Bàn về vị trí và ảnh hưởng của “Chính sách Hướng đông” trong chiến lược cường quốc của Ấn Độ (Phần 1)
Từ khi độc lập cho đến nay, Ấn Độ coi việc thực hiện lý tưởng cường quốc là mục tiêu chính của chính sách ngoại giao nước này. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, dựa trên sự thay đổi của tình hình trong nước và quốc tế, Ấn Độ đã thực hiện cải cách kinh tế và điều chỉnh chính sách ngoại giao. Trong chính sách ngoại giao đa phương toàn diện đó,“Chính sách hướng Đông” với trọng tâm hướng về khu vực Đông Nam Á đã đạt được sự tiến triển to lớn. “Chính sách hướng Đông” nhằm phục vụ cho chiến lược cường quốc của Ấn Độ sẽ giúp cho sức ảnh hưởng của Ấn Độ mở rộng đến khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, từ đó thực hiện mơ ước từ cường quốc châu Á trở thành cường quốc thế giới.
TS. Dư Phương Quỳnh**
Tư tưởng cường quốc của Ấn Độ có lịch sử từ lâu đời. Trong các thư tịch cổ Ấn Độ, những danh xưng như vương, đại vương hay độc vương thường hay được sử dụng để thể hiện ý thức cường quốc từ thuở ban đầu. Nền văn hóa truyền thống huy hoàng đã khiến cho chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ cận hiện đại sản sinh nên sự tự tin vô cùng lớn, thôi thúc chủ nghĩa dân tộc một cách mạnh mẽ, và tăng cường ý thức cường quốc. Ngoài ra, hoàn cảnh địa lý độc đáo đã nuôi dưỡng nên lý tưởng cường quốc của Ấn Độ, hơn nữa di sản của sự thống trị bởi thực dân Anh chính là căn cứ để giới tinh anh chính trị Ấn Độ đưa ra lý tưởng trở thành cường quốc thế giới. Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á phá tan xiềng xích thực dân, giành được độc lập sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Thủ tướng J. Nehru đã hùng hồn tuyên bố xây dựng Ấn Độ trở thành một cường quốc thế giới “sống động, đặc sắc”. Nhưng vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, do chịu sự canh tranh giữa Mỹ và Liên Xô, nên hoài bão cường quốc của Ấn Độ khó lòng được thực thi, vì thế sức ảnh hưởng của Ấn Độ chỉ hạn chế trong khu vực Nam Á. Sự kết thúc Chiến tranh Lạnh vào năm 1991 không những là sự thách thức, mà còn là cơ hội của Ấn Độ. Căn cứ vào sự biến đổi của tình hình thế giới, Ấn Độ đã thực hiện cải cách kinh tế, điều chỉnh chính sách ngoại giao, ra sức phá vỡ hàng rào khu vực Nam Á, từ đó hình thành nên “chính sách hướng Đông”. Ấn Độ hy vọng thông qua chính sách này để phát triển và tăng cường mối quan hệ với khu vực Đông Nam Á, thông qua khu vực Đông Nam Á để vươn ra khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ đó trở thành cường quốc thế giới.
Hơn 20 năm thực thi “chính sách hướng Đông” một cách mạnh mẽ nhanh chóng, Ấn Độ đã thu được thành quả to lớn trên các phương diện chính trị, kinh tế và an ninh. Cùng với sự ra đời của khu vực tự do mậu dịch Ấn Độ - Đông Nam Á, cũng như sự tăng cường hợp tác về chính trị và an ninh quốc phòng giữa Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á, sức ảnh hưởng của Ấn Độ đối với khu vực này là sự thật không cần phải bàn cãi. Ngày 14 tháng 12 năm 2005, nhận lời mời của tổ chức ASEAN, Ấn Độ lần đầu tiên tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Nam Á, điều này chứng tỏ một cách sâu sắc sự tồn tại rõ ràng của Ấn Độ trong sự hợp tác khu vực. Tháng 8 năm 2009, Hiệp định Tự do thương mại hàng hóa Ấn Độ - ASEAN chính thức được ký kết tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Vậy “chính sách hướng Đông” với tư cách là một trong những chính sách ngoại giao của Ấn Độ có ảnh hưởng như thế nào đối với mục tiêu trở thành cường quốc thế giới của Ấn Độ? Vị trí của chính sách này như thế nào trong chiến lược cường quốc của Ấn Độ?
1. Vị trí của “chính sách hướng Đông” trong chiến lược cường quốc của Ấn Độ
Chiến lược cường quốc của Ấn Độ là một hệ thống tổng hợp, bao gồm các phương diện chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, v.v. với mục tiêu sau cùng là trở thành cường quốc thế giới. “Chính sách hướng Đông” với tư cách là một chính sách ngoại giao, chỉ là một bộ phận tổ thành của chiến lược cường quốc của Ấn Độ.
Phương thức thực thi chiến lược nước lớn có sự thay đổi dựa trên sự thay đổi của thời đại, và “chiến lược hướng Đông” cũng không phải là ngoại lệ. Trong quá trình theo đuổi địa vị cường quốc, dựa vào thực lực, sự thay đổi của tình hình thế giới mà Ấn Độ tiến hành điều chỉnh chính sách ngoại giao một cách tương ứng, tùy từng thời kỳ mà trọng điểm của chính sách ngoại giao cũng khác nhau, và những chính sách ngoại giao đó cũng thay đổi vị trí trong chiến lược cường quốc cùng với sự thay đổi của thời đại. Để tìm hiểu một cách rõ ràng hơn về vị trí của “chính sách hướng Đông” trong chiến lược cường quốc của Ấn Độ, cần phải giới thiệu một cách giản lược những chính sách ngoại giao chủ yếu của Ấn Độ, từ đó chúng ta có thể thấy được vị trí của nó trong mối so sánh tương quan với các chính sách khu vực Nam Á, chính sách hướng Tây, chiến lược Ấn Độ Dương và chiến lược ngoại giao cường quốc của Ấn Độ.
Chính sách khu vực Nam Á của Ấn Độ
Một quốc gia muốn trở thành cường quốc thế giới đầu tiên phải có được sự ủng hộ mạnh mẽ của các quốc gia trong khu vực, đồng thời phải có được địa vị chi phối trong các vấn đề khu vực. Từ khi độc lập cho đến nay, với tư cách là “cường quốc siêu cường” của khu vực Nam Á, Ấn Độ đã xem việc đạt được và giữ vững vị trí chủ đạo ở khu vực Nam Á là mục tiêu chủ yếu trong chính sách ngoại giao; hơn nữa, Ấn Độ còn xem đây là nền tảng của việc theo đuổi vị trí cường quốc thế giới. Nhưng sự đối lập giữa Ấn Độ và Pakistan khiến cho điều này khó được thực hiện. Trải qua ba cuộc chiến tranh giữa hai nước, năm 1971, Ấn Độ đã “chia tách” thành công Pakistan và trở thành cường quốc thật sự với vị trí chủ đạo ở khu vực Nam Á. Về sau, chính sách Nam Á của Ấn Độ được thể hiện bằng cách không cho các cường quốc thế giới can dự vào khu vực để đảm bảo vị trí chủ đạo của bản thân. Tháng 7 năm 1983, Thủ tướng Indira Gandhi đã cho ra đời học thuyết “chủ nghĩa Indira”, tuyên bố, Ấn Độ phản đối bất kỳ cường quốc khu vực nào can dự vào công việc nội chính của các quốc gia khác ở khu vực Nam Á, và các quốc gia Nam Á cũng không nên tìm kiếm sự trợ giúp từ bất kỳ quốc gia bên ngoài nào khác.
Sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ đã điều chỉnh chính sách Nam Á bằng cách đưa ra học thuyết “chủ nghĩa Gujral”, nhưng tôn chỉ của nó vẫn là bảo vệ địa vị chủ đạo của Ấn Độ, sự khác biệt chỉ là thay đổi về mặt phương thức, hy vọng thông qua chính sách ngoại giao “hòa hiếu” để nhận được sự ủng hộ của các quốc gia Nam Á. Vị trí chủ đạo của Ấn Độ ở Nam Á có được dựa vào sức mạnh cường quyền của họ, chính sức mạnh chính trị cường quyền này đã khiến cho các quốc gia Nam Á nhỏ khác không dám lên tiếng, nhưng vẫn không thể giải quyết được các vấn đề cơ bản trong quan hệ giữa Ấn Độ và các nước khác, như vấn đề biên giới, tài nguyên nước, mâu thuẫn tôn giáo, xung đột sắc tộc, v.v.. Sự đối địch lâu nay giữa Ấn Độ và Pakistan cũng đã khiến cho các quốc gia Nam Á khác rời xa Ấn Độ. Chính sách khu vực của Ấn Độ nếu muốn thành công thì phải cải thiện một cách thiết thực mối quan hệ với Pakistan. Vì mục tiêu chính sách cường quốc, Ấn Độ sẽ tiếp tục đưa ra những điều chỉnh đối với chính sách Nam Á. “Chính sách Nam Á của Ấn Độ có khả năng phát triển theo hai hướng duy trì mối quan hệ hòa bình Ấn Độ-Pakistan và thúc đẩy sự hợp tác khu vực, từ đó trở thành nên tảng để theo đuổi vị trí cường quốc”[1]. Một trong những nguyên nhân cho sự tiến triển của Ấn Độ ở khu vực Nam Á chính là “sự hướng Đông”.
Chính sách hướng Tây của Ấn Độ chủ yếu nhằm vào khu vực Trung Đông và Trung Á, hai khu vực này có vị trí địa lý quan trọng và nguồn tài nguyên dầu mỏ phong phú. Những cuộc xâm lược của ngoại bang đối với Ấn Độ chủ yếu đến từ phía Tây, hơn nữa, Ấn Độ lại là một quốc gia tương đối nghèo tài nguyên năng lượng, vì thế, bất luận xuất phát từ vấn đề an ninh quốc gia hay vấn đề nhu cầu năng lượng thì khu vực này vẫn vô cùng quan trọng đối với Ấn Độ.
Nhưng khu vực Trung Đông chủ yếu là các quốc gia Ả Rập theo đạo Hồi, nên sự xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan, về một mức độ nhất định, đã ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Ấn Độ với các quốc gia Trung Đông. Vì thế, để phát triển mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia này, Ấn Độ luôn theo đuổi chính sách thân Ả Rập. Trong cuộc xung đột Palestine - Israel, Ấn Độ đã giữ lập trường ủng hộ Palestine. Ấn Độ cũng đã tích cực ủng hộ các nước Ả Rập trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Trong cả thập niên, trọng điểm chính sách ngoại giao của Ấn Độ đều bao trùm lên khu vực Trung Đông, một là do cuộc khủng hoảng dầu mỏ đã khiến cho Ấn Độ càng xem trọng an ninh năng lượng, hai là, các nước vùng vịnh giàu có là cơ hội cho lực lượng lao động dư thừa ở Ấn Độ. Nhưng bắt đầu từ cuối thập niên 1970, tình hình khu vực Trung Đông trở nên bất ổn, năm 1979, xảy ra cuộc cách mạng Hồi giáo Iran do Khomeini lãnh đạo, cùng năm đó Liên Xô tấn công Afghanistan, năm 1980 lại bủng nổ cuộc chiến Iran-Iraq kéo dài 8 năm. Những sự kiện đó đã làm thay đổi cán cân sức mạnh ở Trung Đông, khiến cho mối quan hệ giữa Ấn Độ và các quốc gia Trung Đông trở nên phức tạp hóa, và cũng khiến cho chính sách ngoại giao hướng Tây của Ấn Độ không được tiến triển mạnh.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Ấn Độ đã điều chỉnh chính sách ngoại giao đối với khu vực này, trong đó lập trường nghiên hẳn về phía các quốc gia Ả Rập trong thời Chiến tranh Lạnh đã thay đổi bằng chính sách ngoại giao cân bằng giữa các nước Ả Rập và Israel, mục tiêu là tăng cường mối quan hệ với toàn bộ các nước Trung Đông và đảm bảo an ninh năng lượng. Nhưng tình hình Trung Đông vẫn mất ổn định, xung đột giữa giới Ả Rập và Israel vẫn tiếp tục. Để khống chế khu vực này, nước Mỹ đã lần lượt thực hiện các cuộc chiến vùng Vịnh, cuộc chiến Afghanistan và cuộc chiến Iraq. Tuy Ấn Độ xem trọng khu vực Trung Đông, nhưng mở rộng ảnh hưởng ở khu vực này là điều không hề dễ dàng, vì thế, điểm đột phá trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ phải ở khu vực Đông Nam Á. (Xem tiếp phần 2)
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 04:00 12-12-2024
G20 và Cơ hội Mở Rộng Quan Hệ Ấn Độ - Mỹ Latinh
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 03:00 12-12-2024