Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ-Việt Nam: Quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển mạnh mẽ (Phần 1)

Ấn Độ-Việt Nam: Quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển mạnh mẽ (Phần 1)

Những xu hướng gần đây trong mối quan hệ Ấn Độ-Việt Nam đã được ban lãnh đạo chính trị hai nước cam kết thúc đẩy mạnh mẽ. Đây chính là động lực giúp mối quan hệ hai nước tiếp tục phát triển vững mạnh hơn trong tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh chính trị, kinh tế khu vực và quốc tế đang có sự điều chỉnh.

05:53 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tóm tắt

Tháng 8/2017, Việt Nam cho biết nước này đã mua của Ấn Độ tên lửa hành trình chống hạm BrahMos, một loại vũ khí mà Việt Nam từ lâu đã đánh giá cao. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, "việc Việt Nam mua trang thiết bị phòng thủ là nhất quán với chính sách hòa bình và tự vệ và là hoạt động bình thường trong quốc phòng". Tuy nhiên, Ấn Độ tuyên bố rằng, các báo cáo về thỏa thuận này là "không chính xác". Mặc dù vậy, việc Hà Nội đang nổi lên như một nước then chốt trong chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ là điều không còn nghi ngờ gì nữa.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tới thăm Việt Nam vào năm 2016, trên đường tới Trung Quốc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20. Là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Ấn Độ trong 15 năm, chuyến thăm này, rõ ràng cho thấy, New Delhi đã không còn do dự trong việc mở rộng sự hiện diện của họ ở vùng ngoại vi của Trung Quốc. Chính quyền Modi đã không giấu giếm mong muốn đóng một vai trò quyết đoán hơn trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chính Modi đã lập luận rằng, Ấn Độ có thể là chỗ dựa cho hòa bình, thịnh vượng và sự ổn định ở châu Á và châu Phi. Do đó, động thái vươn tới Việt Nam với tham vọng lớn hơn hẳn không phải là điều đáng ngạc nhiên.

Quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đã được tăng cường trong những năm gần đây với trọng tâm chung là các vấn đề an ninh khu vực và thương mại. Theo truyền thống, Ấn Độ có được sự hiện diện thuận lợi ở Việt Nam nhờ việc nước này ủng hộ Việt Nam giành độc lập từ Pháp và cuối cùng thống nhất đất nước, cũng như phản đối sự dính líu của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Việt Nam và Ấn Độ có lịch sử quan hệ ngoại giao phong phú. Ấn Độ đã kiên định ủng hộ Bắc Việt Nam trong những thời kỳ thử thách nhất của phong trào độc lập của nước này. Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Chính phủ Việt Nam ngay sau khi Việt Nam thống nhất đất nước vào giữa những năm 1970. Cả Ấn Độ lẫn Việt Nam đều là đồng minh thân cận của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, cả hai quốc gia đều có thiên hướng mạnh mẽ là nhấn mạnh sự tự chủ chiến lược trong các chính sách đối nội và đối ngoại của họ, điều thường dẫn tới xích mích với Mỹ. Với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong những năm gần đây, quan hệ của hai nước đã trở nên có định hướng mang tính chiến lược. Thương mại song phương cũng đã tăng trưởng kể từ khi hai nền kinh tế Ấn Độ và Việt Nam được tự do hóa. Việt Nam đã ủng hộ vai trò nổi bật hơn của Ấn Độ trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như nỗ lực của Ấn Độ trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Sự tin tưởng lẫn nhau, các mối đe dọa nổi lên từ một Trung Quốc đang trỗi dậy, và sự hội tụ của các lợi ích chiến lược đã góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước tới mức mà giờ đây Việt Nam can dự với Ấn Độ với tư cách là một đối tác chiến lược toàn diện, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy cả hai nước đều coi trọng quan hệ đối tác trọng yếu này. Việc thể chế hóa quan hệ đối tác song phương này đã diễn ra nhanh chóng. Hai nhà nước đã ban hành một Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện vào năm 2003, trong đó hai nước dự định hình thành một "Vòng cung lợi thế và thịnh vượng" ở Đông Nam Á và bắt đầu đối thoại chiến lược từ năm 2009.

Thông qua Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ năm 2007, Ấn Độ và Việt Nam đã nhất trí thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược ở cấp thứ trưởng ngoại giao. Năm cuộc đối thoại chiến lược đã được tổ chức: lần đầu tiên vào năm 2009 và gần đây nhất vào tháng 8/2016. Từ năm 2007, hai nước cũng đã tổ chức các cuộc đối thoại chính sách quốc phòng thường niên, trong đó cuộc đối thoại lần thứ 10 đã được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3/2017. Năm 2015, hai nước đã ký kết Tuyên bố về tầm nhìn chung giai đoạn 2015-2020, trong đó hai nước cam kết thường xuyên trao đổi và tương tác quốc phòng, thương mại quốc phòng, huấn luyện và hợp tác trong việc phát triển các công nghệ mới sau đó.

Bài viết này mô tả các xu hướng gần đây trong quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam, tập trung vào các nhân tố then chốt thúc đẩy sự can dự song phương này. Bài viết lập luận rằng, được thúc đẩy bởi việc nhấn mạnh những thay đổi cơ bản về cấu trúc và cam kết mạnh mẽ của ban lãnh đạo chính trị của 2 quốc gia, quan hệ Ấn Độ-Việt Nam có khả năng phát triển vững mạnh hơn trong những năm tới. (Xem tiếp phần 2)

Nguồn: http://nghiencuubiendong.vn/quan-h-quc-t/6960-an-do-viet-nam-moi-quan-he-doi-tac-chien-luoc-dang-phat-trien-manh-me

Nguồn:

Cùng chuyên mục