Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Các tầng lớp trung lưu Ấn Độ: Văn hóa chính trị và kinh tế mới nổi (Phần 4)

Các tầng lớp trung lưu Ấn Độ: Văn hóa chính trị và kinh tế mới nổi (Phần 4)

Tầng lớp trung lưu đã trở thành một phạm trù lịch sử và xã hội học quan trọng ở Ấn Độ hiện đại. Ý tưởng Ấn Độ là một quốc gia dân tộc và dân chủ hiện đại đã được hình dung và đặt nền tảng bởi các tầng lớp trung lưu mới nổi trong giai đoạn cuối thời kỳ thực dân Anh cai trị khu vực tiểu lục địa. Sự lãnh đạo của tầng lớp trung lưu trong phong trào dân tộc của Ấn Độ cũng tạo các giá trị nền tảng cho đất nước mới độc lập sau khi chế độ thực dân kết thúc. Trong hai thập kỷ qua, tầng lớp trung lưu Ấn Độ đã được tán dương bởi những thành tựu kinh tế của nó trong nền kinh tế toàn cầu mới. Nó cũng đã được mở rộng về quy mô, cung cấp cơ sở thị trường quan trọng cho quá trình tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị dân chủ.

05:19 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

 

Các tầng lớp trung lưu Ấn Độ: Văn hóa chính trị và kinh tế mới nổi*

Surinder S. Jodhka / Aseem Prakash**

(Tiếp theo phần 3)

Ý nghĩa xã hội và chính trị: Đánh giá tầng lớp trung lưu không dựa vào thu nhập và tiêu dùng

          Ấn Độ ngày nay được hình thành bởi những mâu thuẫn bắt nguồn từ cam kết phát triển theo định hướng thị trường - điều này không tránh khỏi sự thiên vị chống lại các tầng lớp ít tài sản và tiềm năng hơn, và mặt khác là cam kết đối với chế định dân chủ bao gồm lời hứa về công bằng. Nói cách khác, đó là sự căng thẳng giữa nền kinh tế thị trường và chính trị dân chủ. Kinh tế thị trường chỉ ra các chính sách kinh tế hướng tới một chế thị trường thân thiện, được hỗ trợ bởi vốn trong nước và quốc tế, các tầng lớp trung lưu thành thị và tầng lớp trung lưu phía trên và các quan lại tân tự do. Còn chính trị dân chủ được thể hiện bằng sự khẳng định ngày càng tăng của các tầng lớp xã hội bị tước đoạt trong lịch sử trên các phương diện xã hội và bầu cử, do nhận thức cũng trải nghiệm thực tế của họ từ các quá trình phát triển. Tầng lớp trung lưu Ấn Độ được đặt vào vị trí khá trọng tâm trong kịch bản mâu thuẫn đang nổi lên này và nó mang gánh nặng cân bằng chúng trong một “Ấn Độ mới”. Nói một cách khác, sự khớp nối kinh tế xã hội của tầng lớp trung lưu này đã được công nhận rộng rãi. Xác nhận của họ về các chính sách nhà nước cũng như bất kỳ phản đối tương tự nào cũng được cả nhà nước cũng như đoàn thể xã hội lớn hơn tiếp nhận một cách nghiêm túc.

          Làm thế nào để chúng ta có hiểu tầng lớp trung lưu như là một nhóm xã hội, ngoài căn cứ về thu nhập và tiêu dùng ra? Trong khi sự hiểu biết về các nhóm thu nhập thực sự là rất quan trọng để hiểu ý nghĩa của mô hình tăng trưởng kinh tế ở bất cứ nước nào, thì tầng lớp trung lưu cũng là một phạm trù khái niệm và mang tính lịch sử. Nó đại diện cho các giá trị nhất định và tạo ra các tranh luận về vai trò lãnh đạo. Là một phạm trù xã hội học, đó là phạm vi phản ánh sự đa dạng theo chiều dọc và chiều ngang của một xã hội nhất định. Khi Ấn Độ phát triển, sự đa dạng của các tầng lớp trung lưu cũng tăng lên, với sự gia nhập của các nhóm chịu thiệt thòi trong lịch sử. Tuy nhiên, các khung giá trị và thái độ đối với nhà nước, quá trình chính trị, và các chế độ mong muốn đối với tổ chức kinh tế và tổ chức xã hội của họ có sự khác nhau đáng kể. Tầng lớp trung lưu thuộc đẳng cấp trên nói về hiệu quả thông qua cạnh tranh thị trường và tư nhân hóa các cơ quan công quyền, sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của bộ máy quản trị. Điều thú vị là, các phần thuộc tầng lớp trung lưu có nguồn gốc từ các nhóm xã hội bị tước đoạt trong lịch sử cũng viện dẫn ra các khuôn khổ mang tính phổ quát. Tuy nhiên, thay vì hiệu quả, giá trị đạo đức và cạnh tranh, các giá trị phổ quát họ cố gắng thúc đẩy là công bằng, bình đẳng, mẫu mực và các quyền thông qua hành động khẳng định. Nhà nước là một cơ quan quan trọng đối với họ vì nó bảo vệ và phát huy những giá trị phổ quát và đảm bảo sự hiện diện của họ trong quá trình chính trị và kinh tế của đất nước. Tất nhiên, các giá trị này được viện dẫn để bảo vệ lợi ích của các cộng đồng của họ, và vì thế họ thường bị xem thường bởi bộ phận các thành phần chủ yếu của tầng lớp trung lưu Ấn Độ. Đối với họ, những điều này có vẻ như có tính chất đặc thù, và do đó, "không hiện đại" và "chống lại sự tiến bộ".

          Sự đa dạng và khác biệt trên diện rộng trong tầng lớp trung lưu Ấn Độ cũng rất quan trọng. Mặc dù có một hiểu biết chung về giá trị của tầng lớp trung lưu, nhưng các thành phần chủ yếu của tầng lớp trung lưu có bất đồng trên nhiều vấn đề tư tưởng. Đôi khi những khác biệt này bắt nguồn từ sự phân chia địa điểm kinh tế-xã hội (chẳng hạn như khu vực, hoặc các khu vực của nền kinh tế) và đôi khi từ bản chất của xã hội hóa chính trị của họ (chẳng hạn như "phe cánh tả" và "cánh hữu").

          Cũng giống như vấn đề nhà nước, nhận thức của tầng lớp trung lưu Ấn Độ về vấn đề dân chủ, khung bầu cử và giá trị của các mối quan hệ xã hội cũng khác nhau. Tầng lớp trung lưu thuộc đẳng cấp trên viện dẫn khái niệm bầu cử dân chủ như là khung phổ quát, nhưng bằng chứng nổi bật cho cách viện dẫn như vậy thường được chuyển thành một học thuyết vì lợi ích cá nhân. Điều này được phản ánh tốt nhất trong việc loại bỏ dần dần các tầng lớp trung lưu từ quá trình bầu cử. Cùng với điều này, theo quan sát cho thấy, tầng lớp trung lưu đang ngày càng chuyển hướng “chính trị mới” tập trung vào các tổ chức trong xã hội dân sự chứ không phải đảng phái chính trị hoặc công đoàn. Sự thay đổi mang tính bản chất này đã loại bỏ sự trao quyền cho những đẳng cấp nghèo và thấp hơn, vì các kết cấu hoạch định chính sách bị đặt ra khỏi tiến trình chính trị nơi người nghèo hiện nay có sự hiện diện đáng kể. Trong điều kiện đòi hỏi lớn hơn “dân chủ như là một giá trị”, thì một phần đáng kể tầng lớp trung lưu bên trên sẽ cố gắng cách ly khỏi đói nghèo và ngăn cản mô hình bị loại trừ nổi lên dẫn dắt quá trình tăng trưởng. Việc tái cơ cấu mang tính không gian này được phản ánh tốt nhất trong nhiều cộng đồng nhà ở cư dân và trung tâm mua sắm có cổng[1], những nơi được thiết kế để loại trừ người nghèo và đẳng cấp dưới không có đặc quyền[2].

Kết luận

          Tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp lãnh đạo cho các phần khác nhau trong xã hội Ấn Độ. Các tầng lớp trung lưu đã có thể thay thế sự lãnh đạo truyền thống, hay lãnh đạo truyền thống phải khám phá lại chính bản thân mình như tầng lớp trung lưu để ở lại những vị trí có ảnh hưởng.

          Mặc dù trên phương diện tỷ lệ, tầng lớp trung lưu Ấn Độ chiếm ít hơn một phần tư tổng dân số Ấn Độ, nhưng số lượng tuyệt đối của nó lớn hơn dân số của nhiều quốc gia trên thế giới, điều này chính bản thân nó đã cung cấp một nền tảng tiêu thụ rộng lớn cho một nền kinh tế thị trường. Một tính năng quan trọng của tầng lớp trung lưu Ấn Độ là sự đa dạng mang tính nội bộ trên các phương diện thu nhập, nghề nghiệp, đẳng cấp, cộng đồng và khu vực. Tuy nhiên, mặc dù có sự đa dạng này, nhưng tầng lớp trung lưu Ấn Độ cũng có một “phần chi phối”, đại diện cho cộng đồng thống trị của Ấn Độ, tức là đẳng cấp bên trên, ở thành thị và theo đạo Hindu. Trong khi tầng lớp trung lưu Ấn Độ có tính lưu động toàn cầu, không gian sống hiện đại và sử dụng ngôn ngữ hiện đại, họ cũng tích cực tham gia vào sự khớp nối các bản sắc chính trị của cả hai phần "đa số" chi phối và "thiểu số". Không giống như phương Tây, tầng lớp trung lưu Ấn Độ thiếu tự chủ. Nó vẫn còn phụ thuộc vào sự bảo trợ và duy trì văn hóa bảo trợ.


* Báo cáo quốc tế KAS 12/2011.

** Aseem Prakash, Phó giáo sư và Phó phụ trách, Trường Chính phủ và Chính sách công Jindal, Đại học Toàn cầu Jindal, Ấn Độ

[1] Debolina Kundu, “Elite Capture in Participatory Urban Governance”, Economic and Political Weekly, Vol. 46, No. 10, March 5-11, 2011, 23-25; Lalitha Kamath and M. Vijayabaskar, “Limits and Possibilities of Middle Class Associations as Urban Collective Actors”, Economic and Political Weekly, Vol. 44, No. 26 and 27, June 27-July 10, 2009, 368-376; John Harriss, “Antinomies of Empowerment Observations on Civil Society, Politics and Urban Governance in India”, Economic and Political Weekly, Vol. 42, No. 26, June 30-July 6, 2007, 2716-2724.

[2] Malcolm Voyce, “Shopping Malls in India New Social Dividing Practices”, Economic and Political Weekly, Vol. 42, No. 22, June 2-8, 2007, 2005-2062.

 

Người dịch: ThS Phùng Thị Thanh Hà

Hiệu đính: TS Nguyễn Thị Phương Thảo

Nguồn:

Cùng chuyên mục