Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng ở Iran và Trung Á

Ấn Độ và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng ở Iran và Trung Á

Ván cờ lớn giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã vươn đến vũ đài cạnh tranh giữa hai vương quyền trong thế kỷ XIX: Iran và Trung Á.

05:26 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Mỗi một người khổng lồ trỗi dậy đều muốn trở thành người định hình trật tự khu vực mới. Sự cạnh tranh ảnh hưởng tiếp tục diễn ra ở các nước Ấn Độ Dương như Maldives và Sri Lanka. Nhưng hai nước này cũng đang hướng xa hơn về phía Tây, bước vào vùng biển Ả Rập, Iran và các quốc gia Trung Á.

Trung Quốc sở hữu một thứ vũ khí mạnh là sáng kiến “Vành đai, Con đường”, sáng kiền này đòi hỏi đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ ở Trung Á và châu Âu. Tuy nhiên, New Delhi đang đẩy mạnh nỗ lực với một mạng lưới đường biển và đường sắt thay thế được gọi là Hành lang Vận tải quốc tế Bắc - Nam (INSTC). Vì vậy, tuy Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau ở Vũ Hán nhằm mục đích nối lại mối quan hệ sau căng thẳng quân sự, nhưng cuộc đua về kinh tế và an ninh giữa hai nước chỉ mới bắt đầu.

Bà Sushma Swaraj, Ngoại trưởng Ấn Độ, đã nói về tầm nhìn của Ấn Độ về hành lang này trong chuyến thăm Azerbaijan - quốc gia giàu dầu mỏ - vào đầu tháng 4/2018. Bà Swaraj cho biết, bà và người đồng cấp phía Azerbaijan, Elmar Mammadyarov, đồng ý rằng, INSTC "là một sáng kiến quan trọng có thể giảm thời gian và chi phí [của việc cung cấp hàng hóa] khoảng 30% đến 40%".

Hành lang dài 7.000km kết nối Ấn Độ với Nga, tuy nhiên, vẫn còn những khoảng trống phải di chuyển bằng xe tải. Theo số liệu của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, so với tuyến đường truyền thống qua kênh đào Suez, hành lang này hoàn thành sẽ giảm thời gian vận chuyển giữa Mumbai và Moscow từ 40 ngày xuống còn khoảng 20 ngày.

Điều này có khả năng làm biến đổi thương mại Á - Âu, và mang lại cho Ấn Độ sự linh hoạt và tầm ảnh hưởng lớn hơn. Sự tiếp cận của Ấn Độ với phương Tây và Trung Á từ lâu đã bị cản trở bởi sự hiện diện của Pakistan. Với hành lang này, Ấn Độ có thể đi vòng qua Pakistan và thu mua các nguồn tài nguyên vùng Trung Á thông qua Iran.

Một trong những liên kết quan trọng trên tuyến hành lang này là tuyến đường sắt đi qua biên giới giữa Iran và Azerbaijan. Theo thỏa thuận hạt nhân với Iran vào năm 2016, các nước phương Tây dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt, từ đó đã giúp mở đường cho đầu tư vào đường sắt Astara.

Vào cuối tháng 3/2018, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã đến thăm Baku, thủ đô của Azerbaijan, nơi ông Rouhani và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev hoan nghênh việc hoàn thành đoạn đường dài 10km băng qua biên giới. Cùng ngày, hai nhà lãnh đạo chủ trì một lễ ký kết khoản vay, trong đó Azerbaijan cho Iran vay 500 triệu USD để kết nối hai thành phố - Astara và Rasht - nhằm hoàn thành phần còn thiếu cuối cùng của tuyến hành lang.

Iran dự kiến đoạn Astara - Rasht sẽ hoàn thành trong khoảng hai năm, và tất cả các đoạn đường sắt của INSTC sẽ được kết nối liền mạch sau năm 2020. Ông Rouhani nói rằng: "Các cảng phía Nam Iran sẽ là cửa ngõ vào vùng Caucasus, Trung Á, Nga và phía Bắc châu Âu và Đông Âu".

Đối với Ấn Độ, Iran là cửa ngõ mà họ hy vọng sẽ đưa các sản phẩm may mặc, hóa chất và nông sản đến người tiêu dùng ở Trung Á và châu Âu, đồng thời mua dầu, khí đốt tự nhiên và kim loại từ các quốc gia không giáp biển của Trung Á. Khí đốt là ưu tiên hàng đầu, do nhu cầu cấp thiết phải hạn chế ô nhiễm không khí của Ấn Độ, một sản phẩm phụ của sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.

Ấn Độ đã tích cực trưng cầu ý kiến phía Iran, và người Iran đã tiếp nhận. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chào đón Tổng thống Iran Rouhani đến New Delhi vào tháng 2/2018 và nói rằng: "Thật là một niềm vui lớn đối với chúng tôi khi một Tổng thống Iran đã đến thăm Ấn Độ sau 10 năm." Ông Rouhani đã mang đến một món quà đặc biệt: một hợp đồng thuê quản lý giai đoạn một của dự án cảng Chabahar ở phía Nam Iran.

Ấn Độ đã hỗ trợ đáng kể cho sự phát triển cảng biển của Iran và đã đầu tư 500 triệu USD vào cảng Chabahar. Thỏa thuận quản lý này cho phép một công ty Ấn Độ điều hành một phần cơ sở đa năng và cảng container của cảng Chabahar trong 18 tháng.

Ông Rouhani nói với các phóng viên rằng: "Quan hệ của chúng tôi vượt xa quan hệ thương mại, kinh tế và ngoại giao". "Quan hệ của chúng tôi là lịch sử, văn hóa và văn minh."

Rõ ràng, Ấn Độ bị thuyết phục về tầm quan trọng chiến lược của cảng Chabahar. Tại sao? Câu trả lời là nó nằm dọc theo sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc.

Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan là một tuyến đường sắt và đường bộ dài 3.000km kéo dài từ miền Tây Trung Quốc đến cảng Gwadar của Pakistan, băng qua lãnh thổ Kashmir đang tranh chấp do Pakistan kiểm soát. Cảng Gwadar, một trung tâm thương mại lớn ở khu vực Ấn Độ Dương, được điều hành bởi một công ty Trung Quốc.

Cảng Chabahar của Iran chỉ cách Gwadar 150 km về phía Đông. Việc Ấn Độ coi trọng cảng Chabahar dường như phản ánh mong muốn kiềm chế các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực sân sau của nước này.

Ấn Độ cũng có kế hoạch tài trợ cho một dự án đường sắt từ Chabahar đến thành phố Zahedan trên biên giới với Afghanistan của Iran. Vào tháng 1/2018, Ấn Độ và Iran đã ký một thỏa thuận hợp tác đường sắt, theo đó, Tehran sẽ mua đầu máy xe lửa và toa hàng từ New Delhi. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ kết nối cảng Iran với Afghanistan, và sau đó quay lại Trung Á.

Không chịu thua kém, Trung Quốc cũng đang tăng cường quan hệ với Iran. Trung Quốc đã bắt đầu gửi các chuyến tàu chở hàng đến Tehran băng qua Trung Á, đưa thủ đô Iran vào tuyến vận tải chính của nước này đến châu Âu.

Trong lãnh thổ Iran, một số phần của BRI và INSTC trùng lặp với nhau. Đây có thể là một lợi ích cho các doanh nghiệp, nhưng cũng có thể là một nguy cơ chính trị, nếu Bắc Kinh và New Delhi quyết định chơi trò chơi với tổng bằng không (zero-sum game).

Takuya Murakami, nghiên cứu viên tại Viện Trung Đông của Nhật Bản cho biết: "Ngay cả khi Trung Quốc và Ấn Độ có vẻ sẵn sàng hợp tác với nhau, nhưng ở đằng sau, họ vẫn sẽ đối địch nhau".

Pankaj Jha, giáo sư về nghiên cứu quốc phòng và chiến lược tại O.P. Jindai Global University và là cựu Giám đốc Nghiên cứu tại Hội đồng Các vấn đề thế giới của Ấn Độ cho biết: “INSTC có thể trở thành một sự đối nghịch với BRI của Trung Quốc”.

Ông Jha cho biết: "Trong khi sáng kiến BRI bị chi phối bởi Trung Quốc và chỉ phục vụ cho quốc gia cộng sản khổng lồ thì INSTC chủ yếu giải quyết vấn đề của các nước đang phát triển, sẽ hiệu quả hơn về phương diện bổ trợ, cũng như thực hiện nguyện vọng của người nhân trong khu vực".

Cùng với căng thẳng tiếp diễn giữa Trung Quốc và Ấn Độ, các quốc gia rơi vào giữa hai nước này sẽ phải cân bằng hai bên và tối đa hóa lợi ích. Iran, như chúng ta đã thấy, mong muốn thu hút đầu tư của Ấn Độ. Nhưng Iran cũng là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc, và tiền của Trung Quốc rất quan trọng cho các kế hoạch cơ sở hạ tầng của Tehran.

Vào tháng 3/2018, Chính phủ Iran đã ký một thỏa thuận với Tập đoàn Xây dựng công nghiệp cơ khí Trung Quốc để xây dựng một tuyến đường sắt trị giá 700 triệu USD kết nối Shiraz và Bushehr.

Nhưng Ấn Độ coi khu vực Trung Á là "khu vực mở rộng" của nước này, và họ có thể lợi dụng sự lo lắng của khu vực về sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc.

Các dự án cơ sở hạ tầng của BRI đã khiến một số nước rơi vào cảnh vay nợ Trung Quốc, đặc biệt là các nước nghèo như Tajikistan và Kyrgyzstan. Báo cáo của Trung tâm Phát triển toàn cầu công bố vào tháng 3/2018 đã liệt kê tám quốc gia thuộc diện "đặc biệt nguy hiểm về nguy cơ vay nợ" từ các dự án liên quan của BRI, trong đó bao gồm hai quốc Trung Á. Cái bẫy nợ này có thể được Trung Quốc tận dụng để đòi hỏi về vấn đề an ninh và hợp tác kinh tế.

Nga cũng lo ngại về sự phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, mặc dù hai nước có mối quan hệ lâu dài. Hơn nữa, quan hệ xấu đi giữa Moscow với Mỹ và châu Âu chỉ làm gia tăng tầm quan trọng về năng lượng và các mối quan hệ khác với Ấn Độ và Iran. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thúc đẩy INSTC như là một "dự án hàng đầu".

Ấn Độ có thể có cơ hội hoạt động như một đối trọng với Trung Quốc, sử dụng INSTC để tăng cường các kết nối chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa của mình trong khu vực.

Javid Gurbanov, Chủ tịch Đường sắt Azerbaijan, nói với tờ Nikkei Asian Review trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Đó là một lợi thế lớn cho đất nước chúng tôi khi các cường quốc như Trung Quốc và Ấn Độ đang bắt đầu các dự án lớn như vậy để xuất khẩu hàng hóa và tìm kiếm các tuyến đường mới. Mọi người đều cần thêm các tuyến đường mới. Không ai muốn phụ thuộc vào một tuyến đường, và không ai thích đặt tất cả trứng vào cùng một giỏ”.

Ông Gurbanov cho biết, Azerbaijan nhìn nhận tích cực về cả BRI và INSTC, nước này được hưởng lợi từ cả hai, dù đất nước của ông sẽ "được lời từ INSTC nhiều hơn".

"Khi bạn nhìn vào khả năng tương lai của tuyến Bắc - Nam [giao thông] ... Năm 2019, chúng tôi có kế hoạch vận chuyển tối thiểu 2 triệu tấn, và sẽ tăng lên theo thời gian khi mọi người hình thành nhận thức được các tuyến đường này. Sau 5 năm, tôi nghĩ chúng ta có thể đạt được mức 10 triệu đến 12 triệu tấn".

Trong khi đó, Ấn Độ đang di chuyển ở nơi khác. Vào tháng 2/2018, Ấn Độ đã đạt được một bước đột phá ngoại giao lớn tại một điểm quan trọng khác trên Ấn Độ Dương, ngay dưới mũi của Trung Quốc. Ấn Độ đã hoàn tất một thỏa thuận với Oman về việc cho phép tàu hải quân Ấn Độ cập cảng chiến lược Duqm. Theo Hiệp ước này, Ấn Độ sẽ sử dụng cảng để hỗ trợ hậu cần và bảo dưỡng tàu.

Murakami nói, Bắc Kinh đã đầu tư mạnh vào một khu công nghiệp gần cảng Omani. Chắc chắn, thỏa thuận đó hoàn toàn không lường trước được. Việc tiếp cận cả Duqm và Chabahar tăng cường khả năng ngăn chặn sự mở rộng hàng hải của Trung Quốc trong khu vực.

Một yếu tố X cho cả Ấn Độ và Trung Quốc vẫn là vị thế toàn cầu của Iran. Vào tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ quyết định xem có nên áp dụng một số biện pháp trừng phạt đối với Tehran hay không.

Lợi ích quốc gia đang ngày càng trở nên đan xen, và ván cờ lớn trong thế kỷ XXI sắp bước vào một giai đoạn mới không thể đoán trước.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://asia.nikkei.com/Spotlight/Asia-Insight/India-and-China-jostle-for-influence-in-Iran-and-Central-Asia

Nguồn:

Cùng chuyên mục