Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bốn điểm cần lưu ý trong kế hoạch quản lý rừng của Ấn Độ

Bốn điểm cần lưu ý trong kế hoạch quản lý rừng của Ấn Độ

Ấn Độ phải hoàn thành vượt kế hoạch trồng rừng bù vào số rừng đã mất, và áp dụng các chiến lược có ý nghĩa sâu sắc trong việc tác động tới đất rừng.

05:31 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Báo cáo về Tình trạng rừng của Ấn Độ do Bộ Môi trường, Rừng và Biến đổi khí hậu Ấn Độ (MoEFCC) công bố vào tháng 1/2022 đã đưa ra những con số đáng báo động. Tăng trưởng độ che phủ rừng của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 năm qua, năm 2021 chỉ tăng 0,22% so với năm 2019. Đến năm 2030, 45-64% diện tích rừng của Ấn Độ được dự báo sẽ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và nhiệt độ tăng.

Theo các mục tiêu của Công ước Liên hợp quốc về Chống sa mạc hóa (UNCCD), Ấn Độ đã cam kết khôi phục 5 triệu ha đất bị suy thoái và mất rừng từ năm 2021 đến năm 2030. Bên cạnh đó, Đóng góp Dự kiến ​​do Quốc gia tự xác định (INDC) của Ấn Độ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu với mục tiêu hấp thụ tương đương 2,5 đến 3 tỷ tấn carbon dioxide vào năm 2030 thông qua tăng cường bao phủ rằng. Tuy nhiên, Ấn Độ có tới 29,7% diện tích đất, tương đương 97,85 triệu héc ta đất, bị thoái hóa. Để đáp ứng cam kết về khí hậu, Ấn Độ cần mở rộng độ che phủ rừng thêm 12% trong thập kỷ tới. Với hơn một phần năm dân số phụ thuộc vào rừng về sinh kế và giá trị sinh thái mà rừng tạo ra, liệu Ấn Độ có thể ổn định khi độ che phủ rừng giảm sút? Làm thế nào để Ấn Độ có thể xử lý tốt vấn đề mất độ che phủ của rừng, cả về mặt sinh thái và xã hội?

Đầu tiên, Ấn Độ cần phải xác định lại khái niệm rừng. Dựa vào hình ảnh vệ tinh và dữ liệu viễn thám, Forest Survey of India định nghĩa rừng là “tất cả các vùng đất, với mật độ che phủ của tán cây trên 10% và rộng từ 1 héc ta trở lên, không phụ thuộc vào quyền sử dụng đất, quyền sở hữu và loài cây trồng trên đất”. Hình ảnh vệ tinh không có khả năng phát hiện sự khác biệt giữa rừng trồng và rừng tự nhiên. Do đó, bất kỳ cây che phủ nào dù là tre, cà phê, vườn cây ăn trái hay công viên đô thị hiện đều được công nhận là rừng. Trái ngược với rừng trồng, rừng bản địa là hệ sinh thái tự nhiên phức tạp chứa 30-40 loài cây khác nhau, là sản phẩm của hàng triệu năm tiến hóa, được định hình bởi các đặc điểm sinh hóa của các vùng địa lý cụ thể. Chúng hoạt động như những vật chất hấp thụ cacbon mạnh nhất. Vì vậy, chỉ dựa vào độ phủ của tán cây thì không thể xác định đó có là rừng hay không. Ấn Độ cần có định nghĩa thấu đáo hơn về rừng để thiết kế và lập kế hoạch can thiệp hiệu quả nhằm bảo vệ, phục hồi và bảo tồn rừng.

Thứ hai, để bảo vệ rừng, không nên khuyến khích việc chuyển đổi nhanh chóng đất lâm nghiệp sang các mục đích phi lâm nghiệp. Chương trình trồng rừng bù vào diện tích đã mất dựa trên quan điểm cho rằng, rừng có thể thay thế được và có thể dễ dàng tái tạo rừng trên vùng đất khác. Do đó, các dự án sử dụng diện tích lâm nghiệp vào mục đích phi lâm nghiệp chỉ cần trả đủ phí môi trường là được cấp phép, và được giao cho các bang để thực hiện trồng rừng bù đắp trên diện tích đất phi nông nghiệp. Ủy ban Quốc gia về Động thực vật Hoang dã (NBWL) đã phê duyệt chuyển khoảng 1.792 ha đất phòng hộ hoặc các khu vực nhạy cảm về sinh thái cho 48 dự án vào năm 2020 cho các dự án tác động đến đất đai, như làm đường bộ, đường sắt, v.v. Dữ liệu về sự thay đổi rừng của Đại học Maryland, Mỹ, cho thấy Ấn Độ đã mất gần 143.000 ha rừng che phủ vào năm 2020.

Thứ ba, cần có các biện pháp can thiệp hiệu quả để bảo tồn rừng. Để bù đắp cho việc mất rừng, chương trình trồng rừng của Ấn Độ tập trung vào độc canh quy mô lớn, trồng cây đơn lẻ các loài thương mại, không phải bản địa như bạch đàn và tếch, trên đất không có rừng. Không giống như rừng, đất trồng độc canh thiếu tính đa dạng sinh học hoặc giá trị sinh thái, tính đa dạng hoặc chất lượng của các loài, hoặc tỷ lệ sống lâu dài của cây. Những đồn điền này có rất ít khả năng tích trữ carbon và thải ra nhiều carbon khi gỗ bị cháy. Do đó, bất chấp những nỗ lực, chương trình này phần lớn không hiệu quả trong việc thực hiện hoạt động phủ xanh sinh thái ở Ấn Độ. Theo ISFR 2021, các khu rừng rậm vừa phải hoặc rừng tự nhiên đã suy giảm 1.582 km vuông. Sự suy giảm cùng với sự gia tăng 2.621 km vuông diện tích rừng mở cho thấy sự suy thoái đáng kể của rừng và rừng trở nên thưa hơn.

Ấn Độ nên tạo ra một khuôn khổ chính sách về quản lý rừng, nhằm hạn chế nạn phá rừng, đồng thời cải thiện hệ sinh thái và đa dạng sinh học của cảnh quan đảm bảo an ninh lương thực, nguồn nước và thích ứng với khí hậu. Việc sử dụng phương pháp luận dựa trên bằng chứng khoa học với cách tiếp cận có sự tham gia sẽ giúp chính phủ xác định đúng các biện pháp dùng cây trồng để can thiệp phù hợp nhất với từng mục đích sử dụng đất. Việc áp dụng khung Phương pháp Đánh giá Cơ hội Phục hồi (ROAM) trên quy mô lớn có thể giúp phân tích chặt chẽ dữ liệu không gian, luật pháp và kinh tế xã hội để lập kế hoạch can thiệp tốt nhất cho việc phục hồi rừng.

Cuối cùng, việc tái tạo và trồng rừng cần sự hỗ trợ của các cộng đồng địa phương, những người có năng lực thực hiện quản lý thích ứng và duy trì sự giám sát chặt chẽ. Hệ thống kiến ​​thức và nỗ lực của cộng đồng trong việc bảo vệ tài nguyên rừng phải được công nhận bằng cách chính thức thiết lập quyền hạn của cộng đồng trong việc quản lý rừng. Các hệ thống tái sinh tự nhiên do nông dân quản lý (FMNR) trong đó cộng đồng địa phương bảo vệ và quản lý sự phát triển của các cây tái sinh tự nhiên đã được chứng minh là mang lại một số lợi ích kinh tế và hệ sinh thái. Ở Ấn Độ, mô hình Wadi của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quốc gia (NABARD) và dự án phủ xanh lại các thôn làng của Quỹ An ninh Sinh thái là những mô hình dùng cây trồng để can thiệp đã chứng minh là mang lại nhiều giá trị và lợi ích cho cộng đồng. Ấn Độ phải hoàn thành vượt kế hoạch trồng rừng bù vào số rừng đã mất, và áp dụng các chiến lược có ý nghĩa sâu sắc trong việc tác động tới đất rừng.

Tác giả: Aparna Roy, Trưởng nhóm nghiên cứu Biến đổi khí hậu và Năng lượng, tại Trung tâm Ngoại giao Kinh tế Mới (CNED), Ấn Độ.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://www.orfonline.org/expert-speak/a-four-point-action-plan-for-indias-forest-management/

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục