Bảo đảm quyền riêng tư của nguồn tin
Nhà báo cần cố gắng hết sức để giúp nguồn tin thực hiện quyền riêng tư, cho dù nguồn tin là ai.
Một trong những nguyên tắc tác nghiệp quan trọng nhất của nguời làm báo là bảo vệ nguồn tin, tránh vô tình gây hại cho những người cung cấp dữ liệu đầu vào cho tác phẩm báo chí. Làm được như vậy, nhà báo tạo được lòng tin với nguồn tin, giúp nguồn tin yên tâm khi chia sẻ sự thật, nghề báo giữ được tính chuyên nghiệp và tiếp tục được khán giả đón nhận. Nếu hai nhà báo Woodward và Bernstein của tờ Washington Post, năm 1972, tiết lộ danh tính của người cung cấp thông tin với bí danh Deep Throat, lịch sử không thể có những bài báo điều tra phanh phui vụ Watergate. Đặc biệt, nhà báo càng phải cân nhắc nhiều hơn đối với những nguồn tin gặp khó khăn trong việc tự quyết định cung cấp thông tin hay không, ví dụ nguồn tin là trẻ nhỏ, bệnh nhân, hay tù nhân. Trong đại dịch Covid-19, có nhiều ví dụ chỉ ra rằng, nhà báo chưa thận trọng khi công bố nhiều thông tin cá nhân của người bệnh, và do đó, không thể hoàn thành trọng trách bảo đảm quyền riêng tư của nguồn tin.
Quyền riêng tư là gì? Luật sư Chu Hồng Thanh trong bài viết “Nhận thức pháp lý về quyền riêng tư” đưa ra các khái niệm về quyền riêng tư. Trong đó, khái quát hóa các luật liên quan đến bảo vệ “quyền riêng tư” ở 50 quốc gia cho thấy quyền riêng tư gồm 4 nội dung chủ yếu như sau:
“Một là, sự riêng tư về thông tin cá nhân: bao gồm việc ban hành các quy tắc quản lý trong việc thu thập và xử lý các dữ liệu cá nhân như thông tin tín dụng, hồ sơ y tế và các hồ sơ của chính quyền lưu trữ về công dân đó. Nó còn được gọi là “bảo vệ dữ liệu”.
Hai là, sự riêng tư về cơ thể: liên quan đến việc bảo vệ thân thể (vật chất) của người dân đối với hình thức xâm hại như xét nghiệm di truyền, thử nghiệm ma túy và thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể.
Ba là, sự riêng tư về thông tin liên lạc: bao gồm bảo mật và riêng tư về thư từ, bưu phẩm, điện thoại, thư điện tử và các hình thức truyền thông khác.
Bốn là, sự riêng tư về nơi cư trú: liên quan đến việc ban hành các giới hạn đối với sự xâm nhập vào môi trường sống của cá nhân, nơi làm việc hoặc không gian công cộng. Điều này bao gồm tìm kiếm thông tin, theo dõi bằng video và kiểm tra giấy tờ tùy thân.”[1]
Tham luận này đối chiếu một số sản phẩm báo chí đưa tin về đại dịch Covid-19 với bốn nhóm nội dung chủ yếu về quyền riêng tư nêu trên, để xác định việc nhà báo tuân thủ quy tắc bảo vệ quyền riêng tư của nguồn tin.
Trên báo nước ngoài, tường hợp bệnh nhân Covid thứ 17 và bệnh nhân Covid người Anh thứ 91 thể hiện rõ việc tuân thủ nguyên tắc bảo vệ quyền riêng tư. Bài báo dài về bệnh nhân 17 đăng trên NewYorker không kèm theo hình ảnh nhân vật, dù việc chụp ảnh và chọn ảnh có sẵn để đăng là hết sức khả thi, nhất là với nhân vật nổi bật trên mạng xã hội chuyên đăng ảnh Instagram[2]. Bệnh nhân 91, phi công người Anh, cũng không có ảnh trên báo chí, không có thông tin cụ thể về tên, tuổi của người này, do bệnh nhân được Đại sứ quán Anh bảo hộ quyền công dân, trong đó bao gồm quyền không xuất hiện trên truyền thông.
Tại Việt Nam, vào đầu tháng 9/2021, phóng sự “Ranh giới” của VTV, với rất nhiều hình ảnh kèm thông tin cá nhân của người bệnh, người nhà bệnh nhân, được phát sóng rộng rãi toàn quốc. Phóng sự công bố tên, tuổi, khuôn mặt, tên người nhà, số điện thoại người nhà bệnh nhân, tình trạng bệnh của bệnh nhân, không gian môi trường bệnh viện, là môi trường sống tại thời điểm đó của bệnh nhân, các chỉ số xét nghiệm, sự đau khổ của người bệnh, những quyết định có tính sinh tử của người bệnh (giữ em bé hay không), xâm nhập môi trường làm việc của y bác sĩ, và trong một số phân cảnh có dấu hiệu dàn dựng (gọi người nhà bệnh nhân đến nhận đồ dùng để quay phim). Đối chiếu với những quan niệm phổ biến nêu trên về quyền riêng tư, báo chí Việt Nam, cụ thể là trường hợp phóng sự “Ranh giới”, đã không bảo vệ quyền riêng tư của những nhân vật trong phim.
Việc lộ những thông tin như trên có thể mang lại những phiền toái gì cho nhân vật trong các tác phẩm báo chí? Họ bị lộ những hình ảnh cá nhân trong trạng thái tồi tệ, bệnh tật, yếu đuối cả thể chất và tinh thần. Những cảm xúc đau đớn bị ghi hình lại, và sẽ tồn tại trên môi trường mạng trong thời gian dài. Nếu hồi phục, khỏi bệnh, và xem lại những hình ảnh trên, người bệnh sẽ lại bị sang trấn về tâm trí. Bản thân họ và những người nhà có thể chịu đựng các hình thức kỳ thị, phân biệt khi đi xin việc làm, khi cộng tác trong công việc. Điều kiện làm việc quá thiếu thốn, vất vả của cán bộ y tế được phản ánh trong phóng sự có thể ngăn cản quyết định chọn học, chọn làm việc trong ngành y tế. Tổng tất cả nỗi đau khổ, thiệt hại về thể chất và tinh thần của tất cả các nạn nhân của lối cư xử không tôn trọng quyền riêng tư là con số lớn, tích tụ trong thời gian dài.
Về lâu dài, nếu nhà báo tiếp tục đưa thông tin cá nhân có tiềm năng gây bất lợi cho nguồn tin, sẽ nảy sinh hoặc làm sâu đậm hơn tâm lý tránh né báo chí, ngừng tiếp xúc với báo chí, gây hại cho những đồng nghiệp làm báo trong tương lai.
Vậy nhà báo có thể làm gì để vừa đưa thông tin, vừa có thể bảo đảm “quyền riêng tư” cho nhân vật trong tác phẩm báo chí?
Thứ nhất, đối với những người bệnh không đủ sức khỏe và sự tỉnh táo, minh mẫn để quyết định đồng ý cho nhà báo khai thác thông tin, nhà báo nên tránh khai thác thông tin từ họ. Cụ thể trong phóng sự “Ranh giới” nêu trên, nhà báo có thể chọn góc máy khác, làm mờ khuôn mặt, tắt tiếng khi nói tới tên riêng và số điện thoại, chọn viết tắt tên để ẩn danh người bệnh. Bệnh nhân có tâm lý trông cậy vào bác sĩ, làm theo những gì bác sĩ yêu cầu, đổi lại họ mong đợi được quan tâm, chăm sóc. Do vậy, bệnh nhân có thể hợp tác trả lời nhà báo như một động thái tuân thủ yêu cầu của bác sĩ. Bệnh nhân không có ý thức rằng họ hoàn toàn có quyền từ chối cung cấp thông tin cho nhà báo. Nói chung, không nên tiếp cận nguồn tin khi họ đang ở trong trạng thái không khỏe mạnh về thể chất và tỉnh táo về tâm trí. Kể cả khi họ đã qua cơn nguy kịch và đã hồi phục, nhà báo cũng cần tránh hỏi về những trải nghiệm đau thương, cận kề cái chết, để tránh gợi lại những vết thương về thể chất và tâm trí của người bệnh, dễ dẫn đến những sang chấn tâm lý cho nguồn tin.
Thứ hai, nhà báo chỉ nên phỏng vấn vị bác sĩ đại diện có đủ thẩm quyền phát ngôn. Đặc biệt tránh phỏng vấn y tá trong bệnh viện, vì y tá là người biết rõ các chỉ số, tình trạng sức khỏe của người bệnh, nhưng y tá lại ít hiểu biết rõ về tổng quát tình hình bệnh tật, và họ không được đào tạo để giao tiếp với báo chí, không “media savvy”, không có khả năng nói chuyện lưu loát với báo giới và giữ kín những thông tin riêng tư, họ có thể vô tình tiết lộ những thông tin không có lợi cho người bệnh. Khi không có sự hiện diện của bác sĩ trực tiếp điều trị, nhà báo cần tránh phỏng vấn bệnh nhân, vì bệnh nhân có xu hướng nói quá lên, hoặc nói giảm tránh, hoặc nói không đúng về tình trạng thực sự của bệnh. Trong quá trình phỏng vấn và tác nghiệp tại bệnh viện, nhà báo cần tránh cản trở công việc của bác sĩ và nhân viên y tế, tránh phỏng vấn khi họ đang bận làm công việc chuyên môn.
Thứ ba, nếu có sự đồng thuận của nhân vật trong phim, nhà báo nên tài liệu hóa sự đồng thuận đó để làm bằng chứng tự tự bảo vệ, tránh bị phê bình sau này. Ví dụ, cho nhân vật ký vào biên bản thỏa thuận soạn sẵn về việc đồng thuận cho nhà báo khai thác thông tin (consent form), hoặc ghi âm, ghi hình quá trình giải thích cho nhân vật biết nhà báo sẽ thu thập thông tin để làm gì, sẽ đăng bài hoặc phát sóng ở đâu, hệ quả có thể là gì, và để nguồn tin tự quyết định có cho nhà báo khai thác thông tin hay không. Tất cả mẫu biên bản và quy trình ghi âm, ghi hình xác nhận đồng thuận nên được coi là một cách thực hành mới tại Việt Nam, với quy trình thống nhất cho báo chí trên toàn quốc. Nếu sản phẩm báo chí được tham dự các liên hoan hội nghề nghiệp quốc tế, những biên bản, tài liệu thể hiện sự đồng thuận của nhân vật cho phép nhà báo khai thác thông tin sẽ là căn cứ để bảo đảm việc báo chí tuân thủ các quy tắc hành xử theo chuẩn mực chung của quốc tế, và có thể được khán giả quốc tế đón nhận.
Thứ tư, nếu chính nhà báo là nạn nhân của việc bị lạm dụng thông tin cá nhân để bôi nhọ, việc này đã từng xảy ra trong đợt dịch Covid-19 năm 2020 tại Việt Nam, cơ quan Hội Nhà báo cần tiếp tục việc lên tiếng bảo vệ hội viên để chấm dứt tình trạng này. Các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông, cần có hướng dẫn chung, dựa vào đó, mỗi cơ quan báo chí xây dựng bản hướng dẫn cụ thể để nhà báo bảo vệ thông tin cá nhân của bản thân, cũng như của nguồn tin.
Theo nhận định của cá nhân người viết, việc xâm hại quyền riêng tư xảy ra tương đối phổ biến trong truyền thông y tế ở Việt Nam. Không chỉ trong phóng sự “Ranh giới”, mà còn trong nhiều trường hợp khác, do người bệnh quá yếu, quá nhỏ, không có khả năng lên tiếng phản đối việc xâm hại quyền riêng tư. Việc mổ tách hai cháu gái Song Nhi là một ví dụ. Hình ảnh cơ thể hai cháu dưới những góc chụp tàn nhẫn nhất hiện còn bị phơi bày trên các trang thông tin chính thống do nhà nước quản lý, đặc biệt là các trang web của bệnh viện nơi thực hiện phẫu thuật và chăm sóc sức khỏe của hai cháu. Ca mổ tách hai cháu được tường thuật trực tiếp như một live show kịch tính, mang tính giật gân câu view, gây ra nhiều ồn ào không đáng có, vượt quá giới hạn của việc ghi hình để phục vụ mục đích chuyên môn y tế.
Nói tóm lại, nhà báo cần cố gắng hết sức để giúp nguồn tin thực hiện quyền riêng tư, cho dù nguồn tin là ai. Những người có quyền, có tiền thường được thụ hưởng quyền riêng tư nhiều nhất. Ví dụ, dưới thời ông Dick Cheney làm Phó Tổng thống Mỹ, khu dinh thự của Phó Tổng thống Mỹ được che mờ trên bản đồ Google Earth. Ông chủ của Facebook, Mark Zuckerberg, chi 30 triệu USD mua bốn căn nhà hàng xóm liền kề, để không ai có thể nhòm ngó vào cuộc sống gia đình của người nắm nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Nhà báo hãy là những người tiên phong bảo vệ quyền riêng tư của những người yếu thế, những người nghèo, người bệnh, trẻ nhỏ, người tha hương, những người chưa ý thức được họ phải làm gì để bảo vệ thông tin riêng tư của bản thân. Cuối cùng, người làm báo cần đặt mình vào vị trí của nguồn tin để bảo vệ quyền riêng tư thiêng liêng. Nguyên tắc những gì bản thân không muốn thì không làm đối với người khác là ranh giới cuối cùng đối với ngòi bút của nhà báo khi cân nhắc có nên công bố thông tin riêng tư của nguồn tin.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Bài viết đã được trình bày tại Tọa đàm về Báo chí và Quyền riêng tư, tháng 10/2021, do Hội nhà báo tổ chức
[1] https://lsvn.vn/nhan-thuc-phap-ly-ve-quyen-rieng-tu.html
[2] https://www.newyorker.com/magazine/2020/09/28/the-public-shaming-pandemic
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục