Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ - Việt Nam: Quan hệ chiến lược và quốc phòng (Phần 2)

Ấn Độ - Việt Nam: Quan hệ chiến lược và quốc phòng (Phần 2)

Quan hệ song phương bền chặt giữa hai quốc gia độc lập Ấn Độ và Việt Nam đã được tôi luyện qua thời gian. Đặc biệt, trong những năm gần đây, hai nước đã tiến hành nhiều chuyến thăm cấp cao, từ đó quan hệ hai nước cũng được đẩy lên tầm cao mới. Các mối quan tâm về an ninh và lợi ích chung đã củng cố quan hệ chiến lược Ấn Độ - Việt Nam ngày càng bền chặt. Ngoài ra, bối cảnh khu vực có nhiều biến chuyển mạnh mẽ, trong đó, căng thẳng ở Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng khu vực. Bối cảnh khu vực đó khiến Ấn Độ và Việt Nam cần đẩy mạnh và mở rộng hợp tác chiến lược.

01:11 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

ẤN ĐỘ - VIỆT NAM: QUAN HỆ CHIẾN LƯỢC VÀ QUỐC PHÒNG

                 TS Jayadeva Ranade*

Vấn đề Biển Đông rất quan trọng đối với Việt Nam và Ấn Độ. Trong một bài phỏng vấn của báo Press Trust của Ấn Độ ngày 27/10/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ mong muốn Ấn Độ đóng vai trò ngoại giao tích cực hơn trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Ông nói: “Việt Nam hy vọng rằng, là một cường quốc lớn trong khu vực và thế giới, Ấn Độ sẽ tích cực ủng hộ việc các bên liên quan nhằm giải quyết mọi tranh chấp một cách hòa bình”. Tuyên bố chung của ngài Modi và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về cơ bản nhắc lại nội dung về Biển Đông trong tuyên bố trước đó của Tổng thống Mukherjee và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Những yếu tố chính bao gồm: nhất trí không cản trở tự do hàng hải và hàng không; tất cả các bên cần kiềm chế; tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế. Cả hai bản tuyên bố đều ủng hộ việc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông và áp dụng bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Đồng thời hai bản tuyên bố cũng kêu gọi hợp tác đảm bảo an ninh đường biển, an ninh hàng hải, chống hải tặc cũng như công tác tìm kiếm cứu hộ.

Sự kiện có tầm quan trọng không kém là sự tham gia của Công ty dầu khí Videsh của Ấn Độ (ONGC/OVL) trong khai thác dầu và khí đốt ngoài khơi Việt Nam từ năm 1988, sau khi công ty này được cấp giấy phép khai thác tại lô 06.1. Năm 2006, ONGC được phép khai thác tại lô 127 và 128. Thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Việt Nam, Chính phủ Ấn Độ đã bảo vệ để ONGC tiếp tục khai thác lô 128, bất chấp việc Trung Quốc phản đối các hoạt động khai thác của ONGC. Tháng 11/2013, Việt Nam đề nghị cho ONGC khai thác thêm 5 lô nữa.

Mặc dù vậy, tình hình có chút thay đổi sau khi hình ảnh trên trường quốc tế của Trung Quốc bị tổn hại vào ngày 12/7/2016, khi Tòa Trọng tài (PCA) ở Hague công bố phán quyết vụ kiện của Phillippines hồi tháng 1/2013, bác bỏ mọi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông vì thiếu cơ sở pháp lý. Phán quyết dài 501 trang của PCA được cho là có lợi cho Phillippines và đã vượt xa những gì mà Manila đề cập. Phán quyết đã thực sự loại bỏ những lý lẽ của Trung Quốc. Nó bác bỏ luận điểm cho rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đã có từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên và quyết định rằng, Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý để khẳng định hơn 3 triệu kilomet vuông lãnh thổ ở Biển Đông, kể cả khoáng sản dưới nước hay các tài nguyên khác. Tòa án kết luận rằng: “hoạt động trên biển và đánh bắt cá trong lịch sử của Trung Quốc trên vùng Biển Đông là quyền tự do trên biển, chứ không phải là quyền lịc sử”, và rằng, “không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã có quyền kiểm soát toàn bộ lãnh hải Biển Đông hoặc ngăn cản các nước khác khai thác tài nguyên của họ”. Quan trọng hơn, bản phán quyết đã chỉ ra rằng Đường 9 đoạn mà Bắc Kinh sử dụng để phác họa vùng Biển Đông đã gây ra tranh cãi tại hội nghị Liên Hợp Quốc về luật biển. 

Phán quyết cũng có ý nghĩa với Ấn Độ, bởi nó đã phủ nhận nỗ lực viện dẫn chứng cứ lịch sử của Trung Quốc như ghi chép về những lữ khách từ 2000 năm trước hoặc những bản đồ hàng hải cổ xưa nhằm củng cố khẳng định của mình, do đó, hoàn toàn khiến tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trở nên lung lay. Phán quyết của PCA được Mỹ, các nước G7, 28 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, Việt Nam, Nhật Bản và Ấn Độ ủng hộ, đã củng cố quyền lợi cho các nước như Việt Nam, Phillippines, Malaysia và Indonesia, đồng thời cô lập Trung Quốc.

Phán quyết đã gây thêm bất ổn cho tình hình vốn đã rất căng thẳng tại Biển Đông. Các cuộc diễn tập “bắn đạn thật” đang diễn ra trong khu vực bởi 3 hạm đội Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân (PLAN) trong các ngày từ 8-11/7 và “cuộc tập trận Malabar” giữa tàu chiến của Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản, đã tác động đến phán quyết của PCA. Trung Quốc liên tục không chấp nhận thẩm quyền của PCA, mặc dù trước đó vài tháng đã cố gắng thuyết phục các nước khác ủng hộ mình nhưng không đem lại kết quả vì tầm ảnh hưởng quá nhỏ.

Phản ứng của Trung Quốc trước quyết định của PCA rất nhanh và giận dữ. Bộ trưởng Ngoại giao nước này đã tuyên bố rằng “phán quyết là vô hiệu lực và không có sức ràng buộc”. Mặc dù không ràng buộc nhưng rõ ràng phán quyết đã cản trở nỗ lực không biết mệt mỏi của Trung Quốc từ năm 1974 nhằm khẳng định chủ quyền ở vùng biển tranh chấp. Thủ tướng Trung Quốc, Tập Cận Bình, nhắc lại rằng vùng biển thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại và phán quyết không thể phủ nhận lịch sử. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, khẳng định: “Vở kịch đã hạ màn. Trung Quốc phản đối và sẽ không bao giờ chấp nhận tuyên bố hoặc hành động nào dựa trên những quyết định đó”. Lập trường của Trung Quốc được củng cố một phần bởi không có thành viên thường trực nào của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc từng tuân theo phán quyết của PCA trong vấn đề liên quan đến Luật biển, và cũng không ai từng chấp nhận quyết định nào mà họ cho rằng vi phạm chủ quyền hay lợi ích an ninh quốc gia. 

Bộ ngoại giao Trung Quốc (MFA) đã tập hợp một số đại sứ phương Tây và dàn xếp các cuộc biểu tình vào ngày 12-13/7 nhằm phản đối phán quyết của PCA. Trong một buổi họp báo tại Bắc Kinh ngày 13/7, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Lưu Chấn Dân, đã nghi ngờ về năng lực và tính chính trực của PCA, cho rằng 5 trọng tài của Tòa - trong đó có một người Nhật Bản - thiếu kiến thức về “văn hóa châu Á” và được Phillipines thuê. Ông hỏi: “Liệu một quyết định được đưa ra bởi một tòa trọng tài như vậy thì có tác động gì không? Liệu có đáng tin không? Ai sẽ là người thực thi một phán quyết thiếu minh bạch?”.

Trong khi đó, “Văn phòng của Ủy ban Tình trạng khẩn cấp tại Bắc Kinh” đã công bố tình trạng cảnh báo an ninh cấp độ cao từ sáng sớm ngày 12/7/2016. Mặc dù hành động này là để làm giảm căng thẳng của những người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng mục đích lại là ngăn chặn trước những cuộc biểu tình tương tự như biểu tình chống Nhật tại 80 thành phố ở Trung Quốc 4 năm trước.

Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình cũng đã chỉ thị Quân Giải phóng Nhân dân “kiểm tra mọi khả năng” và “chuẩn bị chiến tranh”. Quân đội được đặt vào tình trạng “báo động cấp hai” và Bộ Tư lệnh Vùng tác chiến phía nam, Hạm đội Biển Đông của Hải quân, không quân và lực lượng tên lửa đặt trong trạng thái “tiền chiến tranh”. Lực lượng hạt nhân chiến lược cũng sẵn sàng. Truyền thông Trung Quốc thông báo rằng, các Hạm đội Hoa Nam, Hoa Đông và Hoa Bắc của Hải quân đang tiến hành diễn tập “bắn đạn thật” tại vùng biển gần đảo Tây Sa Hải Nam từ 8-11/7/2016, với sự có mặt của các chỉ huy cấp cao gồm cả Tư lệnh Hải quân Ngô Thắng Lợi. Đồng thời, Bắc Kinh dường như cố gắng giảm căng thẳng.

Sách Trắng gồm 149 đoạn về vấn đề Biển Đông ban hành ngày 13/7/2016 nhắc lại khẳng định lịch sử và chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông nhưng cũng đề xuất thiện ý đàm phán với Phillippines. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc 63 tuổi Vương Nghị gián tiếp gợi ý rằng Trung Quốc có thể phản ứng tích cực với lời đề nghị đàm phán hòa bình của Tổng thống Phillipines mới, Rodrigo Duterte, ngày 30/6/ 2016.

Những ngày tháng sắp tới rất quan trọng đối với khu vực. Mặc dù đã kí hiệp ước phòng thủ chung với Nhật Bản và Phillipines năm 1951 nhưng Mỹ vẫn có quan hệ thân thiết với Trung Quốc và ít tỏ thái độ thù địch. Các nước Đông Nam Á phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Có thể thấy ảnh hưởng của Trung Quốc là rất lớn ASEAN đã rút lại tuyên bố động chạm đến vấn đề Biển Đông cho dù Việt Nam rất thúc đẩy việc này. Tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh sẽ không thể thiếu việc khẳng định chủ quyền tại Biển Đông. Quan trọng là ông Tập Cận Bình, người đề xướng “Giấc mộng Trung Hoa” với tham vọng to lớn và đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX vào cuối năm 2017, nên ông không thể tỏ ra lép vế lúc này. Bắc Kinh chắc chắn sẽ chọn lựa một phản ứng đúng đắn nhằm duy trì tuyên bố của mình đồng thời giảm căng thẳng. Tuy nhiên đây chỉ là sự tạm dừng chiến lược bởi tham vọng của Trung Quốc gắn liền với “Giấc mộng Trung Hoa”.

Bối cảnh khu vực hiện nay khiến Ấn Độ và Việt Nam cần đẩy mạnh và mở rộng hợp tác chiến lược. 


Nguyên Phó Chánh văn phòng Nội các Chính phủ Ấn Độ, Chủ tịch Trung tâm Phân tích Trung Quốc và chiến lược. 

Nguồn:

Cùng chuyên mục