Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bài phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Bảo tàng tưởng niệm Nehru (Phần 1)

Bài phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Bảo tàng tưởng niệm Nehru (Phần 1)

TXVN trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại buổi gặp gỡ và nói chuyện trước khoảng 300 chính khách, giáo sư, nhà nghiên cứu, học giả và các sinh viên Ấn Độ.

01:31 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

VIỆT NAM - ẤN ĐỘ: TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN
VÌ LỢI ÍCH CỦA NHÂN DÂN HAI NƯỚC, VÌ HÒA BÌNH, HỢP TÁC VÀ THỊNH VƯỢNG Ở KHU VỰC VÀ TRÊN THẾ GIỚI 

Thưa toàn thể Quý vị 

Hôm nay, tôi rất vui mừng đến thăm, gặp gỡ và trao đổi với các chính khách, giáo sư, nhà nghiên cứu, học giả và các bạn sinh viên tại Bảo tàng tưởng niệm Nehru, nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử về cuộc đời và hoạt động của Jawaharlal Nehru, nhà lãnh đạo kiệt xuất, người suốt đời phấn đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Ấn Độ, vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới - Người bạn lớn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.

Trước hết, tôi chân thành cảm ơn Quỹ Ấn Độ (Indian Foundation) và Quý vị đã tổ chức cuộc gặp đầy ý nghĩa này.

Sự hiện diện của đông đảo Quý vị thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ cũng như mong muốn cùng chung sức, đồng lòng vì một châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Thưa Quý vị và các bạn,

Trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, thế giới của chúng ta trải qua những biến chuyển nhanh chóng, sâu sắc và toàn diện. Một trong những chuyển dịch mạnh mẽ nhất, khơi dậy nhiều cảm hứng nhất chính là sự trỗi dậy của châu Á.

100 năm trước đây, đa phần châu lục này, trong đó có Ấn Độ và Việt Nam, còn đắm chìm trong những đêm dài thuộc địa, chiến tranh và lạc hậu.

Ít ai đã có thể hình dung được 100 năm sau, châu Á sẽ vươn lên mạnh mẽ, trở thành trung tâm chiến lược cả về chính trị, kinh tế, văn hóa của thế giới. Hầu hết các dự báo về thế giới ngày nay đều thống nhất một điểm: Thế kỷ này sẽ là thế kỷ của châu Á.

Chỉ trong vài thập niên, thế giới đã liên tục chứng kiến những kỳ tích mà Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN... đã lập nên. Điều trùng hợp lý thú là trung tâm của các kỳ tích đó đều nằm ở khu vực Ấn Độ Dương và châu Á - Thái Bình Dương.

Cùng với sự phát triển của toàn cầu hóa, khu vực hóa, xu thế liên kết, hội nhập và tác động của cách mạng khoa học - công nghệ, thời gian qua, tại khu vực này đã xuất hiện hàng loạt các ý tưởng, sáng kiến, chiến lược hợp tác dài hạn mang tầm liên khu vực và toàn cầu.

Đó là: Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực của ASEAN và 6 nước đối tác; chính sách “Hành động Phía Đông” của Ấn Độ; sáng kiến liên kết “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc; chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Nhật Bản; tầm nhìn “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Hoa Kỳ và gần đây nhất là sự hình thành của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương với sự tham gia của 11 nền kinh tế ở hai bờ Thái Bình Dương…

Tất cả các nhân tố trên đang gia tăng vị thế và sức hấp dẫn của khu vực chúng ta lên một tầm mức mới, chưa từng có trong lịch sử.

Nếu những ý tưởng, sáng kiến và chiến lược nêu trên trở thành hiện thực như tuyên bố của những người sáng lập, chúng ta sẽ chứng kiến sự hình thành một không gian an ninh và phát triển mới: không gian Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương.

Và sự kết nối ngày càng chặt chẽ hơn cả về kinh tế, chính trị, văn hóa giữa châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương sẽ tạo dựng một động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy xu hướng đưa thế kỷ của châu Á trở thành thế kỷ của Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương.

Khi đó, cả Ấn Độ và Việt Nam sẽ đều là thành viên của một cộng đồng rộng lớn với 60% diện tích địa cầu, hơn 50% dân số thế giới, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP, thương mại, đầu tư và năng lực sáng tạo toàn cầu.

ASEAN và Ấn Độ sẽ trở thành trung tâm kết nối, giữ vai trò trọng yếu đối với tương lai phát triển của khu vực.

Thưa Quý vị và các bạn,

Những thành tựu đã đạt được trong những thập niên qua ở Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương là nền tảng vững chắc để củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các nước trong và ngoài khu vực, giúp chúng ta cống hiến ngày càng nhiều cho nhân loại.

Tuy nhiên, khu vực này cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức đan xen. Bên cạnh việc là nơi tập trung nhiều sáng kiến liên kết, hợp tác, Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương cũng là trọng điểm cạnh tranh quyền lực và ảnh hưởng gay gắt giữa các nước lớn.

Nhiều “điểm nóng” trong khu vực, xung đột vũ trang, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, tranh chấp tài nguyên, khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… tiếp tục diễn ra với quy mô, tần suất, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Mâu thuẫn giữa hợp tác và cạnh tranh; giữa ôn hòa và cực đoan; giữa mở cửa và biệt lập; giữa tự do và bảo hộ; giữa phát triển và tụt hậu; giữa độc lập và lệ thuộc; giữa đoàn kết và chia rẽ vẫn còn gay gắt.

Khát vọng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương vẫn chưa trở thành hiện thực.

Thế kỷ này có trở thành thế kỷ của Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương hay không? Khu vực này có thật sự trở thành tâm điểm kết nối các nguồn lực, hài hòa các lợi ích để tiếp tục phát triển năng động, bền vững hơn nữa hay không?

Khát vọng đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi tất cả các nước đều chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực mở, dựa trên luật pháp quốc tế, cùng chia sẻ lợi ích trong việc duy trì hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng bao trùm, trong đó, không một quốc gia nào, không một dân tộc nào, không một nhóm dân cư nào bị bỏ lại phía sau.

Khát vọng đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi tất cả các nước cùng nỗ lực bảo vệ sự tự do, thông suốt của các tuyến đường hàng hải, hàng không, thương mại, không để Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương bị chia cắt thành các khu vực ảnh hưởng, bị thao túng bởi chính trị cường quyền, bị ngăn cản bởi chủ nghĩa bảo hộ hay bị chia rẽ bởi chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp hòi.

Khát vọng đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi các nước kề vai, sát cánh xây dựng một không gian sinh tồn và phát triển chung với niềm tin Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương đủ lớn để tất cả các nước cùng phát triển thịnh vượng.

Khát vọng đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi các nước nỗ lực hình thành các cơ chế hữu hiệu để duy trì hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật, bảo đảm an ninh chung, ngăn ngừa xung đột và chiến tranh, ứng phó có hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Thưa Quý vị và các bạn, 

Anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi từng nói: “Bạn phải chính là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trong thế giới này”. Đúng vậy, việc hiện thực hóa khát vọng trên phụ thuộc rất nhiều vào năng lực và ý chí cùng quyết tâm hợp tác của các nước trong khu vực, trong đó có Ấn Độ, Việt Nam và ASEAN.

Về địa lý, Ấn Độ và ASEAN nằm ở trung tâm của không gian Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương. Về lịch sử, trong suốt hơn 20 thế kỷ qua, các dân tộc Ấn Độ và Đông Nam Á đã đến với nhau vì các giá trị hòa bình, nhân văn và bác ái.

Ngày nay, một Ấn Độ phát triển nhanh, bền vững, đóng góp ngày càng lớn cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực; một ASEAN tự cường, đoàn kết, thống nhất, liên kết chặt chẽ và mở rộng hợp tác, có vai trò ngày càng cao ở khu vực sẽ là những nhân tố có ý nghĩa rất quan trọng đối với hòa bình, hợp tác và phát triển của cả khu vực.

Đó chính là lợi ích và tầm nhìn chiến lược chung phù hợp với con đường phát triển, phù hợp với vai trò và vị thế ngày càng cao của Ấn Độ và ASEAN trên trường quốc tế.

Vì lẽ đó, ASEAN có niềm tin và kỳ vọng về sự phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ trong tương lai. Đó là sự vươn lên không ngừng của một cường quốc có ý thức sâu sắc về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình với cộng đồng quốc tế.

Ấn Độ sẽ trở thành một cực tăng trưởng mới, một động lực quan trọng của hòa bình, thịnh vượng, liên kết và hội nhập của Ấn Độ Dương - châu Á -Thái Bình Dương cũng như của cả thế giới.

Chúng tôi cảm ơn và đánh giá cao phát biểu của Ngài Thủ tướng Narendra Modi tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ, tháng 11/2017: Chính sách “Hành động Phía Đông” của Ấn Độ “được xây dựng xoay quanh ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Với chính sách đó, Ấn Độ đang nỗ lực kết nối thực chất, hội nhập sâu hơn về kinh tế, chính trị và tăng cường giao lưu nhân dân với các nước ASEAN.

Rõ ràng, chỉ có thể dựa trên sự kết nối ngày càng chặt chẽ về hạ tầng, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ…, Ấn Độ và ASEAN mới có thể tăng thêm sức mạnh, cùng phát huy vai trò, vị thế, góp phần tạo dựng một không gian phát triển chung cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển và ứng phó hiệu quả hơn với các biến động và thách thức từ bên ngoài.

25 năm quan hệ ASEAN - Ấn Độ vừa qua đã chứng tỏ điều này. 25 năm tới đây, với những thời cơ và thách thức mới, tăng cường kết nối ASEAN - Ấn Độ sẽ vừa là đòi hỏi khách quan vừa là sự lựa chọn chiến lược của tất cả các bên. (Xem tiếp phần 2)

Nguồn: http://bnews.vn/bai-phat-bieu-cua-chu-tich-nuoc-tran-dai-quang-tai-bao-tang-tuong-niem-nehru/77772.html

Nguồn:

Cùng chuyên mục