Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Vấn đề Trung Quốc, COVID-19 và xác định lại trật tự khu vực

Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Vấn đề Trung Quốc, COVID-19 và xác định lại trật tự khu vực

05:15 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Có thị trường rộng lớn và các tuyến vận tải biển nhộn nhịp nhất thế giới, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là cái nôi của nhiều nền kinh tế đầy tham vọng. Cùng với các quốc gia khác bên ngoài khu vực, nền kinh tế tại đây đóng góp vào hòa bình và ổn định của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các diễn đàn hợp tác song phương, quy mô nhỏ hay đa bên đã hình thành, phù hợp với các lợi ích và mối quan tâm chung. Các quốc gia như Nhật Bản, Úc và cả Ấn Độ đều có nhu cầu và dự định tham gia nhiều hơn trong khu vực, đồng thời, cung cấp các nguồn đối tác hợp tác thay thế đối với những quốc gia đang phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ, với vai trò ngày càng lớn và vị thế ngày càng tăng trong những năm gần đây, là chủ thể cần có sự nghiên cứu và đánh giá nhiều hơn, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch đang thúc đẩy tốc độ tham gia của Ấn Độ vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thập kỷ bắt đầu từ năm 2020 đã chứng kiến ​​sự gia tăng của những cạnh tranh mang tính hệ thống toàn cầu. Hệ thống dựa trên quy tắc quốc tế quản lý các tương tác toàn cầu hình thành trong giai đoạn sau Thế chiến thứ hai đang bị đe dọa do sự trỗi dậy ngày càng mạnh của Trung Quốc trong vai trò là một cực bá chủ có tầm ảnh hưởng lớn, tạo đòn bẩy trên toàn bộ các chiều hướng của lục địa Châu Á cũng như trên toàn thế giới. Sự xuất hiện của đại dịch toàn cầu được cho là thách thức lớn nhất từ ​​trước đến nay đã đẩy thế giới vào những bất ổn không lường trước được, đồng thời tăng tốc và điều chỉnh lại các trao đổi toàn cầu. Do đó, kể từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã bộc lộ và làm trầm trọng thêm các đứt gãy ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vốn đã chứa nhiều toan tính địa chính trị trong cạnh tranh cũng như hợp tác, thúc đẩy các tác nhân khu vực và toàn cầu thiết lập các cơ chế phản ứng mới để ứng phó với những diễn biến mới.

Khi khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được thiết lập mạnh mẽ, New Delhi đầu tư nhiều hơn vào các nguồn lực và xây dựng khuôn khổ chính sách hướng tới việc mở rộng sự tham gia của Ấn Độ với khu vực. Cụ thể là Ấn Độ có các chính sách hàng hải mang tính xây dựng hơn, tăng cường vai trò của lực lượng hải quân, và thúc đẩy mối quan hệ với các đối tác có lợi ích tương xứng. Những gián đoạn do đại dịch gây ra và phản ứng của Ấn Độ trong đại dịch đã dẫn đến việc nâng cao vị thế và sự tham gia của quốc gia này trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trung Quốc nỗ lực trong việc xây dựng các kênh trên bộ cũng như trên biển nhằm ràng buộc các quốc gia xung quanh Vịnh Bengal và Ấn Độ Dương gần gũi hơn với nền kinh tế Trung Quốc và thiết lập các tuyến đường thương mại cho phép Bắc Kinh tiếp cận Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, châu Âu và châu Phi. Trong khi Trung Quốc đang ra sức thực hiện mục tiêu của họ, điều quan trọng cần lưu ý là Ấn Độ cũng đang tập trung vào việc thúc đẩy thực hiện các cam kết với khu vực lân cận và tăng cường mạng lưới với các cường quốc tầm trung trong khu vực như Nhật Bản Úc, và tăng cường gắn bó với Mỹ. Ấn Độ thừa nhận rằng, họ không thể sánh được với túi tiền khổng lồ của Trung Quốc, nhưng họ có quan hệ văn minh và văn hóa chặt chẽ với các nước láng giềng, đây là tài sản mà Trung Quốc không sở hữu (Mullen và Poplin, 2015).

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một thực tế địa kinh tế trong đó Trung Quốc đang trỗi dậy, nhưng sự hình thành khu vực này không phải là để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc như người ta vẫn thường lầm tưởng. Do đó, sự hợp tác và tăng cường sự phụ thuộc lẫn nhau trong cũng như ngoài khu vực cũng là những hệ quả tự nhiên. Trong khi các quốc gia như Nhật Bản, Singapore và Úc là những bên tham gia với các mức độ khác nhau, việc mở rộng năng lực của Ấn Độ, và ý định của Ấn Độ trong việc đảm nhận vai trò tích cực hơn trong nhiều lĩnh vực tương ứng với sự trỗi dậy của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ví dụ, việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - Mỹ, chủ yếu thông qua quan hệ quốc phòng, đóng vai trò là đối trọng mạnh mẽ đối với các đối thủ trong khu vực của Ấn Độ. Việc Ấn Độ tăng cường can dự với Mỹ diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa táo bạo của hải quân Trung Quốc đang gia tăng ở Biển Đông và cả ở Khu vực Ấn Độ Dương. Bên cạnh lĩnh vực hàng hải, Ấn Độ cũng bắt đầu đẩy mạnh các cam kết với khu vực Đông Á và Đông Nam Á kể từ năm 2014 theo khuôn khổ của Sáng kiến ​​Hành động phía Đông được nâng cấp và Chính sách láng giềng trên hết, cùng với Sáng kiến SAGAR (An ninh và Tăng trưởng cho Tất cả trong Khu vực) tập trung hơn vào lĩnh vực hàng hải. Ấn Độ đã bày tỏ sự quan tâm và thể hiện ý định của mình trong việc tăng cường mối quan hệ đối tác không chỉ với các nước như Việt Nam, Indonesia, Úc và Nhật Bản mà còn với các thể chế khu vực như ASEAN với trọng tâm đổi mới về hướng đông. Đây là một sự khác biệt rõ ràng so với trước đây khi Ấn Độ ít có khả năng hòa nhập với khu vực phía Đông.

Mối quan hệ bằng hữu giữa Tokyo và New Delhi và sự thống nhất trong cách tiếp cận chính sách của hai nước đối với khu vực đã khiến cả hai trở thành đối tác tự nhiên. Hai nước không chỉ là thành viên của các cơ chế khu vực mà còn bày tỏ ý định và bắt đầu hợp tác để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước thứ ba trong khu vực. Ấn Độ đã đáp lại những phản ứng của Đài Bắc theo Chính sách Hướng Nam mới của Đài Bắc bằng cách báo hiệu ý định nâng cấp mối quan hệ với Đài Loan trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, giáo dục và du lịch. Cũng cần phải đề cập đến vai trò quan trọng của Đài Bắc, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tương tự, Chính sách phương Nam mới của Hàn Quốc có sự hội tụ với Chính sách Hành động phía Đông của New Delhi có nhiều điểm chung với khuôn khổ rộng của khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Vai trò chiến lược của Ấn Độ được đẩy mạnh hơn nữa trong khuôn khổ quan hệ Ấn Độ - Úc, được nâng cấp lên Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2020. Ấn Độ cũng đang có những nỗ lực phối hợp với nhiều đối tác ở lục địa châu Phi.

Ấn Độ đã nổi lên không chỉ như đối tác tích cực và sẵn sàng hiện diện trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà còn là đối tác có trách nhiệm từ việc tăng cường năng lực cung cấp dược phẩm đến chuyển đổi cơ sở sản xuất để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của ngành y tế, để cung cấp viện trợ y tế cho một số quốc gia. Bên cạnh đó, nhóm Quad đã trở thành một trong những nền tảng quan trọng chứng kiến ​​sự mở rộng vai trò của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong thời gian đại dịch đang diễn ra. Vai trò tích cực do Ấn Độ đảm nhận gửi đi tín hiệu quan trọng về ý định chính trị của nước này trong việc tham gia vào khu vực phù hợp với năng lực của mình. Về mặt nào đó, cách tiếp cận nhanh chóng và chủ động của New Delhi là đỉnh cao của việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ chiến lược với Mỹ, Nhật Bản, Úc và ASEAN, trong bối cảnh đối thủ cạnh tranh tăng cường sự can dự trong khu vực.

Có nhiều bài học được rút ra từ đại dịch, trong đó quan trọng nhất có thể là nhu cầu cấp thiết về việc phối hợp hành động và nâng cao năng lực phục hồi trên các lĩnh vực, dịch vụ và kỹ thuật. Tác động của đại dịch được xác định là lâu dài và sâu rộng, tác động tới tất cả các tầng lớp xã hội và sẽ còn để lại hậu quả sâu sắc trong nhiều năm tới, đòi hỏi tất cả các chính phủ phải điều chỉnh chính sách. Trong bối cảnh đó, vị trí của Ấn Độ với tư cách là một bên liên quan trực tiếp trong khu vực mang lại cho New Delhi lợi thế để bắt đầu các cuộc đối thoại cũng như hỗ trợ tạo ra một kiến ​​trúc an ninh cân bằng để đối phó với các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Tác giả: Giáo sư Harsh V Pant, Giám đốc ORF tại New Delhi; và Pratnashree Basu, trợ lý nghiên cứu tại ORF, Kolkata.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://www.orfonline.org/expert-speak/india-in-the-indo-pacific/

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article

Nguồn:

Cùng chuyên mục