Ba giai đoạn của quyền lực mềm của Nga từ năm 2000
Bài báo xem xét sự phát triển của chiến lược quyền lực mềm của Nga trong hai mươi năm qua. Tác giả phân tích các mục tiêu mà giới lãnh đạo Nga đặt ra, và cho thấy rằng, những mục tiêu đó không chỉ giới hạn trong việc cải thiện hình ảnh nước Nga trên trường thế giới.
Tác giả đề xuất chia ra ba giai đoạn phát triển của quyền lực mềm nước Nga: trỗi dậy (2000-2007/2008), thể chế hóa (2007/2008-2013/2014) và suy thoái (2013/2014-cho đến nay). Bài báo tìm hiểu sức mạnh mềm của Nga đã thay đổi ra sao trong những giai đoạn này: những công cụ nào được sử dụng, vai trò của các thể chế chính thức và phi chính thức, cũng như những ý tưởng và giá trị nào được áp dụng trong chính sách đối ngoại. Việc phân tích sự phát triển của chiến lược Nga cho phép chúng ta liên hệ các giai đoạn phát triển khác nhau của chiến lược này với khái niệm quyền lực mềm của Joseph Nye, cũng như chỉ ra kết quả trung gian và cuối cùng của việc thực hiện chiến lược đó.
Quyền lực mềm nhanh chóng xuất hiện trở lại trong chính sách đối ngoại của Nga vào mùa hè năm 2020. Vào ngày 25/6/2020, nhà báo Yevgeny Primakov được bổ nhiệm làm người đứng đầu mới của Rossotrudnichestvo, cơ quan đầu não của quyền lực nước Nga. Mặc dù hoài nghi về bản thân thuật ngữ này, nhưng ông tích cực kêu gọi cải tổ chính sách đối ngoại của Nga. Chương trình nâng cấp của ông đã gây ra phản ứng rộng rãi trong cộng đồng chuyên gia vốn đã liên tục phê bình cách tiếp cận quyền lực mềm của vì cho rằng, nó quá mềm trong khi những người khác cho rằng, nó quá cứng rắn. Vào thời điểm đó, một số chuyên gia quan hệ quốc tế hàng đầu của Nga đã vỡ mộng về quyền lực mềm. Ví dụ, Sergei Karaganov (2019) đã viết rằng, khái niệm quyền lực mềm cần được xem như một sự ảo tưởng vì nó không “đầy đủ” để đáp ứng thực tế mới của quan hệ quốc tế, và Fyodor Lukyanov (2016) chỉ ra rằng, quyền lực mềm không giữ được hiệu quả như được mong đợi vào cuối thế kỷ 20, vì nó đã được sử dụng để “phản ánh một thời điểm rất đặc biệt trong sự phát triển của hệ thống quốc tế,” khi phương Tây cần chứng minh cho chính mình và thế giới về thành tựu vào cuối Chiến tranh Lạnh. Giám đốc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga Andrei Kortunov gần như đã từ bỏ thuật ngữ quyền lực mềm. Hơn nữa, cộng đồng chuyên gia quốc tế từ lâu đã phủ nhận chiến lược của Nga về sự “mềm mỏng”. Trên thực tế, tác giả của khái niệm quyền lực mềm, Joseph Nye (2018), đã liên tục phê phán mô hình của Nga, coi đó là “quyền lực sắc bén”.
Trong khi đó, quyền lực mềm là một trong những chủ đề phổ biến nhất với cộng đồng chuyên gia và học giả Nga trong hai mươi năm qua. Từ năm 2006, xuất hiện bài báo đầu tiên về chủ đề này của Vadim Kononenko, với tiêu đề “Tạo ra hình ảnh về nước Nga?” (2006), sự quan tâm đến chủ đề này tăng dần, đạt đỉnh điểm vào năm 2013-2014. Đáng chú ý là chủ đề quyền lực mềm đã được thảo luận sôi nổi trong các diễn đàn của tạp chí Nước Nga trong các vấn đề toàn cầu và đã lên đến đỉnh điểm vào năm 2014, khi quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Điều này có nghĩa là, bất chấp xung đột gay gắt của Nga với các đối tác phương Tây, các chuyên gia hàng đầu của Nga một mặt tin tưởng vào hiệu quả của quyền lực mềm như một công cụ chính sách đối ngoại (một trong những quốc gia có chiến lược sức mạnh mềm hiệu quả là Ukraine), mặt khác, Nga vẫn tin tưởng vào khả năng đối thoại và sức mạnh thuyết phục giữa các bên xung đột.
Lần đầu tiên quyền lực mềm của Nga trở thành chủ đề thảo luận ở cấp chính trị cao nhất vào năm 2007, khi tại cuộc họp của Vladimir Putin với Hội đồng Phòng công chúng Nga, Vyacheslav Nikonov nói rằng, Nga “cần ... một dự án tầm cỡ quốc gia để tạo ra công cụ quyền lực mềm cho đất nước” (Nikonov, 2007). Kể từ đó, nước Nga đã đi một chặng đường dài từ một mô hình phi tập trung, rất gần với khái niệm ban đầu của Nye, sang một phương pháp kết hợp giữa đảm bảo khả năng tự phòng vệ và khả năng phát động phản công trong chiến tranh thông tin. Cộng đồng học thuật quốc tế cho rằng, cách tiếp cận của Nga ban đầu là hiếu chiến và mang tính hủy diệt, nhưng một phân tích cẩn thận về sự phát triển của quyền lực mềm nước Nga có thể cho thấy rằng, quan niệm này là sai lầm và đầy định kiến. Trong những năm qua, quyền lực mềm nước Nga đã trải qua ba giai đoạn: 1) giai đoạn không chính thức, trỗi dậy (2000-2007/2008); 2) thể chế hóa (2007/2008 - 2013/2014); và 3) thắt chặt cách tiếp cận, suy giảm (kể từ năm 2013/2014).
Học giả Tatyana Poloskova (năm 2020) đã nhận định có cơ sở để cho rằng, với việc bổ nhiệm Yevgeny Primakov, quyền lực mềm của Nga đã có “cơ hội cuối cùng”. Vì vậy, điều quan trọng là phân tích chặng đường đã đi, hiểu những quyết định nào đã thành công, tìm ra những yếu tố bên trong và bên ngoài quan trọng, và quan trọng nhất là đánh giá hiệu quả của chiến lược. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cố gắng phân chia quá trình phát triển của chiến lược quyền lực mềm của Nga thành nhiều giai đoạn, qua đó cố gắng tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi nêu trên.
GIAI ĐOẠN 1. GIAI ĐOẠN TRỖI DẬY CỦA SỨC MẠNH MỀM NGA (2000 - 2007/2008)
Giai đoạn đầu tiên trong quá trình phát triển mô hình quyền lực mềm của Nga trùng với giai đoạn hoạt động chính sách đối ngoại bắt đầu gia tăng tại Mátxcơva vào những năm 2000. Vào thời điểm đó, không chỉ chính phủ không có một chiến lược riêng mà ngay cả các bức tường của Điện Kremlin cũng chưa nghe thấy thuật ngữ mới “quyền lực mềm”. Nhưng chính xác là vào những năm 2000, mặc dù (hoặc có thể nhờ vào) phi tập trung hóa và phân tán, các hành động quyền lực mềm của Nga là “mềm nhất”, và do đó, hiệu quả nhất.
Các cơ quan chính phủ bắt đầu thực hiện từng bước cụ thể để cải thiện hình ảnh của Nga trên thế giới sau khi Vladimir Putin đưa ra chỉ thị này cho các nhà ngoại giao Nga vào tháng 6/2004. Vào thời điểm đó, các dự án quyền lực mềm chủ yếu theo đuổi các mục tiêu kinh tế. Việc tổ chức các diễn đàn và các nhóm chuyên gia, các chiến dịch Quan hệ công chúng (PR), và thậm chí làm việc với những người có thiện cảm với nước Nga nhằm thúc đẩy lợi ích của các công ty lớn của Nga và nền kinh tế Nga (chủ yếu là xuất khẩu) nói chung.
Vì vậy, vào năm 2005, Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg bắt đầu thiết lập quy chế “tổng thống” (vì nó có sự tham dự của Tổng thống Nga), và hợp tác chính thức với Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos bắt đầu vào năm 2007. Các dự án song phương quan trọng đã được khởi động, trong đó các vấn đề kinh tế đóng một vai trò quan trọng: Đối thoại Nga-Đức tại Petersburg (do Vladimir Putin và Gerhard Schroeder khởi xướng năm 2001), Đối thoại Pháp-Nga (khai mạc năm 2004 dưới sự bảo trợ của Vladimir Putin và Jacques Chirac), Hội đồng Hợp tác Kinh doanh Nga-Mỹ (được thành lập năm 2000 theo đề xuất của Bộ Ngoại giao Nga; kể từ năm 2009, Hội đồng này hoạt động dưới sự bảo trợ của Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga), v.v.
Việc thành lập Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai vào năm 2004 đã trở thành một bước quan trọng trong việc thúc đẩy lợi ích của Nga ở nước ngoài. Ở giai đoạn đầu, mặc dù có sự tham gia của nhà lãnh đạo nhà nước Nga, nhưng đây chỉ là một diễn đàn chuyên gia không chính thức với sự tham dự của nhiều chuyên gia (thậm chí đôi khi họ có quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau) và nhằm mục đích “nói với thế giới về Nga”. Trong số những người tham gia diễn đàn có Michael McFaul, Fiona Hill, Nikolai Zlobin, Boris Nemtsov, Leonid Gozman, Vladislav Inozemtsev, Alexander Dugin, Alexander Prokhanov, Sergei Guriev và Sergei Glazyev.
Trong số các diễn đàn thời đó, nổi bật là Diễn đàn Rhodes, được tổ chức trong khuôn khổ chương trình quốc tế Đối thoại giữa các nền văn minh, ra đời năm 2002 theo sáng kiến của Vladimir Yakunin (Nga), Jagdish Kapur (Ấn Độ) và Nicholas Papanicolaou (Hy Lạp). Ngay từ đầu Đối thoại giữa các nền văn minh đã có khuynh hướng tư tưởng mạnh mẽ. Mục tiêu của nó là chống lại thế giới đơn cực do Mỹ đứng đầu và thúc đẩy một “dự án văn minh” thay thế cho thế giới đơn cực, trong đó mỗi nền văn minh có quyền có tiếng nói và quyền có mô hình xã hội, văn hóa và tôn giáo của riêng mình. Đồng thời, diễn đàn được trình bày như một dự án của người dân, hoàn toàn độc lập và không thiên vị, “không phải do nhà nước thành lập, không phải là một phong trào chính trị, và không thực hiện kế hoạch của bất kỳ phe nào”. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của Nga thường xuyên tham dự diễn đàn, qua đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của diễn đàn đối với chính sách đối ngoại của Nga.
Cùng lúc đó, Nga bắt đầu tích cực hội nhập vào thị trường truyền thông quốc tế. Năm 2005, kênh truyền hình quốc tế Nước Nga Ngày Nay (Russia Today) bắt đầu phát sóng. Kênh này tuyên bố mục đích là cung cấp thông tin khách quan hơn về nước Nga hiện đại và quan điểm của Nga trong các vấn đề chính trị quốc tế. Năm 2007, Nước Nga qua những bài báo (Russia Beyond the Headlines - RBTH) - một phụ bản quốc tế của tờ Rossiyskaya Gazeta - được thành lập. Tính tới năm 2017, tờ báo nàygóp mặt trong tốp 27 ấn phẩm nước ngoài hàng đầu, có mặt ở 21 quốc gia, xuất bản bằng 16 ngôn ngữ. Tổng lượng phát hành của nó đạt khoảng 10,5 triệu bản, với số lượng độc giả là khoảng 32 triệu (Ageeva, 2016). Bên cạnh đó, Nga thuê các công ty chuyên PR quốc tế lớn nhất - Ketchum, Washington Group (có trụ sở tại Mỹ) và GPlus Europe (có trụ sở tại Bỉ) (Chitty et al, 2017). Sự hợp tác này mang lại thành công cho Hội nghị thượng đỉnh G8 ở St.Petersburg năm 2006, và Putin được trao danh hiệu Nhân vật của năm trên tạp chí Thời đại (Time) năm 2007, bộ phim tài liệu bốn tập “Putin, Nga và phương Tây ” được phát sóng trên kênh BBC Two vào năm 2012, và việc xuất bản bài báo “Lời kêu gọi thận trọng từ Nga” của Putin trên tờ Thời báo New York (New York Times) năm 2013, trong đó Putin cảnh báo Mỹ không nên can thiệp vào Syria và tránh xa vai trò “làm người phán xử cả thế giới.” Chiến dịch PR cho Thế vận hội Sochi năm 2014 cũng do công ty chuyên PR Ketchum tổ chức. Năm 2006, công ty này đã nhận được Giải thưởng Silver Anvil danh giá từ Hiệp hội Quan hệ Công chúng Mỹ và Giải thưởng Chiến dịch Toàn cầu của Năm của PRWeek cho những chiến dịch truyền thông của họ.
Ngoài ra, Nga tích cực làm việc với các nhà vận động hành lang nước ngoài: Henry Kissinger, James Baker, Thomas Graham (Mỹ), Gerhard Schroeder (Đức), Bernard Volker (Pháp). Các dịch vụ của họ chủ yếu được sử dụng để quảng bá cho các công ty Nga như Gazprom, Transneft và Rosneft, nhưng không chỉ có vậy. Ví dụ, Thomas Graham (công ty Kissinger Associates) đã trình bày một báo cáo tại Nhà Trắng vào năm 2009, trong đó chỉ trích gay gắt hành động của Mikhail Saakashvili trong cuộc chiến tranh Nga-Gruzia năm 2008 và khuyên Chính phủ Mỹ không nên mở rộng NATO, mà thay vào đó là ủng hộ các đề xuất của Dmitry Medvedev thiết lập hệ thống an ninh mới ở Châu Âu (Van Herpen, 2016, tr. 71).
Vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, nước Nga bắt đầu tích cực làm việc với cộng đồng người Nga ở nước ngoài. Trong khi dưới thời Liên Xô cũ, những người di cư bị coi là kẻ phản bội, thì dưới thời nước Nga mới, người Nga ở nước ngoài bắt đầu được coi là cộng đồng văn hóa xã hội liên quan mật thiết tới nước Nga, một nguồn lực Nga bên ngoài nước Nga có thể giúp mở rộng phạm vi ảnh hưởng và củng cố vị thế của đất nước trên trường quốc tế (Batanova, 2009). Các nhà chiến lược chính trị Pyotr Shchedrovitsky và Gleb Pavlovsky đề xuất một cách tiếp cận theo định hướng doanh nghiệp đối với cộng đồng người Nga. Theo cách tiếp cận này, những người Nga ở nước ngoài được coi là một phần của quyền lực mềm của Nga: khi làm việc và học tập ở nước ngoài, họ có thể đóng vai trò như những vị sứ giả cho văn hóa Nga và là những người môi giới hiệu quả trong các dự án kinh tế. Trong thời kỳ đó, một số bước đi quan trọng đã được thực hiện để thiết lập sự tương tác một cách chính thức với cộng đồng người Nga: Nga thông qua luật liên quan và một chương trình của chính phủ. Các hành động của Điện Kremlin được kết hợp hài hòa với các sáng kiến cấp cơ sở, bao gồm các sáng kiến của Tòa thị chính Mátxcơva và một số tổ chức phi chính phủ.
Đó là thời điểm Nhà thờ Chính thống Nga bắt đầu đóng góp tích cực vào việc thực hiện các dự án quyền lực mềm của Nga. Ở giai đoạn đầu, các hành động của nhà thờ độc lập hơn, mặc dù ngay sau đó người ta có thể phát hiện ra các dấu hiệu của một “bản giao hưởng” chính sách đối ngoại với Điện Kremlin (Van Herpen, 2019). Nhà thờ Chính thống Nga là một thành viên tích cực tham gia vào các sự kiện được tổ chức như một phần của Câu lạc bộ Valdai và chương trình Đối thoại giữa các nền văn minh, và vào năm 2008, với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Nga, Metropolitan Kirill (Gundyaev) đã phát biểu một cuộc họp của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc. Nhưng có lẽ thành tựu quan trọng nhất của Giáo hội Chính thống Nga trong những năm 2000 là việc thống nhất với Giáo hội Nga ở nước ngoài, điều này trở nên khả thi nhờ những nỗ lực của Chính phủ Nga và đặc biệt là Vladimir Putin (Konygina, 2007). Sự hợp nhất của Nhà thờ Chính thống Nga với Nhà thờ Chính thống Nga bên ngoài nước Nga diễn ra vào ngày 18/5/2007 và tạo ra tác động quốc tế to lớn, kể cả trong lĩnh vực quyền lực mềm. Điều này cho phép Nhà thờ Chính thống Nga kiểm soát các nhà thờ và các bất động sản liên quan khác, cũng như ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đối với các cộng đồng Chính thống giáo ở các quốc gia khác trên thế giới.
Tất cả những điều trên dẫn chúng ta đến kết luận về đặc điểm của giai đoạn ban đầu trong quá trình phát triển quyền lực mềm của Nga. Thứ nhất, đó là một cách tiếp cận không chính thức, không có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước, nhưng với sự đa nguyên về hình thức và tính cách, các sáng kiến tư nhân và sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (đặc biệt là trong lĩnh vực PR). Cho đến năm 2007, thuật ngữ “quyền lực mềm” chưa được nhắc tới bên trong Điện Kremlin, nhưng giới lãnh đạo nước này lo ngại về hình ảnh quốc tế của Nga, chủ yếu vì tầm quan trọng của nó đối với hoạt động kinh tế đối ngoại. Vào thời điểm đó, không có chiến lược chung, nhưng nhà nước coi tất cả các sáng kiến là quan trọng, kể cả sáng kiến của khu vực bán công, tư nhân và phi chính thức, miễn là chúng có thể giúp cải thiện hình ảnh nước Nga.
Đặc điểm quan trọng thứ hai là tính không đối đầu trong cách tiếp cận của Nga. Đó không phải là kết quả của khoảng trống ý thức hệ được tạo ra sau khi Liên Xô sụp đổ. Trong thời kỳ trỗi dậy, quyền lực mềm của Nga đã đi theo diễn ngôn của phương Tây về nhân quyền, pháp quyền và dân chủ. Hình ảnh quốc tế và cách hiểu về chính sách đối ngoại của Nga được nhìn nhận qua con mắt của giá trị phương Tây. Lúc đầu, Nga tự định vị mình là một nền dân chủ non trẻ, và sau đó là một nền dân chủ “có chủ quyền”, tức là một loại dân chủ không phải là bản sao của phương Tây, nhưng vẫn là một nền dân chủ. Công ty PR Ketchum đã ghi nhận được dư luận xã hội thế giới bắt đầu đánh giá cao về Nga và công nhận bản chất dân chủ là thành tựu chính của nước này (Van Herpen, 2016, tr.71).
Nga đã tìm cách tham gia các cuộc tranh luận quốc tế về nhân quyền và dân chủ bằng cách thành lập Viện Dân chủ và Hợp tác vào năm 2007, và mở các văn phòng của Viện tại Paris và New York. Andranik Migranyan, giám đốc chi nhánh của Viện tại Mỹ, cho thấy sứ mệnh của Viện là tạo ra các cuộc đối thoại với công chúng Mỹ và giải thích quan điểm của Nga về nhân quyền và dân chủ. Logic tương tự đã được sử dụng khi Bộ Ngoại giao Nga đăng ký phát biểu Metropolitan Kirill tại cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc năm 2008. Trong bài phát biểu này, nước Nga chỉ ra rằng, một mặt, các nước lớn nói về quyền con người, nhưng mặt khác, có nhiều cách hiểu về quyền con người, không có định nghĩa nào là chính xác hoàn toàn và nhấn mạnh sự cần thiết phải hài hòa tất cả các cách hiểu về quyền con người phù hợp với truyền thống và tôn giáo của từng quốc gia.
Giai đoạn không chính thức đầu tiên của quyền lực mềm Nga có thể được coi là sự trỗi dậy của quyền lực mềm, vì trong giai đoạn này, quyền lực mềm ở Nga hoạt động đúng như những gì mà tác giả của khái niệm này, Joseph Nye, đã đưa ra. Khái niệm ban đầu cho rằng, quyền lực mềm được thực hiện bởi các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự, mà không có sự kiểm soát toàn diện của nhà nước, nó có sự tham gia của các chuyên gia có trình độ cao (có thể ở nước ngoài) trong lĩnh vực PR, sử dụng ngôn ngữ nhân quyền và dân chủ được chấp nhận ở phương Tây, và đã tạo ra cảm giác về không gian văn hóa và luật pháp giống như của phương Tây (đối tượng mục tiêu chủ yếu của các hoạt động quyền lực mềm là các nước phương Tây).
Ranh giới kết thúc giai đoạn đầu tiên trong quá trình phát triển quyền lực mềm của Nga được vẽ ra bởi cuộc xung đột Nga-Gruzia vào tháng 8/2008. Đó là thời điểm mà giới lãnh đạo Nga phải đối mặt với một bức tường gây hiểu lầm của các phương tiện truyền thông nước ngoài, các nhà lãnh đạo chính trị và công chúng. Sau khi cơn nóng giảm bớt, Điện Kremlin đã phân tích những sai lầm của các phương tiện truyền thông của Nga. Ví dụ, do phát ngôn viên của Duma quốc gia Nga (Hạ viện Quốc hội Nga) ông Boris Gryzlov bị cấm hoàn toàn giao tiếp với truyền thông nước ngoài (Gabuev và Tarasenko, 2012) và phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố “nước Nga sẽ làm việc thật mà không cần PR”, quan điểm của Nga trong cuộc xung đột không được truyền thông nước ngoài đưa tin và cộng đồng phương Tây chỉ nghe thấy quan điểm của Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili. Dựa trên phân tích này, chính phủ Nga đã quyết định tăng cường chiến lược quyền lực mềm của Nga.
GIAI ĐOẠN 2. GIAI ĐOẠN THỂ CHẾ HÓA SỨC MẠNH MỀM CỦA NGA (2007/2008 - 2013/2014)
Năm 2007-2008, quyền lực mềm của Nga bước vào một giai đoạn phát triển mới. Bài phát biểu của Putin tại Hội nghị An ninh Munich đánh dấu sự thay đổi sang chính sách đối ngoại cứng rắn hơn và độc lập hơn, trong bối cảnh giới truyền thông Nga thất bại trong cuộc xung đột giữa Nga với Gruzia, Chính quyền Nga phải chú ý nhiều hơn đến quyền lực mềm. Từ đó trở đi, quyền lực mềm của Nga bắt đầu phát triển theo chiến lược riêng biệt với các thể chế và trọng tâm riêng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ.
Đây là lúc quyền lực mềm trở thành một phần của diễn ngôn chính thức và thường xuyên được các quan chức hàng đầu của Nga như Dmitry Medvedev, Sergei Lavrov, Vyacheslav Nikonov và những lãnh đạo khác đề cập đến. Vào tháng 2/2012, Putin đặc biệt nhấn mạnh đến quyền lực mềm trong bài báo tranh cử “Nước Nga và thế giới đang thay đổi” (Putin, 2012), đề cập đến cả khía cạnh tích cực và tiêu cực của quyền lực mềm. Sau đó, ông cũng sử dụng cách tiếp cận này: trong giai đoạn 2011-2014, ông đã nhiều lần phát biểu một cách có hệ thống về quyền lực mềm, nhưng theo những cách khác nhau trong các tình huống khác nhau. Tại các cuộc gặp với các nhà ngoại giao và các cộng đông đảo, ông nói quyền lực mềm như một công cụ mới, quan trọng cho hợp tác quốc tế, và tại các cuộc họp với những nhà hành pháp, ông gọi quyền lực mềm là “công cụ gây áp lực” (Putin, 2013a), “hoạt động đặc biệt” (Putin, 2013b), và “các kỹ thuật nổi tiếng (để) làm suy yếu ảnh hưởng của Nga” (Putin, 2013c) (ý này sau đó trở nên rõ ràng hơn vào năm 2013). Tiếp đó, khái niệm chính sách đối ngoại mới được đưa ra vào tháng 11/2013, coi quyền lực mềm như một công cụ chính thức của chiến lược Nga trên trường quốc tế. Nga nói rằng Nga sẽ “cải thiện việc áp dụng quyền lực mềm và xác định các hình thức hoạt động tốt nhất thể hiện quyền lực mềm... phát triển hơn nữa khung pháp lý trong lĩnh vực nêu trên” (Bộ Ngoại giao Nga, MFA, 2013). Khi Khái niệm được cập nhật vào năm 2016, quyền lực mềm vẫn được nói đến trong tài liệu như một trong những khía cạnh hoạt động của Bộ Ngoại giao Nga (MFA, 2016).
Ngoài việc giành được vị thế chính thức trong chiến lược chính sách đối ngoại của Nga, quyền lực mềm dần dần được thể chế hóa. Năm 2008, Cơ quan Liên bang về Cộng đồng các Quốc gia Độc lập, người Nga sống ở nước ngoài và Hợp tác Nhân đạo Quốc tế (Rossotrudnichestvo) được thành lập trên cơ sở Roszarubezhtsentr, cơ quan này đã kế thừa Liên minh các Hội Hữu nghị Xô Viết trước đây. Các nhiệm vụ chính của cơ quan này bao gồm thực hiện chính sách nhà nước về hợp tác nhân đạo quốc tế và thúc đẩy củng cố không gian hậu Xô Viết thông qua các chương trình trao đổi, giáo dục, nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Nga. Rossotrudnichestvo liên tục thiết lập mạng lưới các văn phòng chi nhánh đại diện ở nước ngoài (theo mô hình của Alliance Française, Hội đồng Anh và Viện Goethe) - các trung tâm khoa học và hợp tác của Nga. Hiện có 97 chi nhánh như vậy (trong đó có 73 văn phòng và 25 cơ quan đại diện tại các đại sứ quán Nga).
Đồng thời, theo mô hình của Mỹ, Chính phủ Nga bắt đầu thành lập các tổ chức công quyền mềm và cấp vốn cho nhiều tổ chức phi chính phủ hoạt động ở nước ngoài. Viện Dân chủ và Hợp tác là cơ quan đầu tiên. Cùng năm 2007, Quỹ Russkiy Mir (nghĩa đen là Quỹ Thế giới Nga) được thành lập theo sắc lệnh của Tổng thống. Quỹ được giao nhiệm vụ phổ biến ngôn ngữ và văn hóa Nga, đoàn kết những người Nga sống ở nước ngoài, và tạo ra một mạng lưới các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong cùng lĩnh vực ở ngoài nước Nga thông qua các khoản tài trợ. Giống như Rossotrudnichestvo, Quỹ Russkiy Mir bắt đầu mở văn phòng đại diện ở nước ngoài, chủ yếu là tại các trường đại học và trường phổ thông. Tính đại diện của các văn phòng như vậy có lúc giảm xuống chỉ còn là một “phòng Russkiy Mir” trong các trường học, nơi lưu trữ các cuốn sách tiếng Nga và các tập sách nhỏ để giới thiệu văn phòng. Tính tới đầu năm 2021, Nga đã mở 97 trung tâm và 123 phòng Russkiy Mir. Một trong những kết quả hoạt động của Quỹ là tạo ra danh mục các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tham gia vào việc quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Nga và coi họ là một phần của thế giới Nga. Sự kiện trọng tâm của Quỹ là Đại hội kiều bào Nga sinh sống ở nước ngoài, được tổ chức thường niên từ năm 2007. Đại hội quy tụ khoảng 800 người tham gia, bao gồm các quan chức cấp cao của Nga và đại diện cấp cao của Giáo hội Chính thống Nga với tư cách là khách mời danh dự. Trong giai đoạn thể chế hóa, Nga đã thành lập một số cơ quan thuộc nhà nước để làm việc với Nga kiều: Hội đồng Điều phối Thế giới về Người Nga được thành lập vào năm 2009 (thống nhất các hội đồng điều phối hoạt động riêng biệt ở nước ngoài từ năm 2006), Quỹ Hỗ trợ và Bảo vệ Quyền của Nga kiều ở nước ngoài được thành lập vào năm 2012 (do Bộ Ngoại giao Nga và Rossotrudnichestvo thành lập) và Quỹ Báo chí Nga Thế giới được thành lập vào năm 2012.
Giáo hội Chính thống tích cực hợp tác với các thể chế quyền lực mềm của Nga, đặc biệt trong việc tương tác với kiều bào và quảng bá ý tưởng về thế giới Nga. Metropolitan Hilarion (Alfeyev) đã được đưa vào Hội đồng Quản trị của Tổ chức và các lãnh đạo cấp cao trong nhà thờ thường xuyên tham dự các sự kiện của Hội đồng. Các nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga luôn tham gia các Đại hội Nga kiều Thế giới.
Theo Nye (2011, tr.20-21), thiết lập chương trình nghị sự toàn cầu cũng là một công cụ của quyền lực mềm. Do vậy, Chính phủ Nga đã thực hiện một số bước liên tiếp để tạo ra các trung tâm trí thức và chuyên gia của Nga để quảng bá kết quả nghiên cứu của Nga về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại, bao gồm cả những nghiên cứu bằng tiếng Anh quảng bá qua Internet. Năm 2010, Tổng thống Nga ra lệnh thành lập Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga, sau đó cùng năm, Quỹ Ngoại giao Công chúng Gorchakov được thành lập, và một năm sau đó, hoạt động của Câu lạc bộ Valdai được chính thức hóa bằng cách thành lập Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế và Quỹ hỗ trợ Valdai.
Quan hệ quốc tế chưa bao giờ là một ngành học trung lập, và “các mô hình và khái niệm lý thuyết có tiềm năng đáng kể trở thành công cụ trong kho vũ khí quyền lực mềm để thúc đẩy lợi ích chính sách đối ngoại, đặc biệt nếu tác giả của chúng là đại diện của các quốc gia có ảnh hưởng” (Tsygankov, 2013 ). Việc thành lập các trung tâm chuyên gia của Nga nhưng xuất bản tài liệu bằng tiếng Anh và cung cấp cho công chúng, đồng thời hợp tác với các chuyên gia nước ngoài, cho phép Nga hy vọng có vị trí riêng trong không gian phân tích và thông tin quốc tế và trình bày tầm nhìn của mình về chính trị thế giới cho nhiều đối tượng công chúng, từ người dân thường đến các chuyên gia và nhà ngoại giao.
Ngoài ra, năm 2011, Nga đã bắt đầu công bố các báo cáo do Nga thực hiện về tình hình nhân quyền ở nước ngoài (chủ yếu ở Mỹ, Canada, các nước châu Âu và Ukraine). Các báo cáo do Bộ Ngoại giao Nga đưa ra là cách Nga phản ứng với các cuộc điều tra tương tự của các tổ chức phương Tây chống lại Nga, chứ không phải là các nghiên cứu độc lập không thiên vị. Tuy nhiên, bằng cách công bố những báo cáo này, Nga tiếp tục tham gia vào các cuộc tranh luận quốc tế, qua đó, ít nhất là về mặt hình thức, nhận ra tầm quan trọng của nhân quyền và dân chủ theo cách hiểu ở phương Tây.
Điều đáng chú ý là vào thời điểm đó, Nga đã khá tích cực sử dụng các biện pháp dùng lời nói và hành động trả đũa, mà không chính thức vượt ra ngoài khuôn khổ của diễn ngôn phương Tây. Viện Dân chủ và Hợp tác nói trên được thành lập dựa trên yêu cầu của cá nhân của Putin. Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Nga-EU ở Lisbon vào tháng 10/2007, ông Putin nói rằng: “Liên minh châu Âu, với sự trợ giúp của các khoản tài trợ, sẽ giúp phát triển các thể chế kiểu này ở Nga” và “đã đến lúc Liên bang Nga cũng có thể làm như vậy ở Liên minh châu Âu” (Grigoryeva, 2007).
Kênh truyền hình quốc tế Nước Nga ngày nay (Russia Today) cũng đẩy mạnh hoạt động. Sau thất bại của báo chí Ngatrong việc đưa tin về cuộc xung đột Nga-Gruzia năm 2008, chính phủ Nga đã nhận ra tầm quan trọng của việc thúc đẩy báo chí đối ngoại và cấp kinh phí cũng như chuyên gia để củng cố kênh Russia Today. Năm 2009, từ “Nước Nga” (Russia) đã bị xóa khỏi tên của kênh, và kênh này bắt đầu hoạt động dưới một cái tên trung lập hơn là RT, không liên kết với Điện Kremlin. Cùng năm, kênh RT đã mở tài khoản Twitter và ra mắt phiên bản truyền hình nói tiếng Tây Ban Nha.
Đáng chú ý là trong thời kỳ đó RT vẫn chưa gây được tiếng vang lớn bằng cách áp dụng chiến lược tận dụng yếu tố nổi tiếng. RT khi đó bắt đầu sử dụng các công nghệ thường được áp dụng trong truyền thông, bao gồm hợp tác với những người dẫn chương trình và nhà hoạt động nổi tiếng như người sáng lập WikiLeaks Julian Assange hay nhà báo huyền thoại người Mỹ Larry King, người đã cho phép chương trình của mình được phát sóng trên RT (Chakelyan, 2015). Đồng thời, kênh bắt đầu hướng đến thuyết âm mưu, thuyết này luôn thu hút một bộ phận khán giả nước ngoài nhất định (Yablokov, 2015). Nhìn chung, cho đến năm 2013, RT thu hút người xem bằng nội dung trung tính. Theo một nghiên cứu của Daily Beast, 80% các chương trình phổ biến nhất của RT tập trung đưa tin về các trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như thiên tai (Zavadski, 2015). RT đã không sử dụng các chiến dịch gây sốc thường xuyên. Tình hình bắt đầu thay đổi vào năm 2012, khi RT bắt đầu đưa tin về cuộc nội chiến ở Syria: sau khi có báo cáo từ Damascus, cơ quan quản lý Ofcom của Anh đã đưa ra cảnh cáo gần như hàng năm và phạt kênh này vì thiên vị và định kiến chính trị.
Giai đoạn thứ hai trong quá trình phát triển và đạt đến đỉnh cao của quyền lực mềm là Thế vận hội mùa đông, Olympic lần thứ XXII ở Sochi vào tháng 2/2014. Một mặt, Thế vận hội đã trở thành thành công chính trị của Điện Kremlin, mặt khác, là một ví dụ của sức mạnh mềm thực sự vì nó cho phép những thành tựu của nước Nga hiện đại không chỉ xuất hiện trước hàng nghìn khách ở Sochi, mà còn trước hàng triệu khán giả truyền hình trên khắp thế giới. Tờ New York Times đã viết vào ngày 23/2/2014, lễ bế mạc Thế vận hội mùa đông Olympic lần thứ XXII ở Sochi “đã giới thiệu nhiều câu chuyện điển hình về thành công của Nga, và dù muốn hay không, việc đăng cai một kỳ Thế vận hội cũng nằm trong số những thành công đó” (Makur, 2014). Tuy nhiên, chiến thắng của quyền lực mềm chỉ kéo dài một tháng vì vào tháng 3/2014, chủ đề Thế vận hội đã bị khai thác đến cạn kiệt, nhường chỗ cho những chủ đề cứng rắn (Borisova, 2015).
Vì vậy, đặc điểm chính của giai đoạn thứ hai trong quá trình phát triển quyền lực mềm của Nga là thể chế hóa và chính thức hóa quyền lực mềm. Ở giai đoạn đầu, quyền lực mềm là sự kết hợp của cả các sáng kiến của người dân và chính phủ (thường được thực hiện một cách không chính thức), thì ở giai đoạn thứ hai, hầu hết tất cả các sáng kiến này đều được hiện thực hóa thành các tổ chức của nhà nước hoặc bán công (quỹ, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức tư vấn, hội đồng điều phối), chịu trách nhiệm thực hiện một hoặc một số dự án quyền lực mềm. Joseph Nye nhận định sự “quốc hữu hóa” toàn bộ này là sai lầm lớn nhất của chiến lược quyền lực mềm của Nga (Nye, 2013).
Thời kỳ thể chế hóa không trung lập về mặt ý thức hệ, và đây là đặc điểm quan trọng thứ hai của giai đoạn này. Trong năm 2007-2014, diễn ngôn chính thức về quyền lực mềm của Nga vẫn được xây dựng xung quanh các giá trị chính trị, chẳng hạn như nhân quyền và dân chủ. Các văn phòng của Viện Dân chủ và Hợp tác làm việc tích cực ở Paris và New York, Bộ Ngoại giao Nga thường xuyên công bố Sách trắng về vi phạm nhân quyền ở Mỹ và Châu Âu, và các quan chức chính phủ hàng đầu của Nga và Bộ Ngoại giao Nga không chính thức đề cập đến bất kỳ sự khác biệt lớn nào giữa hệ thống giá trị của Nga và phương Tây. Người đứng đầu Rossotrudnichestvo, ông Konstantin Kosachev đã lập luận vào năm 2012-2014 rằng, các nguyên tắc cơ bản của dân chủ, nhân quyền và tự do, được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như các công ước và hiệp ước không thể được coi là tài sản riêng của bất kỳ ai, ví dụ, của phương Tây, hoặc là đặc điểm cá nhân của quyền lực mềm của riêng một ai, và rằng “tự do, dân chủ, hợp pháp, ổn định xã hội và tôn trọng nhân quyền đã trở thành “giỏ hàng hóa tiêu dùng” của thế giới hiện đại, mà mọi người đều muốn có.” Do đó, “bất kỳ ý tưởng nào từ chối bộ giá trị tiêu chuẩn của Thế kỷ XXI này chắc chắn sẽ không thành công”. Trong một bài báo về quyền lực mềm, Kosachev đã viết rằng “nhiệm vụ thể hiện truyền thống dân tộc không được mâu thuẫn với các quyền con người được công nhận rộng rãi cũng như các chuẩn mực và nguyên tắc của luật pháp quốc tế bảo vệ các tiêu chuẩn dân chủ cơ bản của Thế kỷ XXI” (Kosachev, 2012). Ông đề nghị viết về quyền lực mềm của Nga với những nội dung tích cực, những nội dung này nên dựa trên ba trụ cột: hợp tác, an ninh và chủ quyền. Theo ông, bí quyết của Nga trong quan hệ quốc tế có thể là một cách tiếp cận mà các yếu tố chính là tôn trọng chủ quyền của các đối tác và hợp tác vô điều kiện (Kosachev, 2013). Nhưng khái niệm này không bao giờ thành hiện thực: sau năm 2014, trong giai đoạn thứ ba, chính phủ Nga đã chọn một khía cạnh nội dung khác để cấu thành tư tưởng về quyền lực mềm của Nga.
Điều thú vị là tại một số thời điểm trong giai đoạn thứ hai của quá trình phát triển quyền lực mềm, Nga đã nỗ lực bắt đầu một chủ đề thảo luận khác, có khả năng trở thành cơ sở mới cho sự đồng thuận và hợp tác giữa Mátxcơva và phương Tây, vì kinh nghiệm cho thấy chủ đề quyền con người và dân chủ đã mang tới những khó khăn nhất định và không đảm bảo sự hiểu biết lẫn nhau giữa Nga và phương Tây trong tương lai. Chủ đề mới là sự phản đối sự phục hồi chủ nghĩa phát xít và lưu giữ ký ức chung của Nga và phương Tây về những hy sinh của hai bên để giành hòa bình cho Thế chiến thứ hai. Năm 2005, kỷ niệm 60 năm chiến thắng của Thế chiến thứ hai, đánh dấu sự khởi đầu của chiến lược này. Ngoài cuộc duyệt binh lớn tại Quảng trường Đỏ, với sự tham dự của nhiều nguyên thủ thế giới (Tổng thống Mỹ George W. Bush, Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder, Tổng thống Pháp Jacques Chirac, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, v.v.), Vladimir Putin đã đăng một bài báo trên tờ Figaro của Pháp có tiêu đề “Bài học Chiến thắng Chủ nghĩa Quốc xã: Thông qua hiểu biết về quá khứ, hướng tới việc cùng xây dựng tương lai nhân đạo an toàn,” và đã có cuộc phỏng vấn chung với Thử tướng Đức Schroeder về chủ đề tương tự, đăng trên tờ báo Tấm gương của Đức (Bild) (Senyavsky và Senyavskaya, 2009). Kể từ thời điểm này, Nga thường xuyên khởi xướng các cuộc thảo luận bàn tròn, hội nghị và các cuộc họp quốc tế về chủ đề bài học của Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây là một trong những chủ đề trọng tâm trong hoạt động của các thể chế quyền lực mềm của Nga. Ngoài ra, một số tổ chức và phong trào quốc tế đã được thành lập, ví dụ phong trào Chúng ta là những người kế tục của Chiến thắng và Hòa bình chống lại chủ nghĩa Quốc xã. Trong khi giai đoạn trước chủ yếu nhắm vào các nước SNG và Nga kiều, giai đoạn hai là một nỗ lực nghiêm túc nhằm đoàn kết một loạt các tổ chức nước ngoài về chủ đề quyền lực mềm của Nga và với Nga. Tuy nhiên, theo thời gian, các hoạt động giảm dần, và ký ức chung về Thế chiến II trở nên vô cùng chính trị hóa và kết thúc trên đấu trường của chiến tranh thông tin.
GIAI ĐOẠN 3. SỰ THẮT CHẶT, HAY GIAI ĐOẠN SUY THOÁI CỦA SỨC MẠNH MỀM NGA (TỪ 2013/2014)
Việc thắt chặt chính sách đối ngoại của Nga được cho là bắt đầu vào năm 2007 khi Putin có bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich. Tuy nhiên, sau đó là nhiệm kỳ tổng thống của Medvedev, Nga bắt đầu bằng xung đột với Gruzia, nhưng nhìn chung là hòa bình và nhằm hợp tác với các đối tác phương Tây. Chế độ Nga bắt đầu đóng cửa dần dần và quay trở lại thái độ “pháo đài bị bao vây” vào năm 2012. Sự sụp đổ của chế độ Libya vào năm 2011, cùng với vụ thảm sát nhà lãnh đạo lâu dài của Libya, ông Muammar al-Gaddafi, và sự gia tăng của phong trào biểu tình phản đối ở Nga trong năm 2011-2012 đã làm tăng lên nỗi lo sợ của giới tinh hoa chính trị Nga về các cuộc cách mạng màu (Zygar, 2016). Thất bại trong cuộc đối đầu với các lực lượng thân phương Tây trong các cuộc biểu tình Maidan ở Kiev và việc để mất Ukraine cuối cùng đã dẫn đến sự chuyển đổi không thể đảo ngược của chế độ chính trị ở Nga, vốn ưu tiên bảo vệ chống lại các cáo buộc can thiệp từ bên ngoài.
Một sự kiện lịch sử diễn ra vào tháng 3/2014 đã làm thay đổi bản đồ châu Âu khi Bán đảo Crimea trở thành một phần của Nga. Tiếp đó là giai đoạn đối đầu gay gắt giữa Nga và phương Tây, mà các chuyên gia thậm chí còn gọi là Chiến tranh Lạnh mới. Chính sách đối ngoại của Nga chuyển sang chế độ “phòng thủ-tấn công” lâu dài và cách tiếp cận tương tự cũng được áp dụng cho chiến lược quyền lực mềm. Các nhà ngoại giao Nga cuối cùng đã nhận ra rằng, chiến lược trước đó với tất cả các thể chế và hội nghị bàn tròn là không hiệu quả và việc chơi theo các quy tắc quyền lực mềm của phương Tây đã không mang lại cho Nga kết quả như mong đợi. Và do đó, chiến lược quyền lực mềm đã được sửa đổi và thắt chặt hơn.
Chiến lược vẫn giữ nguyên một bộ công cụ, nhưng nội dung và cách thức tiến hành đã thay đổi đáng kể. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất qua các phương tiện truyền thông Nga nhắm tới cho khán giả nước ngoài. RT và hãng truyền thông Internet Sputnik (được thành lập vào tháng 11/2014) bắt đầu sử dụng các kỹ thuật hùng biện và báo chí tích cực hơn: Tổng biên tập RT Margarita Simonyan sau đó đã thừa nhận rằng, kênh này hoạt động trong các điều kiện giống như thời chiến trong bối cảnh như một cuộc chiến chống lại Nga (Porubova và Anufrieva, 2020). Ngoài những tiêu đề mang tính khiêu chiến và cách diễn giải gây tranh cãi về các sự kiện ở Nga và thế giới, cả hai phương tiện truyền thông đôi khi còn viện đến việc sao chép thông tin chưa được xác minh hoặc thậm chí cố tình sai sự thật (ví dụ, câu chuyện về 400 lính đánh thuê Mỹ ở Ukraine vào tháng 5/2014 (The Insider, 2017), sự cố xảy đến với cô gái tuổi teen Lisa ở Đức 2016 (Rutenberg, 2017), nỗ lực dàn dựng cuộc chiến ngăn người di cư ở Thụy Điển vào năm 2017 (Kramer, 2017), cũng được liên kết với kênh truyền hình Nga và những kênh khác). Rõ ràng, chiến lược của RT đã trở thành tấn công rõ ràng trong giai đoạn đó: ngoài việc gia tăng tâm lý chống Mỹ và chống phương Tây, kênh này tập trung vào các vấn đề tranh đấu nhức nhối của châu Âu và Mỹ, cố gắng chú ý nhiều hơn đến các vấn đề gây chia rẽ xã hội châu Âu, nhằm phân cực Âu, Mỹ nhiều nhất có thể.
Các cơ quan quản lý thường xuyên thanh tra RT, ví dụ cơ quan kiểm soát truyền thông ở Anh, và các dịch vụ an ninh ở Pháp (CAPS & IRSEM, 2018) và Estonia (2018). RT đã trở thành chủ đề của cuộc thảo luận gay gắt giữa Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc gặp đầu tiên của hai nguyên thủ ở Versailles vào tháng 5/2017. Macron sau đó tuyên bố rằng, hoạt động của kênh RT của Nga không tuân thủ các nguyên tắc báo chí. Cuối cùng, RT được định vị là kênh thay thế cho một nhóm khán giả bị gạt ra ngoài lề đời sống ở Châu Âu và Mỹ (Limonier và Audinet 2017).
Những thay đổi trên cũng ảnh hưởng đến tương tác với cộng đồng người Nga ở nước ngoài. “Vấn đề Crimea” hoàn toàn gây chia rẽ trong cộng đồng Nga kiều. Một mặt, Bức thư Đoàn kết với Nga trong bi kịch Ukraine, được xuất bản vào tháng 12/2014 của những người Nga di cư nổi tiếng (chủ yếu là những người rời bỏ đất nước sau cuộc cách mạng năm 1917), có thể được coi là một thành công không thể phủ nhận của ngoại giao Nga (RG, 2014). Mặt khác, một bức thư khác từ một nhóm người Nga di cư “thế hệ cũ” đã lên án mạnh mẽ hành động của Nga ở Ukraine (von Gan, 2014), do đó chỉ ra rõ ràng có sự phân cực tối đa của cộng đồng người Nga hải ngoại. Vladimir Yakovlev, người sáng lập Nhà xuất bản Kommersant và tạp chí Snob, sau đó đã viết rằng, tháng 3/2014 đã phá hủy sự đoàn kết của cộng đồng người Nga toàn cầu, gồm những người mang văn hóa Nga, duy trì quan hệ với Nga và sống ở các quốc gia khác nhau trên thế giới, hấp thụ văn hóa ngoài nước Nga và trở thành một phần của bất kỳ cộng đồng nào. Do đó, Yakovlev đề cập đến việc một bộ phận người di cư Nga từ chối chính sách do Điện Kremlin lựa chọn và họ từ chối duy trì tương tác nào với chính sách này trong tương lai (Yakovlev, 2017).
Từ những năm 2000, ý tưởng về thế giới Nga đã được cả Chính phủ Nga và Nhà thờ Chính thống Nga tích cực thúc đẩy. Tuy nhiên, ý tưởng này đã biến đổi đáng kể từ chỗ đơn thuần về văn hóa trở thành một hiện tượng địa chính trị, làm mất đi tiềm năng của một khái niệm trung lập có thể thống nhất mọi người, không phân biệt quốc tịch, quan tâm đến văn hóa Nga và “không thờ ơ với các vấn đề và số phận của nước Nga” (Batanova, 2009, tr.14). Sau khi thuật ngữ này được sử dụng trong các bài hùng biện chính thức giải thích các hành động của Nga ở Crimea vào mùa xuân năm 2014, thế giới Nga bị thu hẹp đáng kể, với việc yếu tố Ukraine đã bị loại ra, và các đồng minh còn lại đã rút ra bài học từ câu chuyện Crimea (Lenta.ru, 2015). Việc chính trị hóa và an ninh hóa ý tưởng này đã khiến ý tưởng hoàn toàn không còn có thể được sử dụng như một công cụ của quyền lực mềm có thể đoàn kết những người theo chủ nghĩa thân Nga bất kể niềm tin chính trị của họ.
Trong thời kỳ “thắt chặt”, Nga tiếp tục sử dụng các công cụ quyền lực mềm khác đã được sử dụng từ giai đoạn đầu. Chúng bao gồm công việc của các trung tâm chuyên gia, việc tuyển sinh sinh viên nước ngoài vào các trường đại học Nga, các dự án văn hóa và hỗ trợ cho việc học tiếng Nga. Chiến lược mới đã thu hẹp tầm ảnh hưởng của những hoạt động nêu trên (ngoại trừ Quỹ Ngoại giao Công chúng Gorchakov tham gia vào cuộc chiến thông tin và chuyên gia).
Tích cực thúc đẩy câu chuyện bảo thủ đã trở thành một hướng đi mới trong chính sách đối ngoại của Nga. Từ năm 2013, Nga bắt đầu thử nghiệm vai trò là một cường quốc bảo thủ và là “thành trì cuối cùng” của các giá trị truyền thống trên thế giới. Phát biểu khai mạc hội nghị Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai vào tháng 9/2013, Putin nói rằng, các nước phương Tây “đã từ bỏ nguồn cội của mình, bao gồm các giá trị Cơ đốc giáo, và họ đang thực hiện các chính sách đánh đồng các gia đình lớn với quan hệ đồng tính, đánh đồng niềm tin vào Chúa với niềm tin vào Satan” trong khi “người dân ở nhiều nước châu Âu xấu hổ hoặc sợ hãi khi nói về niềm tin tôn giáo của họ” (Putin, 2013d). Ông tiếp tục câu chuyện này vào tháng 12 cùng năm trong một Diễn văn trước Quốc hội Liên bang Nga, nêu rõ: “Ngày nay, nhiều quốc gia đang sửa đổi các giá trị đạo đức và chuẩn mực đạo đức của họ, làm xói mòn truyền thống dân tộc và sự khác biệt giữa các dân tộc và nền văn hóa,” dẫn đến “sự hủy diệt từ trên xuống dưới của các giá trị truyền thống”. Ông Putin bày tỏ tin tưởng rằng, nhiều người cùng chí hướng sẽ tham gia với Nga trong cuộc đấu tranh bảo tồn các giá trị truyền thống. Một báo cáo do Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga công bố năm 2016 cho biết, chiến lược quyền lực mềm mới của Nga dựa trên một loạt các giá trị “kế thừa từ quá khứ”, chẳng hạn như “đa nguyên chính trị và văn hóa và quyền tự do lựa chọn thay vì chủ nghĩa phổ quát của phương Tây” (SVOP, 2016, tr. 16).
Việc thực hiện chiến lược mới đòi hỏi các công cụ và kỹ thuật mới, bao gồm hợp tác với các đảng cực hữu ở châu Âu và các tổ chức bảo thủ ở nước ngoài. Những đảng và tổ chức như vậy đã gặp gỡ lãnh đạo Nga, đến Crimea, nhận tài trợ gián tiếp và hỗ trợ thông tin (Quốc hội (Pháp), Lega Nord (Ý), Đảng Dân chủ Thụy Điển, v.v.), và thậm chí tham dự các sự kiện quốc tế lớn (một diễn đàn ở St. Petersburg vào năm 2015). Luật pháp Nga không cho phéo tuyên truyền đồng tính luyến ái trong giới trẻ, như cũng như việc Nga thông qua các sửa đổi Hiến pháp để xác định hôn nhân là sự kết hợp giữa nam và nữ, thể hiện cam kết của Nga đối với các giá trị truyền thống không chỉ đối với người dân trong nước mà còn với toàn thế giới.
Một vấn đề khác là bản chất của chủ nghĩa bảo thủ Nga và vai trò của nó trong xã hội Nga hiện đại. Ngoài góc độ truyền thống (đồng thời là tâm lý kỳ thị đồng tính luyến ái), hàm ý bảo tồn truyền thống, cụ thể là bảo tồn giá trị gia đình, nó thể hiện rõ tư tưởng về tôn chỉ và tầm quan trọng của vị lãnh tụ quốc gia. Nhưng xã hội Nga và giới thượng lưu có chia sẻ những giá trị này không? Mặc dù người Nga có tâm lý bảo thủ truyền thống khá mạnh mẽ (Engel, 2019), nhưng họ không có tâm lý ủng hộ hoàn toàn cho đức tin và các giá trị gia đình. Theo thống kê, chỉ có khoảng 4-8% người Nga thường xuyên đến nhà thờ và tham gia lễ ban phước (Chỉ số Đức tin, 2017), trong khi cứ hai cuộc hôn nhân thì có một cuộc kết thúc bằng ly hôn (Yeryomina, 2017) và sáu (trong số 17) triệu gia đình Nga là gia đình khuyết thiếu (Deryomina, 2017).
Các chuyên gia chỉ ra rằng, chủ nghĩa bảo thủ của Nga có tiềm năng trở thành sức mạnh mềm (Petro, 2015; Robinson 2020). Đồng thời, tại thời điểm hiện tại, học thuyết bảo thủ của Nga để truyền thông ra thế giới chứa đựng nhiều mâu thuẫn và còn nhiều khoảng trống làm e ngại các lực lượng chính trị đồng minh tiềm năng ở nước ngoài: chúng bao gồm sự chống đối của các thể chế dân chủ và một nhà nước mạnh, mối quan hệ giữa an ninh và các hành động độc tài, bản chất thế tục của nhà nước, và cuối cùng, khả năng chấp nhận lẫn nhau của “các giá trị truyền thống” của Cơ đốc giáo và Hồi giáo, nhìn bề ngoài có thể giống nhau, nhưng khi xem xét kỹ hơn thì rất khác nhau. Như Fyodor Lukyanov (2013) đã chỉ ra một cách đúng đắn, hệ tư tưởng bảo thủ nhưng có nhiều ý kiến trái ngược nhau như vậy có thể thu hút một số nhóm nhất định, nhưng “nó thực sự gây chia rẽ từ cực hữu châu Âu đến những người Hồi giáo Trung Đông.”
Một lĩnh vực khác trong hoạt động quyền lực mềm của Điện Kremlin, vốn trở nên đặc biệt quan trọng trong giai đoạn thứ ba, là việc sử dụng cái gọi là doanh nhân địa chính trị cho các mục đích chính sách đối ngoại. Quyền lực mềm của Nga đã tận dụng những khả năng này trong năm 2010-2011 (ví dụ, việc tỷ phú Nga Alexander Lebedev mua lại các tờ báo Evening Standard và The Independent của Anh, và tỷ phú Sergei Pugachev mua lại báo France-Soir của Pháp (Van Herpen, 2016, tr. 108)), nhưng vai trò của những doanh nhân này đã tăng lên đáng kể khi các kênh liên lạc truyền thống kết nối Nga với nước ngoài bị chặn do mối quan hệ của Nga với phương Tây xấu đi và do các lệnh trừng phạt. Những doanh nhân như vậy bao gồm Konstantin Malofeev, Vladimir Yakunin và Yevgeny Prigozhin. Hai người đầu tiên thực hiện các dự án theo chủ nghĩa bảo thủ của Nga (bằng cách tài trợ cho các cuộc họp quốc tế của các đảng cực hữu (Laruelle, 2018) và các diễn đàn bảo thủ quốc tế, chẳng hạn như diễn đàn Đối thoại giữa các nền văn minh đã nhắc tới ở phần trước), trong khi đó, Prigozhin tham gia nhiều hơn vào các dự án chính trị thực dụng (ví dụ như lập ra đội quân dư luận viên -“nhà máy bình luận ảo”, sắp xếp cho các quan sát viên nước ngoài đến làm nhiệm vụ tại các cuộc bầu cử ở châu Phi (Shekhovtsov, 2020); v.v.). Các dự án này là một phần của chiến lược quyền lực mềm mới, khác biệt đáng kể so với chiến lược quyền lực mềm kiểu cũ trong hai giai đoạn đầu và rất khác so với khái niệm ban đầu của Nye.
Vì vậy, đặc điểm nổi bật của giai đoạn thứ ba trong quá trình phát triển quyền lực mềm của Nga không chỉ là việc thắt chặt và chính quyền hóa quyền lực mềm, mà phần lớn phản ánh sự thắt chặt tổng thể trong chính sách đối ngoại của Nga nói chung. Các phương tiện truyền thông quốc tế của Nga đã tích cực tham gia vào cuộc chiến thông tin toàn cầu không gì ngăn cản, trong khi công việc với những người Nga ở nước ngoài đã trở nên chính trị hóa một cách triệt để, dẫn đến sự phân hóa và phân cực rõ rệt hơn trong cộng đồng Nga kiều.
Một đặc điểm mới cơ bản của thời kỳ thứ ba là nội dung tư tưởng mới, trên thực tế, hoàn toàn trái ngược với câu chuyện mà Chính phủ Nga đã truyền đạt thông qua quyền lực mềm trong những năm 2000. Chủ nghĩa bảo thủ được lựa chọn cho mục đích truyền bá quyền lực mềm mang lại tiềm năng trong cuộc đấu tranh toàn cầu hiện tại về ý tưởng, nhưng đồng thời, đây là nguồn gốc gây tranh cãi, cả từ quan điểm của chính xã hội Nga hiện đại và từ quan điểm về bản chất của nó.
Trong gần hai mươi năm tồn tại, chiến lược quyền lực mềm của Nga đã trải qua một chặng đường dài từ trỗi dậy đến thắt chặt. Ngày nay, quyền lực mềm vẫn là một trong những vũ khí của chính sách đối ngoại của Nga, nhưng nó gây ra phản ứng gây tranh cãi kể cả trong giới lãnh đạo Nga và chỉ được nhắc đến ở nước ngoài trong bối cảnh thông tin và các cuộc chiến tranh phức hợp. Chiến lược của Điện Kremlin hiệu quả ra sao? Nga đã đạt được mục tiêu thể hiện “lập trường của Nga trong các vấn đề then chốt của chính trị thế giới” và phản đối tuyên truyền chống Nga, mặc dù kết quả này còn khá khiêm tốn: các công cụ truyền thông phù hợp đã được tạo ra nhưng việc những công cụ truyền thông đó bị mất uy tín đã làm tổn hại đến nhận thức về Nga và vị thế của Nga trong mắt cộng đồng quốc tế.
Đối với mục tiêu kiểm soát không gian hậu Xô Viết và việc bảo vệ chế độ của chính nước Nga khỏi ảnh hưởng từ bên ngoài, các kết quả còn gây tranh cãi vì mỗi năm, càng có nhiều quốc gia SNG muốn hợp tác độc quyền với Nga hơn là một chính sách đa vectơ, và ở chính nước Nga, sự đồng thuận xung quanh sự ổn định đang dần suy yếu trong bối cảnh nhu cầu của công chúng ngày càng thay đổi (Znak.com, 2019).
Việc cải thiện hình ảnh của Nga trên trường quốc tế chưa mang lại kết quả rõ ràng. Trong bảng xếp hạng quyền lực mềm quốc tế, Nga đứng cuối danh sách: vị trí thứ 28 trên tổng số 40 nước năm 2012, không lọt vào bảng xếp hạng năm 2015, vị trí thứ 27 trên tổng số 30 nước năm 2016, vị trí thứ 26 trên tổng số 30 nước năm 2017, thứ 28 trên tổng số 30 nước vào năm 2018, và vị trí chót 30 trên 30 vào năm 2019 (Xếp hạng quyền lực mềm 30 nước, 2019). Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy thái độ đối với Nga trên thế giới khá tiêu cực: Nga được coi là một quốc gia hiếu chiến và khó đoán.
Vì vậy, Nga chưa đạt được một trong những mục tiêu chính mà giới lãnh đạo Nga đặt ra cho chiến lược quyền lực mềm là cải thiện hình ảnh của đất nước và truyền tải thông tin khách quan về những thành công của nước Nga hiện tại. Chúng ta có thể cho rằng, lý do không phải là do Nga đã không còn phát triển chiến lược quyền lực mềm theo cách cũ trong giai đoạn 2012-2014 và chọn chủ nghĩa bảo thủ làm trọng tâm trong câu chuyện chính sách đối ngoại. Trên thực tế, vì một số lý do mà hệ tư tưởng bảo thủ hiện đang vẫn còn được ưa chuộng ở châu Âu và Mỹ, những quốc gia vẫn là “những kẻ bên ngoài là bạn bên trong là thù” của Nga.
Bí mật quan trọng nhất của quyền lực mềm, mà Vadim Kononenko đã viết vào năm 2006, dường như đang lẩn tránh giới lãnh đạo Nga. Bất kể khuynh hướng ý thức hệ - tự do hay bảo thủ có điều kiện - Nga nên xây dựng một mô hình kinh tế - xã hội hấp dẫn, đảm bảo sự hấp dẫn về văn hóa của đất nước và xã hội, tiềm năng khoa học và trí tuệ, và tất nhiên là cả phong cách sống (Kortunov, 2013). Vì vậy, vấn đề chính vẫn không đổi: không phải làm thế nào để xây dựng một hình ảnh hấp dẫn về nước Nga, mà là làm thế nào để làm cho chính nước Nga trở nên hấp dẫn (Kononenko, 2006).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ageeva, V., 2016. Rol’ instrumentov “myagkoi sily” vo vneshnei politike Rossiiskoi Federatsii v kontekste globalizatsii [The Role of Soft Power Instruments in the Foreign Policy of the Russian Federation in the Context of Globalization]. PhD Thesis. St.-Petersburg State University.
Batanova, O., 2009. Russky mir i problemy ego formirovaniya [The Russian World and the Problems of Its Genesis]. PhD thesis synopsis, Russian Academy of Public Service, Moscow.
Borisova, E., 2015. Myagkaya sila—sovremenny instrumentariy vlasti (predislovie sostavitelya) [Soft Power as a Modern Instrument of Power (Editor’s Foreword)]. In: Borisova, E. (ed.). Myagkaya sila. Magkaya vlast’. Mezhdistsdiplinarny analiz [Soft Power. Soft Authority. An Interdisciplinary Analysis]. Moscow: FLINTA, Nauka.
CAPS & IRSEM, 2018. Les manipulations de l’information. Un défi pour nos démocraties Un rapport du Centre d’analyse, de prévision et de stratégie. CAPS, ministère de l’Europe et des Affaires étrangères et de l’Institut de recherche stratégique de l’École militaire [online]. Available at: <www.diplomatie.gouv.fr/IMG/pdf/les_manipulations_de_l_information_2__cle04b2b6.pdf> [Accessed 30 November 2020].
Chakelyan, A., 2015. “I Hate Censorship”. Larry King on His Journey from Prime Time TV to Russia Today. NewStatesman, 30 November [online]. Available at: <www.newstatesman.com/politics/media/2015/11/i-hate-censorship-larry-king-his-journey-prime-time-tv-russia-today> [Accessed 30 November 2020].
Chitty, N., Ji, L., Rawnsley, G., and Hayden, C., 2017. The Routledge Handbook of Soft Power. Routledge.
Dudenkova, I., 2017. Rossiyanki vybirayut rastit’ detei bez muzha [Russian Women Choose Single Parenting]. Rosbalt, 10 February [online]. Available at: <www.rosbalt.ru/moscow/2017/02/10/1591028.html> [Accessed 30 November 2020].
Engel, V., 2019. Chto ob’edinyaet rossiyan [What Unites Russians]. Kommersant, 23 December [online]. Available at: <www.kommersant.ru/doc/4205791> [Accessed 30 November 2020].
Gabuev, A. and Tarasenko, I., 2012. Piarova pobeda [A PR-Hype Victory], Kommersant-Vlast’, 9 April [online]. Available at: <www.kommersant.ru/doc/1907006> [Accessed 30 November 2020].
Grigoryeva, E., 2007. Rossiya profinansiruet evropeiskuyu demokratiyu [Russia to Finance European Democracy]. Izvestia, 29 October [online]. Available at: <archive.is/20120802103251/www.izvestia.ru/politic/article3109784/#selection-811.714-811.890> [Accessed 30 November 2020].
Faith Index, 2017. Indeks very: skol’ko na samom dele v Rossii pravoslavnyh [Faith Index: How Many Russian Orthodox Believers There Are]. Ria Novosti, 28 August [online]. Available at: <ria.ru/20170823/1500891796.html> [Accessed 30 November 2020].
KAPO, 2018. Estonian Internal Security Service Annual Review [online]. Available at: <kapo.ee/en/content/annual-reviews.html> [Accessed 30 November 2020].
Karaganov, S., 2019. A Predictable Future? Russia in Global Affairs, 17(2) (April-June) [online]. Available at: < https://eng.globalaffairs.ru/articles/a-predictable-future/> [Accessed 30 November 2020]. DOI: 10.31278/1810-6374-2019-17-2-60-74
Kononenko, V., 2006. Sozdat’ obraz Rossii? [Creating the Image of Russia?]. Rossiya v global’noi politike, 4(2) [online]. Available at: <globalaffairs.ru/articles/sozdat-obraz-rossii/> [Accessed 30 November 2020].
Konygina, N., 2007. Vremya sobirat’ tserkvi [Time to Gather Churches]. Rossiiskaya gazeta, 18 May [online]. Available at: <rg.ru/2007/05/18/akt.html> [Accessed 30 November 2020].
Kortunov, A., 2013. Myagkaya sila Rossii? Gde i kak ona proyavlyaetsa? [Russia’s Soft Power? Where and How Does It Manifest Itself?]. “Kultura” TV-Channel, 20 May [online]. Available at: <russiancouncil.ru/news/myagkaya-sila-rossii-gde-i-kak-ona-proyavlyaetsya-diskussiya/?sphrase_id=1820142> [Accessed 30 November 2020].
Kosachev, K., 2012. The Specifics of Russian Soft Power. Russia in Global Affairs, 10(3) (July–September) [online]. Available at: <eng.globalaffairs.ru/issues/2012/3/> [Accessed 30 November 2020].
Kosachev, K., 2013. Myagkaya sila i zhostkaya sila: ne summa, no proizvedenie [Soft Power and Hard Power: Not a Sum, But a Product]. Indeks bezopasnosti, 107(4) [online]. Available at: <www.pircenter.org/media/content/files/12/13880428660.pdf> [Accessed 30 November 2020].
Kramer, R., 2017. Russian TV Crew Tries to Bribe Swedish Youngsters to Riot on Camera. Foreign Policy, 17 March [online]. Available at: <foreignpolicy.com/2017/03/07/russian-tv-crew-tries-to-bribe-swedish-youngsters-to-riot-on-camera-stockholm-rinkeby-russia-disinformation-media-immigration-migration-sweden/> [Accessed 30 November 2020].
Laruelle, M., 2018. Le “soft power” russe en France: La para-diplomatie culturelle et d’affaires. Carnegie Council, 8 January [online]. Available at: <www.carnegiecouncil.org/publications/articles_papers_reports/russian-soft-power-in-france/_res/id=Attachments/index=0/Le%20soft%20power%20Russe%20en%20France_2.pdf> [Accessed 30 November 2020].
Limonier, K. and Audinet, M., 2017. La stratégie d’influence informationnelle et numérique de la Russie en Europe. Hérodote, 164(1), pp.123-144.
Lenta.ru, 2015. My vytolknuli Ukrainu iz Russkogo mira [We Have Ousted Ukraine from the Russian World]. Lenta.ru, 17 May [online]. Available at: <lenta.ru/articles/2015/03/17/crimea/> [Accessed 30 November 2020].
Loukianov., F., 2013. Les paradoxes du soft power russe. Revue internationale et stratégique, 4(92), pp.147-156.
Lukyanov F., 2016. Ne samaya obayatel’naya i privlekatel’naya [Not the ‘Princess Charming’]. Gazeta.ru, 6 June [online]. Available at: <www.gazeta.ru/comments/column/lukyanov/8310815.shtml> [Accessed 30 November 2020].
Makur, J., 2014. Amid the Triumphs, an Argument for Tolerance. The New York Times, 23 February [online]. Available at: <www.nytimes.com/2014/02/24/sports/olympics/olympic-closing-ceremony-proves-russia-a-worthy-host.html?_r=0> [Accessed 30 November 2020].
MFA, 2013. Concept of the Foreign Policy of the Russian Federation. Ministry of Foreign Affairs of the Russian Federation, 12 February [online]. Available at: <www.mid.ru/web/guest/foreign_policy/official_documents/-/asset_publisher/CptICkB6BZ29/content/id/122186?p_p_id=101_INSTANCE_CptICkB6BZ29&_101_INSTANCE_CptICkB6BZ29_languageId=en_GB> [Accessed 14 September 2020].
MFA, 2016. Foreign Policy Concept of the Russian Federation. Ministry of Foreign Affairs of the Russian Federation [online]. Available at: <www.mid.ru/foreign_policy/official_documents/-/asset_publisher/CptICkB6BZ29/content/id/2542248?p_p_id=101_INSTANCE_CptICkB6BZ29&_101_INSTANCE_CptICkB6BZ29_languageId=en_GB> [Accessed 30 November 2020].
Nikonov, V., 2007. Stenographichesky otchet o vstreche s chlenami Soveta Obstchestvennoi palaty Rossii [Transcript of the Meeting with the Members of the Council of the Russian Public Council]. Kremlin.ru, 16 May [online]. Available at: <kremlin.ru/events/president/transcripts/24263> [Accessed 30 November 2020].
Nye, J. (Jr.), 2001. The Future of Power. New York: Public Affairs.
Nye, J. (Jr.), 2013. What China and Russia Don’t Get About Soft Power. Foreign Policy, 29 April [online]. Available at: <foreignpolicy.com/2013/04/29/what-china-and-russia-dont-get-about-soft-power/> [Accessed 30 November 2020].
Nye, J. Jr., 2018. How Sharp Power Threatens Soft Power. Foreign Affairs, 24 January [online]. Available at: <www.foreignaffairs.com/articles/china/2018-01-24/how-sharp-power-threatens-soft-power> [Accessed 30 November 2020].
Petro, N., 2015. Russia’s Orthodox Soft Power. Carnegie Council, 23 March [online]. Available at: <www.carnegiecouncil.org/en_US/publications/articles_papers_reports/727/_view/lang=en_US> [Accessed 30 November 2020].
Poloskova, T., 2020. Primakov—posledniy shans Rossotrudnichestva i “myagkoi sily” Rossii [Primakov as the Last Chance of Rossotrudnichestvo and Russia’s “Soft Power”]. Realist, 15 July [online]. Available at: <realtribune.ru/news/news/4653> [Accessed 30 November 2020].
Porubova, K. and Anufrieva, K., 2020. “Mir pogruzilsia v gibridnuyu voinu” [“The World Is Bogged Down in the Hybrid War.” Interview with Margarita Simonyan]. Radio “Komsomolskaya Pravda”, 30 July [online]. Available at: <www.kp.ru/online/news/3961362/> [Accessed 30 November 2020].
Putin, V., 2013a. Meeting of the Federal Security Service Board. Kremlin.ru, 14 February [online]. Available at: <en.kremlin.ru/events/president/news/17516> [Accessed 30 November 2020].
Putin, V., 2013b. Security Council Meeting. Kremlin.ru, 5 July [online]. Available at: <en.kremlin.ru/events/president/news/18529> [Accessed 30 November 2020].
Putin, V., 2013c. Torzhestvenny vecher, posvyashchyonny Dnyu rabotnika organov bezopasnosti [Gala Evening Party to Mark Security Agency Worker’s Day]. Kremlin.ru, 20 December [online]. Available at: <kremlin.ru/events/president/news/19872> [Accessed 30 November 2020].
Putin, V., 2013d. Address to the Valdai International Discussion Club, Kremlin.ru, 19 September [online]. Available at: <en.kremlin.ru/events/president/news/19243> [Accessed 30 November 2020].
Putin, V., 2013e. Presidential Address to the Federal Assembly. Kremlin.ru, 12 December [online]. Available at: <en.kremlin.ru/events/president/news/19825> [Accessed 30 November 2020].
Putin, V., 2014. Address to of the Valdai International Discussion Club. Kremlin.ru, 24 October [online]. Available at: <en.kremlin.ru/events/president/news/46860> [Accessed 30 November 2020].
RG, 2014. Parizh, Sevastopol’sky bul’var [Paris, Sevastopol Boulevard]. Rossiiskaya gazeta, 25 December [online]. Available at: <rg.ru/2014/12/25/pismo.html> [Accessed 30 November 2020].
Robinson, P., 2020. Russia’s Emergence as an International Conservative Power. Russia in Global Affairs, 18(1) (January-March), pp.10-37. Available at: <eng.globalaffairs.ru/articles/russias-conservative-power/> [Accessed 30 November 2020].
Rutenberg, J., 2017. RT, Sputnik and Russia’s New Theory of War. The New York Times, 13 September [online]. Available at: <www.nytimes.com/2017/09/13/magazine/rt-sputnik-and-russias-new-theory-of-war.html> [Accessed 30 November 2020].
Senyavsky, A.S. and Senyavskaya, E.S, 2009. Vtoraya mirovaya voina i istoricheskaya pamjat’: obraz proshlogo v kontekste sovremennoi geopolitiki [World War II and Historical Memory: The Image of the Past in the Context of Modern Geopolitics]. Vestnik MGIMO. Special Issue, pp.299-310.
Shekhovtsov, A., 2020. Fake Election Observation as Russia’s Tool of Election Interference: The Case of Africa. EPDE Publication, 10 April [online]. Available at: <www.epde.org/en/news/details/fake-election-observation-as-russias-tool-of-election-interference-the-case-of-afric-2599.html> [Accessed 30 November 2020].
SVOP, 2016. Strategiya dlya Rossii. Rossiiskaya vneshnyaya politika: konets 2010-h – nachalo 2020-h [Strategy for Russia. Russia’s Foreign Policy: Late 2010s – Early 2020s]. Theses of the Council on Foreign and Defense Policy Working Group [online]. Available at: <svop.ru/wp-content/uploads/2016/05/тезисы_23мая_sm.pdf> [Accessed 30 November 2020].
The Insider, 2017. Kak vryot telekanal Russia Today [How Russia Today Lies]. The Insider, 31 May [online]. Available at: <theins.ru/antifake/58435> [Accessed 30 November 2020].
The Soft Power 30 Report, 2019. The Soft Power 30. A Global Ranking of Soft Power. Portland. Available at: <softpower30.com/wp-content/uploads/2019/10/The-Soft-Power-30-Report-2019-1.pdf> [Accessed 30 November 2020].
Tsygankov, A., 2013. Vsesil’no ibo verno? [Omnipotent Because True?] Rossiya v global’noi politike, 11(November/December) [online]. Available at: <globalaffairs.ru/articles/vsesilno-ibo-verno/> [Accessed 30 November 2020].
Van Herpen, M., 2016. Putin’s Propaganda Machine. Soft Power and Russian Foreign Policy. Rowman & Littlefield.
Van Herpen, М., 2019. The Political Role of the Russian Orthodox Church. The National Interest, 19 November [online]. Available at: <nationalinterest.org/feature/political-role-russian-orthodox-church-97647> [Accessed 30.11.2020].
von Gan, A., 2014. Al’ternativnoye pis’mo potomkov belyh emigrantov [Alternative Letter from the Descendants of White Emigrants]. Beloye Delo, 28 December [online]. Available at: <beloedelo.com/actual/actual/?327> [Accessed 30 November 2020].
Yablokov, I., 2015. Conspiracy Theories as a Russian Public Diplomacy Tool: The Case of Russia Today (RT). Politics, 35(3), pp.301-315.
Yakovlev, V., 2017. Upotreblyat’ termin ‘Global Russians’ segodnya v printsype nepristoino [It’s Essentially Indecent Nowadays to Use the Term ‘Global Russians’]. Zima Magazine, 3 July [online]. Available at: <zimamagazine.com/2017/07/vladimir-yakovlev-upotreblyat-termin-global-russians-segodnya-v-printsipe-nepristojno/> [Accessed 30 November 2020].
Yeryomina, N., 2017. Rossiyane brosayut sem’i [Russians Leave Families], Gazeta.ru, 13 August [online]. Available at: <www.gazeta.ru/business/2017/08/10/10826804.shtml> [Accessed 30 November 2020].
Zavadski, K., 2015. Putin’s Propaganda TV Lies About Its Popularity. The Daily Beast, 17 September [online]. Available at: <www.thedailybeast.com/putins-propaganda-tv-lies-about-its-popularity> [Accessed 30 November 2020].
Znak.com, 2019. Proiskhodit revolyutsiya v massovom soznanii rossiyan [There Is a Revolution in Russians’ Mass Consciousness]. Znak.com, 20 May [online]. Available at: <www.znak.com/2019-05-20/proishodit_revolyuciya_v_massovom_soznanii_rossiyan_intervyu_s_sociologom> [Accessed 30 November 2020].
Zygar, M., 2016. All the Kremlin’s Men: Inside the Court of Vladimir Putin. PublicAffairs.
Tác giả: Vera D. Ageeva, Phó Trưởng khoa Khoa học chính trị và Quan hệ quốc tế, Trường Kinh tế, St. Petersburg, Nga; E-mail: vageeva@hse.ru
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: https://eng.globalaffairs.ru/articles/rise-fall-russias-soft-power/
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục