Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ và NATO: Quan hệ đối tác?

Ấn Độ và NATO: Quan hệ đối tác?

Đây là thời điểm chín muồi để tăng cường mối quan hệ giữa Ấn Độ và liên minh do Mỹ dẫn đầu.

05:11 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ và NATO: Quan hệ đối tác?

Hriday Ch. Sarma*

 

Kề từ sau Chiến tranh Lạnh, quan hệ Ấn Độ và NATO đã đi vào quỹ đạo và sẽ gặp nhau trong tương lai không xa. Các học giả và các nhà chiến lược như Michael Rühle, Robert Helbig, M.K. Bhadrakumar, David Scott và một số nhà nghiên cứu đã tranh luận về việc Ấn Độ và NATO sẽ rũ bỏ lớp áo chiến lược và công khai hợp tác nhằm đối phó với các vấn đề mà đôi bên cùng chung lợi ích và quan tâm.

Bài viết này nhìn vào mối quan hệ ngầm hiện tại trong quan hệ Ấn Độ - NATO và lập luận rằng, quá trình này đã bắt đầu nhưng cần phải công khai.

Các sự kiện gần đây

Vào ngày 22/3/2016, Hạ nghị sĩ George Holding, đồng Chủ tịch House India Caucus, đã đệ trình Luật Công nghệ và Đối tác quốc phòng Mỹ - Ấn (HR 4825), dự luật đề xuất sửa đổi Đạo luật Kiểm soát xuất khẩu vũ khí nhằm chính thức hóa vị trí đối tác chính của Ấn Độ, ngang hàng với các đồng minh ở NATO và các đối tác gần gũi nhất của Mỹ. Ông Holding đã phát biểu tại Hạ viện rằng, “pháp luật củng cố quá trình này đã được thực hiện và sẽ đặt nền tảng cho hợp tác và phát triển trong tương lai”. Dự luật đã được gửi sang Ủy ban Các vấn đề đối ngoại, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và hiện đang được xem xét để thông qua.

Ngày 20/5/2016, Hạ viện Hoa Kỳ chấp nhận việc sửa đổi Đạo luật Thẩm quyền quốc phòng (NDAA) 2017, trong đó, về nguyên tắc đã nâng cấp quan hệ quốc phòng Mỹ - Ấn. Động thái này nhằm mục đích nâng cấp quan hệ với Ấn Độ đứng ngang hàng với các đồng minh NATO trong lĩnh vực liên quan đến mua bán thiết bị và chuyển giao công nghệ quốc phòng. Hai nước đang ở trong giai đoạn thương lượng chuyển giao máy bay không người lái Predator mà Thủ tướng Ấn Độ Modi đề cập đến trong chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng 6/2016. Hơn nữa, Washington dựa vào Hiệp ước Kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR) mà Ấn Độ là một trong 35 thành viên, chính hiệp ước này đã mở đường cho việc chuyển giao Predator trở thành hiện thực.

Ngoài chiều sâu trong quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ với Mỹ, nước này cũng mở rộng phạm vi hoạt động chiến lược và quân sự với các nước thành viên NATO, trong khi vẫn giữ sự chú ý nghiêm ngặt đến khu vực Ấn Độ Dương và nỗ lực tăng cường hỏa lực dọc biên giới trên đất liền với Pakistan và Trung Quốc. Ví dụ, ngày 9/9/2016, Ấn Độ đã ký thỏa thuận chính thức để mua 36 máy bay chiến đấu Rafael từ nhà thầu Dassault Aviation của Pháp trị giá 7,9 tỉ EURO. Đây là thỏa thuận mua máy bay chiến đấu lớn nhất của Ấn Độ trong hai thập kỷ qua.

Như vậy, quyết định ở cấp chiến lược cao nhất của Ấn Độ đã mở ra ý tưởng hợp tác với các nước thuộc NATO nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cường an ninh của Ấn Độ, ở khu vực lân cận và ở những vùng xa hơn. Trong khi đó, NATO xem đây là một cơ hội để chia sẻ trách nhiệm quốc tế với vai trò là một quyền lực toàn cầu dựa trên sự tin tưởng và hợp tác lẫn nhau.

Những nét tương đồng và sự hiệp lực mới

Ấn Độ đang nổi lên như là một cường quốc toàn cầu dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi. Đất nước này đã bắt đầu khẳng định sự ảnh hưởng của bản thân tại các diễn đàn quốc tế khác nhau nhằm tăng cường lợi ích quốc gia. Điều này được minh họa bởi sự tập trung của Modi vào các quốc gia ở khu vực Nam Á trong thời gian đầu và các cuộc gặp cấp cao với các nước khác như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc và Nga sau khi đắc cử thủ tướng. Không như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ hiện tại đang tích hợp chặt chẽ vào nền kinh tế quốc tế và hệ thống chính trị toàn cầu. Mặt khác, ngoại thương của nước này chiếm ½ GDP; ngoài ra, Ấn Độ là một đối tác tích cực trong mọi vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, chống chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, chống khủng bố, v.v..

Ấn Độ hiện đang đối mặt với sự cạnh tranh thương mại từ Trung Quốc trong nền kinh tế khu vực Ấn Độ Dương và các tuyên bố của Trung Quốc bao trùm khu vực Biển Đông. Điều này được lan truyền bởi sự nghi ngờ nảy sinh từ giới quân sự trong nước và các công ty nội địa có hoạt động trên biển. New Delhi đang cố gắng giải quyết điều này với chiến lược “cân bằng sức mạnh mềm”, tuy nhiên, điều đó diễn ra trong sự đấu tranh với sức mạnh thống trị khu vực và toàn cầu của Trung Quốc.

Trong khi đó, NATO – một liên minh an ninh – đang diễn ra sự chuyển hóa bên trong. Tổ chức này đang tiến hành một loạt các biện pháp xây dựng năng lực để thay đổi hình thức cho phù hợp với nhu cầu thực tế, trong khi vẫn phải giữ giá trị và bản sắc cơ bản. Một trong những biện pháp bao gồm nâng cấp công nghệ, tăng khả năng tương tác… Kể từ sau khi Liên Xô tan rã, tổ chức an ninh tập thể này đã không thể xác định một mối đe dọa chung nào – đặc biệt là bất kỳ nhà nước kẻ thù nào - cho tất cả các nước thành viên.

Tuy nhiên, giờ đây chính sự trỗi dậy của liên minh chiến lược Nga – Trung có thể xem như một mối đe dọa tiềm năng đối với trật tự thế giới đã được thiết lập. Vì thế, để đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của các cường quốc này đối với các vấn đề trên biển và trên các lục địa, NATO đang đối mặt với nhu cầu thay đổi với học thuyết chiến lược của bản thân.

Ấn Độ và NATO đều cùng chia sẻ các giá trị như dân chủ, pháp quyền, quyền tự do cá nhân, nhân quyền và luật pháp quốc tế. Trong thực tế, nhiều nguyên tắc hiến định của Ấn Độ và các hành động trên thực tế của nước này trong nước và quốc tế phù hợp với các giá trị và hành động của NATO. Trong khi đó, NATO chiến đấu cho các giá trị dân chủ phổ quát và nhân quyền thì Ấn Độ có hồ sơ sạch sẽ về việc phát huy luật pháp quốc tế, nhân quyền. quyền tự do cá nhân và các giá trị đạo đức khác. Hơn nữa, ở mặt trận chiến lược, Ấn Độ đã mở rộng khuôn khổ khu vực vượt ra ngoài tiểu lục địa Ấn Độ trong thập kỷ qua. Điều này làm cho Ấn Độ đến gần hơn với NATO với các hoạt động hướng về phía Địa Trung Hải và các hoạt động “vượt ra ngoài khu vực”.

Do đó, sự tương đồng cơ bản và sự hiệp lực mới đang làm cho đôi bên xích lại gần nhau trên cả hai mức độ chính trị và quân sự. Đây cũng là hành động như chất xúc tác mạnh mẽ để tái lập chính sách và định hướng chiến lược ở hai bên khi họ thấy trước được mối quan hệ chiến lược này hình thành trong tương lai không xa. Tuy vậy, hiện tại vẫn đang tồn tại trở lực nhất định và kiềm giữ hai bên đối với sự hợp tác toàn diện.

Những chướng ngại cho sự hợp tác

Ấn Độ và NATO đã trải qua mối quan hệ lạnh nhạt trong suốt thời gian sau Chiến tranh thế giới thứ II và 20 năm sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, họ đã thất bại trong việc giải mã tín hiệu tích cực trong mối quan hệ để đi đến bất kỳ sự hợp tác nào khác có ý nghĩa, mang lại lợi ích cho cả hai.  Hai bên vẫn đang bị cuốn vào trong sự rắc rối lâu đời.

Thứ nhất, cả hai bên chưa ai từng cố gắng để đưa ra những nhượng bộ có thể đáp ứng những điều kiện tối thiểu cho sự hợp tác song phương. Chính phủ Mỹ đã có những tác động nhất định làm cho Ấn Độ trở thành một đối tác tương đương với các đồng minh trong khối NATO. Nhưng như đã nêu ở trên, Chính phủ Mỹ không hoàn toàn xem Ấn Độ như là một đối tác chiến lược vượt lên trên bất kỳ đối tác nào khác ở Nam Á, bao gồm cả Pakistan – đối thủ của Ấn Độ, hay bất kỳ nước nào khác. Mặt khác, Ấn Độ tiếp tục nghiên về phía Nga và Trung Quốc trong nỗ lực cho cộng đồng quốc tế thấy rằng, nước này vẫn nằm ngoài khối do Mỹ cầm đầu.

Hơn nữa, quan điểm truyền thống không liên kết của Ấn Độ đang ngăn cản nước này khỏi những tín hiệu chào đón tích cực của chính quyền Mỹ để làm việc một cách có phối hợp. Tổ chức chính trị quân sự Ấn Độ luôn giữ thái độ hoài nghi đối với việc đứng vào hàng ngũ bất kỳ khối quân sự nào hoặc siêu cường nào trong ý nghiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nhưng ngược lại, Ấn Độ đã gắn kết với Liên Xô trong hầu hết thời gian Chiến tranh Lạnh mà không liên quan nhu cầu đảm bảo an ninh thực tế.

Cả hai bên đã đạt được nhiều kết quả bằng nhiều cách khác nhau trong khi vẫn còn những lực cản hợp tác. Ấn Độ một mặt đã được hưởng đầy đủ sự linh hoạt trong việc tham gia với bất kỳ bên nào theo cách riêng của nước này. Ấn Độ đứng về phía đa số cộng đồng quốc tế chỉ trích Mỹ và các đồng minh NATO trong việc can thiệp quân sự vào Iraq để lật đổ Saddam Hussein. Tương tự, Lực lượng Hỗ trợ An ninh quốc tế (ISAF) do Mỹ dẫn đầu – thực hiện nhiệm vụ an ninh ở Afghanistan – tiếp tục hợp tác với Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan mặc cho Ấn Độ gọi Pakistan là một nhà nước khủng bố.

Đích tiếp theo?

Nguồn gốc quan hệ đối tác Ấn Độ - NATO có thể truy nguyên từ khái niệm chiến lược được đưa ra trong tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh Lisbon 2010, trong đó đồng ý tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác giữa các nước trong liên minh và phát triển với các nước và tổ chức mới có quan tâm. Thời kỳ thai nghén này đã kéo dài hơn năm năm, tuy nhiên, nó đang dần được mở ra.

Tồn tại một nhu cầu cấp thiết về việc cả hai bên cần phải khẩn trương hợp tác, nhưng câu hỏi lớn đặt ra là, họ có thể phát triển theo chiều hướng này ra sao. Con đường hướng đến tương lai có thể được tìm thấy trong một câu ngạn ngữ cổ của Trung Quốc rằng: “Thà tiến nhiều bước nhỏ mà đúng hướng còn hơn thực hiện một bước nhảy dài để rồi ngã về phía sau”.

Tại thời điểm này, NATO cần phải giải thích cho giới chiến lược New Delhi rằng, tổ chức này đã thay đổi ra sao từ sau Chiến tranh Lạnh và truyền đạt rõ ràng ý định của tổ chức trong việc tạo nên một “quan hệ bình đẳng”. Hơn nữa, NATO cần phải khiến cho giới hoạch định chính sách Ấn Độ nhận ra rằng, đó là một tình huống cùng thắng cho cả hai trong việc hợp tác. Mặt khác, Ấn Độ cần phải bước ra khỏi tư duy Chiến tranh Lạnh và xem NATO là một đối tác tiềm năng.

Hai bên càng nghiền ngẫm lâu về các vấn đề liên quan đến mối quan hệ đối tác đang nổi lên này thì họ sẽ càng phải chịu thiệt hại lớn hơn trong tiến trình đó. Do đó, tại thời điểm này, cả Ấn Độ và NATO đều cần phải  thận trọng và lý trí trong việc suy xét ý tưởng hợp tác toàn diện, bao gồm xây dựng một lộ trình chính thức mà không bị trì hoãn.

Người dịch: ThS Đỗ Khương Mạnh Linh

Hiệu đính: ThS Phùng Thị Thanh Hà

Nguồn: http://thediplomat.com/2016/11/india-and-nato-partners-in-arms/


* NCS Chương trình Nghiên cứu năng lượng tại ĐH J.Nehru, thành viên Diễn đàn Dân chủ Nam Á, thành viên Viện Nghiên cứu An ninh quốc gia Israel, Quỹ Hải quân Ấn Độ.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục