Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Cải cách nông nghiệp giải phóng nông dân Ấn Độ

Cải cách nông nghiệp giải phóng nông dân Ấn Độ

Biểu tình nông dân Ấn Độ gần đây là do một bộ phận nông dân bị kích động dẫn đầu, với những luận điểm do bị tuyên truyền sai trái lừa bịp. Tầng lớp dân cày, người Đa-lít, và người nghèo không tham gia cuộc biểu tình này.

05:53 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Vào đầu tháng 4/2019, Liên minh Nông dân Ấn Độ Bharatiya Kisan (BKU) đã ban hành Tuyên ngôn Nông dân vì Tự do. Tài liệu tiến bộ này có đoạn viết: “Bảy thập kỷ sau khi Ấn Độ giành được độc lập khỏi ách thống trị của thực dân Anh, phần lớn dân số Ấn Độ, chủ yếu là nông dân, vẫn bị trói buộc bởi nhiều luật và quy định bất hợp lý”.

Bản Tuyên ngôn đòi “quyền tự do buôn bán” cho nông dân, và cảnh báo rằng, các luật hiện hành đang hạn chế nông dân “họ [nông dân] phải có quyền quyết định bán sản phẩm của mình ở đâu, bằng cách nào và ở mức giá nào”, đồng thời nhấn mạnh rằng Ủy ban Thị trường Sản phẩm Nông nghiệp (APMC) chỉ tạo ra “độc quyền hợp pháp” của một số “thương nhân được cấp phép”, những tư thương ép giá nông dân”. Bản Tuyên ngôn kêu gọi loại bỏ hạn chế sử dụng đất bao gồm cả đất “canh tác theo hợp đồng” và bãi bỏ “các luật như luật về APMC và Đạo luật Hàng hóa Thiết yếu”. Bản Tuyên ngôn cho rằng, nếu làm được như vậy sẽ tạo thuận lợi cho “giao dịch trong tương lai” đối với tất cả các mặt hàng nông sản.

Các APMC đã được hình thành ở trung tâm Ấn Độ trong thời kỳ cai trị của thực dân Anh nhằm buộc nông dân trồng bông chỉ bán sản phẩm của họ cho Nhà nước để các nhà máy bông ở Anh có nguồn nguyên liệu thô giá rẻ từ Ấn Độ. Sau khi Ấn Độ giành Độc lập, nhóm vận động hành lang luật nông thôn đã hoạt động tích cực để duy trì những điều khoản luật này. Nó đã giúp nông dân trong những năm đầu tiên khi nền nông nghiệp Ấn Độ gặp khó khăn cho đến cuộc Cách mạng Xanh. Nhưng ngày nay, như tuyên ngôn của BKU đã nêu, các APMC đã trở thành những “thương lái trung gian” mà nông dân phải được “cứu thoát” khỏi ảnh hưởng tiêu cực từ tầng lớp trung gian này.

Đây chính là xuất phát điểm của ba đại luật cải cách nông nghiệp mà Chính phủ dự định thực hiện. Nhưng thật khó hiểu, khi Liên minh BKU lại xuống đường dẫn đầu nhóm gọi là nông dân kích động chống lại cải cách. Trước đó, họ lập luận rằng những người nông dân bị “ràng buộc bởi xiềng xích” của luật pháp thời Anh. Giờ đây, họ cho rằng, nên khôi phục các chuỗi xiềng xích tương tự như dưới thời thuộc địa Anh vì trong tương lai, người nông dân có thể bị phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nông nghiệp tư nhân.

Tình cờ, một dòng đăng Twitter vào ngày 4/4/2019 của ban lãnh đạo BKU đã bày tỏ sự vui mừng về việc Đảng Quốc Đại và Rahul Gandhi đã đề xuất “một số cải cách” và nói: “Để xem Đảng BJP và Narendra Modi có áp dụng hay không”. Đảng Quốc Đại hiện đang ủng hộ vai trò của BKU trong cuộc biểu tình của nông dân, trong khi Chính phủ Modi đang nỗ lực hiện thực hóa tuyên ngôn của BKU. Đây là những cải cách mang tính lịch sử nhất, táo bạo nhất, trong nông nghiệp Ấn Độ kể từ khi Độc lập. Nông dân vẫn là nhà sản xuất tư nhân duy nhất ở Ấn Độ không có quyền tự do bán hàng. “Nông dân Ấn Độ hãy đứng lên làm chủ mùa màng”, nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng của Ấn Độ Ram Manohar Lohia đã kêu gọi như vậy vào năm 1963 để nêu rõ tầm nhìn về cải cách nông nghiệp. Modi đang biến tầm nhìn đó thành hiện thực.

Sự tồn tại của Các Ủy ban Thị trường sản phẩm nông nghiệp (APMC) là một điều bất thường vì nông dân buộc phải bán sản phẩm chỉ cho APMC. Vì nhiều lý do chính trị, từ chính quyền này đến chính quyền khác, ở các tiểu bang cũng như ở chính quyền Trung ương, chế độ Giá hỗ trợ tối thiểu luôn được duy trì, dẫn đến việc không chỉ chế độ định giá mà còn cả mô hình sản xuất bị làm cho méo mó. Các luật mới sẽ chấm dứt sự bất thường đó. Về cơ bản, luật mới mang lại ba lợi ích cho nông dân. Giờ đây, nông dân có thể tự do bán sản phẩm của mình ở bất kỳ nơi nào có giá tốt hơn - trong mandis (chợ do APMC mở) hay cho tư thương thu mua nông sản ở bất cứ đâu. Giờ đây, nông dân có thể định giá sản phẩm theo nhu cầu của thị trường. Giờ đây, nông dân có thể ký kết các thỏa thuận với các doanh nghiệp và cả các đầu mối kinh doanh nông nghiệp tư nhân, và thậm chí tham gia vào các hoạt động kinh doanh trong tương lai.

Việc phản đối những cải cách mang tính lịch sử như vậy là hành động tự sát đối với cộng đồng nông dân. Tuy nhiên, một số bộ phận nông dân đang xuống đường làm tắc nghẽn các tuyến đường ở Delhi. Có thể có một số quan ngại thực sự, chẳng hạn như, cần có biện pháp bảo vệ nhà nông trong trường hợp các doanh nghiệp tư nhân có chủ đích bóc lột nông dân. Chính phủ đã mở diễn đàn để thảo luận về những mối quan ngại như vậy. Nhưng việc tuyên truyền rằng, những luật mới sẽ khiến nông dân trở thành nô lệ cho các doanh nghiệp tư nhân là điều quá xa sự thật. Các luật mới rõ ràng là bảo vệ đất đai của người nông dân khỏi bất kỳ hình thức bóc lột nào ngay cả khi người nông dân vỡ nợ.

Biểu tình nông dân Ấn Độ gần đây là do một bộ phận nông dân bị kích động dẫn đầu, với những luận điểm do bị tuyên truyền sai trái lừa bịp. Tầng lớp dân cày, người Đa-lít, và người nghèo không tham gia cuộc biểu tình này. Chính phủ phải tham gia trực tiếp với nông dân và giải thích cho nhà nông hiểu những lợi ích do luật mới mang lại. Có thể xem xét một số sửa đổi, nhưng bất cứ điều gì vượt quá điều đó sẽ có hại cho tương lai của ngành nông nghiệp.

Tác giả: Ram Madhav, lãnh đạo cấp cao Đảng BJP, Giám đốc India Foundation.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://www.hindustantimes.com/analysis/how-the-agriculture-reforms-finally-liberate-farmers/story-mB1fDyTdiaFA6LYxwBWW1K.html

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article

Nguồn:

Cùng chuyên mục