Bài nói tại Hội Những người Ấn nghiên cứu các vấn đề quốc tế
"Bài nói tại Hội Những người Ấn nghiên cứu các vấn đề quốc tế" được đăng trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9 (1958-1959), NXB Chính trị quốc gia, 2000
Thưa các vị,
Nhân dịp đi thăm nước Ấn Độ tươi đẹp, hôm nay chúng tôi rất sung sướng được gặp các vị. Chúng tôi xin nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn các vị đón tiếp chúng tôi một cách thân mật. Tôi xin tóm tắt trình bày về tình hình nước Việt Nam chúng tôi như sau:
Nước Việt Nam thành lập đã hơn 2 nghìn năm. Việt Nam là một dân tộc có chung một lịch sử, một thứ tiếng, một nền kinh tế và văn hoá. Dân tộc Việt Nam đã cùng nhau đoàn kết nhất trí trong lao động xây dựng và trong chiến đấu chống ngoại xâm.
Nước Việt Nam là một khối thống nhất.
Từ khi thực dân Pháp đặt ách nô lệ lên đất nước Việt Nam, họ chia cắt đất nước chúng tôi làm 3 xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, mỗi xứ theo một quy chế chính trị riêng nhưng chung quy vẫn là chế độ áp bức bóc lột thuộc địa. Với phương châm cổ truyền "chia để trị", họ hy vọng tiêu diệt tinh thần đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Nhưng nhân dân Việt Nam đã không ngừng đấu tranh chống thực dân Pháp trong gần một thế kỷ. Từ những cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp lúc đầu tới cuộc kháng chiến trong 8,9 năm vừa qua, mặc dầu thực dân Pháp đã dùng mọi chính sách khủng bố đàn áp hết sức tàn khốc, nhưng cuối cùng nhân dân Việt Nam đã làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà độc lập và thống nhất.
Ngay từ khi mới thành lập, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã tuyên bố:
"Đối với tất cả các nước trên thế giới, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thiết tha mong muốn duy trì tình hữu nghị và thành thật hợp tác trên cơ sở bình đẳng và tương trợ để xây dựng hoà bình thế giới lâu dài".
Chúng tôi muốn hoà bình để xây dựng đất nước. Nhưng thực dân Pháp đã cố tình gây lại chiến tranh, hòng cướp nước Việt Nam một lần nữa. Sau khi trở lại Nam Bộ lần thứ hai, họ đã tách Nam Bộ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, lập thành cái mà họ gọi là nước "Nam Kỳ tự trị". Nhưng nhân dân toàn quốc đã cùng với nhân dân Nam Bộ kiên quyết kháng chiến. Trải qua chín năm kháng chiến gian khổ, chúng tôi đã giành được thắng lợi. Hiệp định Giơnevơ đã đem lại hoà bình ở Việt Nam, trên cơ sở công nhận nước Việt Nam có chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam một lần nữa chứng tỏ rằng không một lực lượng xâm lược nào có thể đánh bại được cuộc đấu tranh của một dân tộc yêu nước, kiên quyết đứng lên để bảo vệ chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Để giữ gìn hoà bình ở Đông Dương, Hiệp định Giơnevơ đã quy định những nguyên tắc và biện pháp cụ thể để thực hiện thống nhất nước Việt Nam vào tháng 7 năm 1956.
Nhưng đến nay, do sự can thiệp của nước ngoài ở miền Nam Việt Nam, cuộc hội nghị hiệp thương giữa các nhà đương cục ở hai miền để chuẩn bị tổng tuyển cử tự do nhằm thống nhất đất nước chưa được thực hiện. Đó là một việc trái ngược với nguyện vọng thiết tha của toàn dân Việt Nam.
Từ năm 1955 tới nay, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã có nhiều đề nghị cụ thể với các nhà đương cục miền Nam mở hội nghị hiệp thương để bàn về tổng tuyển cử tự do theo Hiệp định Giơnevơ đã quy định. Nhưng đến nay, chính quyền miền Nam vẫn chưa trả lời.
Có người cho rằng trở lực chủ yếu cho sự thống nhất là vì hai miền có chế độ khác nhau, hoặc vì miền này có thể thôn tính miền kia. Theo ý chúng tôi, vấn đề căn bản ở đây không phải là sự khác nhau về chế độ, vấn đề căn bản là phải để cho nhân dân cái quyền được hoàn toàn tự do lựa chọn chế độ này hoặc chế độ khác. Chúng tôi luôn luôn chủ trương các nhà cầm quyền ở hai miền cùng nhau bàn bạc để thống nhất đất nước trên nguyên tắc đặt lợi ích tối cao của Tổ quốc lên trên hết và hợp với nguyện vọng của toàn dân.
Trong việc thực hiện thống nhất nước Việt Nam bằng phương pháp hoà bình, trở lực chủ yếu là do âm mưu của bọn đế quốc và tay sai. Âm mưu đó nhằm chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam thành căn cứ quân sự của "chính sách thực lực". Vì âm mưu đó mà việc thống nhất nước Việt Nam bị cản trở, hoà bình ở Đông Dương và Đông - Nam Á bị đe doạ.
Hiện nay việc thống nhất đất nước là một yêu cầu thiết tha nhất của toàn Việt Nam.
Để thống nhất nước Việt Nam bằng phương pháp hoà bình, mọi biện pháp thực tế đều phải xuất phát từ nguyện vọng hoà bình, thống nhất, độc lập và dân chủ của toàn dân; phải phù hợp với Hiệp định Giơnevơ, đồng thời chiếu cố đến sự tồn tại của hai chế độ khác nhau ở hai miền. Đó là chủ trương của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Các nhà đương cục hai miền cần hiệp thương để chuẩn bị tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc. Cuộc tổng tuyển cử tự do ấy phải tiến hành trong toàn quốc theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bí mật, dưới sự kiểm soát và giám sát của Ủy ban Quốc tế gồm Ấn Độ, Ba Lan, Canađa.
Qua tổng tuyển cử tự do, nhân dân hai miền Bắc Nam sẽ bầu ra một Quốc hội duy nhất. Quốc hội ấy sẽ cử ra Chính phủ liên hiệp trung ương.
Tình hình khác nhau giữa hai miền cần được chiếu cố. Ví dụ như khi đất nước mới thống nhất, ở hai miền có thể thành lập những Hội đồng dân cử và cơ quan hành chính có quyền rộng rãi của mỗi miền, như trải qua thương lượng mà dần dần đi đến thống nhất quân đội hai miền, v.v..
Trong khi chưa thống nhất, các đảng phái và đoàn thể nhân dân yêu nước tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, phải có địa vị hợp pháp; phải lập quan hệ bình thường về kinh tế, văn hoá, xã hội và tôn trọng quyền tự do đi lại giữa hai miền. Trên cơ sở ấy, chúng tôi sẵn sàng đoàn kết với tất cả mọi người yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị, tín ngưỡng và tôn giáo, thành phần xã hội, v.v.. Những đề nghị hợp tình hợp lý ấy càng ngày càng được sự đồng tình và hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân rộng rãi từ Bắc chí Nam và sự ủng hộ của các lực lượng hoà bình dân chủ trên thế giới.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và toàn dân Việt Nam hoan nghênh mọi ý kiến, mọi cố gắng nhằm giúp cho nước Việt Nam mau thống nhất bằng phương pháp hoà bình như Hiệp định Giơnevơ đã quy định.
Về quan hệ quốc tế, chúng tôi luôn luôn trung thành với chính sách hoà bình và hợp tác giữa các nước trên cơ sở năm nguyên tắc chung sống hoà bình. Trong nước, chúng tôi ra sức duy trì và củng cố hoà bình, vì chúng tôi cần có hoà bình để xây dựng kinh tế và phát triển văn hoá, dần dần cải thiện đời sống nhân dân.
Trong 3 năm qua, chúng tôi đã giảm ngân sách quốc phòng, giảm 8 vạn binh sĩ. Chúng tôi dồn lực lượng vào việc khôi phục kinh tế, củng cố miền Bắc. Chúng tôi đã đạt được những kết quả tốt.
Về sản xuất lúa, miền Bắc hiện nay đã vượt mức trước chiến tranh, chúng tôi đã khôi phục hầu hết các xí nghiệp cũ bị chiến tranh tàn phá và xây dựng một số xí nghiệp mới. Công việc xoá nạn mù chữ đã gần xong. Hiện nay, số sinh viên đại học đã tăng lên gấp 6 lần và số học sinh trung học lên gấp 14 lần, số học sinh tiểu học gấp 4 lần so với thời Pháp thuộc. Các trường đại học đều dạy bằng tiếng Việt. Điều ấy chứng minh rằng khi một dân tộc được tự do độc lập thì có thể phát huy hết tài năng để nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của mình.
Thưa các vị,
Nguyện vọng tha thiết và ý chí sắt đá của toàn dân Việt Nam là thực hiện thống nhất đất nước bằng phương pháp hoà bình. Đấu tranh cho thống nhất là con đường sống của nhân dân Việt Nam. Cuộc đấu tranh đó phù hợp với quyền dân tộc tự quyết của Hiến chương Liên hợp quốc, với Panch Sheela, với chính nghĩa. Nó nhất định sẽ thắng lợi là nhờ truyền thống đại đoàn kết và tinh thần bất khuất của nhân dân Việt Nam, nhờ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân các nước.
Nhờ đại đoàn kết mà trong bao nhiêu thế kỷ, nhân dân Việt Nam đã bảo vệ được độc lập tự do của mình. Nhờ đại đoàn kết mà nhân dân Việt Nam đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân, làm Cách mạng Tháng Tám thành công và đã kháng chiến đến thắng lợi. Nhờ đại đoàn kết toàn dân mà nước Việt Nam chúng tôi nhất định sẽ thống nhất.
Trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, nhân dân Việt Nam được sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới, nhất là của nhân dân Ấn Độ. Đồng bào chúng tôi biết ơn nhân dân Ấn Độ đã đồng tình và ủng hộ chúng tôi trong thời gian kháng chiến cũng như từ ngày hoà bình lập lại. Việc Chính phủ Ấn Độ làm Chủ tịch Uỷ ban Quốc tế giám sát và kiểm soát, càng góp phần quan trọng vào việc thi hành Hiệp định Giơnevơ ở Việt Nam, càng làm cho mối tình Việt - Ấn thêm khăng khít.
Hiện nay, trên thế giới lực lượng hoà bình ngày càng phát triển. Càng ngày càng nhiều người đòi giảm quân bị, đòi đình chỉ việc thử vũ khí nguyên tử và khinh khí, phản đối các khối quân sự Bắc Đại Tây Dương16, Bátđa và Đông - Nam Á, đòi những người cầm đầu các nước mở hội nghị để làm dịu tình hình căng thẳng trên thế giới. Năm nguyên tắc chung sống hoà bình do Ấn Độ và Trung Quốc đề xướng càng ngày càng được nhiều nước tán thành và hưởng ứng. Tinh thần của Hội nghị đoàn kết châu Á ở Niu Đêli, tinh thần của Hội nghị Băngđung mới đây lại được biểu hiện một cách rực rỡ ở Đại hội Lơ Ke đã không ngừng gắn bó nhân dân các nước Á - Phi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, bảo vệ độc lập dân tộc, hòa bình và an ninh. Tình hình mới đã làm cho chủ nghĩa thực dân càng thêm suy yếu và cô lập. Nhưng chủ nghĩa thực dân không chịu bỏ âm mưu thâm độc của chúng, cuộc đấu tranh của chúng tôi để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất còn gặp nhiều khó khăn. Nhân dân Việt Nam chúng tôi còn phải cố gắng nhiều. Nhưng chúng tôi càng ngày càng tin tưởng ở sức mạnh đại đoàn kết của mình, của chính nghĩa và của sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới. Chúng tôi tin chắc rằng nước Việt Nam nhất định sẽ hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Tôi thành tâm chúc tình hữu nghị Việt - Ấn ngày càng củng cố và phát triển.
Nói ngày 7-2-1958.
Sách Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1960, t.V, tr. 40-45.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục