Ấn Độ và nhóm Bộ tứ: Giả định phương pháp tiếp cận sáng tạo
Ấn Độ cần phải sáng tạo trong việc đối phó với những thách thức và tận dụng các cơ hội như nhóm Bộ tứ (Quad).
Harsh V. Pant and Paras Ratna*
Cuộc họp gần đây của Quad bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 13 tại Singapore, cùng với sự nhấn mạnh của Chính quyền Trump về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP), một lần nữa đã trở thành điểm nhấn về khả năng tồn tại của nhóm này trong tương lai. Với tư cách là một khái niệm chiến lược, Quad dường như đang dần phát triển trong cuộc họp lần thứ 3 trong tháng này. Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ, John Bolton, đã cho rằng: "Đây là một chiến lược vẫn đang được định hình và mức độ các hoạt động ngoại giao đã tăng lên".
Các thành viên của nhóm này - Hoa Kỳ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản - là một các nước dân chủ ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và tự do vì hòa bình và thịnh vượng chung. Ý tưởng ban đầu về Quad có thể được cho là của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đầu tiên đề cập đến khái niệm này trong cuốn sách Utsukushii Kuni-e (Một đất nước xinh đẹp) của ông. Quad đã bắt đầu vào năm 2007, nhưng không đạt được bất kỳ phát triển nào khi Thủ tướng Australia Kevin Rudd rút lui vì lý do nhóm này chống lại Trung Quốc, ngay cả Ấn Độ vẫn giữ thái độ im lặng. Ý tưởng này đã được hồi sinh vào năm 2017 khi cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bày tỏ “sự tham gia và hợp tác lớn hơn” giữa các cường quốc dân chủ. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono đã đề xuất sự phục hồi trong khi Ấn Độ và Australia bày tỏ sẵn lòng thảo luận. Kể từ đó, ba cuộc họp cấp thư ký chung liên quan giữacác nước Quad đã diễn ra.
Ngữ cảnh hóa Quad
Sự dịch chuyển trung tâm chính trị toàn cầu từ xuyên Đại Tây Dương (trans-Atlantic) sang Ấn Độ - Thái Bình Dương được đánh dấu bởi sự suy giảm tương đối của Mỹ và sự trỗi dậy của Trung Quốc có ý nghĩa địa chính trị quan trọng đối với khu vực. Mặc dù sự không chắc chắn những gì đang diễn ra dẫn đến phản ứng toàn cầu, nhưng các quốc gia châu Á sẽ đi đầu trong chiến lược này. Điều này gắn liền với an ninh và chủ quyền của họ. Các quốc gia châu Á được hưởng lợi trật tự sau Chiến tranh Lạnh do Mỹ lãnh đạo, và hiện nay việc Mỹ rút khỏi trật tự đó đang gây lo lắng cho các nước này về tương lai của trật tự tự do, khả năng và ý muốn của Mỹ để duy trì trật tự đó.
Trong khi đó, ý định mở rộng quyền lực của Trung Quốc là nguyên nhân khiến những nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam, Philippines và các quốc gia châu Á khác ngày càng chú ý. Bắc Kinh đang sử dụng khả năng sức mạnh tăng cường quân sự để gây áp lực cho các nước láng giềng bằng cách khẳng định các tuyên bố về lãnh thổ. Sự xâm phạm của Trung Quốc ở khu vực Doklam và Arunachal Pradesh của Ấn Độ, liên tục gây áp lực lên Nhật Bản trên đảo Senkaku (được Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư), đe dọa Việt Nam về việc khoan dầu ở Biển Đông, và phớt lờ lời phán quyết năm 2016 ủng hộ Philippines ở vùng biển này, đã chứng minh cho hành động khẳng định đơn phương về quyền lợi của nước này. Quan điểm của Trung Quốc về sự trỗi dậy hòa bình không thuyết phục bất cứ ai. Phát triển kinh tế từ sự trỗi dậy của Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành một mối đe dọa an ninh. Hành vi cứng rắn của Trung Quốc trong thập kỷ qua đã dẫn đến sự phục hưng của Quad 2.0 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Manila vào năm 2017. Cả bốn quốc gia trong các tuyên bố riêng đều nhấn mạnh đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, dựa trên trật tự tuân theo luật pháp, tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế và an ninh hàng hải, mọi lời lẽ đều nhằm đến Trung Quốc.
Câu hỏi về Quad của Ấn Độ
Việc Mỹ đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương có căn cứ ở Hawaii(USPACOM) thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (USIPACOM), sau đó Chính quyền Trump liên tục sử dụng cụm từ "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", cùng với thực tế địa chính trị đã đưa Ấn Độ ở vào giai đoạn trung tâm của cuộc lật đổ địa chính trị này. Điều này đã thúc đẩy Ấn Độ tham gia tích cực với Mỹ và các cường quốc toàn cầu lớn khác như Nhật Bản và Australia trong việc định hình trật tự Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tuy hưng phấn, nhưng New Delhi đã giữ thái độ thận trọng chiến lược trong khi chào đón đề xuất của Nhóm Bộ tứ (Quad). Vì Ấn Độ là quốc gia duy nhất trong Quad có chung biên giới trên đất liền với Trung Quốc, nên ngữ cảnh về Quad từ phía Trung Quốc dường như đã thúc đẩy sự thận trọng này. Mối quan hệ Trung - Ấn đã chạm đáy trong cuộc khủng hoảng Doklam năm 2017. Tuy nhiên, sự khéo léo trong ngoại giao ở cả hai phía đã giúp giảm căng thẳng, và cuối cùng được xử lý tại cuộc gặp cấp cao ở Vũ Hán. Do những thách thức ở trong nước, nên sự căng thẳng kéo dài với Trung Quốc sẽ là điều cuối cùng mà Ấn Độ mong muốn. Vì thế, sự cẩn thận liên quan đến Quad có lẽ bắt nguồn từ điều này. Nhận thức của Ấn Độ về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng khác với các nước Quad khác. Chẳng hạn, Ấn Độ coi Pakistan là một quốc gia rắc rối của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giống như thái độ của Mỹ đối với Triều Tiên, nhưng vẫn cần một cơ chế tham vấn rộng hơn để đạt được sự đồng thuận rộng hơn giữa các quốc gia tham gia về các vấn đề quan trọng (như khủng bố).
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong bài phát biểu tại Diễn đàn Shangri-La vào đầu năm 2018 đã miêu tả khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một “khu vực tự nhiên” kéo dài từ “bờ biển châu Phi đến châu Mỹ”, cho dù ông đã thách thức ý tưởng về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như là một thứ chiến lược hoặc câu lạc bộ độc quyền. Tuy nhiên, ông Modi đã nhấn mạnh “một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và minh bạch dựa trên sự tôn trọng luật pháp hàng hải quốc tế”. Bài phát biểu cũng cố gắng đảm bảo sự quan tâm của các quốc gia Đông Nam Á bằng cách đặt khối ASEAN vào vị trí trung tâm của tầm nhìn Ấn Độ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Cấu trúc của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương kéo dài từ bờ biển châu Phi đến châu Mỹ, tiếp theo sau đó là sự nhấn mạnh vào vai trò trung tâm của ASEAN đối với các quan điểm cạnh tranh về địa lý. Trong khi vế trước (và đúng như vậy) xem Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như một thể liên tục, nhấn mạnh vào vị trí trung tâm của ASEAN sẽ hạn chế trọng tâm chiến lược ở phía Đông tiểu lục địa Ấn Độ. Nhưng vấn đề quan tâm chiến lược của Ấn Độ cần phải được nhìn nhận một cách toàn diện và không bị ngăn cách bởi phía Đông và phía Tây. Khẳng định tính trung tâm của ASEAN cũng là sự bác bỏ vị trí trung tâm của Trung Quốc, và nhằm mục đích bơm sức sống mới vào một khái niệm mà đối với nhiều người đã trở nên quá ám ảnh với Trung Quốc.
Mặc dù các quốc gia thành viên ASEAN rất chú ý đến việc không bị cuốn vào cuộc chiến, nhưng những lo ngại liên quan đến Trung Quốc là có thật. Việc nhấn mạnh vào vị trí trung tâm của ASEAN có thể được xem là một cách để tranh thủ sự hỗ trợ và làm cho các cuộc thảo luận về cấu trúc an ninh thay thế trở nên có sức sống hơn. Điều này còn phản ánh nỗ lực của Ấn Độ về việc xây dựng mối quan hệ đối tác trong khu vực với các quốc gia Đông Nam Á được cho là ít khiêu khích hơn. Sự thận trọng của Ấn Độ cũng xuất phát từ sự thiếu ổn định đặc trưng cho chính sách đối ngoại của Mỹ. Chính sách bảo hộ của Chính quyền Trump đã tiếp tục thúc đẩy sự thận trọng chiến lược.
Trong khi đó, giữa Ấn Độ và Trung Quốc tồn tại sự khác biệt to lớn về năng lực. Trong khoảng thời gian từ 2000 đến 2018, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã tăng gấp ba lần so với Ấn Độ. Các số liệu cho thấy Trung Quốc đã chi khoảng 176,1 tỷ USD so với 61,5 tỷ USD của Ấn Độ. Tương tự, quy mô nền kinh tế Trung Quốc khoảng 6 nghìn tỷ USD, gấp khoảng ba lần quy mô của Ấn Độ với mức 2,1 nghìn tỷ USD. Do đó, điều New Delhi lo ngại không phải là việc kéo vào chiến lược của Mỹ, mà là sự đối kháng với Trung Quốc ở một mức độ nhất định, điều này dường như là được xây dựng trên nền tảng hiện thực vật chất.
Cả Nhật Bản và Australia đều có sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế đối với Trung Quốc. Khoảng 25% hàng nhập khẩu của Australia từ Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh là nhà nhập khẩu than lớn nhất từ Australia. Doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản sang Trung Quốc năm 2017 đạt khoảng 20,5%, cao hơn 6% so với năm 2017. Ngoài ra, Trung Quốc là thị trường của 35,2% hàng hóa Nhật Bản. Mặc dù cuộc gặp giữa ông Modi và ông Abe gần đây nhấn mạnh hợp tác hàng hải và quốc phòng, nhưng nó diễn ra trong bối cảnh ông Abe có chuyến thăm tới Bắc Kinh nhân dịp kỷ niệm 40 năm hiệp ước hòa bình và hữu nghị Trung Quốc - Nhật Bản, đây được coi là bước ngoặt lịch sử của Thủ tướng Nhật Bản. Cả hai quốc gia đã ký một loạt các thỏa thuận bao gồm thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 27 tỷ USD, nhưng điều bất ngờ với Ấn Độ là cách tiếp cận tinh tế của ông Abe đối với sáng kiến Vành đai, con đường (BRI). Tuy trước đó Nhật Bản phản đối BRI, những lo ngại về kinh tế do chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Trump đã buộc người khổng lồ châu Á phải tính toán lại chương trình chiến lược của họ. Mặc dù có vẻ hai nước có mối quan hệ hợp tác, nhưng sự chia rẽ chính trị vẫn còn, và New Delhi khó có thể xem sự linh hoạt chiến lược này được Tokyo thể hiện như một trò chơi có tổng bằng không (“zero sum“ game).
Con đường phía trước
Quad sẽ hợp tác tốt đẹp trong các lĩnh vực có thể hành động như vi phạm bản quyền. Cả bốn quốc gia có năng lực hải quân ấn tượng. Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ có thể sử dụng máy bay không người lái để giám sát các tuyến thương mại lớn và tạo điều kiện trao đổi thông tin theo thời gian thực với các nước ASEAN như Indonesia, Philippines, Malaysia và Singapore. Cần tập trung xây dựng một cơ chế tham vấn khu vực mạnh mẽ và phối hợp với các quốc gia ASEAN về các vấn đề có tầm quan trọng khu vực. Các sáng kiến như Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể được mở rộng và các tổ chức thay thế như Ngân hàng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hoặc Cơ quan Đầu tư cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể được khuyến khích đầu tư khu vực tư nhân vào các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, kinh tế kỹ thuật số, kinh tế xanh và cơ sở hạ tầng. Sự hợp tác giữa Ấn Độ - Nhật Bản trên Hành lang Tăng trưởng Á - Phi là một bước tiến đáng hoan nghênh.
Ấn Độ cần phải sáng tạo trong việc đối phó với các thách thức và tận dụng các cơ hội từ sự bố trí như Quad hiện tại. Khuôn khổ Quad được kiểm chứng địa chính trị từ sự phối hợp của Ấn Độ và đưa ra một cơ hội duy nhất để Ấn Độ trở thành người tham gia tích cực trong việc định hình cấu trúc an ninh khu vực dựa trên nền tảng toàn cầu. Ấn Độ cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình quỹ đạo tương lai của quan hệ Trung - Ấn.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: https://thediplomat.com/2018/11/india-and-the-quad-forging-an-innovative-approach/
* Quỹ Nghiên cứu các nhà quan sát Ấn Độ (Observer Research Foundation)
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục