Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

ASEAN trong chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ

ASEAN trong chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ

Trong vài thập kỷ qua, các mối quan tâm của Ấn Độ đã có sự chuyển biến đáng kể. Với việc xây dựng Chính sách Hướng Đông vào những năm 1990, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với tư cách là một thực thể khu vực đã trở thành một thành phần thiết yếu và là hành lang để Ấn Độ vươn ra Đông Nam Á. Vào năm 2014, chính sách Hướng Đông trở nên bao trùm hơn khi được nâp cấp thành chính sách Hành động Phía Đông. Và như Thủ tướng Modi phát biểu trong Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN lần thứ 17 rằng, ASEAN vẫn luôn giữ vị trí cốt lõi trong chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ .

01:21 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

1. Bối cảnh lịch sử của quan hệ ASEAN - Ấn Độ

Có lẽ không quốc gia nào khác có ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á nhiều như Ấn Độ về các bình diện tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ và văn minh. Trong thời cổ đại, các thương nhân Ấn Độ thường xuyên ghé thăm La Mã, Trung Quốc, Tây Á và Đông Nam Á. Người đi biển ở bờ biển phía Đông Ấn Độ là những người đầu tiên có được kiến ​​thức về việc sử dụng gió mùa trong giao thương hàng hải với Đông Nam Á. Các con tàu một thời đi từ từng cảng Arikamedu nổi tiếng ở miền Nam Ấn để đến càng Palura ở bờĐông của Ấn Độ, rồi sau đó băng qua Vịnh Bengal và đi đến vùng đồng bằng Irrawardy, sau đó tiến vào bán đảo Mã Lai.[1] Việc các thương nhân Ấn Độ thường xuyên lui tới khu vực này vào đầu thế kỷ 1 sau Công nguyên đã tạo điều kiện cho việc truyền bá Ấn Độ giáo và Phật giáo ở các cổ quốc như Srivijaya ở Sumatra, Majapahit ở Java, Bali, Văn Lang –Âu Lạc, Chăm Pa, Phù Nam trên lãnh thổ Việt Nam hiện tại và quần đảo Philippines[2].

Trong thời kỳ thuộc địa của châu Âu, tiểu lục địa Ấn Độ là một mỏ neo địa chính trị cho sự ổn định của Đông Nam Á. Tuy nhiên, giai đoạn sau khi Ấn Độ giành được độc lập từ tay người Anh, quan hệ Ấn Độ - ASEAN trở nên xấu đi. Là nước khởi xướng và dẫn đầu Phong trào Không liên kết trong những năm 1960, Ấn Độ tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh chống thực dân ở khu vực Đông Nam Á và chia sẻ mối quan hệ tốt đẹp trong những năm đầu. Tuy nhiên, lập trường ủng hộ Liên Xô trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ vào những năm 1970, cho thấy sự khác biệt về ý thức hệ giữa New Delhi và các quốc gia khu vực Đông Nam Á.

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, quan hệ của Ấn Độ với các nước ASEAN trở nên thực dụng. Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, vốn là một thứ động lực để tạo dựng các mối quan hệ kinh tế, chiến lược và văn hóa sâu rộng với các quốc gia trong khu vực, đã được xây dựng và ban hành dưới thời thủ tướng P.V. Narasimha Rao (1991-1996). Chính sách đã đạt được thành công chính trị to lớn với các nước Đông Nam Á khi Thủ tướng Rao thăm Thái Lan, Indonesia, Singapore, Việt Nam và Malaysia trong nhiệm kỳ của ông. Kể từ đây, Ấn Độ đã trở thành một thành viên tích cực trong các tổ chức khác nhau do ASEAN sáng lập và dẫn dắt: trở thành Đối tác Đối thoại theo lĩnh vực của ASEAN vào năm 1992, Đối tác Đối thoại đầy đủ của ASEAN vào năm 1996 và cũng là thành viên của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) vào năm 1996, và là Đối tác quan hệ cao cấp vào năm 2002.

Sau thời Thủ tướng Rao, chính sách Hướng Đông được các chính phủ Vajpayee và Manmohan Singh tích cực duy trì, trong đó quan hệ Ấn Độ-ASEAN được đẩy mạnh phát triển vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Trong đó, Chính phủ Vajpayee đã đưa ra khái niệm về "khu vực lân cận mở rộng" với "mối quan tâm và tương tác vượt ra ngoài phạm vi khu vực Nam Á, bao gồm các nước láng giềng khác và các quốc gia liền kề với khu vực này là 'vùng lân cận mở rộng' của chúng ta"[3]. Các chính phủ tiếp sau đều đã đưa khái niệm này vào các cân nhắc về chính sách đối ngoại.

Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, sự can dự của Ấn Độ vào khu vực Đông Á và Đông Nam Á chiếm một tỷ lệ đáng kể, và ngày nay vẫn là ưu tiên hàng đâu trong chính sách đối ngoại của giới lãnh đạo Ấn Độ[4]. Ấn Độ hiện là đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN, thành viên của Diễn đàn khu vực ASEAN, Diễn đàn An ninh khu vực từ năm 1996, và là thành viên sáng lập của Hội nghị cấp cao Đông Á được tổ chức vào tháng 12 năm 2005. Ấn Độ cũng là đối tác cấp cao của ASEAN ngang hàng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc kể từ năm 2002.

Trong những năm qua, Ấn Độ không chỉ tham gia vào các mối liên kết kinh tế và thương mại sâu rộng  mà còn trong hợp tác an ninh với các nước trong khu vực. Thủ tướng Modi đã nói rõ ưu tiên chính sách đối ngoại của chính phủ ông sẽ tiếp tục là khu vực Đông Á và Đông Nam Á, những khu vực duy trì sự tăng trưởng bền vững trong thế kỷ 21.

2. ASEAN trong chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ

Đông Nam Á là khu vực trung tâm trong chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ. Ấn Độ đã từng bước tham gia sâu hơn vào các vấn đề của Đông Nam Á, khôi phục kết nối với các nước láng giềng vốn bị lãng quên trong quá khứ. Các hạng mục trong chính sách này của Ấn Độ bao gồm: Hành lang kinh tế Ấn Độ-Thái Lan, Dự án đường cao tốc Ấn Độ-Miến Điện-Thái Lan (từ Manipur, Ấn Độ và kết thúc ở Mae Sot, Thái Lan), Tuyến đường sắt New Delhi-Hà Nội, Dự án Giao thông đa phương thức Karatand (Ấn Độ chịu trách nhiệm Xây dựng cảng Sittwe và nâng cấp các tuyến đường ở Myanmar), nâng cao mức độ đầu tư thương mại song phương.  Do vị trí địa lý đặc thù, Ấn Độ là quốc gia án ngữ dọc theo sáng kiến ​​"Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc. Tuy nhiên, Ấn Độ thờ ơ với việc tham gia vào sáng kiến này do lo ngại về tranh chấp chủ quyền giữa Ấn Độ và Pakistan cũng như việc Trung Quốc không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương.  Do đó, thông qua chính sách Hành động Hướng Đông, Ấn Độ muốn nâng cao vị thế và mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á như một hình thức đối trọng.

Trong chính sách Hành động Phía Đông, Ấn Độ đã tích cực tận dụng các lợi thế tự nhiên như sự gần gũi về địa lý, kết nối lịch sử và ảnh hưởng văn hóa, đồng thời sử dụng văn hóa, tôn giáo và người nhập cư Ấn Độ làm nguồn lực ngoại giao công khai trong hoạt động ngoại giao của Ấn Độ với Đông Nam Á nhằm tạo thiện cảm và tăng cường sự hiện diện ở Đông Nam Á.

Đông Nam Á là khu vực trọng điểm trong chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ. Từ chính sách Hướng Đông cho đến chính sách Hành động Phía Đông, yếu tố lợi ích kinh tế luôn giữ vai trò động lực, trong khi chiến lược hàng hải ngày càng thể hiện tầm ảnh hưởng và có ảnh hưởng đến trật tự khu vực này trong bối cảnh yếu tố biển ngày càng trở nên nổi bật ở khu vực Đông Nam Á và toàn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Chính sách Hành động Phía Đông sẽ là “liều thuốc thử” để Ấn Độ hiện thực hóa giấc mơ nước lớn ở khu vực Đông Nam Á[5]. Trọng tâm an ninh quốc gia của Ấn Độ là kiểm soát tiểu lục địa Nam Á, nhưng yêu cầu xa hơn của Ấn Độ để thực hiện giấc mơ trở thành một cường quốc nằm ở việc phải bước ra khỏi khu vực Nam Á và tạo dựng một khu vực Đông Nam Á thân thiện và hợp tác với Ấn Độ. Thông qua giai đoạn phát triển kinh tế của chính sách hướng Đông, Ấn Độ tìm cách hợp tác thương mại và năng lượng với Đông Nam Á, phát triển Hành lang kinh tế Mê Kông-Ấn Độ, và phát triển các cảng biển nhằm kết nối các tuyến đường biển, bởi kết nối đường biển rất quan trọng đối với tăng trưởng thương mại. Hiện tại, Ấn Độ không có kết nối trực tiếp với các cảng Đông Nam Á khác ngoại trừ kết nối trực tiếp với các cảng của Thái Lan, Malaysia và Singapore[6].

Ấn Độ xem Ấn Độ Dương là “Đại dương của Ấn Độ”, với việc tầm quan trọng chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương ngày càng gia tăng và việc Trung Quốc mở rộng hiện diện ở vùng biển này, cạnh tranh Ấn Độ - Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi. Ngoài ra, tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN ở Biển Đông, cũng như với Nhật Bản ở biển Hoa Đông đã làm gia tăng sự chú ý đến khu vực này. Chiến lược gia Raja Mohan cho rằng, chính quyền Modi có hiểu biết sâu sắc về việc định hình động lực địa chính trị đại dương ở châu Á, từ đó mở rộng phạm vi chính sách Hành động Phía Đông và bày tỏ rõ ràng mối quan ngại của Ấn Độ về các tranh chấp trên Biển Đông[7].

Dưới góc nhìn địa chính trị, có thể thấy rằng, các hành vi hiện tại của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương, tức chiến lược “chuỗi ngọc trai”, một phần để bảo vệ tuyến đường biển đi qua Ấn Độ Dương, mở rộng dấu chân ra toàn khu vực, mặt khác nhằm thực hiện ý đồ ngăn chặn chiến lược và cạnh tranh với Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương. Để đối phó, Ấn Độ hy vọng việc mở rộng ảnh hưởng chiến lược ở Đông Nam Á và tiến vào Thái Bình Dương, duy trì an toàn cho tuyến đường biển và tăng cường hội nhập kinh tế để cân bằng ảnh hưởng chiến lược ngày càng tăng của Trung Quốc. Để thực hiện điều này, Ấn Độ không ngừng tăng cường quan hệ an ninh quốc phòng với các nước Đông Nam Á. Trong đó, Ấn Độ coi Việt Nam là đối tác hợp tác quan trọng. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9/2016, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã tuyên bố cung cấp cho Việt Nam khoản vay tín dụng 500 triệu USD để nâng cấp trang thiết bị quân sự và mua sắm quốc phòng khác. Ngoài ra, Ấn Độ thường xuyên tiến hành các cuộc diễn tập hải quân với Singapore[8] cũng như thực hiện các chuyến thăm đến các cảng biển ở  Malaysia, Indonesia, Singapore cũng như Việt Nam trong thời gian qua với tần suất ngày càng lớn, hay thậm chí viếng thăm Thái Lan, Cambodia[9]. Ấn Độ cũng tích cực tham gia cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), và xem đây cơ chế hữu hiệu trong việc duy trì những vấn đề then chốt mà các nước Đông Nam Á đều quan tâm, như an ninh khu vực, tự do hàng hải; đồng thời, đáp ứng lợi ích tổng thể của Ấn Độ.

Từ đó có thể thấy rằng, do cấu trúc quyền lực trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang thay đổi, nhằm cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc, Ấn Độ đã không ngừng đẩy mạnh chính sách Hành động Phía Đông, trong đó ASEAN vẫn luôn giữ vị trí cốt lõi.

Trong cuốn hồi ký thứ hai xuất bản vào năm 2000, Lý Quang Diệu đã viết rằng: “Ấn Độ là một quốc gia vĩ đại chưa được thực hiện. Tiềm lực của nó vẫn đang bị hoang phế, chưa được sử dụng một cách đầy đủ"[10]. Hơn hai mươi năm sau, người ASEAN vẫn có thể nói điều tương tự về Ấn Độ cũng như cam kết của nước này với khu vực Đông Nam Á. Chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ từ khi chính thức ra mắt năm 2014 đến nay tuy đã có những bước tiến vững chắc, ASEAN vẫn được xem là cốt lõi trong chính sách này, nhưng cục diện thế giới đặc biệt trong vài năm gần đây đã xoay vần với tốc độ lớn hơn rất nhiều. Chính vì thế, những trăn trở của Lý Quang Diệu hơn hai thập kỷ trước sẽ vẫn còn ám ảnh Ấn Độ.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ


[1] Hall, D. G. (1955). Indian Cultural Infulence. In History of South East Asia (1st ed., pp. 12–37). essay, Macmillan. Online version at https://archive.org/details/in.gov.ignca.3869/page/n11/mode/2up

[2]Piti Srisangnam, ASEAN-India Strategic Partnership: Socio-Cultural and Development Cooperation, (uploaded by ASEAN Studies Center, Chulalongkorn University, ailand), accessed on June 15, 2017, http://aic.ris.org.in/wp-content/uploads/2014/05/Piti-Srisangnam.pdf; Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nhà xuất bản Thuận hóa 1999, tập I; Sharma, G. (2011). Những dấu vết văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam [Indian cultural traces in Vietnam]. Ho Chi Minh, Vietnam: NXB Văn hóa Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh.

[3] Scott, D. (2009). India's “Extended neighborhood” concept: Power projection for a rising power. India Review, 8(2), 107–143.

[4] Pant, H. V. (2016). India’s extra-regional outreach. In Indian foreign policy: An overview (pp. 137–148). essay, Manchester University Press.

[5] Horimoto, T. (2017). Explaining India’s foreign policy: From dream to realization of major power. International Relations of the Asia-Pacific17(3), 463-496.

[6] ASEAN-India Maritime Connectivity Report, ASEAN-India Centre at RIS.

[7] Mohan, R. C. (2015). Modi's world: Expanding India's sphere of influence. HarperCollins Publishers India.

[8] https://economictimes.indiatimes.com/news/defence/india-reneging-on-promise-by-conducting-naval-drills-in-south-china-sea-china/articleshow/58786836.cms

[9] https://thediplomat.com/2015/06/why-are-indias-warships-in-thailand-and-cambodia/

[10]https://www.mfa.gov.sg/Newsroom/Press-Statements-Transcripts-and-Photos/2005/11/Speech-by-Minister-Mentor-Lee-Kuan-Yew-at-the-37th-Jawaharlal-Nehru-Memorial-Lecture-in-New-Delhi--I

Nguồn:

Cùng chuyên mục