Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với văn hóa Việt Nam qua sử thi / anh hùng ca (Phần 2)
Ấn Độ là một trong những trung tâm văn minh của nhân loại. Văn hóa Ấn Độ có vai trò quan trọng trong văn hóa của một số nước ở khu vực Đông Nam Á. Nói đến ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với khu vực này chúng ta không thể không nói tới ảnh hưởng của sử thi Ramayana. Sử thi Ramayana đã đi vào đời sống của nhân dân Đông Nam Á nói chung và nhân dân Đại Việt nói riêng.
ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HÓA ẤN ĐỘ ĐỐI VỚI VĂN HÓA VIỆT NAM QUA SỬ THI / ANH HÙNG CA
GS, TSKH Phan Đăng Nhật*
Các vị thần và các vua của loài vật:
- Indra: thần mưa và vua của bầu trời
- Agni: thần lửa
- Vayu: thần gió, cha của Hanuman
- Varuna: chúa tể của ao hồ và sông ngòi
- Surya: thần mặt trời
- Garuda: vua của các loài chim, con đại bàng chở Visnu
- Hanuman: con khỉ nô lệ của Rama và sita
- Jambavan: vua của loài gấu, con trai của Brahma
- Jatayu: người bảo vệ Sita, cháu trai của Garuda
- Vali: em trai của vua khỉ Sugriva
- Sugriva: vua khỉ, anh trai của Vali
- Angada: con trai của Vali
Những con quỷ của Lanka:
- Ravana: vua của loài quỷ
- Dusana: em họ của Ravana
- Khara: em họ của Ravana
- Indrajít: con trai cả của Ravana
- Kumbhakarna: em trai của Ravana
- Mandodari: vợ của Ravana, mẹ của Indrajít
- Maricha: người chú ma thuật của Ravana
- Surpanakha: quỷ cái, em gái của Ravana
- Tataka: quỷ cái ăn thịt người
- Vibhisana: anh của Ravana, người sát cánh chiến đấu cùng Rama
- Suaka: gián điệp của Ravana
Các nhân vật của Tềwa mưnô:’
- Laksamana: nhà chiêm tinh, quan đại thần
- Kurama Raja: cha của Tềwa mưnô, vua của xứ Gan Srik Inra hùng mạnh
- Runna Runga Cahya: vợ của Kurama Raja, mẹ của Tềwa mưnô
- Tềwa mưnô: hoàng tử, hóa thân của Kurama Raja
- Ưngkar Deva: anh em kết nghĩa với Tềwa mưnô, con trai của quan đại thần Binara
- Ratna Cahya Sribiyong: công chúa xứ Bỉung Langdara
- Rija Tềwa Samưlaik: hoàng tử tài ba
- Intan: vua xứ Sumui Didin Didan
- Jiô Ginung: tướng của Rija Tềwa Samưlaik.
1.2. Các nhân vật chính của Dạ Thoa
- Trường Minh vương
- Thái tử Vi Bà
- Bạch Tĩnh chiếu nương
- Thập xa vương
Như vậy, chúng ta có thể thấy giữa truyện Dạ Thoa vương và sử thi Ramayana có nhiều điểm tương đồng về cốt truyện và nhân vật chính cũng như sự kiện lớn:
+ Ravana và Dạ Thoa vương đều là vua quỷ có mười cái đầu mà “cả chư thần lẫn lũ quỷ đều không thể giết chết hắn được”
+ Thái tử Rama và thái tử Vi Bà đều là con vua Dacaratha Thập xa vương (10 xe).
+ Công chúa Sita và Bạch Tĩnh chiếu nương đều là những quốc sắc thiên hương và bị Ravana (hoặc Dạ Thoa vương) cướp đưa ra biển Sri Lanca (hoặc là nước Diệu Nghiêm).
+ Cuộc chiến đấu trên biển của Rama đều được sự giúp đỡ của đoàn quân khỉ của Hanuman (hoặc là Vượn Di hầu).
2. Cốt truyện
2.1. Ramayana là một câu chuyện kể về cuộc hành trình của chàng hoàng tử Rama. Chúng ta có thể tóm tắt cốt truyện một cách giản lược như sau:
Rama là chàng hoàng tử, tài giỏi của vương quốc Ayodhya, nhưng vì lời gian xảo của Kakeyi mà chàng bị nhà vua đày vào rừng sâu cùng người vợ xinh đẹp là nàng Sita.
Trong rừng, quỷ vương Ravana đã bắt cóc Sita vì sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành của nàng. Ravana tìm mọi cách ép buộc, dụ dỗ Sita làm vợ mình nhưng nàng vẫn thủy chung với Rama.
Vượt qua mọi gian khổ hiểm nguy, được sự giúp đỡ của Sugriva, Hanuman… Rama đã đến được Sri Lanca để giành lại Sita.
Trận chiến giữa Rama và Ravana diễn ra vô cùng ác liệt. Những mũi tên dũng mạnh của Rama bắn trúng đầu của Ravana. Đầu hắn rụng từng chiếc một. Nhưng nhờ đặc ân của Brahma mà đầu của Ravana lại mọc ra. Rama sửng sốt trước phép lạ này một lúc. Chàng giương cung bắn đúng vào trái tim của Ravana. Hắn ngã xuống.
Cứu được Sita nhưng Rama lại nghi ngờ lòng chung thủy của Sita. Để chứng minh cho sự trong sạch của mình, Sita đã nhảy vào dàn lửa đang bốc cháy. Ngọn lửa dã chứng minh sự vô tội của Sita.
Thời gian lưu đày 14 năm cũng đã qua, Rama trở về trong sự vui mừng của thần dân.
2.2. Tềwa mưnô của người Chăm là câu chuyện kể về cuộc hành trình tìm cha của Tềwa mưnô.
Tềwa mưnô là hoàng tử, con của vị vua quá cố xứ Gan Srik Inra, kết nghĩa với Ưngkar Đêva, con trai của một viên quan đại thần.
Công chúa Ratna Cahya Sribiyong, xứ Birung Langdara được Rija Tềwa Samưlaik, một hoàng tử tài ba, để ý và xin cưới nàng làm vợ, nhưng công chúa không bằng lòng. Cùng lúc đó, vua Intan đem vàng bạc châu báu đến cưới hỏi. Hai bên ưng thuận. Tềwa Samưlaik tức giận, hóa phép biến nàng công chúa xinh đẹp thành con voi trắng. Nó gầm lên một tiếng rồi bỏ chạy vào rừng sâu. Vua Intan vội vã lên tàu bỏ về nước. Tình cờ, trên đường đi tìm cha, hai anh em Tềwa mưnô gặp con voi trắng. Tềwa mưnô hóa phép biến con voi trắng thành nàng công chúa xinh đẹp hơn xưa. Samưlaik biết tin, sai Jiô Ginung đến đánh Mưnô. Cuộc chiến diễn ra gay go ác liệt, Tềwa mưnô giết được Jiô Ginung rồi đưa công chúa Ratna về quê hương tổ chức đám cưới.
Samưlaik uất ức đi tu luyện bảy năm để trả thù. Anh em Tềwa mưnô bị Samưlaik bắn lén. Mũi tên vàng của Samưlaik đưa hai anh em xuống biển, may nhờ có Jin Sanggi cứu sống. Samưlaik lại đánh thuốc độc, hai anh em Mưnô trúng thuốc chết. Samưlaik sai người băm xác hai anh em Mưnô, nhưng xác vẫn y nguyên. Jin Sanggi biết tin đến cứu sống hai người.
Samưlaik tin chắc Tềwa mưnô đã chết, đến xứ Gan Srik để lấy Ratna. Không ngờ gặp Tềwa mưnô đang ngự trên ngai vàng. Cuộc chiến đấu xảy ra ác liệt. Hai bên chiến đấu trong nhiều ngày đêm, bay lên không trung, trong biển sâu. Cuối cùng Tềwa mưnô giết chết Samưlaik bằng chiếc gươm thần Kuraba.
Thượng đế cho Samưlaik sống lại và cho cưới bóng của Ratna. Anh em Tềwa mưnô toàn thắng, ca khúc khải hoàn. Cuối cùng, Ratna trở về quê hương được thần dân và các nước chư hầu đón tiếp tưng bừng”.
2.3. Dạ Thoa vương
Xưa về thời thượng cổ, ngoài nước Âu Lạc của nước Nam Việt có nước Diệu Nghiêm, chúa nước ấy hiệu là Dạ Thoa vương, còn gọi là Trường Minh hay Thập đầu vương (vua mười đầu). Nước này phía bắc giáp Hồ Tôn tinh quốc. Hồ Tôn tinh có vua là Thập xa vương, có thái tử là Vi Bà. Vợ Vi Bà là Bạch tĩnh chiếu nương dung mạo rất đẹp. Dạ Thoa nghe nói rất thích, bèn đánh Hồ Tôn để cướp vợ Vi Bà. Vi Bà tức giận đem loài vượn di hầu phá núi, lấp bể thành đường phẳng để công phá nước Diệu Nghiêm, giết Dạ thoa vương, cướp vợ y mà trở về. (Loài tinh Hồ Tôn tức là tinh di hầu, chính là nước Chiêm thành ngày nay vậy).
III. Kết luận
1. Từ những điều đã phân tích ở trên chúng ta có thể rút ra kết luận sau:
Truyện Dạ Thoa vương là một dị bản của Ramayana. Ramayana được truyền từ Ấn Độ vào Malayxia. Từ Malayxia, Ramayana vào Chăm trở thành Tềwa mưnô rồi trở thành Dạ Thoa vương ở trong Lĩnh Nam chích quái.
Nếu như trong Ramayana, Rama là hình tượng của một người anh hùng Bàlamôn với tất cả những phẩm chất tốt đẹp nhất thì “ở Việt Nam, do các quan niệm về đức trị nên hai nhà nho tác gia đã lấy Ravana làm nhân vật này và lấy đó làm bài học răn đời”.
2. Sự giao lưu văn hóa Việt - Ấn trên đây là một điểm sáng trong mối quan hệ văn hóa Việt - Ấn. Đây là câu chuyện từ thế kỷ XIII, đời nhà Trần. Ngày nay, nhất là thời hiện tại, mối quan hệ Ấn - Việt đã rất khác xưa. Ấn Độ đang thực hiện chính sách hướng Đông với nhiều hành động hướng Đông. Quan hệ Ấn - Việt mở rộng toàn diện, quân sự, an ninh, kinh tế, văn hóa; về chất lượng: chặt chẽ, sâu sắc, hiệu quả cao. Việc mở Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ là một biểu hiện tốt, có ý nghĩa quan trọng, chúng tôi rất vui mừng.
Về mặt văn hóa, xin đề nghị một số việc cụ thể:
- Tăng cường trao đổi sinh viên, nghiên cứu sinh giữa hai nước.
- Mở các đề tài nghiên cứu khoa học về văn hóa của hai quốc gia.
- Trao đổi sách vở tài liệu, sách vở, phim ảnh.
- Trao đổi các đoàn biểu diễn.
Trong các việc này đề nghị Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đứng ra làm đầu mối./.
* Đại học Sư phạm Hà Nội.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục