân bằng quyền lực hiện có làm lợi thế của mình. Trọng tâm của Ấn Độ ngày nay là nâng cao năng lực trong mọi lĩnh vực có thể và điều đó cho phép Ấn Độ cam kết rõ ràng hơn với các đối tác. Trong quá khứ, phương Tây có chút xem thường Ấn Độ, ngày nay, họ nghe thấy tiếng nói của Ấn Độ trên trường toàn cầu. Ấn Độ có khả năng trình bày rõ ràng câu chuyện, trở thành bên liên quan có trách nhiệm mà mặc dù kiên quyết với đặc tính của mình nhưng họ không sẵn sàng trốn tránh các cam kết toàn cầu.

Và thế giới cũng đang chứng kiến phản ứng tích cực hơn của Ấn Độ trước các thách thức trong khu vực. New Delhi dẫn đầu trong việc định hình phản ứng khu vực ở Nam Á đối với đại dịch Covid-19, hỗ trợ các nước láng giềng (sau đó mở rộng ra toàn cầu) với nguồn cung cấp thuốc quan trọng và sau đó là vắc xin như một phần của sáng kiến “Vaccine Maitri” (Chương trình Vắc xin hữu nghị). Gần đây hơn, New Delhi đã hỗ trợ Sri Lanka vào thời điểm khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, đặc biệt là khi Trung Quốc tuy có khả năng kinh tế nhưng không muốn giúp Sri Lanka. “Láng giềng trước tiên” đã trở thành không chỉ là một khẩu hiệu đơn thuần. Đó là một thực tế hoạt động mà Ấn Độ nên theo đuổi nếu muốn đạt được chương trình nghị sự toàn cầu. Trọng tâm của chính sách Nam Á của New Delhi đã chuyển từ vấn đề với Pakistan sang hợp tác với vùng địa lý hàng hải Vịnh Bengal hiệu quả hơn, tạo nên kết nối hữu cơ hơn giữa Nam và Đông Nam Á.

Những thách thức đối đầu với Ấn Độ là nghiêm trọng và khó có thể biến mất trong một sớm một chiều. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự tấn công của họ đối với các lợi ích của Ấn Độ đang buộc New Delhi phải đánh giá lại các giả định cũ. Quan điểm của Ấn Độ sau cuộc khủng hoảng Thung lũng Galwan năm 2020 rằng quan hệ Trung-Ấn không thể bình thường trừ khi tình hình biên giới không trở nên bình thường là suy nghĩ táo bạo nhưng sẽ không thể đảo ngược. Ngoài ra còn có các vấn đề về thể chế cần được chú ý, như việc Bộ Ngoại giao Ấn Độ xây dựng cách tiếp cận tích hợp, gắn kết với an ninh quốc gia. Tuy nhiên, sự sẵn sàng của New Delhi để giải quyết những thách thức này bằng phương pháp đối thoại đang trở nên rất rõ ràng.

Khi kỷ niệm 75 năm ngày Độc lập, Ấn Độ muốn đóng vai trò “cường quốc hàng đầu” trong hệ thống quốc tế, một hệ thống định hình các chuẩn mực và kiến trúc thể chế toàn cầu, thay vì được định hình bởi các quốc gia khác. Vì mục tiêu này, Ấn Độ sẵn sàng tham gia vào các quan hệ đối tác có khả năng mang lại kết quả cụ thể. Từ bỏ sự khác biệt cũ, New Delhi tuyên bố rằng họ không còn Không liên kết nữa, thay vào đó họ sẵn sàng liên kết dựa trên lợi ích chung. Từ Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD) đến BRICS, Ấn Độ nắm giữ một danh sách dài các đối tác chiến lược như vậy. Thường thì đây được coi là cách làm cũ, nhưng hãy nhìn kỹ và chúng ta sẽ thấy rằng Ấn Độ ngày càng sẵn sàng trình bày rõ ràng và thừa nhận các ưu tiên của mình một cách sắc bén hơn trước.

Ngày nay, Ấn Độ sẵn sàng thiết lập bộ tiêu chuẩn mới và điều đó cũng đang định hình sự tham gia của đối tác bên ngoài vào Ấn Độ. Đây có thể là một sự đột phá đáng kể so với quá khứ nhưng chắc chắn phản ánh thực tế kinh tế xã hội trong nước hiện nay ở Ấn Độ. Vài năm tới sẽ xác định mức độ thành công của New Delhi vượt qua những ràng buộc của trật tự toàn cầu và những bất ổn trong nước để đạt được ước mơ của Ấn Độ trên trường toàn cầu.

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục