Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Các sáng kiến truyền thông phòng chống Covid-19 của Chính phủ Ấn Độ

Các sáng kiến truyền thông phòng chống Covid-19 của Chính phủ Ấn Độ

Bài viết điểm lại các sáng kiến truyền thông phòng chống Covid-19 của Chính phủ Ấn Độ, bao gồm: sáng kiến quản lý thông tin trên mạng xã hội; thiết lập hộp thoại tự động trên ứng dụng nhắn tin WhatsApp; phát triển các ứng dụng mới; đề xuất đăng tin tích cực; đề xuất lấy tin từ một nguồn do Nhà nước quản lý; và các hoạt động kiểm chứng thông tin.

09:41 23-03-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ là quốc gia Nam Á, có dân số 1,38 tỷ người tại thời điểm cuối năm 2021. Tính tới tháng 1/2020, Ấn Độ có hơn 100.000 ấn phẩm tin tức, khoảng 850 kênh truyền hình và 1000 kênh phát thanh. Khoảng 86% dân số Ấn Độ đăng ký sử dụng điện thoại di động. Quốc gia này có có 678 triệu người sử dụng Internet, bằng 12% số người sử dụng Internet trên toàn cầu, đứng thứ 2 thế giới về lượng người dùng Internet[1]. Chính phủ Ấn Độ khởi động chương trình ​​Ấn Độ Kỹ thuật số vào năm 2014 sau khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền, từ đó khuyến khích các phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Ấn Độ là một trong những thị trường lớn nhất của các mạng xã hội quốc tế. Năm 2022, Facebook là mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất ở Ấn Độ với hơn 329 triệu người dùng Facebook và 122 triệu người dùng tin nhắn Facebook messenger. Tiếp theo là YouTube có 467 triệu người dùng, Instagram có 230 triệu, Snapchat có 126 triệu, LinkedIn có 83 triệu, và Twitter có hơn 23 triệu người sử dụng tại Ấn Độ. WhatsApp là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại Ấn Độ khi có tới 82% số người sử dụng Internet tại Ấn Độ cài đặt ứng dụng này.[2]

Trong đại dịch Covid-19, Chính phủ Ấn Độ đã có nhiều sáng kiến để quản lý thông tin trên báo chí, hạn chế tin sai, đẩy lùi tin giả, nhằm trấn an dư luận, góp phần kiềm chế sự lây nhiễm của vi rút; mặt khác, vẫn đảm bảo thực hành quyền tự do ngôn luận. Trong những thời điểm đầy thách thức của đại dịch Covid-19, Chính phủ Ấn Độ thử nghiệm những biện pháp hoàn toàn mới trong quản lý báo chí. Những sáng kiến này tuân thủ nguyên tắc đảm bảo nguyên tắc tự do ngôn luận, một trong những giá trị cốt lõi của nền dân chủ.

Quản lý thông tin trên mạng xã hội

Điều 19 của Hiến pháp Ấn Độ bảo đảm cho tất cả công dân quyền cơ bản về tự do ngôn luận và tự do biểu đạt với điều kiện tự do ngôn luận không được gây ra bất hòa trong cộng đồng, đi ngược lại với phép tắc cộng đồng, xâm hại đến an ninh và chủ quyền quốc gia. Ngày 20/3/2020, Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ (MeitY) đưa ra lời kêu gọi các nền tảng truyền thông xã hội (gồm Facebook, Twitter, ShareChat và WhatsApp) xóa bỏ và ngăn chặn người dùng mạng xã hội tiếp cận với thông tin sai liên quan đến đại dịch. Động thái này nhằm vô hiệu hóa hoặc xóa tin tức sai lan truyền trên nền tảng mạng xã hội, nâng cao nhận thức của người dùng mạng xã hội, tránh gây hoảng sợ cho người dân.

MeitY viện dẫn Đạo luật Công nghệ Thông tin (CNTT) của Ấn Độ để giải thích cho động thái kêu gọi mạng xã hội xóa bỏ thông tin sai. Theo điều 79 của Đạo luật CNTT Ấn Độ, các nền tảng truyền thông xã hội, là trung gian về mặt pháp lý, phải thông báo cho người dùng của họ không được lưu trữ, hiển thị, tải lên, sửa đổi, xuất bản, truyền tải, cập nhật hoặc chia sẻ bất kỳ thông tin nào có thể ảnh hưởng đến trật tự công cộng. Các nền tảng truyền thông xã hội được khuyến khích thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức để người dùng không lưu hành thông tin sai liên quan đến vi rút corona. MeitY yêu cầu mạng xã hội hành động ngay lập tức để vô hiệu hóa (chặn), hoặc xóa bỏ nội dung được lưu trữ trên nền tảng mạng xã hội. MeitY cũng khuyên các mạng xã hội phải quảng bá lời khuyên cho biết thêm thông tin xác thực liên quan đến vi rút corona.[3]

Lời kêu gọi của MeitY nhanh chóng được các mạng xã hội của nước ngoài hưởng ứng tích cực. Ngày 21/3/2020, Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Facebook đã đăng lên Facebook lời cam kết như sau: “Nhằm đảm bảo mọi người đều có thông tin chính xác và kịp thời về vi rút corona, chúng tôi đang làm việc với Chính phủ Ấn Độ, và các chính phủ của nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Cảm ơn sự hợp tác của các bạn và tôi rất vui vì tất cả chúng ta đang cùng nhau chống vi rút corona”.[4]

Hộp thoại tự động “MyGov Corona” trên WhatsApp

Ngày 21/3/2020, Chính phủ Ấn Độ kết hợp với WhatsApp, là ứng dụng được sử dụng nhiều nhất trên điện thoại di động tại Ấn Độ, để ra mắt Chatbot (hộp thoại tự động) “MyGov Corona”, nhằm cung cấp thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh từ Chính phủ đến với người dân. Để kết nối với Chatbot giải đáp tự động “MyGov Corona”, người dùng WhatsApp nhắn tin tới số điện thoại +919013151515.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã giới thiệu ứng dụng chatbot MyGov Corona trên trang Facebook và Twitter của ông. Chatbot này do Công ty Haptik Technologies, một trong những công ty con của tập đoàn viễn thông khổng lồ của Ấn Độ Reliance Jio, đảm trách về mặt kỹ thuật, với những nội dung do Bộ Y tế Ấn Độ cung cấp.

Aakrit Vaish, đồng Sáng lập và Giám đốc điều hành công ty Haptik, nhận xét: MyGov Corona được thiết kế để chống lại những tin đồn không đúng, nhằm giáo dục quần chúng và mang lại cảm giác bình tĩnh trước tình hình hỗn loạn trong đại dịch. Chúng tôi cam kết hỗ trợ Chính phủ Ấn Độ bằng tất cả nguồn lực, và hy vọng rằng Chatbot này có thể giúp Chính phủ Ấn Độ truyên truyền thông tin phù hợp, chính xác trên toàn quốc.[5]

Các ứng dụng Corona Kavach và Aarogya Setu

Corona Kavach và Aarogya Setu là hai ứng dụng để truy vết tiếp xúc và cảnh báo người có tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19, có tính năng tương tự như ứng dụng Bluezone của Việt Nam.

Corona Kavach là sản phẩm của Ban Quản trị Điện tử Quốc gia thuộc Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ (MeitY) kết hợp với Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ (MHFW). Đây là một trong số ít các ứng dụng được Chính phủ Ấn Độ khuyến khích sử dụng trong giai đoạn đầu tiên của dịch bệnh. Tuy nhiên, ngày 4/4/2020, Chính phủ Ấn Độ dỡ bỏ Corona Kavach khi mới có khoảng 1 triệu người sử dụng, để giới thiệu ứng dụng ưu việt hơn, mang tên Aarogya Setu. Aarogya Setu được Chính phủ Ấn Độ giới thiệu với người dân vào ngày 5/4/2020. Tính tới tháng 8/2020, đã có trên 150 triệu người sử dụng ứng dụng này.[6]

Có ít nhất ba lý do giải thích cho sự vượt trội của Aarogya Setu so với Corona Kavach. Thứ nhất, Corona Kavach chỉ có bản thử nghiệm (beta) chạy trên thiết bị Android, trong khi Aarogya Setu chạy trên cả hai nền tảng Android và iOS. Thứ hai, Corona Kavach dựa vào dữ liệu khai báo thủ công của người sử dụng, phụ thuộc nhiều vào trí nhớ và ý chí chủ quan của người sử dụng khi thống kê họ đã gặp gỡ, tiếp xúc với ai. Trong khi đó, Aarogya Setu dùng GPS để định vị người dùng theo thời gian thực, và dùng Bluetooth để xác định người tiếp xúc trong phạm vi 6 feet (khoảng 2 mét). Thêm vào đó, Aarogya Setu dùng cơ sở dữ liệu về những người nhiễm bệnh do Chính phủ Ấn Độ cung cấp. Ấn Độ đã thể hiện là một nước đi đầu về Công nghệ thông tin và Truyền thông khi sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất cho ứng dụng Aarogya Setu. Thứ ba, Chính phủ Ấn Độ rất tích cực quảng bá để người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng Aarogya Setu. Ví dụ, Hội đồng Giáo dục Trung học Trung ương Ấn Độ (CBSE) giới thiệu ứng dụng này tại tất cả các trường Trung học và các cơ sở giáo dục do CBSE quản lý, giúp nâng cao nhận thức và tăng số người sử dụng ứng dụng.[7]

Thủ tướng Ấn Độ đề nghị báo chí đăng tin tích cực

Vào tối 24/3/2020, chỉ sáu giờ trước khi Ấn Độ bắt đầu phong tỏa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có cuộc họp trực tuyến với hơn 20 tổng biên tập và người sở hữu những công ty báo in quan trọng tại Ấn Độ để đưa ra đề nghị báo chí quan tâm hơn nữa tới việc đăng tin tích cực trong đại dịch Covid-19. Trong khi Ấn Độ đang phong tỏa, ngày 27/3/2020, Thủ tướng Ấn Độ Modi tổ chức cuộc họp với nội dung tương tự, và người tham dự là những biên tập viên nổi tiếng trong các chương trình phát thanh của Ấn Độ.[8] Trước đó, Thủ tướng Modi đã gặp gỡ riêng với đại diện các đài truyền hình của Ấn Độ vào ngày 23/3/2020, cũng với mục đích đề nghị báo chí trở thành cánh tay đắc lực truyền thông cho Nhà nước.[9]

Giống như tại những nước dân chủ ở Phương Tây, báo chí Ấn Độ thuộc sở hữu tư nhân và Nhà nước không can thiệp, định hướng nội dung. Thêm vào đó, báo chí Ấn Độ và báo chí thế giới nói chung thường chạy theo tin giật gân, thu sự chú ý của người đọc vì mục tiêu tăng doanh thu. Vì vậy động thái “thiết lập chương trình nghị sự” (agenda setting) cho báo chí của người đứng đầu Chính phủ Ấn Độ được giới quan sát cho là một cách làm bất thường, chưa từng có tại Ấn Độ.   

Tại cuộc họp ngày 24/3/2020, Thủ tướng Ấn Độ nói: Báo chí đóng vai trò rất đáng trân trọng trong việc phổ biến thông tin đến mọi vùng đất của Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh rằng, báo chí có uy tín rất lớn và trang tin địa phương của một vùng được nhiều người đọc. Do đó, nhận thức về đại dịch bắt buộc phải được phổ biến thông qua các bài báo đăng trên trang tin địa phương. Cần phải thông báo cho mọi người biết về trung tâm xét nghiệm ở đâu, ai nên xét nghiệm, liên hệ với ai để được xét nghiệm và tuân theo các quy trình cách ly tại nhà. Thông tin này cần được chia sẻ trên các báo và cổng thông tin điện tử của báo.

Thủ tướng Ấn Độ yêu cầu báo chí Ấn Độ đóng vai trò là cầu nối giữa chính phủ và người dân, và cung cấp thông tin phản hồi liên tục, ở cả cấp quốc gia và cấp bang. Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giãn cách xã hội, yêu cầu báo chí thực hiện vai trò truyền thông nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giãn cách xã hội, thông báo cho người dân biết về quyết định phong tỏa tại từng bang, và báo chí cũng cần phổ biến tình hình đại dịch trên thế giới, các nghiên cứu điển hình tại các quốc gia khác.

Thủ tướng Ấn Độ cũng nhấn mạnh vai trò của báo chí trong việc giữ vững tinh thần chiến đấu của nhân dân. Ngài Thủ tướng nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là phải ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa bi quan, những suy nghĩ tiêu cực và tin đồn thất thiệt. Người dân cần được biết rõ rằng, Chính phủ Ấn Độ có cam kết mạnh mẽ trong phòng chống Covid-19.[10]

Để kết luận báo chí Ấn Độ có thực hiện lời kêu gọi đưa tin tích cực hay không cần nhiều nhiều nỗ lực nghiên cứu và nhiều thời gian để phân tích nội dung báo chí trước và sau thời điểm Thủ tướng Ấn Độ đề nghị báo chí đưa tin tích cực. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo các tập đoàn báo chí đã đánh giá cao động thái này của Thủ tướng Ấn Độ Modi.

Ông Viveck Goenka, Chủ tịch, Giám đốc điều hành kiêm Tổng biên tập của Indian Express Group, nói: Chưa bao giờ có Thủ tướng nào biết kết nối và giao tiếp với người dân Ấn Độ như Thủ tướng Modi…Ngài thực sự là một tổng tư lệnh nơi tuyến đầu.

Bà Malini Parthasarthy, Đồng chủ tịch kiêm Tổng biên tập của tập đoàn báo chí The Hindu, đã đăng lên mạng xã hội Twitter: Có minh chứng rõ ràng cho thấy cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng nhằm đảm bảo rằng, Ấn Độ không khuất phục trước đại dịch Covid-19. Thủ tướng có chiến lược rõ ràng để tiến lên phía trước. Chúng ta chắc chắn đang ở trong tay một nhà lãnh đạo tốt![11]

Từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Ấn Độ kiên trì duy trì chương trình Mann Ki Baat, chương trình phát thanh bằng tiếng Hindi, trong đó ông Modi trực tiếp nói chuyện với người dân. Có thể so sánh chương trình này với các thông điệp liên bang của Tổng thống Mỹ. Từ 3/10/2014 đến 28/8/2022, đã có 92 số phát thanh Mann Ki Baat được phát sóng trực tiếp. Chương trình được duy trì ngay cả trong thời điểm phong tỏa, các đợt bùng nổ đại dịch và các giai đoạn chống dịch ở Ấn Độ. Trong chương trình này, Thủ tướng Ấn Độ Modi động viên, khích lệ tinh thần người dân, kêu gọi người dân chia sẻ với chính phủ và chia sẻ với nhau, kêu gọi mọi người tiêm vắc xin và kêu gọi tình đoàn kết. Đây là kênh truyền thông trực tiếp từ người đứng đầu Nhà nước tới người dân, đóng vai trò thông tin, khích lệ, động viên trong đại dịch.

Đề xuất lấy tin chính thống từ nguồn tin Nhà nước

Chính phủ Ấn Độ đã từng đưa ra đề xuất sẽ xây dựng một trang tin chính thức về đại dịch Covid-19, sau đó các báo chỉ được đưa lại thông tin từ trang đó.[12] Cách làm này tương tự như đưa tin về Covid-19 tại Việt Nam. Các cơ quan báo chí Việt Nam đăng tin theo thông tin về Covid-19 đã xuất bản trên các trang tin của Chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, tòa án tối cao của Ấn Độ đã bác bỏ đề xuất này. Các cơ quan báo chí Ấn Độ vẫn có thể lấy thông tin từ nguồn tin chính phủ kèm theo nhiều nguồn tin khác, nhưng cần đảm bảo kiểm chứng thông tin. Để xử phạt những người đăng tin giả, tin sai, Ấn Độ áp dụng điều 54 của Đạo luật Quản lý Thiên tai 2005, trong đó quy định hình phạt đối với người tạo ra hoặc lưu hành cảnh báo sai về thảm họa, hoặc mức độ nghiêm trọng của thảm họa, gây ra hoảng loạn cho người dân sẽ bị phạt tù lên đến 1 năm và nộp tiền phạt. Những đối tượng cố tình vi phạm lệnh hành chính sẽ bị xử lý theo điều 188 Bộ luật Hình sự Ấn Độ.[13]

Việc tòa án bác bỏ đề xuất của chính phủ, một lần nữa, lại là một biểu hiện của “tam quyền phân lập”, sự tách biệt giữa hành pháp và tư pháp của nền dân chủ Ấn Độ.

Kiểm chứng thông tin và phòng chống tin giả

Vào thời gian đầu đại dịch, nhiều thông tin sai về dịch bệnh bị chia sẻ tràn lan, ví dụ như: uống nước tiểu bò[14] hay tự pha nước tẩy rửa thành nước uống diệt vi rút[15], các loại thảo mộc bị săn lùng để tự chế thuốc tiên chống vi rút[16]. Tin giả cho rằng Covid-19 tìm thấy trong thịt gà bán ở Mumbai, đã được chia sẻ nhiều lần qua Facebook và Twitter. Một đoạn clip âm thanh giả lan truyền trên WhatsApp có giọng nói của một nam giới cam đoan rằng “59 người đã được xét nghiệm dương tính” ở Nagpur, một thành phố ở miền tây Ấn Độ, ngày từ những ngày đầu đại dịch. Những lời khuyên sai, những bài đăng đầy định kiến có hại cho nhóm cộng đồng thiểu số, những thuyết âm mưu và tin đồn không có cơ sở được chia sẻ trên các nền tảng xã hội ở Ấn Độ. Thông tin giả về Covid-19 từ các quốc gia khác cũng được chia sẻ lên mạng xã hội cho công chúng Ấn Độ. Vào thời điểm thế giới chưa có vắc-xin để ngăn ngừa COVID-19, hàng nghìn người Ấn Độ đã chia sẻ và xem video gây hiểu lầm, trong đó Tổng thống Mỹ Trump và giám đốc điều hành dược phẩm của Mỹ thông báo rằng một loại vắc-xin đã có sẵn để phân phối.[17] Theo các nghiên cứu tại Bruno Kessler Foundation, trong số 112 triệu bài đăng trên mạng xã hội về đại dịch, để chế độ công khai được chọn để phân tích, có tới 40% xuất phát từ các nguồn không đáng tin cậy, 42% được chương trình máy tính tự động (bot) tạo ra.[18]

Chính phủ Ấn Độ nhanh chóng yêu cầu các công ty dược phẩm cổ truyền không được quảng cáo là có phương pháp điều trị đột phá, 100% chữa khỏi Covid-19. Các thông tin về thảo dược được chia sẻ qua các nền tảng truyền thông xã hội đề được kiểm chứng để phát hiện thông tin sai sự thật.

Để giảm bớt tác động của tin giả, chính phủ, các cơ quan báo chí, các tập đoàn truyền thông và các quỹ phi lợi nhuận đã tài trợ cho các hoạt động kiểm chứng thông tin khắp thế giới. Nhiều cơ quan kiểm chứng hoạt động dựa trên Bộ nguyên tắc (Code) của Tổ chức Mạng lưới Kiểm chứng Dữ kiện Quốc tế (IFCN), do Viện Báo chí Poynter, Mỹ, thành lập từ năm 2015. Bộ nguyên tắc của IFCN đề cao tiêu chí công bằng và minh bạch trong quá trình kiểm chứng thông tin. Các bên ký kết với IFCN cũng cần phải minh bạch về các nguồn tài trợ và cung cấp thông tin chi tiết về tất cả các nhân sự chủ chốt làm việc cho tổ chức. Một số bên đã ký với IFCN là AFP Fact Check của Pháp, AP Fact Check và PolitiFact của Mỹ, RMIT ABC Fact Check của Úc và Tirdo.id của Indonesia. Tại Ấn Độ cũng hình thành các cơ quan kiểm chứng, xác minh thông tin theo tiêu chí của IFCN, tiêu biểu là Boom, Fact Crescendo, NewsMobile Fact Checker, Newschecker.in, Newsmeter, TV Today Network Ltd. và The Quint.[19]

Trên đây là phần phân tích các sáng kiến của Chính quyền Trung ương Ấn Độ trong việc quản lý báo chí truyền thông khi đưa tin về đại dịch Covid-19. Bên cạnh những sáng kiến ở cấp độ Trung ương đã được bàn đến trong bài này, Ấn Độ còn có rất nhiều sáng kiến khác trong lĩnh vực báo chí, truyền thông được thực hiện ở cấp chính quyền bang và cấp thấp hơn, cũng như sáng kiến của khu vực tư nhân và khối phi chính phủ nhằm mục đích chống tin giả, cung cấp thông tin chính xác, trung thực, khách quan, nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống đại dịch. Đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát tốt ở hầu hết các quốc gia. Ấn Độ là quốc gia tích cực tham gia vào cơ chế COVAX cung cấp vắc xin cho thế giới, và chủ động hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn thử nghiệm vắc xin phòng Covid-19 do Việt Nam sản xuất. Những sáng kiến ở cấp chính quyền Trung ương Ấn Độ có thể là bài học cho Việt Nam và nhiều quốc gia khác trong truyền thông trong thời điểm đại dịch và khủng hoảng.

Tài liệu tham khảo
[1] https://economictimes.indiatimes.com/industry/telecom/telecom-news/india-home-to-worlds-second-largest-internet-user-base-thanks-to-jio-report/articleshow/69757870.cms
[2] https://datareportal.com/reports/digital-2022-india
[3] https://www.business-standard.com/article/news-ani/centre-urges-social-media-platforms-to-curb-false-news-about-covid-19-120032100976_1.html
[4] https://www.newsmakerslive.org/covid-19-zuckerberg-announces-facebook-partnership-with-india/
[5] https://techcrunch.com/2020/03/21/india-whatsapp-mygov-corona-helpdesk-bot/
[6] https://entrackr.com/2020/08/aarogya-setu-app-enters-150-mn-user-club-in-4-months/
[7] https://www.financialexpress.com/industry/technology/govt-discontinues-corona-kavach-aarogya-setu-is-now-indias-go-to-covid-19-tracking-app/1919378/
[8] https://www.narendramodi.in/prime-minister-narendra-modi-interacts-with-radio-jockeys-548998
[9] https://www.narendramodi.in/prime-minister-narendra-modi-interacts-with-key-stakeholders-from-electronic-media-548919
[10] https://www.narendramodi.in/prime-minister-narendra-modi-interacts-with-print-media-journalists-and-stakeholders-548937
[11] https://caravanmagazine.in/media/hours-before-lockdown-modi-asked-print-media-owners-editors-refrain-negative-covid-coverage
[12] https://economictimes.indiatimes.com/news/politics-and-nation/sc-asks-media-to-publish-official-version-of-corona-developments/articleshow/74919142.cms
[13] https://economictimes.indiatimes.com/news/politics-and-nation/sc-asks-media-to-publish-official-version-of-corona-developments/articleshow/74919142.cms
[14] https://tuoitre.vn/bat-nguoi-ban-nuoc-tieu-va-phan-bo-kem-loi-rao-chong-covid-19-20200319100920354.htm
[15] https://www.theguardian.com/world/2020/jun/08/bleach-baths-and-drinking-hand-sanitiser-poison-centre-cases-rise-under-covid-19
[16] https://zingnews.vn/nguoi-an-do-lung-mua-thuoc-tien-tap-yoga-vi-so-nhiem-covid-19-post1111943.html
[17] https://www.indepthnews.net/index.php/the-world/asia-pacific/3721-india-confronted-with-infodemic
[18] https://www.undp.org/press-releases/undp-governments-must-lead-fight-against-coronavirus-misinformation-and-disinformation
[19] https://www.indepthnews.net/index.php/the-world/asia-pacific/3721-india-confronted-with-infodemic

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục