Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Các tác phẩm của Hồ Chí Minh ở Paris

Các tác phẩm của Hồ Chí Minh ở Paris

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trân trọng giới thiệu bản dịch Các tác phẩm của Hồ Chí Minh ở Paris, dịch toàn văn từ bài nghiên cứu "Between Theory and Praxis: Ho Chi Minh’s Parisian Networks, Intellectual Production and Evolving Thought" của tác giả Geoffrey C. Gunn, Đại học Nagasaki, Nhật Bản. Bài báo xuất bản ngày 05 tháng 1 năm 2022 trên Tạp chí Châu Á đương đại. Nguồn: https://doi.org/10.1080/00472336.2021.1972438 Các quan điểm, đánh giá, nhận định trong bài viết này là của riêng tác giả.

02:00 30-09-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tóm tắt

Các tác phẩm của Hồ Chí Minh đã qua nhiều lần biên tập, chỉnh sửa trước khi xuất bản. Bài báo này đặt ra những câu hỏi những yếu tố nào có ảnh hưởng quan trọng nhất đến tư tưởng của Người trong những năm Người ở Pháp từ 1919 đến 1923. Đây là thời kỳ có nhiều sự kiện xã hội định hình tư tưởng của Người. Những ấn phẩm nào mang đậm tư tưởng của Người trong thời kỳ này? Những tác phẩm đó có mối liên hệ như thế nào với chủ nghĩa Mác-Lênin, và yếu tố nào chuyển hóa tư tưởng đó thành tư tưởng Hồ Chí Minh? Để trả lời những câu hỏi này, bài báo đặc biệt chú ý đến việc Hồ Chí Minh nghiên cứu và viết một bản thảo khi Người ở Paris. Bản thảo hoàn thành năm 1926, mặc dù có thể có nhiều phiên bản của bản thảo này, như tác giả đề cập ở phần kết, nhưng trên thực tế, đây hoàn toàn là tác phẩm của Người. Bài báo cũng phân tích những hoạt động tại Paris có ảnh hưởng sâu sắc đến đường hướng hoạt động của Người, các đầu mối liên lạc viên còn ít được nghiên cứu, những nhân vật khác từ các thuộc địa của Pháp mà Người đã hợp tác để xây dựng mối quan hệ và chiến lược chống đế quốc, thực dân.

Từ khóa: Hồ Chí Minh, tác phẩm tại Paris, chủ nghĩa Mác-Lênin, hoạt động chính trị

 

Việc nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là một vấn đề mới và đã được thực hiện phổ biến trong các trường học và các cơ sở nghiên cứu của Việt Nam hiện nay. Các nghiên cứu về tiểu sử Hồ Chí Minh thường cho rằng, Người hướng theo phe Bôn-sê-vic sau khi đọc bản tóm tắt luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa trên một tờ báo Pháp, và bài viết của Hồ Chí Minh sau này cũng đề cập điều đó. Tuy nhiên, để đánh giá đầy đủ về sự phát triển của tư tưởng chính trị của Hồ Chí Minh trong thời kỳ Người làm công nhân, làm sinh viên ở Pháp, từ giữa năm 1919 đến giữa năm 1923, cần xem xét phạm vi rộng hơn, không chỉ các hoạt động của Người, mà cả việc các mạng lưới mối quan hệ liên quan tới vấn đề thuộc địa mà Người đã góp phần xây dựng. Điều này rất quan trọng vì Người đặc biệt lo ngại rằng, ngay cả khi Người là thành viên sáng lập của Đảng cộng sản Pháp (PCF), đảng này vẫn không quan tâm giải quyết các vấn đề thuộc địa. Người đã tìm cách khắc phục điều này bằng cách cùng với nhiều nhóm người dân đến từ các thuộc địa khác, không chỉ người châu Á mà cả người Ả Rập, châu Phi, người Tây Ấn (thuộc Pháp) và người Madagasca liên kết với Đảng PCF, ra mắt tờ báo Người cùng khổ (Le Paria). Thậm chí trước đó, Người đã kết nối với người Triều Tiên, đặc biệt là các đại biểu Trung Quốc đến Pháp để tham dự Hội nghị Hòa bình Paris 1919–1920, mở màn cho quá trình dàn xếp quốc tế sau Thế chiến thứ nhất.

Bên cạnh chủ nghĩa hoạt động, một phần quan trọng trong sự nghiệp của Hồ Chí Minh ở Paris là nghiên cứu. Thời gian ở Paris, Người nghiên cứu để viết bản thảo Những người bị áp bức (Les Opprimés), nhưng Đảng PCF không xuất bản. Khi Người sang Mátxcơva, và một phiên bản của bản thảo này đã được phát hành ở Paris. Kho tư liệu những bài viết của Người rõ ràng đã trải qua nhiều lần sàng lọc. Bài báo này đặt câu hỏi, những nhân tố chính nào ảnh hưởng tới tư tưởng của Hồ Chí Minh trong những năm Người ở Pháp, và ảnh hưởng như thế nào? Và Hồ Chí Minh đã nghiên cứu như thế nào để cho ra đời bản thảo quan trọng nhất trong sự nghiệp của Người ở giai đoạn này? Và quan trọng là, Người đã học hỏi gì từ chủ nghĩa Mác-Lênin để đưa vào bản thảo?

Phần đầu tiên của bài viết này điểm lại những người mà Hồ Chí Minh tiếp xúc trong giai đoạn đầu ở Paris, đây là nền tảng để hiểu thế giới quan phát triển nhanh chóng của Người. Phần thứ hai tập trung vào những nghiên cứu, các bài viết và ấn phẩm của Người, và quá trình Người lĩnh hội tư tưởng của Lênin. Phần thứ ba nghiên cứu sự chuyển hướng của Người sang chủ nghĩa quốc tế khi tham gia vào tổ chức chống thực dân có tên là Hội Liên hiệp thuộc địa (Union Intercoloniale) và biên tập viên sáng lập tờ báo Người cùng khổ (Le Paria). Trong phần cuối cùng, bài báo đưa ra đánh giá về tác phẩm nổi bật của Người, Bản án chế độ thực dân Pháp (Le Procès de la colonization française), thành quả nghiên cứu của Người được thực hiện từ năm 1919 đến năm 1921, nhưng mãi tới năm 1926 mới xuất bản. Kết hợp với một bản thảo chưa được xuất bản nằm trong kho lưu trữ của Quốc tế Cộng sản (Comintern), bài báo suy đoán về các quy trình biên tập dẫn đến việc xuất bản vào năm 1926.

 

Những người đầu tiên liên hệ với Hồ Chí Minh ở Paris

Nền hòa bình mới ở châu Âu sau Thế chiến thứ nhất đã mở đường cho nhiều người dân ở các nước thuộc địa trụ lại các thủ đô lớn của châu Âu. Đông Dương đã gửi sang cho Pháp 15 tiểu đoàn bộ binh gồm hơn 40.000 lính, cùng khoảng 50.000 công nhân. Các lực lượng lớn khác bao gồm người dân từ các thuộc địa của Pháp ở châu Phi, người Trung Quốc và người có các quốc tịch khác. Hầu hết trong số đó đều nhanh chóng hồi hương sau chiến tranh. Số còn lại bị mắc kẹt ở Pháp, chọn ở lại bằng con đường kết hôn, đi làm hoặc đi học, cùng với những người lao động là sinh viên đến Pháp sau chiến tranh (xem Blanc 2004; Lê Văn Hồ 2014, Gunn 2014a ). Khi Hồ Chí Minh từ Luân Đôn đến Paris vào tháng 6 năm 1919 (hoặc có thể sớm hơn), với tên gọi thời niên thiếu là Nguyễn Tất Thành, ông đã gặp một số người trong số đó. Ông thất vọng về cách nước Pháp đối xử với họ, và trong một lá thư gửi ban biên tập, đăng trên tờ báo Nhân Đạo (L'Humanité) của Đảng Cộng Sản Pháp, vào ngày 5 tháng 11 năm 1920, ông tố cáo kế hoạch của Pháp triển khai quân đội thuộc địa đến Syria. Người viết: Những người anh em da vàng bất hạnh của chúng ta chưa đủ thảm thương hay sao khi bị tàn sát trên chiến trường suốt những năm 1914–1918 để đổi lấy gì…văn minh hay quyền lợi nào cho họ?

Những đầu mối liên hệ sớm nhất với Hồ Chí Minh chắc chắn là đồng hương của ông và nhiều bài viết đã đề cập tới sự hỗ trợ mà ông nhận được ở Paris từ Hội những người An Nam yêu nước (Groupe des Patriotes Annamites). Địa chỉ của họ tại số 6 Villa des Gobelins trong Quận 13 của Paris. Nhóm này còn được gọi là Ngũ Long, gồm các nhà hoạt động chống thực dân. Trong đó có nhà Nho Phan Châu Trinh mà ông Hồ đã trao đổi thư từ trước khi đến Paris; luật sư Phan Văn Trường, người mà ông Hồ đã chia sẻ quan điểm chính trị; nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Truyền, đã giới thiệu Hồ Chí Minh đến với tư tưởng xã hội chủ nghĩa; và Nguyễn An Ninh, sinh viên luật tại Đại học Sorbonne từ năm 1918 và rời Pháp năm 1922. Bức chân dung đầy đủ về Hồ Chí Minh thời trẻ, lúc bấy giờ vẫn dùng tên Nguyễn Ái Quốc, không thể thiếu việc tìm hiểu những cuộc tiếp xúc của ông với giới tiến bộ của Pháp, bao gồm những người theo chủ nghĩa xã hội, cộng sản và vô chính phủ (xem Duiker 2000; Quinn-Judge 2002; Brocheux 2007; Borton 2007; Ruscio 2019). Tuy nhiên, mặc dù có nhiều tài liệu về giai đoạn Hồ Chí Minh ở Paris, chúng ta chưa chú ý tới nhóm hoặc mạng lưới khác mà ông Hồ có liên quan, cụ thể là những người châu Á và người từ các thuộc địa khác (xem Goebel 2015).

 

Hồ Chí Minh và Hội nghị Hòa bình Paris

Chúng ta cũng không nên bỏ qua những sự kiện mang tính bước ngoặt khiến Hồ Chí Minh được công chúng chính thức chú ý đến. Đó là sự kiện bản kiến ​​nghị của ông nhân Hội nghị Hòa bình Paris và, sự kiện ông tham dự Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp ngày 12 tháng 12 năm 1920, trong đó Đảng Cộng Sản Pháp bày tỏ tình đoàn kết với Quốc tế Cộng Sản. Như chúng ta đã biết, vào ngày 18 tháng 1 năm 1918, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đã công bố 14 nguyên tắc làm điều kiện để thiết lập hòa bình và kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nhiều nhóm và dân tộc đã hưởng ứng lời kêu gọi này bằng cách tham dự hội nghị hoặc gửi đơn thỉnh cầu. Hồ Chí Minh cũng làm như vậy. Trên thực tế, vào ngày 18 tháng 6 năm 1919, ông đã gửi một bản kiến ​​nghị, ký tên “Nguyen Ai Quak”, đến Tổng thống Wilson và các trưởng phái đoàn khác tại Versailles, cũng như các chính khách hàng đầu của Pháp. Tài liệu này có tên là Thỉnh nguyện thư của người An Nam (Revendications du Peuple Annamite) do nhóm Groupe des Patriotes cùng biên soạn, tập hợp các yêu cầu tương đối ôn hòa về quyền và quyền tự trị trong điều kiện chưa có độc lập, nhưng nó khiến người Pháp e dè vì không muốn chủ nghĩa thực dân Pháp trở thành chủ đề được nêu ra tại hội nghị (ANOM SLOTFOM XVI Notes d'agents 1920; Duiker 2000, 59–60).

Sáng kiến này không có kết quả rõ rệt, dẫn đến việc Hồ Chí Minh trong những năm sau đó đã mô tả lời mời của Wilson như một làn khói hay một vở kịch đánh lừa những người thỉnh nguyện (Reilly 2019). Mặc dù vậy, như Reilly khẳng định, thỉnh nguyện thư không đến nỗi chỉ thoảng qua như làn khói như một số nhà sử học đã nhận xét. Đúng hơn, như Hội nghị Versailles kết luận, Hồ Chí Minh đã thuyết phục được những người theo chủ nghĩa xã hội Pháp gia nhập Quốc tế Cộng sản của Lênin. Nhiều bản sao của Thịnh nguyện thư xuất hiện trên đường phố Paris dưới dạng truyền tay. Hồ Chí Minh đã thực sự khởi động sự nghiệp cách mạng, thu hút cả sự chú ý của công chúng lẫn sự theo dõi của chính quyền Pháp.

Ngoài ra, còn có thỉnh nguyện thư khác ít người biết đến, do Hoàng thân Cường Để, lúc đó đang ở Trung Quốc, đại diện cho Việt Nam Quang phục Hội, gửi điện trực tiếp tới hội nghị vào ngày 12 tháng 2 năm 1919. Hoàng thân cũng gửi thỉnh nguyện thư để đăng trên một số tờ báo ở Trung Quốc (Tran 2005, 100). Hoàng thân đi theo tiếng gọi chống Pháp của Phan Bội Châu, hai người đã đến Tokyo để kêu gọi Nhật Bản hỗ trợ cuộc đấu tranh của họ. Tuy nhiên, thỉnh nguyện thư của Hoàng thân đối với hội nghị không nhận được phản hồi. Theo giải thích của một đặc vụ cảnh sát Pháp tên là Jean (người được vào bên trong hội nghị), thỉnh nguyện thư của Hoàng thân không được ai để ý vì nó “đính kèm bên trong tập tài liệu của Trung Quốc về đến vấn đề Trung Quốc” (ANOM SLOTFOM XVI Notes d'agents d'agents năm1920). Điều kiện tiên quyết để tham dự hội nghị là những người gửi thỉnh nguyện thư phải là người đại diện cho chính phủ hoặc chính phủ lâm thời. Và như vậy, có thể suy ra rằng, thỉnh nguyện thư của Hoàng thân Cường Để nhờ đoàn Trung Quốc mang tới có thể không được trình ra do vướng vào điều kiện nêu trên.

 

Những người Triều Tiên

Một trong những nhóm đầu tiên phản hồi thông báo của Wilson là những người Triều Tiên lưu vong ở Thượng Hải, bao gồm cả nhà dân tộc chủ nghĩa Cơ đốc giáo, Lý Thừa Vãn (Yi Seung-man hay Syngman Rhee). Tháng 3 năm 1919, nhóm cử một phái đoàn đến Paris dưới danh nghĩa Chính phủ Lâm thời Đại Hàn Dân Quốc. Phái đoàn do Kim Gyu-sik đứng đầu, cùng với Kim Tang, Yeo Un-hong và Jo So-Ang (còn được gọi là Cho Soang), họ đã ở lại Paris trong hai năm bốn tháng. Mặc dù Kim Gyu-sik sớm rời đi, nhưng ông được thay thế bởi Bá tước K. Whang (Whang Ki-whan), một người Mỹ gốc Hàn, từng phục vụ trong Quân đội Mỹ tại Pháp trong chiến tranh. Tại Paris, Whang đã xuất bản nhiều tài liệu và bản tin hàng tháng với tiêu đề Triều Tiên tự do (La Corée libre), cho đến khi trở về New York, nơi ông qua đời vì một cơn đau tim vào năm 1923 (nguồn Ẩn danh 2019). Những người Triều Tiên ở Paris hoạt động có tổ chức đến mức họ điều hành một văn phòng công gần Đại lộ Champs-Élysées. Một số tài liệu của họ bằng tiếng Anh và có thể được sản xuất tại Mỹ. Bản ghi nhật ký của Hồ Chí Minh vào ngày 20 tháng 12 năm 1919 cho thấy rằng, vào ngày đó ông Hồ đã đến thăm “Ủy ban Triều Tiên” (ANOM HCI SPCE 367 Relevé du carnet de Notes).

Với một số nhóm Triều Tiên khác chịu ảnh hưởng của các nhà truyền giáo Tin lành Mỹ, như Bourdeaux (2012, 2013) đã chỉ ra, Hồ Chí Minh đã biết rằng, họ có thể là đồng minh trong cuộc đấu tranh chống thực dân (mặc dù họ cũng có thể có sự khách biệt về văn hóa, và điều này khiến ông lo lắng rất nhiều). Thế nhưng, vài người trong số bạn bè thân hữu của của Hồ Chí Minh ở Paris là những người theo đạo Tin lành, bao gồm vài người Madagasca và một số đồng minh xã hội chủ nghĩa và cộng sản Pháp. Những năm 1920–1921 là thời kỳ Hồ Chí Minh tiếp cận và trải nghiệm nhiều khuynh hướng như chủ nghĩa xã hội cấp tiến, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa vô chính phủ, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa khổ tính, và đạo Tin lành. Cũng có một số luồng tư tưởng ông cảm thấy không phù hợp, ví dụ như các giáo phái. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong việc xây dựng mạng lưới mối quan hệ phục vụ cho hoạt động cách mạng (Bourdeaux 2012–2013, 307). Sự ngăn cách về địa lý có thể gây cản trở cho việc tập hợp một cách có hệ thống tất cả những nhóm có ảnh hưởng tới hoạt động cách mạng, nhưng, như bài báo này lập luận, mạng lưới mối quan hệ quen biết của cá nhân cũng có ảnh hưởng lớn.

Chúng ta biết rất ít về thời gian Hồ Chí Minh ở Mỹ, bao gồm cả thời gian ở New York trước khi chuyển đến Boston rồi đến Luân Đôn (Duiker 2000, 50–51; Borton 2007, 25–33). Tuy nhiên, chúng ta có thể nói thêm rằng, lần đầu tiên ông tiếp xúc với những người Triều Tiên hoạt động chống thực dân là trong thời gian ông ở Mỹ. Quinn-Judge (2001, 27) tin rằng, việc này rất có thể xảy ra vào năm 1917–1918 và nghiên cứu của bà là một trong số rất ít tài liệu chỉ ra mối liên hệ giữa Hồ Chí Minh với những nhà hoạt động cách mạng Triều Tiên. Nếu đúng như vậy, thì sẽ giúp giải thích tại sao ở Paris, Hồ Chí Minh đã sớm kết thân với một người Triều Tiên tên là Kim Tchong Wen (có thể là một bí danh). Trên thực tế, rất ít tài liệu nghiên cứu về những năm tháng ông Hồ làm việc trên tàu biển và ở Mỹ, và rằng, mối liên hệ với Kim là một trong số ít đầu mối để chứng thực sự hiện diện của ông Hồ trên đất Mỹ. Chúng ta có thể suy đoán rằng, Kim sống ở Mỹ nhưng đã muốn tới Paris để tham dự Hội nghị Hòa bình Paris. Hồ Chí Minh và Kim có liên hệ mật thiết và rất có thể Kim đã huấn luyện Hồ Chí Minh cách vận động hành lang hội nghị. Cũng có thể suy đoán rằng, Kim đã truyền cho ông Hồ kỹ thuật dùng bí danh, do không ai trong cộng đồng người Việt của ông Hồ ở Paris áp dụng kỹ thuật này.

Các nhà chức trách Pháp quan sát thấy rằng, Hồ Chí Minh đặt mua tờ Triều Tiên tự do (La Corée libre) và rõ ràng có học tập những kiến thức trong tạp chí. Ngày 4 tháng 9 năm 1919, ông Hồ đã đăng trên tờ Dân Chúng (Le Populaire) của Đảng Xã hội Pháp một bài báo có tựa đề Đông Dương và Triều Tiên – Sự so sánh thú vị (L’Indochine et la Corée – Une Intéressante comparion). Bài báo lầm tưởng rằng, Nhật Bản tiến bộ hơn Pháp trong việc soạn thời gian biểu để giải quyết vấn đề phân rẽ chính trị ở Triều Tiên. Qua một đầu mối người Triều Tiên, ông Hồ xuất bản hai bài báo trên một tờ báo ở Trung Quốc để nêu quan điểm về Việt Nam. Bài báo Tiếp tục chiến dịch ủng hộ người An Nam (Continuation de la campagne en faveur des Annamites) đăng ngày 18–20 tháng 9 năm 1919, trên tờ báo Yi Che Pau tại Thiên Tân, đây là tờ tiền thân của tờ Đại Công Báo (Ta Kung Pao) báo tiếng Trung lâu đời nhất. Bài báo có đoạn phỏng vấn giữa ông Hồ và Kim, người xưng danh là đại diện của Chính phủ lâm thời Triều Tiên và là một người Mỹ. Bài báo viết, trong khi người Nhật ở Triều Tiên đối xử với người Triều Tiên như người Nhật (Nhật hóa người Triều), thì ở Đông Dương, người Pháp vẫn cố duy trì vĩnh viễn sự bất bình đẳng. Ngày 8 tháng 1 năm 1920, Hồ Chí Minh tham dự hội nghị về Trung Quốc và Triều Tiên do Liên đoàn quyền con người (Ligue des Droits de L’Homme) đăng cai tổ chức. Kim cũng có mặt cùng với một số người Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản (ANOM SLOTFOM XVI; HCI SPCE 367 Relevé du carnet de notes).

Đặc vụ Jean - có thể là một người Việt Nam được Pháp thuê - đã viết vào ngày 2 tháng 1 năm 1920, Hồ Chí Minh đã học theo cách hoạt động của một người Triều Tiên tên là Kim (ANOM SLOTFOM XVI 1921). Nhận xét này không phải là không có cơ sở, vì những người Triều Tiên ở Paris đã được tổ chức tốt, họ tự nhận là những người theo chủ nghĩa xã hội và đang tạo nên những làn sóng chính trị. Mô hình của họ ra sao? Như đã đề cập, họ chịu ảnh hưởng khá sớm từ những nhà hoạt động vì độc lập của Triều Tiên ở Mỹ. Ở Paris, ông Hồ hẳn đã thấy rằng, các đại biểu Triều Tiên tham dự Hội nghị Hòa bình đã nhận được sự ủng hộ từ Trung Quốc. Ông Hồ cũng thấy rằng, Chính phủ lâm thời của người Triều Tiên hoạt động có hiệu quả cả ở Thượng Hải và Paris. Các nhà hoạt động chống thực dân tại Việt Nam chưa bước vào giai đoạn chuẩn sẵn sàng như những nhà hoạt động Triều Tiên, nhưng mô hình của Triều Tiên có thể ảnh hưởng đến quyết định thành lập cơ sở ở Quảng Châu sau này của Hồ Chí Minh. Tại Paris, ông Hồ đã chứng kiến ​​cách người Triều Tiên hoạt động rất hiệu quả trong các chiến dịch tuyên truyền, quảng bá và gây quỹ, phát hành tài liệu và xuất bản tờ nguyệt san. Ông Hồ cũng có thể học từ mô hình người Triều Tiên tổ chức các sự kiện lớn thu hút nhiều người tham dự và cách họ tham dự các hội nghị quốc tế quan trọng ở châu Âu để phát biểu quan điểm của họ. Không nghi ngờ gì nữa, ông Hồ cũng có thể cảm nhận được nguồn gốc của chủ nghĩa dân tộc và sự bất bình của người Triều Tiên; và tất cả những điều đó được truyền cảm hứng từ phong trào Bôn-sê-vic, cho dù ngay cả cảm hứng đó rồi cũng sẽ thay đổi. Và, việc học tập mô hình là rất rõ ràng, khi ông Hồ trình thỉnh nguyện thư mưu cầu quyền tự trị, thì người Triều Tiên kêu gọi độc lập.

Một trong những người Triều Tiên mà Hồ Chí Minh tiếp cận từ tháng 12 năm 1919 là Jo So-Ang, đại biểu cấp cao của Triều Tiên tham dự Hội nghị Hòa bình (Li 2007). Ông là người sớm ủng hộ nền độc lập của Triều Tiên kể từ khi tuyên bố được đưa ra ở Trung Quốc vào tháng 2 năm 1919 và sau đó là ở Nhật Bản.[1] Giống như các nhà hoạt động người Triều Tiên khác ở Pháp, Jo đã dùng bí danh, đề phòng sự theo dõi của cơ quan điều tra Nhật Bản ở Paris và/hoặc sự theo dõi của các cơ quan có thẩm quyền của Pháp do đã từng hoạt động ở Thượng Hải và nhiều địa điểm khác. Cho đến thời điểm đó, chiến lược này có hiệu quả vì ban đầu cảnh sát Pháp mô tả ông Jo là người Thái Lan hoặc Campuchia với tên gọi “Tjosowang”, và sau đó lại có thông tin ông Jo là sinh viên, 32 tuổi, sinh ra ở Cát Lâm, Trung Quốc. Jo sống tại số 159 Đại lộ Montparnasse, sau đó chuyển tới số 6 Guy Lussac từ ngày 18 tháng 11 năm 1919. Đây là địa chỉ khách sạn Athens. Chiều ngày 25 tháng 12 năm 1919, Hồ Chí Minh cùng với Phan Châu Trinh đã đến thăm Jo tại đây. Theo quan sát của Đặc vụ Pháp Arnoux, có thêm ba người Việt Nam (thực tế là cả một phái đoàn) tham gia cùng với họ trong chuyến thăm Jo, nên có thể hiểu rằng đây là nhân vật vô cùng quan trọng (ANOM SLOTFOM XVI, ngày 26 tháng 12 năm 1919). Đây không phải cuộc gặp chính thức mà chỉ là buổi xã giao, giới thiệu. Từ căn cứ tạm thời ở Paris, Jo liên tục hoạt động cho nền độc lập của Triều Tiên tại các cuộc họp xã hội chủ nghĩa quốc tế ở Lucerne và Amsterdam trước khi lên đường tới Mátxcơva (Li 2007). Với mục tiêu đảm bảo nguồn tài chính cho đảng xã hội chủ nghĩa Triều Tiên trong tương lai, ông cũng mở rộng mạng lưới hoạt động sang Mỹ. Để làm được điều này, theo Cha (2010, 124) tường thuật lại, Jo đã khai thác thành công các mạng lưới nông dân người Triều Tiên nhập cư vào California, quyên góp được một khoản tiền lớn bất thường là 26.590 franc và gửi hợp pháp tới Paris.

 

Mối liên hệ với Trung Quốc

Tại Paris, sự kết nối của ông Hồ với Trung Quốc đã mở rộng gấp đôi. Đầu tiên, ông đã tiếp xúc với các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Hoa Dân Quốc tại Pháp và các đại diện đến Pháp tham dự Hội nghị Paris, ông còn tiếp tục giữ mối quan hệ với họ trong vài năm. Ông Hồ cũng làm việc với phái đoàn Trung Quốc dự hội nghị. Qua một đầu mối người Trung Quốc tên là Ah San, Hồ Chí Minh đã trao đổi thư từ với Phó Lãnh sự Trung Quốc (ANOM HCI SPCE 364 Correspondence et Notes 1921). Điều này là thể hiện sự thận trọng và thực dụng vì nếu có quốc gia nào có thể giúp Việt Nam trong lúc đó, thì đó chính là Trung Quốc. Đúng như vậy, sau khi chuyển từ Paris đến Mátxcơva vào giữa năm 1923, ông Hồ gần như ngay lập tức tìm cách chuyển địa bàn hoạt động cách mạng đến Quảng Châu, khi đó Tôn Trung Sơn đang nắm quyền. Ông Hồ cũng biết phản ứng của sinh viên Trung Quốc trước thất bại của giới ngoại giao Trung Quốc tại Versailles sau khi Đức nhượng lại tô giới tại Sơn Đông cho Nhật Bản, dẫn đến các cuộc biểu tình của sinh viên ở Bắc Kinh vào ngày 4 tháng 5 năm 1919 (Phong trào Ngũ Tứ).

Đầu mối liên lạc thứ hai của Hồ Chí Minh với người Trung Quốc ở Paris có thể được xây dựng dựa trên những kết nối mà ông Hồ đã thực hiện trong thời gian dài lưu trú tại Luân Đôn thông qua Hiệp hội Công nhân Trung Quốc ở nước ngoài (Fall 1967, vii). Các bản sao nhật ký của ông Hồ do cảnh sát Pháp thu giữ cho thấy rằng, ông Hồ đã liên tục trao đổi thư từ với một số người trong Hiệp hội này ở Anh, và làm quen với nhiều người Trung Quốc đến và định cư ở Paris. Có khả năng, ông Hồ đã gặp một số người tại các cuộc họp chính trị và tại nhiều nhà hàng Trung Quốc mà ông và những người đồng hương thường lui tới. Những nhà hàng Trung Quốc này đều bị cảnh sát Pháp theo dõi.

Theo tài liệu của cảnh sát Pháp, vào tháng 4 năm 1921, Hồ Chí Minh đã nhận được một bản sao của một tờ báo tiếng Hoa do Hiệp hội Trung Quốc ấn hành, Hiệp hội có địa chỉ là số 39 rue de la Pointe, Garenne Colombes. Đây là khu công nghiệp ở phía tây bắc của Paris, nơi Đặng Tiểu Bình khi đó còn trẻ tuổi đã đến làm việc tại Nhà máy Gang thép Le Creusot cùng trong tháng đó. Cùng với những người đồng hương, ông Đặng rời Trung Quốc đến Pháp vào ngày 11 tháng 9 năm 1920, trên con tàu André Lebon, cập cảng Marseille vào ngày 19 tháng 10 năm 1920. Là những người trẻ, độ tuổi từ 15 đến 25, nhóm của ông Đặng đã gặp đại diện của Hiệp hội Giáo dục Pháp-Trung. Từ tháng 4 đến tháng 5 năm 1921, Hồ Chí Minh thường xuyên nhận được báo tiếng Trung của Hiệp hội Giáo dục Pháp - Trung (ANOM HCI SPCE 364 Correspondence  1921). Barman và Dulioust (1988, 21–22) giải thích, địa chỉ Garenne Colombes thực sự là ngôi nhà chung cho các sinh viên trong Hiệp hội và Ủy ban Pháp-Trung, nơi phân phát hàng cứu trợ cho các công nhân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, trong đo có cả Đặng Tiểu Bình, do điều kiện kinh tế xấu đi và nhiều người thất nghiệp. Trên thực tế, theo Bensacq-Tixier (2014, 221–227), mục tiêu chủ yếu của các hiệp hội Pháp-Trung là cùng với cảnh sát Pháp theo dõi các đảng phái chính trị, bao gồm khoảng 1.000 người ủng hộ cộng sản trong giới công nhân Trung Quốc. Về phần mình, ban ngày làm việc trong nhà máy Renault, buổi tối sau giờ làm việc, ông Đặng đã vẽ, in và lưu hành các tài liệu tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản bằng tiếng Trung Quốc. Hồ Chí Minh là người rất am hiểu những tài liệu đó.

Trong phái đoàn của Trung Hoa Dân Quốc tại Hội nghị Paris có Scie Ton-Fa. Là một người Pháp gốc Hoa sinh ra ở Paris năm 1880, ông nhập quốc tịch Trung Quốc năm 1902 khi đến thăm Thượng Hải. Được mô tả là người nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở Paris, ông cũng có liên hệ mật thiết với những người sống ở đường Gobelins. Trong một số tài liệu, ông Scie được mô tả là “thư ký đặc biệt của Cơ quan tố tụng Trung Quốc tại Paris”, đồng thời, ông cũng là thành viên của một tổ chức có tên là “tổ chức tư pháp cấp cao” ủng hộ quyền của người Trung Quốc và người châu Á. Các điệp viên Pháp không xác định được mối quan hệ của Hồ Chí Minh với Scie. Một báo cáo mô tả hai người là bạn bè. Một báo cáo khác cho rằng, họ chỉ là bạn xã giao không có gì đặc biệt, ngoại trừ việc họ có thực hiện chung một số hoạt động như mua sắm vật tư chụp ảnh cho nhóm nghệ sĩ ở Gobelins. (ANOM HCI SPCE 364 Correspondence et lưu ý Pari, ngày 1 tháng 4 năm 1920).

Thú vị là, Scie có mối quan hệ với Jo So-ang. Vào thời điểm tháng 11 năm 1919, 25 công nhân Triều Tiên đã đến Pháp, tiếp theo là 20 sinh viên đến vào đầu năm 1920. Có thể họ đã thành lập nhóm Cư dân Triều Tiên ở Pháp để tham dự sáng kiến Sự kiện Nhật Bản ở Paris. Khi hợp tác với nhau, Scie và Jo đã thành lập ủy ban Những người bạn của Triều Tiên, với trụ sở chính tại căn hộ của Scie ở 93 Bd. Hausseman. Họ gặp nhau vào ngày 23 tháng 6 năm 1920 tại Bảo tàng Xã hội, nơi ông Scie đọc một lá thư xin lỗi của Jean Longuet, biên tập viên của tờ báo Dân Chúng (Le Populaire) thân cộng sản và cháu của Marx (Li 2007). Văn phòng ủng hộ phong trào đòi tự do cho Triều Tiên khi đó được đặt tại số 38, rue de Châteaudun, ở quận 9 của Paris, bắt đầu ngừng hoạt động từ năm 1920 do thiếu tài trợ từ Chính phủ lâm thời có trụ sở tại Thượng Hải.

Hồ Chí Minh chắc chắn đã biết về một cuộc biểu tình của khoảng hàng trăm sinh viên Trung Quốc trước Văn phòng đại diện Trung Quốc ở Paris vào ngày 19 tháng 9 năm 1921, nhiều người đến từ tỉnh khác ngoài thủ đô của Pháp và phẫn nộ vì bị chính phủ nước họ cũng như nước Pháp bỏ rơi. Một phần là do Trung Quốc khuyến khích hàng trăm sinh viên đến Pháp du học vào cuối năm 1920, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế ở quê nhà và sự kém cỏi của bộ máy hành chính khiến họ không có tiền lương. Đại diện Trung Quốc ở Paris, ông Cheng Le, đã trả chi phí đi lại của họ đến một trung tâm khảo thí ở tỉnh Lyon như một cách để chặn họ xuống đường biểu tình. Ngày 15 tháng 10 năm 1921, chính phủ Pháp đưa 500 người về Trung Quốc, và yêu cầu chính phủ Trung Quốc bồi thường chi phí đưa người về. Tuy nhiên, 3.000 sinh viên và công nhân Trung Quốc vẫn sống ở Paris và các vùng ngoại ô, hoặc làm việc trong các nhà máy bên ngoài thủ đô (Bensacq-Tixier 2014, 221–227).

Quan điểm cho rằng, Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai có làm việc cùng với nhau ở Paris cần phải được tranh luận để làm rõ. Đúng là vào năm 1923, ông Chu thuê một căn hộ liền kề với địa chỉ ở Gobelins (Goebel 2015, 1–2, 105). Đây vẫn là nơi gặp gỡ không thường xuyên của các nhà hoạt động Việt Nam mặc dù ông Hồ đã chuyển ra ngoài sau những tranh luận nghiêm túc nhưng trái với đường lối cải cách của các đàn anh. Theo Bensacq-Tixier (2014, 221–227), trong số những sinh viên Trung Quốc biểu tình ở Paris có một người tên là Wu Hao, đáng lẽ ra đã theo đoàn tàu chở người hồi hương đến cảng Marseille, nhưng đã bỏ xuống tàu và quay trở lại Paris. Chỉ sau này tên của ông mới được làm rõ là Chu Ân Lai. Lần đầu tiên đến Pháp vào tháng 12 năm 1920, ông Chu đã có thời gian ngắn làm việc tại nhà máy Renault ở Billancourt trước khi đăng ký học một trường ngoại ngữ của tỉnh này. Chuyển đến Berlin năm 1922, vào tháng 2 năm 1923, ông được bầu làm tổng thư ký của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc ở châu Âu, sau đó ông quay trở lại Paris (Lee 1994, 158–162). Ông thu hút sự ủng hộ của những người nổi tiếng của Đảng Cộng sản Trung Quốc như Chen Yi, Ye Jianying, Nie Rongzhen, họ từng làm việc tại Creusot và sau đó là Renault, và cuối cùng là Zhu De, đến Pháp năm 1922 sau đó sang Đức. Địa điểm gặp gỡ thường xuyên của những người cấp tiến này là một xưởng in do Henri Lozeray, đảng viên Đảng Cộng Sản Pháp điều hành (Bensacq-Tixier 2014, 221–227). Rõ ràng là ông Lozeray là thân tín của Hồ Chí Minh. Lozeray đã có thời gian dài tích cực hoạt động trong các phong trào thanh niên xã hội chủ nghĩa trước khi gia nhập Đảng Cộng Sản Pháp. Phong trào hoạt động của người Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Cộng Sản Trung Quốc được tổ chức tại Thượng Hải vào ngày 23-31 tháng 7 năm 1921. Hồ Chí Minh ghi nhận những phát triển này và đăng một bài báo trên tờ L'Humanité vào ngày 19 tháng 8 năm 1922, với tiêu đề, “Le Communisme et les jeunes chinois,” chào mừng sự ra đời của phong trào ở Trung Quốc dưới lá cờ búa liềm của Đảng Cộng Sản (Ruscio 2019, 93).

Công nhân châu Á cũng là những người tích cực đấu tranh. Ví dụ, vào ngày 3 tháng 1 năm 1920, một người tên là Sia Lei, tự nhận là Tổng thư ký Hiệp hội Công nhân Trung Quốc, có trụ sở tại 39 rue de la Ponte, đã tổ chức hội nghị với sự tham gia của 1.000 người, một nửa trong số họ là người châu Á, chủ yếu là người Trung Quốc, khoảng 20 người Việt Nam và một số người Triều Tiên và Nhật Bản, hội nghị diễn ra tại Société Géographe, địa chỉ số 184 Boul. St. Germain. Cùng tham dự còn có Bá tước K. Whang đại diện cho Ủy ban Cộng hòa Triều Tiên. Có nhiều bài tham luận đầy xúc động về Triều Tiên và Sơn Đông. Chủ đề Đông Dương cũng được đề cập đến nhưng Hồ Chí Minh không trình bày tham luận (ANOM SLOTFOM XVI 1920 Note d’Agents, ngày 9 tháng 1 năm 1929). Ông Whang đã tuyên bố tại cuộc họp, người Triều Tiên “sẽ chiến đấu chống lại Nhật Bản cho đến khi giành được độc lập”. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ La Petite République, ông tuyên bố: “Điều mà [người Triều Tiên] đang kêu gọi không phải là quyền tự trị hay cải cách như phía Nhật Bản kiên quyết thực hiện, mà là việc chuyển giao chủ quyền mà Nhật Bản đã cướp của Triều Tiên, giao lại cho chính phủ lưu vong Triều Tiên” (nguồn Ẩn danh 2019) . Trong số này còn có một nhóm sinh viên người Thái Lan, với đại diện là Pridi Banomyong, tương lai là một nhà lãnh đạo của cuộc cách mạng năm 1932 chống lại chế độ quân phiệt (Vichitvong 1962, 48–49).

 

Các đầu mối liên hệ khác

Khi danh tiếng của ông Hồ ngày càng lớn trong giới trí thức Pháp và trong mạng lưới cánh tả chống thực dân, bản thân Hồ Chí Minh thu hút sự chú ý của các nhà tư tưởng cùng chí hướng và các nhà hoạt động chống thực dân. Trong số đó có ông Amitabha Ghose, người hoạt động đòi độc lập cho Ấn Độ. Sinh ra ở Calcutta năm 1897 và sinh sống ở Pondicherry thuộc địa của Pháp, ông nhập ngũ vào quân đội Pháp và làm việc tại Pháp, sau đó trở thành cựu chiến binh nhập quốc tịch Pháp. Từ ngày 27 tháng 7 năm 1919, ông cho ra đời tờ Bản tin Ấn Độ với mục đích đấu tranh cho nền độc lập của Ấn Độ. Đến tháng 6 năm 1921, 50 số báo đã được phát hành, với số lượng phát hành khoảng 1.000 bản mỗi số. Ghose thường gửi báo dưới dạng thư tín tới những người có ảnh hưởng hơn là bán tại các sạp báo thông thường. Được giới chức cảnh sát Pháp xác định là có khuynh hướng chính trị theo cách mạng xã hội chủ nghĩa, ông cũng là thành viên của cơ sở đảng số 5 thuộc Liên đoàn các đảng xã hội chủ nghĩa và Liên đoàn quyền con người. Chính Liên đoàn đã kết nối ông với Hồ Chí Minh. Sau cuộc trao đổi thư từ với Hồ Chí Minh vào giữa năm 1921, Ghose đã tiếp xúc với nhóm Gobelins. Theo đánh giá của cảnh sát Pháp, tuy nỗ lực hoạt động nhưng ông đạt được rất ít thành quả. (ANOM HCI SPCE 364 Correspondence , Devèze, ngày 8 tháng 6 năm 1921).

Komatsu Kiyoshi, sinh viên Nhật Bản, đến Marseilles vào cuối năm 1921, là một người bị thu hút bởi nước Pháp đầu thời kỳ hậu chiến, ông đến học ngôn ngữ và văn học. Ngay khi đến Paris vào ngày 23 tháng 10, ông đã gặp Hồ Chí Minh trong một buổi diễn thuyết ủng hộ hai nhà hoạt động Ý theo trường phái vô chính phủ bị kết án tử hình ở Mỹ. Đối với Hồ Chí Minh, Komatsu là một nguồn tin hiếm hoi cung cấp những hiểu biết về điều kiện lao động ở Nhật Bản (ANOM HCI SPCE 364 Note de M. Devèze du Octobre 26, 1921; 13/12/1921). Cũng trong buổi diễn thuyết đó, thủy thủ dân quân Lê Văn Thuyết (Léon) cũng có mặt. Ông không chỉ ở tại địa chỉ của Hồ Chí Minh tại số 9 Impasse Compoint, quận 17 khi đến Paris, mà còn thường xuyên liên lạc qua thư trong chuyến hành trình tới Rio de Janeiro, trùng hợp với thời gian diễn ra cuộc tấn công bến tàu ở Rio de Janeiro vào đầu năm 1921 ( xem Dulles 1974, Ch.15; Gunn 2022).

Bên cạnh việc viết các tác phẩm báo chí phê phán chính quyền An Nam do Pháp bảo hộ, ngày 11 tháng 6 năm 1922, Hồ Chí Minh đã đạo diễn thành công vở kịch do ông viết có tựa đề Con Rồng Tre (Le Dragon en bambou), một vở kịch lấy chủ đề là chuyến thăm Pháp của Hoàng đế An Nam Khải Định (r. 1916–1925). Sân khấu kịch là phương tiện mà ông Hồ tiếp tục sử dụng sau này trong sự nghiệp cách mạng. Ngay sau đó, vào đêm 23-24 tháng 6, Komatsu, cùng với Hồ Chí Minh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Lê Văn Thuyết và những người Việt Nam khác, bị cảnh sát giám sát chặt chẽ do bị nghi ngờ là có âm mưu âm mưu ám sát hoàng đế (ANOM HCI SPCE 364 Ghi chép của cảnh sát, 20/6/1922). Hồ Chí Minh và Komatsu không có hoạt động chung ở Paris, nhưng hai thập kỷ sau, Komatsu đã ở Hà Nội trong Cách mạng Tháng Tám với tư cách là người đứng đầu hoặc cấp phó của cơ quan tình báo Nhật Bản, khi đó, ông gặp lại Hồ Chí Minh (xem Gunn 2021a) . Hơn nữa, người Pháp nghi rằng, ông Komatsu có thể đã kêu gọi quân đội Nhật đào tẩu và tạo điều kiện chuyển giao vũ khí quan trọng cho Việt Minh (xem Goscha 2002, 45; Marr 2013, 529; Gunn 2014b, 209).

 

Nghiên cứu, viết và xuất bản

Bên cạnh hoạt động chính trị năng động và làm việc kiếm sống, Hồ Chí Minh dành thời gian ở Paris để nghiên cứu và viết. Vào tháng 11 năm 1921, Phó Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Paul Vaillant-Couturier, một trong những người cố vấn của ông Hồ, đã tặng cho ông Hồ thẻ đọc sách tại Thư viện Quốc gia Pháp (ghi chú ANOM HCI SPCE 364 Devèze). Ông Hồ cũng thường xuyên lui tới các thư viện khác như St. Genevieve và nhiều thư viện của các quận trong thành phố. Hồ sơ của cảnh sát Pháp về thẻ mượn sách của ông Hồ cho thấy ông đọc nhiều tác phẩm từ các quyển Khai sáng Pháp và các tác phẩm kinh điển của văn học Pháp của nhà văn Hugo, Zola, Michelet, Anatole France và Rolland, cùng với bản dịch tiếng Pháp tác phẩm của Tolstoy. Ông Hồ cũng đọc sách tiếng Anh, trong đó có các tác phẩm của Shakespeare và Dickens (Ruscio 2019, 76).

Hồ Chí Minh đặt bốn tờ nhật báo mang các khuynh hướng tư tưởng khác nhau là L’Humanité (chủ nghĩa cộng sản), Le Libertaire (chủ nghĩa tự do), Le Populaire (chủ nghĩa xã hội), và báo Nhân Dân (Le Journal du Peuple), và nhiều tạp chí định kỳ, tuần báo và nguyệt san, không phải tất cả trong số đó đều là báo chí chính trị. Ông Hồ còn đọc tờ Đời sống Công nhân (La Vie Ouvrière); tờ Tạp chí Cộng sản (La revue communiste) do ông Charles Rappaport, một người theo chủ nghĩa Mác, và là người sáng lập Đảng Cộng Sản Pháp, làm chủ bút; và tờ Sóng (La Vague) do ông Pierre Brizon, một người theo chủ nghĩa hòa bình sau đó trở thành đảng viên Đảng Cộng Sản Pháp, làm tổng biên tập. Ông Hồ cũng đặt Bản tin của Liên đoàn Nhân quyền (ANOM HCI SPCE 364 Correspondence). Đáng chú ý là tờ La Vague số 2 đăng các bài báo của Bukharin, Sorel, Lenin và Zinoviev, và với số 13 đăng các bài báo về Lý thuyết giá trị của Mác, về chiến thuật cộng sản của Ăng-ghen, và một bài của Lênin. Vào tháng 6 năm 1921, chính Hồ Chí Minh đã đóng góp một bài cho tờ báo La revue của Đảng Cộng Sản với tựa đề Phong trào cộng đồng quốc tế ở Đông Dương (Le Mouvement Communitye International: Indochine).

 

Những người bị áp bức - Les Opprimés

Thành quả của quá trình nghiên cứu là các bài báo của Hồ Chí Minh được đăng trên L’Humanité, La Vie Ouvrière, Le Populaire và trên nhiều tờ báo khác, đã mang lại cho ông Hồ danh tiếng và thu hút sự chú ý trong giới chống thực dân. Tuy nhiên, từ những thẻ mượn sách ở Thư viện Quốc gia, có thể thấy ông dành tâm sức cho việc nghiên cứu kinh tế chính trị của chủ nghĩa tư bản thuộc địa ở đế quốc Pháp, đặc biệt là về vấn đề Đông Dương. Ông đã nghiên cứu để viết ra cuốn sách có tựa đề Những người bị áp bức (Les Opprimés), mặc dù cuốn sách chưa được hoàn thành trong thời gian ông Hồ ở Paris. Ông Hồ tiếp tục viết bản thảo đó khi ông đến Mátxcơva và cuối cùng đã xuất bản nó với tựa đề Bản án chế độ thực dân Pháp (Le Procès de la Colonization française) vào năm 1926, khi ông đang ở Trung Quốc. Đây là tác phẩm chuyên luận chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của ông Hồ, và cũng là tác phẩm dạng sách dài nhất của ông. Nó đáng chú ý vì những giá trị văn học, tư tưởng và chính trị, và quá trình cuốn sách được viết, in và xuất bản cũng là câu chuyện có nhiều tầng ý nghĩa.

Hồ Chí Minh thừa nhận rằng, ông không phải là một nhà lý luận chính trị như Mao Trạch Đông. Trong bài Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin, xuất bản năm 1960, ông Hồ đã viết về việc ông chịu tác động ra sao khi đọc bản tóm tắt cuốn Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin trên tờ L’Humanité. Ông giải thích rằng, trước đó, ông chỉ mơ hồ hiểu hệ quả của cuộc cách mạng Bônsêvic bằng trực giác, nhưng khi đọc tóm tắt tài liệu của Lênin, ông hiểu ngay lập tức (Fall 1967, 22–25). Tuy nhiên, ngoài bản tóm tắt trên báo, không có bằng chứng rằng, ông Hồ đã đọc nhiều tác phẩm của Lênin hay của Marx. Đồng thời, không giống như một số đồng hương của mình, ông không phải là một sinh viên được nhận học bổng ưu đãi ở Pháp và không nhận được tiền trợ cấp như các sinh viên Trung Quốc, Thái Lan. Theo ngôn ngữ ngày nay, ông ta là một “công nhân không giấy tờ”. Sau nhiều năm làm thợ trên tàu biển, lao động chân tay và làm phụ bếp, chắc chắn ông Hồ không dùng các phương pháp học thuật khoa bảng, không tham khảo hệ thống văn bản và các nguồn tư liệu, mặc dù ông có thể đã nghiên cứu nghiêm túc về ngôn ngữ và văn học trong thời gian rảnh rỗi hiếm hoi khi không phải lao động trong những năm tháng ở Luân Đôn. Phải rời bỏ ngôi trường ưu tú ở quê nhà An Nam khi chưa tốt nghiệp, và sau đó làm trợ giảng trong một trường trung học, ông Hồ đã tự học qua thực tế công việc. Ông sống vất vả trong thời kỳ nghèo khó, đói ăn và bệnh tật dẫn đến phải nhập viện ở Paris. Trong thời điểm cuộc sống thuận lợi hơn, một số đoạn trong bản thảo của ông đã bị mất tích, có lẽ đã bị mật vụ Pháp đánh cắp. Mật vụ Pháp bám theo mọi hoạt động của ông. Một vài người Pháp cố vấn cho ông và có thiện cảm với ông, nhưng không phải tất cả trong số đó là học giả. Ví dụ, Duiker (2000, 62) viết (nhưng chưa có tài liệu chứng minh) rằng, Hồ Chí Minh đã được Jean Longuet khuyên mượn sách Bộ Tư Bản (Das Kapital) từ thư viện, và ông Hồ rõ ràng đã làm theo nhưng dùng sách để gối đầu. Đó có thể là một nhận xét mang tính chế nhạo, nhưng vẫn đáng để xem xét mức độ mà Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với tài liệu của chủ nghĩa Mác trong thời kỳ này.

 

Công trình nghiên cứu mang tựa đề Les Opprimés

Quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh và dự án nghiên cứu của ông có thể tìm hiểu qua thông tin do một người đồng hương cung cấp cho cảnh sát Pháp. Đó là Phụ tá Lam, một trong số những cựu binh Việt Nam ở lại Pháp, đã kết bạn với ông Hồ. Người Pháp dạy cho ông Lam những câu chuyện lịch sử trong Chiến tranh thế giới thứ nhất theo nhãn quan của họ, và anh ta tuyên truyền những câu chuyện đó trong quân đội. Nhiều khả năng là một trong những dịch giả Việt-Pháp ưu tú, Lâm cũng có sở trường ghi lại nguyên văn các cuộc trò chuyện, khả năng nắm bắt thông tin và trí thông minh của anh ta làm cho người Pháp ưu ái. Mặc dù vậy, Hồ Chí Minh không tiết lộ điều gì đặc biệt ảnh hưởng đến con đường hoạt động, nên có lẽ Lam chỉ biết những gì ông Hồ chủ động cho anh ta biết.

Theo ghi chép, ngày 19/1/1920, Lâm đến địa chỉ Gobelins đúng lúc Hồ Chí Minh đang họp với ông Long. Chắc chắn đó là Nguyễn Phan Long, một cộng sự thân cận của Bùi Quang Chiêu, một người sáng lập ra nhóm đồng hương Việt Nam ở Pháp và đứng đầu Đảng Lập hiến cải cách ở Sài Gòn. Khi Long rời đi, Lam tiếp tục hỏi chuyện Hồ Chí Minh (được ghi là Quốc trong hồ sơ cảnh sát Pháp).

Lam: Anh có định tổ chức hội nghị nào nữa không hay là những nhà hùng biện đã không còn nhiệt tình nữa?

Quốc: Tôi không mất gì cả. Tôi định nói về vấn đề Đông Dương nhưng sẽ thật nực cười nếu chỉ có người Đông Dương dám tham dự hội nghị như đã xảy ra [một lần trước đây].

Lam: Anh có thấy cách hoạt động như thế thiên về bạo lực không? Ai dám tham dự?

Quốc: Anh trách tôi bạo lực, nhưng nếu năm năm qua tôi mềm lòng thì chắc chẳng ai còn nghe nói đến sự tồn tại vấn đề An Nam. Chúng ta cần những người biết gây hoạt náo, cả những người làm trò gây chú ý, mới có thể thu hút được sự chú ý. Nếu họ hỏi tôi ai là người theo cách mạng, thì tôi nói rằng có 20 triệu đó, hàng ngày thỉnh nguyện nhưng chỉ nhận lại sự im lặng. Cuối cùng, người Pháp muốn làm gì tôi? Bỏ tù tôi? Trục xuất tôi? Chặt đầu tôi? Bất cứ điều (bạo lực) gì cũng có thể xảy ra.

Lam: Nếu anh muốn thử vận may, hãy tiếp tục, hãy dũng cảm!

Không bị nản lòng vì cách nói chuyện công kích này, lúc 8 giờ tối hôm đó, Hồ Chí Minh đã nhận lời mời của Lam đến một nhà hát trên Đại lộ Clichy. Lam nhớ lại cuộc trò chuyện của họ trước khi hạ màn và trong giờ giải lao:

Lam: Dạo này anh có làm được việc gì đáng kể không?

Quốc: Tôi luôn nghiên cứu để viết một cuốn sách.

Lam: Bao giờ xong?

Quốc: Tôi không thể trả lời chính xác vì tôi còn cần nhiều tài liệu. Tôi không thể nói rằng cuốn sách này do tôi viết vì để có nhiều đoạn tôi trích từ các tác phẩm do thực dân Pháp viết. Kế hoạch của cuốn sách của tôi là như thế này:

Chương 1: Tình hình Đông Dương trước khi Pháp chiếm đóng.

Chương 2: Người Pháp đã làm gì ở Đông Dương.

Chương 3: Tình hình ngày nay.

Chương 4: Nhìn về tương lai.

Lam: Anh định in cuốn sách này như thế nào? Anh có biết rằng các nhà xuất bản yêu cầu phải trả tiền?

Quốc: Những gì tôi sắp làm rất đơn giản. Khi tôi hoàn thành cuốn sách và sẵn sàng in, tôi sẽ giới thiệu nó cho những người xã hội chủ nghĩa hoặc bán nó cho bất cứ ai, bán rất dễ như đánh một đôi giày hay xếp bàn ăn.

Lam: Tuyệt vời.

Không nản lòng và dường như hoàn toàn tin rằng có thể làm được, ngày 21 tháng 1 năm 1920, Hồ Chí Minh nhận lời mời của Lam cùng tham dự một buổi biểu diễn trong nhà hát trên đường Montmartre. Lam đã báo cáo với đặc vụ Pháp về cuộc trò chuyện sau:

Lam: Khi nào anh bạn hoàn thành cuốn sách?

Quốc: Hai tháng nữa.

Lam: Tôi nghe nói rằng có một số nhóm hoạt động ngầm ở Nhật Bản và Trung Quốc đã giúp đỡ người di cư. Tôi thấy thật kỳ lạ khi anh không nhờ họ giúp đỡ, những gì anh làm còn tốt hơn nhiều so với việc của những người đã đến Trung Quốc và Nhật Bản.

Quốc: Tôi có cần sự giúp đỡ của nhóm nào không? Tôi có nguyên tắc của mình. Anh cứ tự lo cho mình đi …

Lam: Tự lo cho mình là việc khó nhất. Chúng ta cần thời gian… và tôi không biết điều gì sẽ xảy ra sau hai hoặc ba tháng nữa?

Quốc: À. Và tên sách. Đó sẽ là Những người bị áp bức (Les Opprimés).

Lam: Lại là bạo lực, cứ như thế rồi đi đến đâu, tốt hơn nên đặt [tiêu đề] là: “Quá khứ và hiện tại ở An Nam”, ít nhất nó có không khí lịch sử. Les Opprimés nghe giống như một cuốn tiểu thuyết…

Quốc: Không. Tôi sẽ giữ cái tên Les Opprimés.

Lam: Tôi đồng ý rằng, tiêu đề như vậy sẽ thu hút sự chú ý của những người theo chủ nghĩa xã hội, nhưng anh có được phép của nhà xuất bản để sử dụng các phần trích dẫn từ các tác phẩm khác đưa vào sách của mình không? Hãy cẩn thận, những nhà xuất bản của những sách đó sẽ không để anh yên.

Quốc: Tôi có gì mà họ không để yên? Nếu cần, tôi sẽ đến tòa án để đòi quyền lợi của mình. Đây sẽ là một dịp vui để đưa ra các yêu cầu và tuyên truyền trước tòa án và công chúng.

Lam: Mong mọi chuyện sẽ ổn thỏa với anh! (ANOM SLOTFOM XVI Ghi chú của đặc vụ).

Đặc vụ Pháp thường xuyên theo dõi các thư viện mà ông Hồ lui tới để tìm những sách ông đã đọc. Họ đã lập danh sách những cuốn sách sau đây mà ông Hồ đã tham khảo để viết cuốn Les Opprimés:

L’Indochine en péril (J. Ajalbert); Les destinées de l’Indochine (Ajalbert); Les colonies françaises (P. Gafferrel); Etude sur le Régime Financier de l’Empire d’Annam (P. Vitry); Indochine agricole (Perret); Tonkin françaises (Courtois); Indochine françaises (Russier); Lettres de Tonkin (Normand); Erreurs et dangers (Bernard); Sauterelles (Fabre); La France en Tonkin (T. du M.); Affaire de 1908 (Phan); Discourse de Presence; Politique indochinoise (Pouvourville); Tonkin actual (Pouvourville); Conquête du Tonkin (Gros); Mensonge et Vautour (Gros) (ANOM SLOTFOM XVI Notes d’agents, rapports de surveillance; and see Ruscio 2019, 76–78).

Hầu hết các sách thời bấy giờ về đề tài Đông Dương đã được xuất bản vào cuối thế kỷ XIX, trừ cuốn Affaire de 1908 của Phan Châu Trinh xuất bản đầu thế kỷ XX. Hồ Chí Minh đã rất chính xác khi dự đoán được nhu cầu nghiên cứu và xuất bản các công trình nghiên cứu về kinh tế chính trị Đông Dương thời kỳ đầu của thế kỷ XX, thời điểm mà công cuộc bình định của thực dân đã chuyển sang giai đoạn khai thác, bóc lột và rất sai lầm. Ông cũng hoàn toàn đúng khi nhận định rằng, nếu như những người An Nam không đảm nhận dự án nghiên cứu xuất bản này, thì khó có thể xuất hiện tác giả người Pháp nào viết về chủ đề đó, kể cả tác giả thuộc cánh tả Pháp. Trên thực tế, phải đến cuối những năm 1930, các nhà nông học người Pháp như Charles Robequian, Yves Henri và Pierre Gourou mới bắt đầu thực hiện các nghiên cứu thực địa ở Đông Dương, với sự tham gia của ông Võ Nguyên Giáp, trong vai trò cộng tác viên trong dự án nghiên cứu của Gourou (xem Gunn 2014b, 5–6 ). Mãi cho đến những năm 1980, các học giả phương Tây mới đánh giá lại nền kinh tế chính trị thuộc địa của Việt Nam qua lăng kính Mácxít (xem Murray 1980).

Vào tháng 3 năm 1920, đặc vụ Jean báo cáo rằng, Hồ Chí Minh đã hoàn thành cuốn sách và ông định đến thăm Marcel Cachin, chủ bút của tờ L’Humanité, và Jean Longuet, chủ bút của tờ Le Populaire, để mời viết lời nói đầu cho sách. Được biết, ông Hồ dự định in cuốn sách với chi phí khoảng 500 franc, mặc dù điều đó là rất khó. Ông đã liên hệ với một người đồng hương để thiết kế ảnh bìa có hình bản đồ Đông Dương hình giọt máu. Cùng lúc đó, ông đang dịch cuốn Tinh thần của pháp luật (Montesquieu’s De L’Esprit des Lois sang chữ Quốc ngữ tiếng Việt. Sau đó, đặc vụ Jean báo cáo rằng Longuet quá bận nên không  viết lời nói đầu. Chủ tịch của nhóm Féminisme (một nhóm đấu tranh cho nữ quyền của Pháp) cũng không phản hồi. Trong khi đó, Hồ Chí Minh kiên trì nhờ báo L’Humanité in cuốn sách (ANOM SLOTFOM XVI, Ghi chép của đặc vụ Jean, 9-16/3/1920). Thời gian trôi qua không có kết quả.

Vào ngày 8 tháng 6 năm 1921, Hồ Chí Minh đã tìm cách xuất bản cuốn sách tại Công ty hỗ trợ xuất bản có địa chỉ tại 14 rue de Lannery, là một công ty kinh doanh xuất bản theo quan điểm cánh tả và chủ nghĩa vô chính phủ. Thư từ chối của doanh nghiệp xuất bản này cho thấy ông Hồ đã đổi tên sách thành Đông Dương máu của Tchaque (Indochine ou le Sang de Tchaque) (ANOM SLOTFOM XVI 1920). Tchaque là cách viết của chữ “nhà quê”, nghĩa là thường dân hay nông dân, rõ ràng đây là một tựa sách khó hiểu đối với bạn đọc người Pháp. Tuy nhiên, tựa sách này cho thấy nội dung xoay quanh tầng lớp nông dân, và mang hơi hướng một cuốn tiểu thuyết. Tuy nhiên, sách vẫn có chữ Đông Dương trong tiêu đề, và quan trọng là viết về quê hương “An Nam” trong tổng thể tạo nên xứ Đông Dương thuộc Pháp. Có khả năng là bản thảo được viết tay, mặc dù đôi khi ông Hồ đã mượn chiếc máy đánh chữ để sáng tác một số tác phẩm báo chí. Vào ngày 4 tháng 9 năm 1920, ông đến trụ sở tờ L’Humanité, để yêu cầu ông Cachin đứng ra xuất bản. Theo báo cáo của cảnh sát, vào ngày 13 tháng 9, trái với hy vọng của ông Hồ, ông Cachin từ chối vì cho rằng quá tốn kém, sách khó bán, và không hấp dẫn đối với công chúng châu Âu (ANOM SLOTFOM XVI, Rapport de Devèze, 13 tháng 9 năm 1920) .

Ruscio (2019, 78) đã nhận xét, ông Hồ hoàn thành bản thảo này chỉ trong 11 tháng sau khi đến Pháp, nó đã thể hiện “khả năng tuyệt vời đối với công việc, khả năng thực sự thông thạo tiếng Pháp.” Điều này quả là đúng. Là người từng chứng kiến ​​sự thái quá của chủ nghĩa thực dân ở nhiều châu lục, ông Hồ bộc lộ niềm đam mê học tập và phông kiến ​​thức sâu rộng đủ để cung cấp thông tin cho công chúng Pháp. Ông cũng đã tham dự Đại hội Tours khi trở thành thành viên sáng lập Đảng Cộng Sản Pháp và đặc biệt tích cực tham gia các cuộc họp chi bộ trong và xung quanh Paris. Là người nắm rõ nhiều thông tin mới và luôn hoạt động tích cực trong giới cộng sản cánh tả chống thực dân, ông đã sẵn sàng mở rộng mạng lưới mối quan hệ với nhiều người, nhiều quốc tịch, không bó hẹp trong nhóm đồng bào Việt Nam và những người châu Á khác. Mặc dù động thái này rõ ràng là đưa ông Hồ lên vị thế của một người theo chủ nghĩa quốc tế vô sản nhưng nó có phần trái với phương châm hành động của những nhà lãnh đạo phong trào khác, đặc biệt là Phan Châu Trinh, người luôn kêu gọi kiềm chế bất bạo động ngay cả khi biết rõ Pháp sẽ không nhượng bộ trước những yêu cầu đòi độc lập. Quãng thời gian ông Hồ tỏ ra khuất phục trước sự cám dỗ của chủ nghĩa cải cách và đối thoại với các quan chức Pháp vì thế rất ngắn ngủi.

 

Liên minh các thuộc địa: sự tham gia của châu Phi, Tây Ấn và Ả Rập

Liên minh các dân tộc thuộc địa (Union Intercoloniale des Originaires de toutes des Colonies) được thành lập vào tháng 10 năm 1921, và tháng 4 năm 1922, Liên minh này cho ra mắt một tờ báo. Để đáp ứng yêu cầu của nhiều công dân các nước là thuộc địa của Pháp, khi đó đang cư trú tại thủ đô nước Pháp, trong đó có Hồ Chí Minh, Liên minh đã nhận được một khoản trợ cấp của Đảng Cộng Sản Pháp dù không phải chính thức theo cộng sản. Theo điều 2 của các quy chế nền tảng của Liên minh, mục đích của nó là “tập hợp và hướng dẫn người dân các nước thuộc địa ở Pháp… nhằm đoàn kết; và để thảo luận và nghiên cứu nền kinh tế chính trị của tất cả các thuộc địa ”(ANOM HCI SPCE 364 Correspondence 1921). Goebel (2015, 283) tóm tắt, Liên minh tuyên bố lên tiếng cho quyền của binh lính Malagasy, độc lập dân tộc cho Việt Nam và bãi bỏ luật phân biệt đối xử đối với người bản địa ở Algeria.

Theo Birchall (2011), Hồ Chí Minh là đồng sáng lập của Liên minh. Liên minh được thành lập theo đề xuất của luật sư Max Clainville Bloncourt, một người Pháp xuất thân từ Guadeloupe, thuộc địa của Pháp ở vùng biển Caribê. Bloncourt đã đóng góp vào việc thành lập Ủy ban Nghiên cứu thuộc địa trực thuộc Đảng Cộng Sản Pháp, có trụ sở tại 120 rue Lafayette. Các đặc vụ cảnh sát Pháp thâm nhập vào hàng ngũ của Liên minh báo cáo rằng, ban điều hành Liên minh còn có Lucien Barquisseau (một luật sư từ Réunion), Jean-Baptiste (doanh nhân từ Guadeloupe), Morinde, (doanh nhân từ Antilles), Honorien (từ Guiana), và do Gaston Monnerville làm tổng thư ký (ANOM HCI SPCE 364 Correspondence 1921). Là người gốc Guiana thuộc Pháp được đào tạo ở Toulouse và là thành viên của Đảng Cấp tiến Pháp, Monnerville được bầu ở Guiana vào năm 1932, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị Pháp thời kỳ hậu chiến.

Những người cung cấp thông tin cho biết một cuộc họp được tổ chức vào ngày 10 tháng 10 năm 1922, có sự tham gia của Ralaimongo người Madagasca, và những người được cho là tán thành đường lối cộng sản của Liên minh (ANOM HCI SPCE 364 Pierre Guesde, ngày 17 tháng 10 năm 1922). Tuy nhiên, khó có bằng chứng để tin điều này. Cả Ralaimongo và người đồng hương của ông, Samuel Stéfany, sau này đều từ chối việc đã có quan hệ với Liên minh (Domenichini 1969, 252). Ralaimongo đã góp mặt trong số 40 nghìn người Madagasca đi lính cho Pháp trong Thế chiến thứ nhất, sau đó ở lại Pháp, kết hôn, nhưng không thành công trong xin nhập quốc tịch. Quay trở lại Madagascar vào tháng 7 đến tháng 12 năm 1921, ông bị Pháp buộc tội lợi dụng tuyên truyền để xúi giục, kích động trong thời gian ông làm nghề báo khi ở Pháp vào đầu năm 1921. Chính tại thời điểm này, ông đã tham gia Liên minh (Domenichini 1969, 245).[2] Liên minh có sự tham gia của nhiều thành viên, đa sắc tộc, trong đó có nhiều người Việt Nam và người Bắc Phi.

 

Báo Le Paria

Trực thuộc Liên minh các dân tộc thuộc địa, xuất bản từ tháng 4 năm 1922, tờ báo Người cùng khổ (Le Paria) có trụ sở tại Rue du Marché des Patriarches (đây cũng là địa chỉ lưu trú cuối cùng của Hồ Chí Minh tại Paris). Goebel (2005, 283) tổng hợp rằng, báo viết về chủ nghĩa toàn châu Phi của Marcus Garvey, cũng như chủ nghĩa dân tộc của Ấn Độ và Ai Cập. Thông tin của báo Le Paria thu hút không chỉ báo chí Paris và quốc tế mà còn góp phần kết nối người châu Phi, Ả Rập và châu Á ở Paris. Ấn bản đầu tiên ngày 1 tháng 4 năm 1922 có số lượng in là 1.000 bản. Trong số thứ hai ra tháng 5 năm 1922, Hồ Chí Minh đảm nhận chức vụ chủ bút. Nguyễn Thế Truyền đã viết nhiều bài báo cho Le Paria và phụ trách số gộp18–19 (Ruscio 2019, 73). Burchall (2011) giải thích rằng, từ năm 1922 đến năm 1926, 26 số báo Le Paria được xuất bản, mỗi số in trên một trang. Hồ Chí Minh là nhân lực chính trong ban biên tập.

Chủ đề chính xuyên suốt của Le Paria là “áp bức” và “quyền”, áp bức kinh tế thuộc địa và giành quyền tự do chính trị (mặc dù, không nhất thiết là quyền độc lập). Báo cũng có mục tranh biếm họa của Hồ Chí Minh chế giễu chủ nghĩa thực dân. Khi phân tích nội dung hệ thống các bài báo của Hồ Chí Minh, Crowe (2020, Ch. 7) đã so sánh tờ Le Paria với L’Humanité. Crowe nhận thấy, trong khi các bài báo của Hồ Chí Minh trên tờ L'Humanité tâm sự với độc giả về quyền dựa trên tư duy Khai sáng, thì trên tờ Le Paria các bài báo “viết một cách trực diện là chống phương Tây” (Crowe 2020, 176). Trên báo Le Paria, ông Hồ đã vạch trần sự tàn bạo dã man của người Pháp, đối lập hoàn toàn với những ảo tưởng của người Pháp về một sứ mệnh khai hóa văn minh. Dựa trên nghiên cứu của Duiker (2000) và Quinn-Judge (2002), Crowe chỉ ra các bài báo liên quan đến vụ đánh đập đến chết một phụ nữ đòi tiền công, vụ đánh đập hai người đàn ông Bắc Phi vì ăn trộm nho, và vụ M. Beck đánh vỡ sọ người lái xe của mình bằng một cú đấm v.v… Đối với những bài báo khác về kinh tế thuộc địa, Crow (2020, 183) khẳng định, bài viết trên hai tờ báo “không quá khác biệt với nhau để có thể đi tới kết luận”. Độc giả của tờ L’Humanité là người Pháp. Độc giả của tờ Le Paria là người dân ở các thuộc địa. Một mặt, tờ báo bị đe dọa xử lý hình sự, mặt khác, nhà chức trách tìm cách mua hết toàn bộ chỗ báo in ra. Rõ ràng, như Crowe (2020, 177) nhấn mạnh, việc chuyển sang một “tờ báo nhỏ” như Le Paria thể hiện một sự “chuyển dịch cảm xúc” trong Hồ Chí Minh. Các bài báo của ông xuất hiện trên tờ Le Paria năm 1924–1925 dùng bút danh Nguyễn Ô Pháp (Người ghét người Pháp).

Báo cáo của cảnh sát Pháp ghi rằng hoạt động của Liên minh và các sự kiện liên quan đến báo Le Paria là không đáng lo ngại, nhưng có một số hoạt động mang tính chỉ báo. Ví dụ, vào ngày 29 tháng 9 năm 1922, tại một cuộc họp của ban biên tập tờ Le Paria, Ralaimongo đã đọc lên một bức thư mà ông và tất cả những người đồng hương Madagasca từng đi lính cho Pháp đã nhận được từ Bộ Thuộc địa. Ông giải thích rằng, thư này là “hành động đe dọa chống lại Malagaches”. Stéfany tán thành quan điểm này và một bài phản bác bức thư đã được đăng trên tạp chí Le Paria số tháng 11.

Khoảng 30 người đã tham dự cuộc họp hàng tháng của Liên minh vào ngày 22 tháng 10 năm 1922, do Ralaimongo, Bloncourt và Monnerville chủ trì. Đến giai đoạn này, Liên minh có 103 thành viên. Hồ Chí Minh và Ralaimongo đã gửi bài để Bloncourt biên tập và xuất bản. Tại cuộc họp ngày 5 tháng 11, Hồ Chí Minh được đề cử quyền thư ký cùng với ông Williams, ông Nguyễn Văn Ái làm thủ quỹ. Tại cuộc họp ngày 14 tháng 11 năm 1922, Bloncourt và Hồ Chí Minh đề xuất tổ chức phiên họp về vấn đề Madagascar vào ngày 23 tháng 12, do luật sư Barquisseau chủ trì. Tại cuộc họp ngày 22 tháng 11, Ralaimongo giải thích vì sao ông nhận được sự ân hạn đặc biệt từ ông Albert Sarraut, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, để về Tananarive. Ngay khi Ralaimongo khởi hành, tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 1 tháng 12 năm 1922, Hadj-Ali (Hadjali) xuất hiện. Sinh ra ở Algeria, giống như Hồ Chí Minh, ông là thành viên sáng lập của Đảng Cộng Sản Pháp. Birchall (2019) đã chỉ ra, vào năm 1924, có 75.000 công nhân Bắc Phi ở Paris và từ 100.000 đến 150.000 người Bắc Phi ở Pháp. Họ được tuyển dụng vào làm những công việc nguy hiểm trong hầm mỏ, nhà máy thép và nhà máy hóa chất. Vào ngày 5 tháng 5 năm 1923, nhóm nòng cốt đã họp tại trụ sở của Đảng Cộng Sản Pháp trong một phiên họp của Ban nghiên cứu vấn đề thuộc địa. Vào tháng 6 năm 1923, đặc vụ Désiré đã xếp Hiệp hội Giáo dục Pháp-Trung Quốc, trước thuộc nhóm phi chính trị, vào nhóm “cách mạng xã hội chủ nghĩa” và có liên hệ với Liên minh các dân tộc thuộc địa (ANOM SLOTFOM 58 VIII 4 Note de Agent Désiré, 1 tháng 6 năm 1923). Nếu đúng như vậy, thì điều đó cho thấy rằng, hoạt động của Liên minh đối với sinh viên - công nhân Trung Quốc đang bắt đầu có kết quả.

Tuy nhiên, việc Hồ Chí Minh đột ngột rời Paris vào tháng 7 năm 1923, mà không thông báo cho đồng hương cũng như cho Liên minh thuộc địa, đã khiến các thành viên vô cùng lo lắng. Cảnh sát Pháp cũng không lường trước cuộc hành trình của ông từ Pháp sang Đức và đến Nga. Hồ Chí Minh tin rằng, Liên minh đã bị phá hoại. Đầu tiên, Quinn-Judge (2001, 42) cho rằng, thủ quỹ của họ là Nguyễn Văn Ái hóa ra lại là đặc vụ của Pháp. Đặc vụ Desiré đã đưa tin, vào ngày 20 tháng 7 năm 1923, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Văn Ái, Monneville, Hadjali và Bloncourt đã cùng gặp nhau khi Nguyễn Ái Quốc vắng mặt và quyết định ấn hành các số báo tiếp theo của Le Paria. Hồ Chí Minh đã vắng mặt 12 ngày mà không ai có tin tức gì về ông (ANOM SLOTFOM 58 VIII 4 Note de Agent Désiré, 20 tháng 7 năm 1923).

Vào ngày 3 tháng 10 năm 1923, ban biên tập tờ Le Paria và lãnh đạo Liên minh các thuộc địa đã gặp nhau, với sự tham dự của Bloncourt. Đối mặt với vấn đề tài chính nghiêm trọng, họ được thông báo rằng, có tới 300 người đặt mua tờ Le Paria. Một bản ghi ngày 23 tháng 1 năm 1924 tiết lộ rằng, hai số báo Le Paria của tháng 12 năm 1923 và tháng 1 năm 1924 được in kết hợp, do Đảng Cộng Sản Pháp cắt giảm trợ cấp để chuyển trọng tâm vào chiến dịch bầu cử sắp tới. Nhưng sự vắng mặt của Nguyễn Ái Quốc và sự việc Phan Văn Trường rời Paris đã làm suy yếu ban biên tập (ANOM HCI SPCE 365). Phan Văn Trường đi tàu hỏa đến Marseille vào ngày 6 tháng 12 năm 1923, sau đó đi tàu biển về quê hương, bắt đầu sự nghiệp báo chí và vận động chống thực dân. Trước đó, vào tháng 8, Monnerville khởi hành đến Luân Đôn. Vào thời điểm đó, Liên minh các thuộc địa rõ ràng đã suy yếu và gặp nhiều khó khăn.

Tháng 1 năm 1924, Nguyễn Thế Truyền và cựu dân quân Trần Xuân Hồ nhận trách nhiệm biên tập tờ Le Paria, sau đó đến lượt Bloncourt phụ trách biên tập. Đặc vụ Pháp de la Brosse tuyên bố, sự cạnh tranh giữa “người da đen” và “người da vàng” đã xuất hiện trong Liên minh, và phe da vàng chiếm thiểu số. Trong khi đó, các nhà chức trách Pháp báo cáo rằng, rất nhiều người ở các thuộc địa của Pháp, trong đó có cả Đông Dương, đã đặt mua báo Le Paria, cho thấy tầm quan trọng của việc xuất bản tờ báo. Khuynh hướng cộng sản của Le Paria ngày càng chiếm ưu thế và tờ báo này thường xuyên xuất hiện bài viết về các thuộc địa của Pháp ở châu Phi (ANOM HCI SPCE 365 de Brosse, ngày 9 tháng 1; ngày 19 tháng 3 năm 1924). Có vẻ trọng tâm về châu Phi là do ảnh hưởng của Hadj-Ali.

Những nỗ lực để đưa thêm người châu Á vào Liên minh bắt đầu có tiến triển vào năm 1925, lúc đó Hồ Chí Minh đang ở Quảng Châu. Tại một cuộc họp của Liên minh vào ngày 15 tháng 4 năm 1925, Liên minh quyết định tham gia với Quốc dân đảng ở Pháp để chủ trì một hội nghị được tổ chức tại số 94 Bld. August Blanqui. Khoảng 600 người đã tham dự, trong đó có Ly Tsing Sich (đến từ Triều Tiên); Yen Tchao Dehoine (Trung Quốc), Nguyễn Thế Truyền, Lamina Senghor, người sinh ra ở Senegal, người sáng lập ra Liên đoàn bảo vệ người da đen, và Vaillant-Couturier. Buổi họp kết thúc với phần hát Quốc tế ca (ANOM SLOTFOM 24 III 4 1925, Agent Desiré).

Một cuộc họp liên minh ngày 3 tháng 12 năm 1925 quy tụ 20 người Việt Nam bao gồm các thành viên của Đảng lập hiến của Bùi Quang Chiêu, doNguyễn Thế Truyền chủ trì. Cuộc họp đọc thư của Hồ Chí Minh, có đoạn kêu gọi ủng hộ giai cấp vô sản Pháp hoạt động vì nền độc lập của Việt Nam. Các ông cùng gửi một bức điện cho Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne để phản đối di lý Phan Bội Châu từ Thượng Hải sang Đông Dương thuộc Pháp và phản đối bản án tử hình dành cho ông. Hội nghị cũng nghe báo cáo về cái chết của Hoàng đế Khải Định nhưng không có hành động tưởng nhớ (ANOM HCI SPCE 365 Sûreté indochinoise, Mission d’agents: rapports. Compte Rendu, 17 tháng 12, 1925). Năm 1926, Nguyễn Thế Truyền rời khỏi tờ Le Paria và ĐCS Pháp để lập tờ báo quốc ngữ khổ lớn Hồn An Nam (L’âme Annamite).

Đánh giá tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp

Đến Quảng Châu từ tháng 11 năm 1924, Hồ Chí Minh ra mắt ấn phẩm riêng có tên là Thanh Niên, đồng thời chiêu mộ một nhóm cộng sản cốt cán của Việt Nam không chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa vô chính phủ (xem Gunn 2021b, 105–107). Ruscio (2019, 80) giải thích, bản thảo gốc của cuốn Les Opprimés của Hồ Chí Minh không có trong các kho lưu trữ của Pháp. Vậy điều gì đã xảy ra với nó? Ông đưa ra hai giả thuyết. Thứ nhất, Hồ Chí Minh đã mang theo nó đến Mátxcơva, do đó bảo tồn được bản gốc. Thứ hai, ông đã sửa đổi tên ban đầu của cuốn sách để phù hợp với yêu cầu xuất bản tại Paris

Tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp được in 2.000 bản. Như đã quảng cáo trên tờ L’Humanité (tháng 2 năm 1926), cuốn sách sẽ được bán tại hiệu sách của tờ báo với giá năm franc. Tập hợp các bài báo đăng lần đầu trên tờ L’Humanité và trên tạp chí Comintern, Imprecor, năm 1925 – 1926, tác phẩm này có 12 chương, với lời tựa do Nguyễn Thế Truyền viết. Các đầu mục từng chương là: Thuế Máu; Vụ đầu độc của người bản xứ; Các Thống đốc; Các quản trị viên; Các nhà Văn minh, Tham nhũng Hành chính; Khai thác người bản xứ; Sự công bằng; Chủ nghĩa ám ​​ảnh; Chủ nghĩa giáo sĩ; Tử vì đạo của phụ nữ bản xứ; Thức tỉnh của Nô lệ, với các ví dụ từ Đông Dương, Dahomey, Syria và các thuộc địa; và Tuyên ngôn của Liên minh các dân tộc thuộc địa. Cuốn sách cũng bổ sung nội dung về hội nghị nông dân quốc tế mà Hồ Chí Minh tham dự ở Mátxcơva, cũng như “Tổ chức Công đoàn ở các thuộc địa,” trích từ một báo cáo chính thức không đề tên tác giả, công bố ngày 27 tháng 6 năm 1923, và một phụ lục có tựa đề “Thanh niên Việt Nam thân yêu”. Cuốn sách này có 123 trang, và thông báo sẽ còn 2 tập nữa, nhưng sau đó không có tập nào được in thêm.

Bernard Fall, phụ trách chuyên mục tổng hợp các tác phẩm của Hồ Chí Minh, đã cho dịch sang tiếng Anh một số bài trong Bộ Tác phẩm chọn lọc của Hồ Chí Minh (1960). Fall nhận xét cuốn sách Bản án chế độ thực dân Pháp là “tác phẩm quan trọng nhất” của ông Hồ. Fall cũng nhận xét “đây là tập hợp nhiều bài chính luận giàu giàu cảm xúc” (Fall 1967, vi).[3] Cuốn sách được tái bản nhiều lần. Bản tiếng Pháp tái bản xuất hiện tại Việt Nam năm 1946, và bản tiếng Việt của cuốn sách được xuất bản năm 1960.

Bản án chế độ thực dân Pháp (phần này trở đi viết tắt là Bản án) mở đầu bằng một lời tiếc thương cho 80.000 người Việt Nam đã chết trong Thế chiến thứ nhất (con số này sau đó được sửa xuống thấp hơn, như được thảo luận dưới đây). Tác phẩm chế giễu cơ quan dân sự của phái bộ Pháp nói chung và chế nhạo các thống đốc và quản lý người Pháp, đồng thời vạch trần sự tàn bạo, phân biệt chủng tộc và bóc lột của Pháp ở thuộc địa. Tác phẩm gồm nhiều câu chuyện lấy bối cảnh ở thuộc địa, bao gồm câu chuyện mà chính ông Hồ trải nghiệm. Tác phẩm này không giống như đề cương cho cuốn Les Opprimés đã đề cập ở trên. Khó có thể nhìn thấy trong văn bản này khối lượng lớn các tài liệu tổng hợp mà ông Hồ đã đúc kết trong quá trình nghiên cứu vào năm 1920. Một số bài trong đó đã được xuất bản trên tờ L’Humanité. Phong cách viết tác phẩm này gợi nhớ đến tờ Le Paria, nhất là những phần kể về sự tàn bạo của lính Pháp ở Việt Nam, Algeria và các nơi khác. Phần phụ lục về Liên minh các dân tộc thuộc địa đề cập tới bối cảnh và hoạt động của mạng lưới chống thực dân mà ông Hồ đã gây dựng trong những năm 1922–1923, và không nhắc gì thời gian bị điệp vụ cảnh sát theo dõi, dò xét. Tuy ban đầu ông Hồ hứa xuất bản cuốn sách về kinh tế chính trị, nhưng cuối cùng cuốn sách được xuất bản lại là những câu chuyện gây sốc và sự tàn bạo ở thuộc địa. Cuốn sách nhắm tới đối tượng độc giả là những người dân Pháp sống ở đô thị và thuyết phục họ theo quan điểm của cánh tả. Đáng tiếc là ông Hồ đã không sản xuất sách này bằng tiếng Việt quốc ngữ cho những người Việt Nam không biết đọc tiếng Pháp, như lời khuyên của Nguyễn Thế Truyền. Nhưng sau này, ông Hồ xuất bản báo Thanh Niên bằng chữ quốc ngữ để nhắm đến độc giả đại chúng.

Một câu hỏi khác là làm thế nào để Hồ Chí Minh xuất bản sách Bản án? Rõ ràng là ông Hồ tiếp tục nghiên cứu và viết ở Mátxcơva, và gửi đăng một số bài báo trên tờ Imprecor. Ông đã trao đổi thư từ với những người đồng hương ở Paris, có thể có cả Nguyễn Thế Truyền. Nhưng việc phải di chuyển từ Mátxcơva đến Quảng Châu đã kết thúc chuỗi thư tín đó. Mặc dù Nguyễn Thế Truyền đã nhận được ít nhất một lá thư của Hồ Chí Minh gửi từ Quảng Châu, nhưng họ không tiếp tục trao đổi thư. Chúng ta biết điều này qua những bức thư ông Hồ gửi cho những người phụ trách ở Mátxcơva. Một bức thư vào tháng 7 năm 1926 viết: “Tôi muốn được liên lạc với ông Nguyễn Thế Truyền”. Thư gửi qua Ủy ban Nghiên thuộc địa tới những người ở Mátxcơva và những người làm việc cho tờ Le Paria và L'âme Annamite (RGASPI. Ф. 495. Оп. 154. Д. 594). Nói cách khác, do chỉ liên lạc qua thư với Pháp trong gần hai năm, Hồ Chí Minh thậm chí không thể biết rằng sách Bản án đã được in.

 

Bản thảo Mátxcơva

Một phiên bản của bản thảo được viết từ lúc còn ở Paris đã được giữ trong kho lưu trữ của Quốc tế Cộng sản một thời gian trước khi Hồ Chí Minh khởi hành sang Trung Quốc. Bản thảo này được đánh máy, những chỗ chỉnh sửa được viết tay, dài 88 trang và vì vậy là một văn bản dài hơn cả quyển Bản án, chưa tính phần phụ lục đằng sau. Là một bộ sưu tập các bài viết của Hồ Chí Minh, bản thảo này cũng gồm nhiều phần hơn. Cũng như các tiểu luận được in lại trong Bản án, những tiểu luận của bản thảo Mátxcơva không xuất hiện trong Tác phẩm chọn lọc của Hồ Chí Minh (1960) và Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1 (2011). Không có lý do gì để cho rằng, bản thảo Mátxcơva đã được chỉnh sửa bởi bất kỳ ai khác ngoài Hồ Chí Minh, mặc dù số trang dường như đã được áp đặt cho mục đích lưu trữ, và có tiêu đề “Đông Dương” xuất hiện trong danh mục lưu trữ nhưng không có trên văn bản. Không có phần nào được ghi ngày tháng và chúng cũng không được sắp xếp theo thứ tự thời gian hoặc theo thứ tự chủ đề, có một phần bị trùng lặp. Không ký tên tác giả, nhưng nộp dưới tên Nguyễn Ái Quốc, không có nghi ngờ gì về quyền tác giả của bản thảo này và điều này phù hợp với bằng chứng nội bộ khi thừa nhận rằng, ông Hồ là thành viên của nhóm người Việt Nam kiến ​​nghị với Quốc hội Pháp và Hội nghị Hòa bình Paris (RGASPI . Ф. 495. Оп. 154. Д. 595).

Thay vì chia thành các chương như trong sách Bản án hoặc thậm chí, như đã dự kiến, trong dự án nghiên cứu Les Opprimés, bản thảo Mátxcơva bao gồm 21 phần.[4] Một số phần này sao chép các tiêu đề chương của Bản án như Giáo hội/Giáo sĩ; Sự công bằng; Chủ nghĩa ám ​​ảnh và Quản trị viên, nhưng các phần quan trọng có tiêu đề Lịch sử; Địa lý; Báo chí; và Kháng chiến, không xuất hiện trong Bản án. Phương pháp này được gọi là mô tả - phân tích, hoặc thông tin -diễn giải. Tuy nhiên, các bài báo không dùng các phạm trù chủ nghĩa Mác - Lênin hay thậm chí là ngôn ngữ giai cấp, trừ một đoạn được đưa vào phần Lời phi lộ. Đáng chú ý, tám dòng cuối cùng của văn bản gốc, kêu gọi “thiện chí” của những người Pháp “quý tộc” vì lợi ích của chủ nghĩa nhân đạo để xem xét lại thái độ và phương pháp thực dân của họ, được thay thế bằng văn bản khẳng định rằng, Lời kêu gọi sai lầm của Wilson về quyền tự quyết của các quốc gia, “L’affranchissements des peuples ne peut obtenir qu’avec l’émancipation du prolétariat; et que l’un et l’autre serait l’oeuvre du communisme et de la révolution mondiale” (Sự giải phóng của các dân tộc chỉ có thể đạt được nếu giải phóng giai cấp vô sản; cả hai đều được thực hiện bởi chủ nghĩa cộng sản và cách mạng thế giới) (RGASPI. Ф. 495. Оп. 154. Д. 595). Từ đó, chúng ta có thể kết luận rằng, phiên bản Lời phi lộ đã được biên tập lại, đánh dấu một bước chuyển trong tư tưởng Hồ Chí Minh từ tinh thần Khai sáng của Nhóm những người yêu nước An Nam năm 1919, sang chủ nghĩa quốc tế vô sản mà Người đã bắt đầu thấm nhuần khi đến Mátxcơva hoặc có thể từ trước đó khi quyết định rời Paris.

Giống như trong Bản án, bản thảo ở Mátxcơva bắt đầu bằng hồi tưởng về quá khứ của nước Pháp cũng như việc tuyển mộ hàng chục nghìn người Việt Nam đi lính cho Pháp trong Thế chiến thứ nhất, có đề cập đến Salonika và Siberia. Trong Bản án, ông Hồ viết Việt Nam có 80.000 người thương vong, thì trong bản thảo Mátxcơva, con số này được sửa thành 20.000 người chết. Với tựa đề “Les Méfaits du Militarism” (Mặt trái của chủ nghĩa quân phiệt), đây là một văn bản tập trung hơn, ngắn gọn hơn phần mở đầu khá dài của Bản án. Tiếp theo là “Les atrocités de la civilisation” (Những tội ác chống lại nền văn minh), được viết theo phong cách của tờ Le Paria, với nội dung miêu tả về những vụ thảm sát của lính Pháp, những vụ vi phạm gây người chết và nhiều vụ việc thảm khốc khác. “Mentalité Coloniale” (Tâm lý thuộc địa) tiếp tục về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Pháp. Một phần khác, có tên “La Résistance” (Cuộc kháng chiến), trình bày lịch sử của các cuộc nổi dậy chống thực dân từ năm 1862. Không nghi ngờ gì nữa, nếu được xuất bản, phần lịch sử khái quát trong bản thảo này sẽ thu hút nhiều bình luận. Ví dụ, ông Hồ so sánh Angkor ở thế kỷ thứ chín với La Mã và Hy Lạp. Cụ thể đối với Việt Nam, ông hoan nghênh hành động của các bậc tiền bối trong việc đánh lui quân xâm lược Mông Cổ bằng vũ khí cọc tre, làm vang dội tinh thần dân tộc Việt Nam cho đến ngày nay. Cuộc xâm lược vào Đà Nẵng của người Pháp vào năm 1858, dẫn đến việc chiếm đóng Đông Dương, được cho là đã khiến các dân tộc của Việt Nam trở thành “nô lệ”. Về địa lý, cũng như trong phần lịch sử, ông Hồ cũng đề cập đến Đông Dương nói chung chứ không chỉ ba chữ “kỳ” hay các miền của Việt Nam. Bản thảo Mátxcơva mang nhiều phân tích kinh tế sâu rộng hơn Bản án. Ví dụ, phần bàn về kinh tế, cụ thể là “Sa Vie Economique” (Đời sống kinh tế), có đầy đủ các bảng thống kê. Phần “Le consortium deseves” bàn về độc quyền rượu Pháp, thuốc phiện và muối. Bản cáo trạng đầy thuyết phục về thuế đánh vào thuộc địa trong phần “Les Impôts” (Thuế). Hầu hết, các nguồn trích dẫn tiếng Pháp không được đưa vào phần này. Ý kiến ​​của Jean Ajalbert rằng, người Việt Nam hút nhiều thuốc phiện hơn trước khi người Pháp đến đô hộ, đã bị gạch bỏ trong bản thảo Mátxcơva. Trích dẫn chính duy nhất, xuất hiện trong “Le consortium deseves”, là một thông tư do Albert Sarraut, đương thời là Toàn quyền Đông Dương, ban hành và gửi cho những người quản lý các công ty độc quyền. Một phần khác, “L’Annam vue par les Français” (Việt Nam theo cách nhìn của người Pháp), đưa ra một quan điểm so sánh về chủ nghĩa thực dân, tham chiếu đến các số liệu thống kê, ví dụ, quy mô và dân số của các thuộc địa châu Âu. Hồ Chí Minh đề cập đến những người chỉ trích mạnh mẽ chủ nghĩa thực dân châu Âu ở châu Phi và người liên hệ mật thiết của ông ở Paris, Paul Vigne d'Octon, cũng như các nhà văn Albert de Pouvourville và Jean Marquet (cả hai đều có hiểu biết về Việt Nam). Brocheux và Hémery (2009, 248) mô tả là bản thảo đã “thể hiện nhận thức đúng đắn về tình hình thuộc địa, về những mâu thuẫn và bất công ở đó.” Nhưng đây là tất cả những gì còn lại của các nguồn tiếng Pháp ban đầu được tham khảo tại Paris và những nguồn này không được trích dẫn trực tiếp (xem RGASPI Ф. ​​495. Оп. 154. Д. 595). Đáng chú ý, thân phận phụ nữ và cách đối xử với phụ nữ không có trong bản thảo này, nhưng đã được đưa vào Bản án. Tuy nhiên, chủ đề này nằm thuộc một hồ sơ riêng của Quốc tế Cộng sản với tiêu đề, “La Civilization Capitaliste et La femme des colonies” (Nền văn minh tư bản và Phụ nữ ở các thuộc địa), xuất hiện dưới dạng tài liệu viết tay (RGASPI Ф. ​​495. Оп. 154. Д 596). Đối tượng bạn đọc của Bản án là cộng đồng nói tiếng Pháp, vì vậy Hồ Chí Minh không quá chú trọng đến các điển tích, điển cố, cổ tích truyền thống của Việt Nam, thủ pháp ông áp dụng trong những tác phẩm viết cho người Việt Nam trong thời gian ông ở Quảng Châu.

 

Kết luận

Bài báo tìm hiểu những bản thảo của ông Hồ Chí Minh trong những năm từ 1919 đến 1923, với những sự kiện như Hồ Chí Minh trình bày bản Tuyên bố trước Hội nghị Hòa bình tại Versailles và việc chuyển đến Mátxcơva, và những tác động của thời lỳ này đối với quá trình phát triển tư tưởng chính trị của ông. Phạm vi bài này không tìm hiểu sâu về mối liên hệ giữa Hồ Chí Minh với những người xã hội chủ nghĩa và những người cộng sản Pháp. Bài báo này có hai mối quan tâm, thứ nhất, theo dõi tiến trình phát triển tư tưởng của ông Hồ thông qua tìm hiểu những tài liệu ông đã đọc trong thư viện ở Pháp và những bài viết của ông Hồ trong quãng thời gian này; và thứ hai, làm nổi bật hành động đầy tính thực tế của ông Hồ trong việc xây dựng mạng lưới với những người có cùng chí hướng chống thực dân. Không nghi ngờ gì nữa, mạng lưới chính của Hồ Chí Minh là những người đồng hương của ông từ nhóm Gobelins. Nhưng, như đã trình bày, mạng lưới của ông bao gồm những người lính ở lại Pháp, như Lam hay những người lính nghĩa quân như Lê Văn Thuyết, cái tên đã được Hải Phòng, quê hương ông, đặt cho một con đường ngày nay. Bài báo này phân tích cả mối liên hệ của ông Hồ với những người châu Á khác, đặc biệt là người Triều Tiên, người Trung Quốc và những người thuộc địa hoặc bán thuộc địa khác, như trong Liên minh các dân tộc thuộc địa và ban biên tập báo Le Paria. Xét cho cùng, nếu Hồ Chí Minh nắm được bất cứ điều gì từ Marx ở giai đoạn này, thì đó là lời huấn dụ: “Các nhà triết học chỉ giải thích thế giới, theo nhiều cách khác nhau; vấn đề là phải thay đổi thế giới” (Marx 1972).

Câu hỏi của Ruscio về việc liệu Bản án chế độ thực dân Pháp phiên bản của bản thảo Những người bị áp bức (Les Opprimés) mà Hồ Chí Minh mang đến Mátxcơva hay không, nhận được câu trả lời là cả Có và Không. Bản án  cũng đặt mối quan tâm đến kinh tế chính trị, nhưng cuốn này có thêm các phần về lịch sử, địa lý, phân tích về kiểm duyệt báo chí, và hạn chế trong giáo dục. Các nguồn trích dẫn cho bản thảo Les Opprimés hầu hết không xuất hiện trong Bản án. Nói cách khác, tính báo chí chính luận được thể hiện rất mạnh mẽ trong Bản án. Đề cương từng chương và thiết kế bìa sách như ông Hồ đã tiết lộ cho điệp viên người Việt Nam không được tìm thấy ở sách Bản án. Ngay cả khi không có lý do gì để nói quá nhiều sự thật với người này, ông Hồ vẫn đặt ra đề cương hợp lý cho cuốn sách ông dự kiến xuất bản.

Mối quan tâm thứ hai của bài báo này là đánh giá xem liệu bản thảo lưu ở Mátxcơva có giống như Bản án hay không. Bản thảo Mátxcơva đầy đủ hơn và phong phú hơn Bản án và phù hợp hơn với nội dung kinh tế chính trị đã dự định như với bản thảo Les Opprimés. Tuy nhiên, nếu không có trích dẫn và chú thích, nó thậm chí có thể không phản ánh tài liệu gốc, kể cả những tài liệu về kinh tế chính trị mà Hồ Chí Minh đã đọc trong thư viện. Điều này cho thấy rằng, trong khi Hồ Chí Minh rõ ràng đã mang đến Mátxcơva một số tác phẩm đã xuất bản và chưa xuất bản, ông Hồ hẳn đã để lại toàn bộ bản thảo Les Opprimés ở Paris. Ở Mátxcơva, ông sẽ gặp khó khăn trong việc tái tạo lại văn bản gốc, vì thiếu các nguồn sách chuyên môn bằng tiếng Pháp. Có thể tìm hiểu tư tưởng của ông qua các bài báo đã xuất bản, chẳng hạn như có thể tìm đọc được các số báo L’Humanité, Imprecor, Le Paria và Union Intercoloniale. Các bài viết trong giai đoạn này gần như không nhắc tới các phạm trù chủ nghĩa Mác-Lênin. Riêng bản thảo ở Mátxcơva có sự pha trộn của sự phân tích, nghiên cứu sâu sắc, và tri thức kinh viện mà ông Hồ có được trong thời gian sống ở Paris.

Tuy nhiên, câu hỏi có thể được đặt ra là tại sao những phần quan trọng của bản thảo Mátxcơva về lịch sử, địa lý và kháng chiến, lại không được đề cập trong Bản án? Việc chỉnh sửa bản thảo được thực hiện ở Mátxcơva hay ở Pháp? Hồ Chí Minh tham gia như thế nào trong quá trình biên tập, in ấn, xuất bản sản xuất? Nguyễn Thế Truyền, người viết lời tựa, có ảnh hưởng gì đến việc lựa chọn và biên tập các chương không? Tại sao các tập tiếp theo không được in như đã quảng cáo? Điều này có liên quan gì đến việc Nguyễn Thế Truyền bỏ làm báo Le Paria vào năm 1925 và quay lưng lại với chính đảng và tờ báo hay không? Ngoài phần phụ lục về Liên đoàn các dân tộc thuộc địa, không có nhiều thông tin xuất hiện trong Bản án mà lẽ ra có thể được viết trong bản thảo Mátxcơva. Cũng như các bài viết của những người cộng sản Indonesia hoặc Mỹ Latinh sau đó ở Berlin hay Mátxcơva, Quốc tế Cộng sản khuyến khích phân tích kinh tế chính trị của các thuộc địa, đặc biệt là khi chúng hầu như là chủ đề không được công chúng quốc tế biết đến (xem Gunn 2022). Vì vậy, theo lý luận này, động cơ nào đã thúc đẩy các biên tập viên người Pháp cắt xén hay biên tập bản thảo? Đó có phải bắt nguồn từ nguyên nhân kinh tế xuất bản, như cái cớ mà tờ L’Humanité đưa ra cho Hồ Chí Minh vào năm 1923? Hay là sự cứng rắn của ĐCS Pháp đối với vấn đề thuộc địa, khi nó chạm đến lợi ích cốt lõi của sứ mệnh dân sự Pháp, và có lẽ là tầm nhìn tương lai về một cộng đồng Pháp ngữ trải dài khắp các châu lục? Hoặc, vào năm 1926, Quốc tế Cộng sản vẫn cho rằng tác phẩm khó có người đọc ở Pháp?

Hồ Chí Minh rất bận ở Mátxcơva. Ngoài việc chấp bút các bài báo cho Imprecor và các ấn phẩm khác, rõ ràng ông còn viết bản thảo Mátxcơva. Ở đây, được sử dụng máy đánh chữ, ông Hồ có thể đánh máy lại đầy đủ các bản nháp viết tay. Có một điều chắc chắn là vào giai đoạn này, chỉ có các quan chức ở Mátxcơva, hay nói đúng hơn là những người Bônsêvic là độc giả của các bài viết của ông Hồ. Cái họ muốn đọc là những bài phân tích cụ thể các điều kiện của giai cấp và nông dân gắn với tổ chức đảng và tuyên truyền. Từ Quảng Châu và sau đó là Hồng Kông, Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài về điều kiện của nông dân ở An Nam, cùng với một báo cáo về chủ đề tương tự cho Trung Quốc, hầu hết vẫn còn trong kho lưu trữ của Quốc tế Cộng sản và chưa bao giờ được xuất bản (xem Quinn-Judge 2002; Borton 2009). Có vẻ như bản thảo ở Mátxcơva vẫn còn ở Mátxcơva. Quốc tế Cộng sản không phải là một nhà xuất bản (mặc dù đã có lúc tổ chức này xuất bản tài liệu cho những người cộng sản Indonesia, Tan Malaka). Bản thảo không bao giờ được chuyển về Pháp. Rất có thể, Hồ Chí Minh đã sai lầm khi không mang theo bản thảo đến Quảng Châu. Nếu mang theo, ông Hồ có thể tiếp tục hoàn thiện và quyết định việc xuất bản. Thực tế là ông Hồ đã không còn kiểm soát được bản thảo Mátxcơva. Có khả năng là khi ông rời địa chỉ Rue du Marché des Patriarches, và là trụ sở của Le Paria và Liên hiệp thuộc địa, hồ sơ của ông đã chuyển vào tay Nguyễn Thế Truyền. Ông Truyền được giao phó lưu giữ các bản thảo của ông Hồ.

Là một tác phẩm về kinh tế chính trị, Bản án chế độ thực dân Pháp là dự án xuất bản lớn của Hồ Chí Minh, ngay cả khi việc tuyển chọn và biên tập là do Nguyễn Thế Truyền thực hiện. Nội dung quyển sách này không trùng với tác phẩm nào khác của Người. Điều đó chỉ ra rằng thể loại các bài viết của ông Hồ thay đổi tùy theo hoàn cảnh, ví dụ như các bài báo ngụ ngôn viết cho Thanh Niên xuất bản ở Quảng Châu và các bài viết trong tù giai đoạn từ năm 1930-1933, được giao cho luật sư người Anh nhưng bị mất trong cuộc xâm lược của Nhật Bản. Sau đó, ông viết Nhật ký trong tù trong thời kỳ bị Quốc dân Đảng giam giữ từ năm 1942 đến năm 1943, cùng với các tác phẩm tuyên truyền trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Nội dung của Bản án góp phần vào sự hiểu biết về kinh tế chính trị Đông Dương còn trong kho lưu trữ ở Mátxcơva, và vẫn chưa được xuất bản. Nếu chúng được đưa vào Bản án, và cuốn sách được chỉnh sửa tốt hơn, thì nó có thể được đánh giá theo tiêu chuẩn sách kinh tế chính trị có tính hàn lâm. Nói cách khác, bản thảo Mátxcơva cùng với một số tác phẩm chưa được xuất bản khác cho thấy rằng, chúng ta chờ đợi nhà biên tập và nhà xuất bản giỏi thực hiện lời hứa xuất bản những phần tiếp theo của Bản án chế độ thực dân Pháp.

Bản án có vị trí ra sao trong kho tàng kinh viện Mác-xít? Hầu như không, bởi vì nó không sử dụng các phạm trù của chủ nghĩa Mác. Nói một cách đơn giản, Hồ Chí Minh đã không tiếp cận sâu tác phẩm của Marx trong thời kỳ đầu ở Paris, mặc dù sau đó ông đã đọc các bản tóm tắt trong một số tạp chí mà ông đã đặt mua. Ông cũng không có những người cố vấn thân cận về lý thuyết chính trị, mà chỉ có cố vấn hoạt động thực tiễn, như nhận xét của những người cùng hoạt động với ông ở Pháp. Vẫn còn đó những điều gần gũi mà ông đã thấm nhuần sâu sắc từ những hiểu biết của Lênin về chủ nghĩa đế quốc, cũng như vai trò của tư bản tài chính, các công ty độc quyền thuộc địa, v.v.; điều đó xuất hiện trong các bài viết về kinh tế của ông. Đến năm 1920, các bản dịch đầu tiên của Marx sang tiếng Nhật, tiếng Trung và tiếng Indonesia đã xuất hiện. Hàng chục năm sau, tác phẩm của Marx mới được dịch sang tiếng Việt. Về sau, Hồ Chí Minh được tiếp xúc với phương pháp luận của chủ nghĩa Mác và tài liệu của chủ nghĩa Lênin, nhất là khi Hồ Chí Minh được đào tạo nghiêm túc tại Đại học Toilers. Sau khi rời Pháp, ông cũng kết thúc công việc nghiên cứu trong thư viện như đã từng làm ở Paris. Các nguồn tin trong tác phẩm của ông sau này thường ở dạng truyền miệng, hoặc bắt nguồn từ các báo cáo ngầm và kiến ​​thức thực tế của địa phương, cộng với tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đã ngấm vào máu thịt của ông.

 

Tài liệu tham khảo

ANOM HCI SPCE. Haut-Commissariat de France en Indochine, Service de protection du corps expéditionnaire, Archives nationales d’outre-mer. [Google Scholar]

ANOM SLOTFOM. Service de Liaison des Originaires des Territoires français d’outre-mer, Archives nationales d’outre-mer. [Google Scholar]

Anonymous. 2019. “Korean Independence Fighter Whang Ki-whan at Rest in New York Cemetery.” Yonhap, March 29. Accessed August 16, 2021. https://en.yna.co.kr/view/AEN20190328005300315. [Google Scholar]

Barman, G., and N. Dulioust. 1988. “Les années Françaises de Deng Xiaoping Vingtième Siècle.” Revue d’histoire 20: 17–34. [Google Scholar]

Bensacq-Tixier, N. 2014. La France en Chine de Sun Yat-sen à Mao Zedong, 1918–1953. Rennes: Presse Universitaires de Rennes. [Crossref], [Google Scholar]

Birchall, I. 2011. “‘Le Paria.’ Le Parti communiste français, les travailleurs immigrés, et l’anti-impérialisme (1920–24).” Contretemps: Revue de Critique Communiste, March 28. Accessed August 27, 2020. https://www.contretemps.eu/le-paria-le-parti-communiste-francais-les-travailleurs-immigres-et-lanti-imperialisme-1920-24/. [Google Scholar]

Birchall, I. 2019. “Hadj-Ali Abelkader: A Muslim Communist in the 1920s.” International Socialist Review 105. Accessed August 23, 2020. https://isreview.org/issue/105/hadj-ali-abelkader-muslim-communist-1920s. [Google Scholar]

Blanc, M.-E. 2004. “Vietnamese in France.” In Encyclopedia of Diasporas: Immigrant and Refugee Cultures Around the World, edited by C. Ember, 1158–1166. New York: Springer. [Google Scholar]

Borton, L. 2007. Hồ Chí Minh: A Journey. Hanoi: Thế Giới. [Google Scholar]

Bourdeaux, P. 2012–2013. “Note sur une lettre inédite de Ho Chi Minh à un Pasteur français (8 Septembre 1921) Ou l’art de porter la contradiction à l’évangélisation.” Études théologiques et religieuses 87: 293–312. [Crossref], [Google Scholar]

Brocheux, P. 2007. Ho Chi Minh: A Biography. Cambridge: Cambridge University Press. [Google Scholar]

Brocheux, P., and D. Hémery. 2009. Indochine: An Ambiguous Colonization, 1858–1954. Berkeley: University of California Press. [Google Scholar]

Cha, M. 2010. Koreans in Central California (1903–1957): A Study of Settlement and Transnational Politics. Lanham: University Press of America. [Google Scholar]

Crowe, D. 2020. Hemingway and Ho Chi Minh in Paris: The Art of Resistance. Minneapolis: Fortress Press. [Crossref], [Google Scholar]

Domenichini J. 1969. “Jean Ralaimongo (1884–1943), ou Madagascar au seuil du nationalisme.” Revue française d’histoire d’outre-mer 56 (204): 236–287. [Crossref], [Google Scholar]

Duiker, W. 2000. Ho Chi Minh: A Life. New York: Hyperion. [Google Scholar]

Dulles, J. 1974. Anarchists and Communists in Brazil, 1900–1935. Austin: University of Texas Press. [Google Scholar]

Fall, B. 1967. Ho Chi Minh on Revolution, Selected Writings, 1920–66. New York: Signet/Praeger. [Google Scholar]

Goebel, M. 2015. Anti-Imperial Metropolis: Interwar Paris and the Seeds of Third-World Nationalism. Cambridge: Cambridge University Press. [Crossref], [Google Scholar]

Goscha, C. 2002. “Belated Asian Allies: The Technical and Military Contributions of Japanese Deserters (1945–50).” In A Companion to the Vietnam War, edited by M. Young and R. Buzzanco, 37–64. London: Blackwell. [Google Scholar]

Gunn, G. 2014a. “‘Mort pour la France’: Coercion and Co-option of ‘Indochinese’ Worker-Soldiers in World War One.” Social Science 42 (8): 63–84. [Google Scholar]

Gunn, G. 2014b. Rice Wars in Colonial Vietnam: The Great Famine and the Viet Minh Road to Power. Lanham: Rowman & Littlefield. [Google Scholar]

Gunn, G. 2021a. “Dalliance with Ho Chi Minh: Komatsu Kiyoshi in Paris and Hanoi.” Japan Focus: Asia Pacific Journal 19 (7). Accessed August 16, 2021. https://apjjf.org/2021/7/Gunn.html. [Google Scholar]

Gunn, G. 2021b. Ho Chi Minh in Hong Kong: Anti-Colonial Networks, Extradition and the Rule of Law. Cambridge: Cambridge University Press. [Crossref], [Google Scholar]

Gunn, G. 2022. “A Stage in Rio de Janeiro?: Ho Chi Minh’s Maritime Journeying and Latin America Networks.” Journal of Contemporary Asia. [Google Scholar]

Ho Chi Minh. 1960. Selected Works of Ho Chi Minh. Hanoi: Foreign Languages Press. [Google Scholar]

Ho Chi Minh. 2011. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, 1912–1924. Hanoi: Năm xuất bản. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/book/ho-chi-minh/tac-pham/ho-chi-minh-toan-tap-tap-1-266. [Google Scholar]

Le Van Ho, M. 2014. Des vietnamiens dans la Grande Guerre: 50,000 recrues dans les usines françaises. Pari: Vendémiaire. [Google Scholar]

Lee, C.-J. 1994. Zhou Enlai: The Early Years. Stanford: Stanford University Press. [Google Scholar]

Li, J.-M. 2007. “La France et les mouvements d’indépendance du Gouvernement provisoire de Corée (1919–1945).” 한국사론45:한불수교120년사의재조명 Hanguksaron (Histoire de la Corée), pp. 290–344. Accessed August 13, 2020. http://db.history.go.kr/download.do?levelId=hn_045_0120&fileName=hn_045_0120.pdf. [Google Scholar]

Marr, D. 2013. Vietnam: State, War, and Revolution (1945–1946). Berkeley: University of California Press. [Crossref], [Google Scholar]

Marx, K. 1972. “Theses on Feuerbach: II, VII, XI., 1845.” In The Marx-Engels Reader, edited by R. Tucker, 107–109. New York: WW. Norton. [Google Scholar]

Murray, M. 1980. The Development of Capitalism in Colonial Indochina (1870–1940). Berkeley: University of California Press. [Google Scholar]

Nguyễn Ái Quốc [Ho Chi Minh]. 1919. “Continuation de la campagne en faveur des Annamites.” Yi Che Pau, September, 18–20. [Google Scholar]

Nguyễn Ái Quốc. 1919. “L’Indochine et la Corée – Une Intéressante comParion.” Le Populaire, September 4. [Google Scholar]

Nguyễn Ái Quốc. 1920. Letter to Editor. L’Humanité, November 5. [Google Scholar]

Nguyễn Ái Quốc. 1921. “Le Mouvement Communiste International: Indochine.” La Revue Communiste 15: 204–206. [Google Scholar]

Nguyễn Ái Quốc. 1922. “Le communisme et les jeunes chinois.” L’Humanité, August 19. [Google Scholar]

Nguyễn Ái Quốc. 1926. Le Procès de la colonisation française: Première série mœurs coloniales. Pari: Librairie du travail. [Google Scholar]

Quinn-Judge, S. 2001. “Nguyen Ai Quoc, The Comintern, and the Vietnamese Communist Movement (1919–1941).” Unpublished PhD, School of Oriental and African Studies, University of London. [Google Scholar]

Quinn-Judge, S. 2002. Ho Chi Minh: The Missing Years, 1919–1941. Berkeley: University of California Press. [Google Scholar]

Reilly, B. 2019. “The Myth of the Wilsonian Moment.” Wilson Center. Accessed August 15, 2021. https://www.wilsoncenter.org/blog-post/the-myth-the-wilsonian-moment. [Google Scholar]

RGASPI.Ф. 495. Оп. 154. Д. 594. Дело 594. Письма Нгуен Ай Куока из Кантона и из Москвы. Russian State Archive of Socio-Political History (РГАСПИ) 01. 07.1923–31.12.1926. [Google Scholar]

RGASPI. Ф. 495. Оп. 154. Д. 595 Брошюра Нгуен Ай Куока (Хо Ши Мина) “Индокитай.” Russian State Archive of Socio-Political History (РГАСПИ) 01. 01.1923–31.12.1924. [Google Scholar]

RGASPI Ф. 495. Оп. 154. Д. 596 Статья Нгуен Ай Куока “Капиталистическая цивилизация … ” Russian State Archive of Socio-Political History (РГАСПИ) 03.03.1924–09.07.1926. [Google Scholar]

Ruscio, A. 2019. Ho Chi Minh écrits et combats. Pari: Le Temps des Cerises. [Google Scholar]

Tran, M. 2005. A Vietnamese Royal Exile in Japan, Prince Cuong De (1882–1951). New York: Routledge. [Google Scholar]

Vichitvong na Pombhejara. 1962. Pridi Banomyong and The Making of Thailand’s Modern History. Bangkok: Siriyod Printing. [Google Scholar]

 
[1] Jo (Cho Soang) tốt nghiệp Đại học Minh Trị (Meiji) của Nhật Bản. Ông được vinh danh là tác giả của bản Tuyên ngôn Độc lập Triều Tiên. Bản Tuyên ngôn được 39 nhà lãnh đạo dân tộc Triều Tiên công bố tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Bản tuyên ngôn được cho là “chất xúc tác thúc đẩy phong trào ủng hộ độc lập của Triều Tiên chống lại sự thống trị của thực dân Nhật Bản” (Ẩn danh 2019).
[2] Trở về Madagascar, Ralaimongo bắt đầu được biết đến với sự nghiệp chính trị đấu tranh cho dân chủ và vấn đề nhập quốc tịch Pháp cho người dân nước thuộc địa. Bức tượng của ông vẫn còn được đặt ở thủ đô Tananarive để tôn vinh ông là cha đẻ của nền độc lập Madagascar. Luật sư Stéfany hoạt động tích cực trong Liên đoàn Nhân quyền, và đã thành lập một chi nhánh của Liên đoàn tại Madagascar (Domenichini 1969, 245).
[3] Phiên bản do Fall tái bản có chỉnh sửa một số phần như lời tựa của Nguyễn Thế Truyền và một phần về các tổng đốc, cùng các chi tiết khác (và phần này mang tính chất tham khảo). Năm 2007, Le Temps des Cerises xuất bản một ấn bản mới với lời tựa của Alain Ruscio.
[4] Theo thứ tự được đánh số, các tên phần bằng tiếng Pháp: Les méfaits du militarism (Những sai lầm của chủ nghĩa quân phiệt); Les atrocités de la civilisation (Sự tàn bạo của nền văn minh); Sa géographie (Địa lý); Les classes (Lớp học); L’histoire (Lịch sử); Sa vie économique (Đời sống kinh tế); Tâm lý thuộc địa (Colonial Mentality); Les Administrateurs (Quản trị viên); Parasitisme et pétaudière (Chủ nghĩa Pari và tình trạng rối loạn); Le consortium des Bandit (Hiệp hội những tên cướp); Concessions et franchisenaires (Nhượng bộ và những người được nhượng bộ); Les travaux publics (Công trình công cộng); Lực lượng Corvées ou travaux (Lao động cưỡng bức); L’obscurantisme (Chủ nghĩa ám ảnh); La presse (Báo chí); Les impôts (Thuế); La resistance (Kháng chiến); Revendications du Peuple Annamite (Nhu cầu của người dân Việt Nam); L’Eglise (Nhà thờ); La Justice (Công lý); L’Annam vu par les français (Việt Nam theo cách nhìn của người Pháp).

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục