Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bàn về vị trí và ảnh hưởng của “Chính sách Hướng đông” trong chiến lược cường quốc của Ấn Độ (Phần 2)

Bàn về vị trí và ảnh hưởng của “Chính sách Hướng đông” trong chiến lược cường quốc của Ấn Độ (Phần 2)

Từ khi độc lập cho đến nay, Ấn Độ coi việc thực hiện lý tưởng cường quốc là mục tiêu chính của chính sách ngoại giao nước này. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, dựa trên sự thay đổi của tình hình trong nước và quốc tế, Ấn Độ đã thực hiện cải cách kinh tế và điều chỉnh chính sách ngoại giao. Trong chính sách ngoại giao đa phương toàn diện đó,“Chính sách hướng Đông” với trọng tâm hướng về khu vực Đông Nam Á đã đạt được sự tiến triển to lớn. “Chính sách hướng Đông” nhằm phục vụ cho chiến lược cường quốc của Ấn Độ sẽ giúp cho sức ảnh hưởng của Ấn Độ mở rộng đến khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, từ đó thực hiện mơ ước từ cường quốc châu Á trở thành cường quốc thế giới.

05:40 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

TS. Dư Phương Quỳnh**

Chiến lược biển Ấn Độ Dương: Vị trí địa lý của Ấn Độ đã khiến cho Ấn Độ Dương chiếm vị trí then chốt trong an ninh quốc gia. Ngay từ năm 1944, lúc còn ở trong tù, khi phác thảo chiến lược Ấn Độ trở thành một cường quốc tầm cỡ thế giới với lực lượng hải quân hùng hậu như thế nào, Nehru đã thừa nhận Ấn Độ Dương sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược khu vực, chính trị và quy hoạch kinh tế. Nhà chiến lược gia nổi tiếng Ấn Độ K. M. Panikkar cho rằng, “Ai khống chế được Ấn Độ Dương thì người đó sẽ khống chế được Ấn Độ”[1]. Trong thực tế, Ấn Độ Dương vô cùng quan trọng đối với Ấn Độ, 90% nguồn cung dầu mỏ của Ấn Độ đến từ Ấn Độ Dương hoặc thông qua Ấn Độ Dương, 95% kênh thương mại quốc tế của Ấn Độ đi qua đại dương này.

Sau thập niên 70 của thế kỷ XX, Ấn Độ bắt đầu ra sức xây dựng hải quân và thực hiện “chiến lược khống chế Ấn Độ Dương”, tức “một mặt tước cơ hội sử dụng đại dương của các thế lực bên ngoài, mặt khác, duy trì quyền sử dụng đại dương của bản thân”[2]. Bước vào thập niên 1980, lực lượng hải quân Ấn Độ với sức mạnh to lớn đã lập ra “chiến lược phòng ngự tầng lớp”, tức đẩy việc phòng ngự biển từ vùng ven bờ ra khu vực biển xa. Chiến lược biển của Ấn Độ có tính mở rộng nội tại: hướng Đông là bước vào vùng biển Nam Trung Hoa, tạo chỗ đứng ở Thái Bình Dương; hướng Tây là thông qua khu vực biển Đỏ và kênh đào Sue, từ đó khóa chặt Địa Trung Hải; hướng Nam là hướng lực lượng hải quân viễn dương vươn đến tận vùng cực Nam của Ấn Độ Dương, thậm chí vòng qua mũi Hảo Vọng kéo dài đến tận Đại Tây Dương. Mục tiêu tối thượng của chiến lược biển Ấn Độ là đẩy các thế lực bên ngoài khu vực ra khỏi Ấn Độ Dương, biến Ấn Độ Dương trở thành “ao nhà của Ấn Độ”, nhằm xác lập bá quyền ở khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương, phục vụ cho mục tiêu cường quốc của Ấn Độ.

Chiến lược ngoại giao cường quốc của Ấn Độ.

Ngoại giao cường quốc là một bộ phận tổ thành quan trọng trong ngoại giao toàn diện của Ấn Độ sau Chiến tranh Lạnh. Trong thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ đã xử lý mối quan hệ với các cường quốc chủ yếu trên thế giới bằng chiến lược ngoại giao không liên minh. Thời kỳ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, Ấn Độ và Liên Xô là đồng minh quân sự, trong quan hệ ngoại giao, Ấn Độ trở thành “người em” của Liên Xô. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Ấn Độ thực hiện chiến lược ngoại giao toàn diện, thúc đẩy ngoại giao cân bằng với các cường quốc, bắt đầu chiến lược ngoại giao cường quốc với ý nghĩa đích thực. Đến cuối thế kỷ XX, chính sách ngoại giao cường quốc của Ấn Độ ngày càng linh hoạt. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng chính là nền tảng ngoại giao cường quốc của Ấn Độ, GDP năm 1991 của Ấn Độ ước khoảng 238,3 tỷ USD, đến năm 2000, GDP đã đạt đến con số 457,9 tỷ USD, tăng gấp đôi trong 10 năm, và đến năm 2003, GDP của Ấn Độ đã đến con số 578,6 tỷ USD. Theo đuổi địa vị trở thành cường quốc thế giới chính là động lực bên trong của chính sách ngoại giao cường quốc của Ấn Độ. Ấn Độ hy vọng thông qua ngoại giao cường quốc để xây dựng quan hệ đối tác với các cường quốc, nhằm giảm bớt trở lực khi bước vào hệ thống quốc tế với tư cách cường quốc.

Mục tiêu của chiến lược ngoại giao cường quốc Ấn Độ vô cùng rõ ràng: xây dựng mối quan hệ ổn định và tốt đẹp với nước Mỹ là mục tiêu trọng yếu hàng đầu; hồi phục mối quan hệ truyền thống với Nga là mục tiêu quan trọng; xử lý tốt mối quan hệ với Trung Quốc là một khâu quan trọng; tiếp tục phát triển quan hệ hữu hảo với các nước EU; tích cực cải thiện và phát triển mối quan hệ với Nhật Bản và ASEAN. Mục tiêu chủ yếu của chiến lược ngoại giao nước lớn của Ấn Độ là xây dựng môi trường quốc tế hòa bình ổn định vì sự phát triển của Ấn Độ, từ đó thực hiện chiến lược cường quốc của bản thân.

Vị trí của Chính sách hướng Đông trong chiến lược cường quốc

Như phần tổng hợp ở trên, trong quá trình theo đuổi vị trí cường quốc, Ấn Độ đã vài lần thay đổi trọng điểm ngoại giao. Từ khi giành được độc lập cho đến thập niên 70 của thế kỷ XX, chính sách khu vực Nam Á của Ấn Độ vẫn chiếm vị trí cốt lõi trong chiến lược nước lớn. Từ thập niên 70 đến nay, Ấn Độ đã ra sức thúc đẩy chính sách hướng Tây và chiến lược biển Ấn Độ Dương. Bởi vì chính sách khu vực Nam Á và chính sách hướng Tây đều chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng, cộng thêm tình hình thế giới có sự thay đổi, nên từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Ấn Độ đã chuyển hướng đột phá sang hướng Đông với hy vọng thông qua chính sách hướng Đông để mở rộng sức ảnh hưởng sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ đó trở thành cường quốc châu Á để thực hiện lý tưởng cường quốc.

Trong giai đoạn hiện nay, chính sách ngoại giao cường quốc, chiến lược biển Ấn Độ Dương, chính sách hướng Tây cũng như chính sách hướng Đông của Ấn Độ là những chính sách ngoại giao mang tính trụ cột của hướng đi trở thành cường quốc thế giới. Liệu Ấn Độ có thể khống chế được Ấn Độ Dương, có thể xử lý tốt mối quan hệ với các cường quốc trong quá trình trỗi dậy, có thể mở rộng tầm ảnh hưởng đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương hay không, tất cả đều là nhân tố mang tính then chốt quyết định việc Ấn Độ có thể trở thành cường quốc thế giới. Hơn nữa “địa vị của Ấn Độ ở châu Á sẽ trở thành hòn đá thử vàng trong việc liệu Ấn Độ có thể bước vào hệ thống các cường quốc thế giới hay không”1. Nếu sức mạnh của Ấn Độ vẫn bị giới hạn trong khu vực, thậm chí là Ấn Độ Dương, thì quốc gia này chẳng thể là nhân tố mang tính quyết định chủ yếu đối với bàn cờ châu Á. Nếu Ấn Độ trở thành cường quốc có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với tình hình châu Á thì tất nhiên sẽ tạo nên chuỗi phản ứng dây chuyền phức tạp đến các cường quốc châu Á - Thái Bình Dương, hơn nữa, phản ứng này trên một mức độ nhất định sẽ quyết định vị trí của Ấn Độ ở châu Á. Nếu Ấn Độ chưa thể đạt được vị trí có sức ảnh hưởng mang tính quyết định ở châu Á thì làm sao có thể trở thành cường quốc thế giới? Cho nên việc Ấn Độ muốn trở thành cường quốc thế giới thì điểm đột phá của chính sách ngoại giao phải nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Từ đó có thể thấy rằng, chính sách hướng Đông là một trong những trọng điểm ngoại giao của chiến lược cường quốc của Ấn Độ trong thế kỷ XXI.

2. Ảnh hưởng của việc thực thi chính sách hướng Đông đối với chiến lược cường quốc của Ấn Độ

2.1. Ảnh hưởng tích cực của việc thực thi chính sách hướng Đông đối với chiến lược cường quốc của Ấn Độ

Việc thực thi chính sách hướng Đông của Ấn Độ, mối hợp tác về chính trị, quân sự, kinh tế thương mại và văn hóa giáo dục khoa học kỹ thuật trợ giúp cho việc nâng cao thực lực quốc gia và sức ảnh hưởng quốc tế của Ấn Độ, từ đó làm lợi cho việc thực hiện chiến lược cường quốc của Ấn Độ.

Đầu tiên, sự hợp tác về chính trị giữa Ấn Độ và ASEAN đã mở rộng không gian chiến lược ngoại giao, nâng cao sức ảnh hưởng quốc tế của Ấn Độ. Chính sách hướng Đông chính là khởi điểm để Ấn Độ thoát khỏi sự bó buộc địa lý khu vực Nam Á, khiến cho Ấn Độ bước chân ra khỏi khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương, trở thành một thành viên quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phá vỡ rào cản chính trị giữa khu vực Nam Á và Đông Nam Á ngăn cản sự phát triển của bản thân Ấn Độ. Nhiều năm trở lại đây, do nhân tố khu vực, sự lựa chọn chiến lược vĩ mô của Ấn Độ luôn chịu sự kiềm chế nghiêm trọng, và bị cục hạn trong khu vực Nam Á, các cường quốc thế giới chỉ xem Ấn Độ là cường quốc khu vực Nam Á. Việc thực thi chính sách hướng Đông khiến cho sức ảnh hưởng của Ấn Độ được mở rộng ra khu vực Đông Nam Á cũng như khu vực Trung Á. Việt Nam, Lào, Campuchia và Indonesia đều thể hiện sự ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc một cách rõ ràng. Năm 2003, Ấn Độ trở thành quốc gia sau Trung Quốc tham gia vào “Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á” (TAC), trở thành quốc gia thứ hai ngoài khu vực tham gia hiệp ước này. Tháng 12 năm 2005, Ấn Độ nhận lời mời của các nước ASEAN tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ nhất, mục tiêu mượn các nước ASEAN để đi vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ấn Độ gần như đang được thực thi.

Hợp tác quân sự giữa Ấn Độ và ASEAN đã tăng cường thực lực quân sự của Ấn Độ. Các hoạt động diễn tập quân sự thường xuyên không những đã rèn luyện quân đội của hai bên, nâng cao năng lực tác chiến của quân đội, mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng của quân đội Ấn Độ. Hợp tác quân sự đã giúp cho hai bên bổ sung điểm mạnh yếu lẫn nhau, đạt đến mục đích đôi bên cùng có lợi, ví dụ như hợp tác quân sự giữa Ấn Độ và Việt Nam, Ấn Độ đã giúp Việt Nam phát triển sản xuất vũ khí và năng lượng hạt nhân, Việt Nam lại giúp Ấn Độ huấn luyện năng lực tác chiến trong rừng rậm. Hiệp ước hợp tác liên kết Ấn - Việt về tiêu diệt cướp biển và cho phép tàu chiến Ấn Độ đồn trú ở vịnh Bắc Bộ, cũng như việc tuần tra liên hợp và diễn tập quân sự tại khu vực Biển Đông khiến cho ảnh hưởng quân sự của Ấn Độ mở rộng đến vịnh Bắc Bộ và khu vực biển Trung Quốc. Sự mở rộng ảnh hưởng chính trị, quân sự của Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương giúp cho Ấn Độ thực hiện sự chuyển biến từ cường quốc Nam Á sang cường quốc châu Á, từ đó thực hiện mục tiêu chiến lược cường quốc. (Xem tiếp phần 3)

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ


[1] K. M. Panikkar, Ấn Độ và Ấn Độ Dương - lược bàn về sự ảnh hưởng của quyền lực biển đối với lịch sử Ấn Độ, Nhà xuất bản Tri thức thế giới, Bắc Kinh, 1996, tr. 81.

[2] Tào Vĩnh Thắng, La Kiện, Vương Kinh Địa, Con voi khổng lồ ở Nam Á - Sự phát triển và hiện trạng của chiến lược quân sự Ấn Độ, Nhà xuất bản Giải phóng quân, Bắc Kinh, 2002, tr.213.


** Khoa Chủ nghĩa Mác - Lênin, Đại học Nhân dân Quý Châu, Trung Quốc.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục