Biển Đông trong hợp tác Ấn Độ - Việt Nam: Tiếp cận từ lý thuyết viễn cảnh (Phần 1)
Từ góc nhìn của lý thuyết viễn cảnh, tác giả lập luận rằng có ba nhân tố quy định sự gắn kết Ấn Độ - Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, bao gồm: (i) sự “trỗi dậy” của Trung Quốc tại Biển Đông, (ii) lợi ích của Ấn Độ tại Biển Đông, và (iii) tầm quan trọng của quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Qua lý thuyết viễn cảnh, triển vọng hợp tác Ấn Độ - Việt Nam trong vấn đề Biển Đông cũng có thể được gợi mở.
NCS Huỳnh Tâm Sáng*
Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (strategic partnership) với Ấn Độ vào năm 2007. Sang năm 2016, quan hệ hai nước được nâng lên tầm đối tác chiến lược toàn diện (comprehensive strategic partnership). Việc quan hệ hai nước đạt được bước phát triển vượt bậc trong vòng chưa đến một thập kỷ là kết quả của sự hội tụ lợi ích chiến lược của hai quốc gia. Những thành tựu trong quan hệ hai nước phản ánh tầm nhìn của Ấn Độ và Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương. Từ sau khi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện được thiết lập, quan hệ Ấn Độ - Việt Nam ngày càng gắn bó và phát triển theo hướng thuận chiều. Trong quan hệ hai nước, hợp tác nhằm thúc đẩy an ninh và phồn vinh khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nội dung xuyên suốt và luôn được chú trọng. Trong đó, an ninh Biển Đông đang hội tụ lợi ích của hai nước cả về phương diện nhận thức cho đến thực tiễn hợp tác.
Trên cơ sở mối quan tâm và theo đó là sự can dự của Ấn Độ vào Biển Đông, bài viết giải quyết câu hỏi có tính xuyên suốt và cốt lõi là: Tại sao Ấn Độ lại “mạo hiểm” trong việc cam kết và triển khai hợp tác với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông?, trong khi hợp tác Ấn Độ - Việt Nam thường xuyên vấp phải chỉ trích từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, thực tế Ấn Độ không phải là một bên yêu sách trong vấn đề Biển Đông và Biển Đông vốn không thuộc phạm vi lợi ích và ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ. Cách tiếp cận từ lý thuyết viễn cảnh (prospect theory) nhằm soi sáng bản chất sự can dự của Ấn Độ vào Biển Đông cũng như thực chất hợp tác Ấn Độ - Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Hiểu biết về quan hệ Ấn Độ - Việt Nam xung quanh vấn đề Biển Đông đồng thời là cơ sở để đánh giá triển vọng quan hệ hai nước trong thời gian tới.
1. Hợp tác Ấn Độ - Việt Nam trong vấn đề Biển Đông từ góc nhìn của lý thuyết viễn cảnh
Qua xem xét các cam kết và thực tiễn hợp tác Ấn Độ - Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, tác giả lập luận rằng Ấn Độ nhận định rằng sự “trỗi dậy” của Trung Quốc tại Biển Đông có khả năng đe dọa đến an ninh khu vực nói chung và lợi ích của Ấn Độ nói riêng. Đây là cơ sở để Ấn Độ quyết định can dự thay vì lựa chọn giải pháp “đứng bên ngoài” bối cảnh địa chính trị phức tạp tại Biển Đông. Quyết định can dự (kèm theo việc chấp nhận rủi ro) dựa trên nhận thức là can dự mang lại nhiều lợi ích hơn cho Ấn Độ thay vì lựa chọn không can dự. Cụ thể hơn, nếu Ấn Độ lựa chọn giải pháp không can dự thì quốc gia này sẽ chịu những tổn thất đáng kể (trong đó rõ rệt nhất là hai yếu tố lợi ích và vị thế quốc tế). Trên cơ sở nhận thức đó, tác giả nhận định rằng hợp tác nhằm thúc đẩy an ninh Biển Đông là nội dung ngày càng nổi bật trong quan hệ Ấn Độ - Việt Nam. Thực tế này đáng lưu tâm khi Ấn Độ không phải là một bên yêu sách trong vấn đề Biển Đông và vùng biển này có thể được xem là khu vực ngoại vi (periphery) của Ấn Độ.
Từ góc nhìn của lý thuyết viễn cảnh, có ba nhân tố quy định sự gắn kết Ấn Độ - Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, bao gồm: (i) sự “trỗi dậy” của Trung Quốc tại Biển Đông, (ii) lợi ích của Ấn Độ tại Biển Đông, và (iii) tầm quan trọng của quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Sự “trỗi dậy” của Trung Quốc tại Biển Đông là nhân tố gây quan ngại cho Ấn Độ và quy định chính sách của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông. Những lợi ích của Ấn Độ là nhân tố căn bản quy định sự lựa chọn đối tác của Ấn Độ; trong khi đó mức độ gắn bó của quan hệ Ấn Độ - Việt Nam là cơ sở cho phạm vi và tính chất hợp tác. Ba nhân tố cơ bản nhưng có ý nghĩa quan trọng này gắn bó hữu cơ với nhau và đồng thời được xem xét từ góc nhìn của lý thuyết viễn cảnh.
1.1 Sự “trỗi dậy” của Trung Quốc tại Biển Đông
Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945) đến nay, có 5 thời điểm Trung Quốc từng bước mở rộng sự hiện diện tại Biển Đông xen giữa các thời kỳ gián đoạn: Năm 1946 – 1947, đặt chân lên Hoàng Sa – Trường Sa; năm 1956 – 1974, từng bước chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa; năm 1988 – 1995, chiếm đóng một số bãi đá và đảo tại quần đảo Trường Sa; năm 1996 – 2008, thực hiện chủ trương “Lục hoãn hải khẩu” (trên bờ hòa hoãn, dưới biển tranh chấp); năm 2009 – 2013, tranh chấp toàn diện cường độ cao. Một quá trình vận động mang tính quy luật của chính sách Trung Quốc đối với Biển Đông, đó là, mỗi khi xuất hiện khoảng trống quyền lực (power vacuum) nước lớn tại Đông Nam Á/ Biển Đông, Trung Quốc liền nắm lấy cơ hội để mở rộng sự hiện diện[1]. Từ khi Trung Quốc chính thức gửi Công hàm yêu cầu lưu truyền trong cộng đồng các nước thành viên Liên Hợp Quốc bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò” (hay còn gọi là đường chữ U, đường đứt khúc 9 đoạn) trên Biển Đông (năm 2009) thì sự can dự của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông ngày càng mạnh mẽ. Hệ quả là an ninh Biển Đông ngày càng rơi vào tình trạng bất ổn cao độ.
Những nỗ lực tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông và theo sau là những hành động gây căng thẳng tại vùng biển này càng khiến an ninh khu vực bị đe dọa. Thực tế, để trở thành một siêu cường thì Trung Quốc cần hội đủ hai điều kiện: là cường quốc lục địa (land power) và đồng thời là cường quốc biển (sea power). Mặc dù Trung Quốc vẫn được công nhận là một cường quốc lục địa nhưng Trung Quốc hiện vẫn chưa hội đủ những điều kiện cần thiết để trở thành một cường quốc biển. Từ nhận thức trên, biến Biển Đông thành “ao nhà” (internal lake) là bước đi tiên quyết để Trung Quốc kiểm soát Biển Đông và tiến đến trở thành một cường quốc biển. Ý thức được những hạn chế trong lịch sử phát triển của quốc gia, Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến lược để trở thành một cường quốc biển. Biển Đông chính là một mắt xích quan trọng trong chiến lược ấy. Kiểm soát Biển Đông sẽ mang lại cho Trung Quốc nhiều cơ hội đẩy mạnh chiến lược biển trên quy mô rộng khắp tại châu Á – Thái Bình Dương. Cũng từ ý thức mạnh mẽ về tầm quan trọng của Biển Đông (nhận thức), Trung Quốc đã dành mối quan tâm đặc biệt cho vùng biển này (thái độ) và tiến hành triển khai hàng loạt các chính sách cụ thể tại Biển Đông (hành động).
Từ góc nhìn cạnh tranh chiến lược, ở một mức độ nào đó Ấn Độ cũng xem sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông là hiểm họa an ninh đối với cường quốc này. Đặc biệt, khi quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc từ trước đến nay đã có rất nhiều lần căng thẳng đến những xung đột biên giới; và việc Trung Quốc, đối thủ tiềm năng có thể kiểm soát được Biển Đông sẽ khiến Ấn Độ bị kiềm chế trong khả năng tiếp cận các tuyến đường thông thương hàng hải cho đến khai thác các nguồn lực về kinh tế biển. Bên cạnh đó, sự hiện diện về kinh tế và chính trị của Ấn Độ tại Đông Nam Á trước một Trung Quốc đầy tham vọng cũng sẽ bị suy giảm đáng kể.
Thế nhưng, mối đe dọa từ Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Biển Đông mà đang mở rộng ra cả Ấn Độ Dương. Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động kiểm soát về thực tế tại Biển Đông thì khả năng Trung Quốc kiểm soát Biển Đông sẽ là tiền lệ nguy hiểm cho Ấn Độ Dương. Abhijit Singh, nguyên là quan chức hải quân Ấn Độ, giám đốc Sáng kiến Chính sách Biển tại Quỹ Nghiên cứu Nhà Quan sát (ORF) của Ấn Độ nhận định rằng sự tập trung sức mạnh của Hải quân Trung Quốc (PLAN) ở Đông Nam Á sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch triển khai sức mạnh của PLAN ở Ấn Độ Dương. Từ quan điểm của Ấn Độ, sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông có thể gây bất ổn đối với vùng biển châu Á rộng lớn hơn vì nó sẽ làm gia tăng sự mất cân bằng chiến lược ở vành đai Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific)[2]. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi Trung Quốc đang mở rộng không gian chiến lược bằng cách thiết lập hàng loạt thỏa thuận nhằm tiếp cận các cảng biển ven bờ Ấn Độ Dương. Cụ thể là Trung Quốc đang tìm cách xâm nhập vào khu vực láng giềng của Ấn Độ thông qua xây dựng bán liên minh [quasi-alliance] Trung Quốc - Pakistan và tiến vào Ấn Độ Dương thông qua Sri Lanka.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia ASEAN đang phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc thì sự tham gia của Ấn Độ mang đến hai khả năng: (i) giúp các quốc gia ASEAN giảm lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc và (ii) mang đến quan hệ kinh tế đa dạng hơn cho những cơ hội lựa chọn chiến lược. Việc các quốc gia Đông Nam Á mong muốn duy trì quan hệ ổn định với các cường quốc nhằm tạo thế cân bằng chiến lược để có một “sự cân bằng khu vực dễ chịu” (comfortable regional balance)[3] là cơ hội để Ấn Độ tìm kiếm vị thế vững chắc hơn tại Đông Nam Á. (Xem tiếp phần 2)
[1] Nguyễn Ngọc Trường (2014), Về vấn đề Biển Đông, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr. 356-357.
[2] Abhijit Singh, “Why India is right about its South China Sea stand”, Observer Research Foundation, 26/7/2016, tại địa chỉ: http://www.orfonline.org/expert-speaks/why-india-is-right-about-its-south-china-sea-stand/, truy cập ngày 13/12/2016.
[3] S.D. Muni, “India's 'Look East' Policy: The Strategic Dimension”, ISAS Working Paper, No. 121, 2011, p. 23.
* Trường Đại học Thủ Dầu Một
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ Đang trỗi dậy trong cuộc đua AI toàn cầu
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 10:00 06-09-2024
Ấn Độ bảo vệ chuỗi cung ứng công nghệ
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 12:09 01-09-2024
Hiến pháp Ấn Độ: văn kiện cải cách xã hội
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 12:18 01-09-2024