Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

ASEAN - Ấn Độ và vai trò điều phối tích cực của Việt Nam

ASEAN - Ấn Độ và vai trò điều phối tích cực của Việt Nam

Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm quan hệ ASEAN - Ấn Độ và thăm làm việc tại Ấn Độ (24-27/1/2018), Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, ông Tôn Sinh Thành, trả lời phỏng vấn Thế Giới & Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu.

05:51 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đại sứ có thể cho biết những kết quả nổi bật trong quan hệ hợp tác ASEAN và Ấn Độ thời gian qua?

Kể từ khi Ấn Độ và ASEAN thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại bộ phận năm 1992, quan hệ giữa hai bên không ngừng được nâng cấp và mở rộng. Năm 1995, hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác đối thoại đầy đủ. Năm 1996, Ấn Độ tham gia các cơ chế hợp tác khu vực do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác đối thoại (PMC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Năm 2002, hai bên nâng cấp cơ chế đối thoại ở cấp Hội nghị cấp cao. Đến năm 2012, hai bên đã ký nâng cấp quan hệ ASEAN - Ấn Độ lên cấp Đối thoại Chiến lược.

Năm 2017, ASEAN và Ấn Độ đã kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác đối thoại, 15 năm đối thoại cấp cao và 5 năm quan hệ Đối thoại chiến lược. Hợp tác giữa hai bên được mở rộng trên tất cả các lĩnh vực. Về chính trị - an ninh, Ấn Độ là đối tác tại các cơ chế hợp tác an ninh của ASEAN như PMC, ARF, ADMM+... Ấn Độ đã tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và ký Tuyên bố chung về Hợp tác Chống khủng bố quốc tế từ năm 2003. Hai bên cũng đã thông qua Tuyên bố Đối tác ASEAN - Ấn Độ vì Hòa bình, Tiến bộ và Thịnh vượng chung năm 2004 và liên tục triển khai các Kế hoạch hành động giai đoạn 2004-2010, 2010-2015, 2015-2020. 

Về kinh tế, năm 2009, hai bên đã ký Hiệp định về tự do hàng hóa, năm 2014, ký Hiệp định về thương mại trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư. Thương mại hai chiều đã tăng 25 lần, từ 2,9 tỷ USD năm 1993 lên 76 tỷ USD năm 2017. Tới nay, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ, cũng là đối tác thương mại lớn thứ bảy đối với ASEAN. Năm 2017, xuất khẩu sang ASEAN chiếm 10,4% tổng giá trị xuất khẩu của Ấn Độ, nhập khẩu từ ASEAN chiếm 10,6% tổng giá trị nhập khẩu của Ấn Độ. Đầu tư trực tiếp giữa ASEAN và Ấn Độ cũng tăng mạnh trong 25 năm qua. Tính đến 2017, ASEAN đã đầu tư trên 70 tỷ USD vào Ấn Độ và tiếp nhận trên 40 tỷ USD.  

Về du lịch, những năm gần đây chứng kiến tăng trưởng không ngừng, với tốc độ trên 7% mỗi năm. ASEAN là thị trường lớn thứ tư thu hút khách du lịch Ấn Độ trong khi Ấn Độ là thị trường lớn thứ bảy của ASEAN. Trung bình hàng năm có hơn 3 triệu lượt du khách Ấn Độ đến các nước ASEAN. 

Về văn hóa-xã hội, hợp tác của hai bên được mở rộng trên nhiều lĩnh vực như nguồn nhân lực, giao lưu nhân dân, báo chí, học giả, thanh niên, giáo dục, bảo tồn và phục hồi các di tích lịch sử… Ấn Độ cũng tích cực đóng góp đối với việc thực hiện các sáng kiến hội nhập khu vực của ASEAN.

Theo Đại sứ, yếu tố nào đã và đang khiến mối quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Ấn Độ ngày càng sâu sắc hơn và triển vọng trong thời gian tới?

Quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Ấn Độ đang phát triển không ngừng. Với tiềm năng và triển vọng hợp tác to lớn cùng quyết tâm của cả hai bên, tôi tin rằng, mối quan hệ này sẽ tiếp tục đi lên và mở rộng trong thời gian tới.

Cơ sở cho sự phát triển mối quan hệ đối tác này là hai bên có vị trí địa lý gần gũi, chung biên giới đất liền, cùng chia sẻ biển và đại dương. Ấn Độ và các nước ASEAN có quan hệ truyền thống lâu đời, có nhiều giá trị chung về văn hóa, lịch sử và tôn giáo. Quan hệ giữa hai bên từ xưa tới nay luôn luôn là giao lưu hợp tác hữu nghị, hòa bình, trong suốt chiều dài lịch sử gần như không có bất cứ vướng mắc gì. ASEAN và Ấn Độ đều chia sẻ những thách thức chung về an ninh truyền thống và phi truyền thống, lại song trùng về lợi ích cả về chiến lược và kinh tế. Ấn Độ quan tâm và mong muốn can dự ngày càng nhiều hơn vào khu vực Đông Á, Đông Nam Á, là trọng tâm thực hiện chính sách Hành động phía Đông của mình. Nền kinh tế xuất khẩu dịch vụ của Ấn Độ và nền kinh tế sản xuất của ASEAN sẽ hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau. Tuy nhiên, nhìn lại các số liệu hợp tác, nhất là về quan hệ kinh tế, có thể thấy, hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN chưa thực sự sâu sắc so với quan hệ của mỗi bên với các đối tác khác. Hai bên vẫn còn nhiều không gian để mở rộng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực...

Trong cục diện thế giới ngày nay, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có mối liên kết đặc biệt, ASEAN lại có vị trí địa chính trị chiến lược nằm ở giao điểm kết nối hai khu vực nên có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ và ngược lại, Ấn Độ cũng là đối tác then chốt, một trọng điểm trong chính sách của ASEAN.

Trong thời gian tới, hai bên cần tập trung phát triển hợp tác trên những lĩnh vực nào?

Cần nhắc lại rằng, hợp tác giữa ASEAN và Ấn Độ có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Tôi cho rằng, hai bên, trước hết, phải tăng cường hợp tác kinh tế. Ấn Độ cùng với ASEAN là thị trường rộng lớn với 1,85 tỷ dân, với mức GDP trên 4.300 tỷ USD. Tuy vậy, kết quả hợp tác giữa hai bên vẫn còn hạn chế so với tiềm năng đó. Hai bên cần rà soát, xem xét lại các hiệp định hợp tác về thương mại và đầu tư, để các hiệp định thực sự thúc đẩy hiệu quả hợp tác kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trao đổi thương mại. Hai bên cần tích cực đối thoại hơn nữa, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, quảng bá đất nước, con người,...

Về kết nối, ASEAN và Ấn Độ cần xác định đây là nhu cầu bức thiết của cả hai bên và triển khai một cách đồng bộ và toàn diện cả về kết đối đường bộ, đường hàng không, đường biển và cả kết nối số... Trên cơ sở những yêu cầu bức thiết, tiềm năng hợp tác giữa hai bên, ASEAN hoan nghênh Ấn Độ đã đưa ra gói tín dụng 1 tỷ USD để thúc đẩy kết nối giữa hai bên và thành lập Quỹ trị giá 76 triệu USD để thúc đẩy triển khai các dự án.

Trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, ASEAN và Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác hơn nữa, đặc biệt, về an ninh, an toàn hàng hải do hai bên cùng chia sẻ vùng biển rộng lớn. ASEAN hoan nghênh chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ, khuyến khích sự can dự của Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á, mong muốn sự tham gia tích cực của Ấn Độ vào các cơ chế hợp tác an ninh, quốc phòng của ASEAN như PMC, ARF, ADMM+…

Xin Đại sứ cho biết vai trò của Việt Nam trong chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ và đóng góp của Việt Nam trong vai trò Điều phối viên quan hệ hợp tác ASEAN - Ấn Độ từ năm 2015 – 2018?

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là mối quan hệ truyền thống, lâu đời, thủy chung son sắt đã được hun đúc trong lịch sử. Ấn Độ ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và cả trong cuộc phát triển đất nước. Quan hệ hai nước đã đạt cấp Đối tác chiến lược toàn diện, là cấp cao nhất mà Việt Nam dành cho các đối tác. Việt Nam và Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của nhau. Giữa hai bên có sự tin cậy chính trị rất cao. Ấn Độ coi Việt Nam là một trong những trụ cột quan trọng nhất trong chính sách Hành động phía Đông của mình. 

Với vai trò Điều phối viên quan hệ đối thoại ASEAN – Ấn Độ, Việt Nam đã có cơ hội phát huy vai trò của mình trong thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam- Ấn Độ. Trong ba năm qua, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy triển khai Hiệp định Tự do hóa thương mại Ấn Độ - ASEAN, góp phần tích cực trong quá trình xây dựng Kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ. Với nỗ lực của Việt Nam, Ấn Độ đã ủng hộ lập trường của ASEAN tại các cuộc họp giữa hai bên, gia tăng ủng hộ ASEAN ở nhiều cấp khác nhau, thể hiện thái độ can dự và đóng góp tiếng nói ngày càng mạnh mẽ hơn.

Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra vào thời điểm ý nghĩa khi hai nước vừa kỷ niệm 46 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hai bên đã ký kết Kế hoạch Chương trình Hành động nhằm triển khai các nội dung được cam kết trong Tuyên bố về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ. Đây là cơ hội để hai bên thúc đẩy hợp tác và sự tin cậy về chính trị; làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ quốc phòng, an ninh; tăng cường hợp tác mạnh mẽ về kinh tế, đầu tư, du lịch; nhanh chóng tăng cường kết nối để tăng giao lưu kinh tế, văn hóa giữa hai bên; khai thác tốt hơn tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - khoa học công nghệ. Việt Nam là một trong những nước ASEAN đầu tiên nhận lời mời thăm Ấn Độ với tư cách là khách mời chính trong Lễ Ngày Cộng hòa và tham dự Cấp cao kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Đối tác Đối thoại ASEAN - Ấn Độ, thể hiện sự coi trọng mối quan hệ với Ấn Độ và vai trò điều phối tích cực của phía Việt Nam.

Nguồn: http://baoquocte.vn/asean-an-do-va-vai-tro-dieu-phoi-tich-cuc-cua-viet-nam-64894.html

Nguồn:

Cùng chuyên mục