Ấn Độ và Nhật Bản hợp tác thám hiểm Mặt Trăng
Ấn Độ và Nhật Bản đang chuẩn bị bay lên Mặt Trăng, hai nền kinh tế hàng đầu châu Á này đang bắt tay hợp tác ứng phó với sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực khám phá vũ trụ.
Các cơ quan không gian quốc gia ở cả hai nước đang có kế hoạch hợp tác để khám phá nguồn nước ở vùng cực của Mặt Trăng nơi mà họ hy vọng một ngày nào đó có thể duy trì sự sống của con người.
Sự hợp tác này nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của châu Á trong lĩnh vực không gian, cũng như là phản ứng địa chính trị đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ông Hiroki Furihata, Cơ quan Thám hiểm không gian vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết: “Cả Ấn Độ và Nhật Bản đều đang mô phỏng cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng. Bước tiếp theo của hai nước là thăm dò thực sự. Nếu hai nước kết hợp sức mạnh, đó có thể là thắng lợi cho cả hai”.
Nhật Bản và Ấn Độ đã thực hiện thành công sứ mệnh Mặt Trăng, tàu thám hiểm Chandrayaan-1 của Ấn Độ đã được đưa lên Mặt Trăng năm 2008, và tàu Selene của Nhật bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng từ năm 2007 đến năm 2009. Năm nay, tàu Chandrayaan-2 sẽ đưa một xe tự hành lên Mặt Trăng, trong khi tàu đổ bộ SLIM của Nhật Bản dự kiến sẽ đáp xuống Mặt Trăng vào năm 2019.
Tuy nhiên, những nỗ lực của họ đã bị che lấp bởi kế hoạch Thường Nga đầy tham vọng của Trung Quốc trong giai đoạn 2007 - 2014. Kế hoạch này dự định trong vòng vài năm tiếp theo sẽ đưa hai hoặc nhiều hơn tàu đổ bộ từ Mặt Trăng quay về Trái Đất.
Khám phá cực nam của Mặt Trăng là một trong những mục tiêu ưu tiên cao nhất của các nhà khoa học. Các miệng núi lửa ở phần tối của Mặt Trăng có thể chứa các hồ chứa nước lớn, ẩn chứa tiềm năng lớn cho khám phá khoa học, và là nguồn cung cấp nhiên liệu cho các cuộc thăm dò trong tương lai.
Tuy nhiên, việc hạ cánh và hoạt động ở các cực của Mặt Trăng là một thách thức cho việc định hướng. Takeshi Hoshino, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển của JAXA, cho biết: “Thật khó để nhìn thấy miệng núi lửa vì có rất ít ánh sáng”, ông nói một cách đầy châm biếm rằng, “chúng ta không có GPS trên Mặt Trăng”.
Ông Hoshino cũng cho biết, các cuộc thảo luận ban đầu đã bắt đầu thiết lập các mục tiêu chung và phân chia công việc.
Ông chỉ ra rằng, tên lửa H2-B của Nhật Bản có thể đưa "vài trăm kilogram lên bề mặt Mặt Trăng", trong khi tên lửa lớn nhất của Ấn Độ chỉ giới hạn ở mức 50kg-70kg. Điều này có nghĩa là Nhật Bản sẽ cung cấp tên lửa vận chuyển.
Ông Hoshino ca ngợi công nghệ tiên tiến của cơ quan Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ, tổ chức đã phóng tàu thăm dò Sao Hỏa Mars Orbiter Mission vào năm 2013, rằng: “Họ đã đến được sao Hỏa ngay trong nỗ lực đầu tiên, và họ là những người duy nhất làm được điều đó”
Tuy nhiên, địa chính trị là cơ sở của các mục tiêu khoa học. Nhật Bản đặc biệt nỗ lực nhằm bồi dưỡng Ấn Độ với mục tiêu tìm kiếm các đồng minh trong khu vực để cân bằng Trung Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thiết lập một mối quan hệ chặt chẽ với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, và bản hợp tác ghi nhớ về thăm dò vũ trụ là kết quả của hội nghị thượng đỉnh năm 2016 giữa hai nước.
Bà Rajeswari P. Rajagopalan, thành viên cao cấp của Quỹ Nghiên cứu các nhà quan sát cho biết, dự án hợp tác vũ trụ Ấn Độ - Nhật Bản được xem là một sản phẩm phụ của sự hội tụ ngày càng gia tăng các lợi ích chiến lược của hai nước.
Bà Rajagopalan cho biết: “Rất nhiều điều mà Ấn Độ và Nhật Bản đang thảo luận là một phần của trò chơi cách thức cải thiện hành vi của Trung Quốc. Rất nhiều điều gây ra do sự trỗi dậy của Trung Quốc, và nó mang hàm nghĩa gì đối với sự ổn định khu vực và toàn cầu".
Bà Rajagopalan nói rằng, hợp tác trong lĩnh vực không gian của Trung Quốc được chỉ đạo bởi chương trình chiến lược của nhà nước, đặt dưới sự giám sát của Quân đội Giải phóng nhân dân. "Các nước láng giềng đang quan sát hành vi của Trung Quốc chứ không phải là lời nói của họ. Đó là lý do tại sao bạn nhìn thấy Ấn Độ và Nhật Bản hợp tác với nhau”.
Bà cho biết thêm rằng, hiện nay, hợp tác về không gian đã “đạt đến mức độ quan tâm chính trị… mà vẫn chưa được chuyển sang một chương trình nghị sự khả thi”.
Các quan chức tại JAXA cho biết, các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục đến năm 2018 với mục đích đưa ra được một đề án chậm nhất vào tháng 3/2019.
Cơ quan Hàng không và không gian quốc gia Hoa Kỳ đang thực hiện một sứ mệnh tương tự được gọi là Resource Prospector, có thể khởi động vào đầu thập niên 2020.
Ajey Lele, thành viên cao cấp của Viện Nghiên cứu và phân tích Quốc phòng New Delhi, nói rằng, kết hợp tài nguyên kỹ thuật và tài chính sẽ cho phép mỗi nước có thể đạt được tiến triển nhanh hơn.
Ông Ajey Lele cho biết: “Hợp tác có rất nhiều nội dung thực chất. Khi thực hiện một nhiệm vụ độc lập, bạn phải tự mình làm mọi thứ. Thay vì làm việc đó riêng lẻ, tốt hơn là nên hợp tác và cùng nhau hoàn thành sứ mệnh tốt hơn, hiệu quả hơn…. Tôi cho rằng đó là sự phát triển tự nhiên của một mối quan hệ đang phát triển”.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: https://www.ft.com/content/e1556a6c-e6ef-11e7-97e2-916d4fbac0da
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục