Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ - Việt Nam: Quan hệ chiến lược và quốc phòng (Phần 1)

Ấn Độ - Việt Nam: Quan hệ chiến lược và quốc phòng (Phần 1)

Quan hệ song phương bền chặt giữa hai quốc gia độc lập Ấn Độ và Việt Nam đã được tôi luyện qua thời gian. Đặc biệt, trong những năm gần đây, hai nước đã tiến hành nhiều chuyến thăm cấp cao, từ đó quan hệ hai nước cũng được đẩy lên tầm cao mới. Các mối quan tâm về an ninh và lợi ích chung đã củng cố quan hệ chiến lược Ấn Độ - Việt Nam ngày càng bền chặt. Ngoài ra, bối cảnh khu vực có nhiều biến chuyển mạnh mẽ, trong đó, căng thẳng ở Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng khu vực. Bối cảnh khu vực đó khiến Ấn Độ và Việt Nam cần đẩy mạnh và mở rộng hợp tác chiến lược.

01:12 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

ẤN ĐỘ - VIỆT NAM: QUAN HỆ CHIẾN LƯỢC VÀ QUỐC PHÒNG

TS Jayadeva Ranade*,

 

Quan hệ song phương bền chặt giữa hai quốc gia độc lập Ấn Độ và Việt Nam đã được tôi luyện kể từ khi Ấn Độ và Miền Bắc Việt Nam thiết lập mối quan hệ ngoại giao chính thức năm 1972. Trên thực tế, các mối liên hệ về văn hóa đã có từ thế kỷ II, khi Vương quốc Champa được hình thành. Theo dõi quá trình phát triển của quan hệ hai nước sẽ thấy nhiều kết nối tình cảm đáng chú ý, điển hình là khoảng 2500 người Ấn Độ đang sống tại Việt Nam. Ví dụ, Ấn Độ đã ủng hộ Việt Nam giành độc lập từ tay thực dân Pháp, phản đối đế quốc Mỹ can thiệp vào chiến tranh Việt Nam, và ủng hộ sự thống nhất của Việt Nam. Ấn Độ cũng là nước ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến với Campuchia. Cả hai cũng đã cùng gặp phải hành động hung hăng của Trung Quốc - ở Ấn Độ năm1962 và Việt Nam năm 1979.

Dĩ nhiên, quan hệ kinh tế cũng rất phát triển từ khi Ấn Độ và Miền Bắc Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức năm 1972, với việc Ấn Độ dành cho Việt Nam quy chế Tối huệ quốc vào năm 1975. Hai nước kí hiệp định thương mại song phương năm 1978; thành lập Hội đồng Hợp tác kinh doanh Ấn Độ - Việt Nam năm 1993; và kí kết Hiệp định Xúc tiến và bảo vệ đầu tư song phương vào ngày 8/3/1997. Ấn Độ hiện nay nằm trong số 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Thương mại song phương trong năm tài chính 2014-15 vượt 9 tỷ USD, hoàn thành sớm mục tiêu 7 tỷ USD đến năm 2015. Cả hai bên cùng nhất trí với mục tiêu thương mại mới là đạt 15 tỷ USD năm 2020. Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam vẫn duy trì ổn định ở mức 1 tỷ USD nhưng con số này được kì vọng sẽ tăng trong những năm tới. Năm 2015, các công ty Ấn Độ đăng ký 23 dự án mới với tổng vốn đầu tư 138,99 triệu USD trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, phân bón, phụ tùng ô tô, nguyên phụ liệu dệt may v.v. Ấn Độ hiện đã có 132 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 1,07 tỷ USD. Hợp tác cũng được mở rộng sang lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục và cộng tác trong các chương trình không gian quốc gia tương ứng. Việc thiết lập các đường bay thẳng và nới lỏng quy định về thị thực cũng đã được áp dụng để đẩy mạnh du lịch.

Trong những năm qua, hai nước đã tiến hành nhiều chuyến thăm cấp cao. Từ phía Việt Nam có các chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh năm 2003, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2007, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan năm 2009, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng năm 2010, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 10/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 12/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 11/2013 và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 10/2014.

Về phía Ấn Độ có các chuyến viếng thăm của Thủ tướng Atal Behari Vajpayee năm 2001, Người phát ngôn Hạ viện Somnath Chatterjee tháng 3/2007, Tổng thống Pratibha Patil tháng 11/2008, Thủ tướng Manmohan Singh tháng 10/2010, Người phát ngôn Hạ viện Meira Kumar tháng 5/2011, Phó Tổng thống Md. Hamid Ansari tháng 1/2013 và Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee tháng 9/2014.

Các mối quan tâm về an ninh và lợi ích chung trong đó có lĩnh vực hàng hải đã củng cố quan hệ chiến lược Ấn Độ - Việt Nam ngày càng bền chặt. Gần đây, quan hệ chiến lược hai nước được thuận lợi hơn khi Việt Nam đảm nhận vai trò quốc gia điều phối viên của Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN) giai đoạn 2015-2018 vì Ấn Độ và khối này ngày càng có chung những lợi ích chiến lược. Chính phủ mới của Ấn Độ do Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong Chính sách Hành động Phía Đông của mình, và đã tạo ra động lực mới cho quan hệ chiến lược Ấn Độ - Việt Nam. Điều này được minh chứng bằng hai chuyến thăm cấp cao (của Tổng thống Ấn Độ, Pranab Mukherjee từ ngày 14 đến 17/9 và Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng tới Delhi ngày 27-28/10/2014). Kết thúc chuyến thăm, Tổng thống Mukherjee đã tuyên bố rằng: “hợp tác quốc phòng là một trụ cột quan trọng trong mối quan hệ chiến lược hai nước”. Để củng cố hơn nữa, ngài Tổng thống cũng đã thông báo rằng, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Ấn Độ chấp nhận cấp hạn mức tín dụng 100 triệu USD cho Bộ Tài chính Việt Nam với mức lãi suất 2%, nhằm thúc đẩy mua sắm quốc phòng trong 15 năm tới. Tổng thống Ấn Độ cũng đã đồng ý mở rộng huấn luyện quân đội và hỗ trợ khả năng chiến đấu của hải quân Việt Nam. Khía cạnh chiến lược của mối quan hệ một lần nữa được nhấn mạnh trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Delhi.

Thủ tướng Modi nhận thấy rằng, việc tham gia tích cực vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương rất quan trọng đối với tương lai của Ấn Độ. Ông nhấn mạnh: “Không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong những nỗ lực của Ấn Độ… Chúng ta chia sẻ lợi ích về an ninh trên biển, bao gồm tự do hàng hải và thương mại, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình theo luật quốc tế”. Ông cũng nói thêm “Hợp tác quốc phòng của Ấn Độ với Việt Nam là một trong những hợp tác quan trọng nhất. Ấn Độ rất quan tâm đến tiến trình hiện đại hóa của lực lượng an ninh và quốc phòng Việt Nam. Chúng tôi sẽ tăng cường thêm các chương trình huấn luyện vốn đã rất lớn hiện nay, tập trận chung và hợp tác trong trang bị quốc phòng. Chúng tôi sẽ khẩn trương giải ngân gói tín dụng 100 triệu USD để Việt Nam có thể mua tầu chiến của Ấn Độ. Chúng tôi cũng đã đồng ý tăng cường hợp tác an ninh, bao gồm cả chống khủng bố”. Trong buổi thảo luận kín, hai Thủ tướng đã nhất trí làm việc ba bên với Nhật Bản để phối hợp trong chính sách an ninh và kinh tế. Tuyên bố chung của ngài Modi và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi kết thúc chuyến thăm bao gồm những cam kết quan trọng trong 5 lĩnh vực: quốc phòng, Biển Đông, năng lượng, thương mại đầu tư, và không gian.

Việt Nam sẽ sử dụng phần lớn gói tín dụng 100 triệu USD để mua 4 tàu tuần tra đại dương (OPVs) mới. Việt Nam đang cân nhắc nên đóng tàu ở cơ sở của Chính phủ Ấn Độ hay tư nhân. Hợp đồng khi được kí kết sẽ đánh dấu việc chuyển giao quân sự quan trọng đầu tiên của Ấn Độ cho Việt Nam. Việt Nam cũng đang khai thác khả năng mua lại thiết bị giám sát do Ấn Độ sản xuất như thiết bị bay không người lái. Ấn Độ cũng chấp nhận tiếp tục hỗ trợ Việt Nam bảo trì các trang thiết bị của Nga được mua từ trước. Hai nước đang thảo luận về việc mở rộng huấn luyện quân đội sang đào tạo phi công lái máy bay Sukhoi Su-30 MK, và thỏa thuận này sắp được hoàn tất trong tương lai gần. Tháng 10/2013, Ấn Độ bắt đầu đào tạo chiến đấu dưới nước cho hải quân Việt Nam nhằm điều khiển hạm đội tàu ngầm lớp K tiên tiến. Ấn Độ sẽ đào tạo 500 thủy thủ lái tàu ngầm cho Việt Nam, mỗi khóa dài 1 năm với 50 học viên. Huấn luyện phi công là điển hình cho sự phát triển mới có ý nghĩa quan trọng.

Hai nước đã có những cam kết rõ ràng trong việc thúc đẩy quan hệ quốc phòng, bao gồm các chuyến thăm cấp cao, đối thoại an ninh hàng năm, hợp đồng tương tác dịch vụ, thăm cảng biển, đóng tàu, đào tạo và xây dựng năng lực, hỗ trợ bảo dưỡng trang bị quân sự, diễn tập đa phương, và hợp tác tại các diễn đàn khu vực như Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN.

Ấn Độ đào tạo kĩ năng công nghệ thông tin và tiếng Anh cho quân đội Việt Nam. Ngày 28/10, Ấn Độ và Việt Nam kí một bản ghi nhớ (MOU) để thành lập trung tâm đào tạo tiếng Anh và Công nghệ thông tin Việt Nam - Ấn Độ tại trường Đại học Thông tin liên lạc thuộc Bộ Quốc phòng tại Nha Trang. Ấn Độ cũng đồng ý giúp đỡ Việt Nam củng cố năng lực để tham gia vào hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc.

Trước chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cố vấn của hãng chế tạo máy bay BrahMos, P. K. Chakravorty, tiết lộ rằng: phía Nga đã đồng ý bán tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos cho Việt Nam, đồng thời việc mua bán tên lửa và tàu chở tên lửa BrahMos đang được đàm phán và có thể được kí kết trong chuyến thăm của Thủ tướng Modi.

Tàu hải quân của Ấn Độ thường xuyên cập bến cảng Việt Nam. Tàu chiến Satpura và Kirch dưới sự điều khiển của Thiếu tướng Đô đốc Hải quân Hạm đội Phía Đông, S. V. Bhokare, đã tới thăm Vịnh Cam Ranh vào ngày 30/5 và 2/6/2016 trong chiến dịch dàn quân của Hạm đội Phía Đông tại Biển Đông và Tây Thái Bình Dương. Trong chuyến thăm, tàu Hải quân Ấn Độ đã phối hợp với Hải quân Nhân dân Việt Nam và bàn về việc đẩy mạnh hợp tác giữa hai lực lượng. Tháng 2/2016, tàu chiến Việt Nam lần đầu tiên tham gia vào cuộc thao diễn hạm đội quốc tế tại Vishakhapatnam, Ấn Độ. Hai nước cũng hợp tác trong một số lĩnh vực nhạy cảm khác. (Xem tiếp phần 2)


Nguyên Phó Chánh văn phòng Nội các Chính phủ Ấn Độ, Chủ tịch Trung tâm Phân tích Trung Quốc và chiến lược. 

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục