Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Căng thẳng trong quan hệ Ấn Độ - Pakistan (Phần 1)

Căng thẳng trong quan hệ Ấn Độ - Pakistan (Phần 1)

05:57 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ngồi nổ Kashmir

Quân cờ domino đầu tiên dẫn đến phản ứng dây chuyền, làm bùng nổ căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan là vụ đánh bom khủng bố ngày 14/2/2019 tại vùng Jammu và Kashmir, trong khu vực được Ấn Độ quản lý.

Nhóm phiến quân Jaish-e-Mohammed (JEM) nhanh chóng lên tiếng nhận trách nhiệm cho vụ tấn công đẫm máu, khiến ít nhất 40 cảnh sát Ấn Độ thiệt mạng. Cuộc tấn công của nhóm JEM được xem là vụ khủng bố gây thiệt hại về người nghiêm trọng nhất cho an ninh Ấn Độ trong nhiều năm qua.

Ngày 25/2/2019, Pakistan thông báo đã điều động khẩn phi đội JF-17, chặn máy bay chiến đấu của Ấn Độ trinh sát không phận Pakistan gần Kashmir. Trung tướng không quân Pakistan Asif Ghafoor cáo buộc máy bay nước láng giềng khai hỏa gần thị trấn Balakot trước khi quay đầu trở về. Vụ việc nghiêm trọng khi chiến đấu cơ của Ấn Độ chỉ còn cách thủ đô Islamabad của Pakistan khoảng 100 km.

Khu vực Kashmir ngày 26/2/2019 sục sôi như bên bờ vực chiến tranh. Chiến đấu cơ Ấn Độ lại một lần nữa vượt qua ranh giới kiểm soát tại Kashmir, tiến vào khu vực của Pakistan. Chính phủ New Delhi khẳng định phi vụ không kích nhắm vào một trại huấn luyện của nhóm phiến quân JEM, gần thị trấn Balakot.

Chiến dịch diễn ra rầm rộ. Truyền thông Ấn Độ cho biết hơn 10 chiến đấu cơ Mirage 2000 tham gia không kích, với sự hiệp đồng tác chiến cùng máy bay cảnh báo sớm EMB-145, máy bay tiếp dầu Il-78 và máy bay không người lái Heron.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định, cuộc không kích đã loại khỏi vòng chiến "số lượng lớn các phần tử khủng bố của JEM". Trong khi đó, theo Reuters, các nhân chứng tại Balakot mô tả chỉ một người bị thương và không có ai thiệt mạng sau vụ không kích. Quân đội Ấn Độ thông báo đã dùng tên lửa Spyder bắn hạ một máy bay không người lái của Pakistan đang do thám gần biên giới.

Vụ tấn công trên không phận Pakistan khiến chính quyền Islamabad nổi giận và đe dọa đáp trả. Trong cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn quân đội Pakistan cảnh báo "sẽ có món quà bất ngờ" dành cho không quân Ấn Độ. Ông tuyên bố biện pháp đáp trả sẽ được thực hiện "tại thời điểm và vị trí do Pakistan quyết định".

Lời đe dọa của tướng Ghafoor được hiện thực hóa vào ngày 27/2. Phía New Delhi cáo buộc F-16 Pakistan tiến qua đường ranh giới kiểm soát tại Kashmir để tấn công quân đội Ấn Độ. Mig-21 được lệnh đánh chặn, bắn hạ một máy bay của Pakistan. Phía Islamabad trong khi đó tuyên bố đã bắn hạ hai chiếc Mig-21 của đối thủ. Pakistan còn bắt giữ một phi công của Ấn Độ.

May mắn là các bên, trong những ngày gần đây, dường như đang chuyển sang hướng tiếp cận giảm căng thẳng. Chính phủ của Thủ tướng Imran Khan tại Islamabad nhanh chóng chấp nhận trả tự do cho phi công Ấn Độ, khẳng định quyết định này là "động thái cho hòa bình".

Những căng thẳng được xoa dịa khi Varthaman được trả tự do vào khoảng 9h20 ngày 1/3/2019. Anh bước qua chốt biên phòng tại Wagah, mặc áo khoác thể thao màu xanh, áo sơ mi trắng bỏ nút gần cổ. Người phi công Ấn Độ toát lên sự nhẹ nhõm khi những đồng đội biên phòng bắt tay anh rồi đưa lên đoàn xe chính phủ rời biên giới Pakistan. Anh cuối cùng đã trở về quê nhà sau một tuần đầy biến động.

"Cuối cùng rồi cuộc khủng hoảng này sẽ chấm dứt. Nhưng cả hai nước đều phải chấp nhận thực tế rằng những yếu tố trên thực địa khiến cả hai cảm thấy khó chịu đều không thay đổi", ông cảnh báo Kashmir vẫn sẽ là ngòi nổ nguy hiểm cho xung đột.

Theo Kugelman, Pakistan nhiều khả năng sẽ tiếp tục chính sách cho phép các nhóm phiến quân chống Ấn Độ ẩn náu trên lãnh thổ. Cuộc khủng hoảng vừa qua chỉ khiến Islamabad thêm ủng hộ những nhóm vũ trang này như là lá chắn phòng trường hợp xung đột nổ ra với Ấn Độ.

Trong khi đó, lập trường chủ quyền của New Delhi về vùng Kashmir cũng khó thay đổi. Lực lượng an ninh Ấn Độ sẽ gia tăng các chiến dịch chống khủng bố, đặc biệt khi vụ tấn công ngày 14/2/2019 được tổ chức bởi một người địa phương. Những biện pháp an ninh gắt gao có thể tăng rủi ro trả đũa từ các nhóm phiến quân ẩn náu tại Pakistan.

"Khi cuộc khủng hoảng này trôi qua, Ấn Độ và Pakistan có thể gia tăng những cách hành xử làm dày thêm sự thù hằn của mỗi bên, mở đường cho những căng thẳng mới và có thể là một cuộc khủng hoảng mới", Kugelman cảnh báo.

Kể từ khi bị chia cắt vào năm 1947, quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan luôn trong tình trạng đối đầu hoặc bên bờ vực xung đột. Những vụ nổ súng giữa hai phía dọc theo đường phân cách ở Kashmir vẫn thường xuyên xảy ra.

Cuộc chiến tranh biên giới năm 1971 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 10.000 người dù kéo dài chỉ 13 ngày, và là một trong những cuộc chiến ngắn nhất trong lịch sử, theo Foreign Policy. Lần cuối cùng hai nước đưa quân vào lãnh thổ của nhau là trong đợt xung đột năm 1999 tại Kargil. Biệt kích Pakistan xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ nhằm tái chiếm một thung lũng mà chính phủ Islamabad cho rằng phải thuộc về Pakistan theo đúng hiệp định năm 1947.

Tuy nhiên, kể từ khi cả hai nước thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân trong giai đoạn cuối thập niên 1990, chưa bao giờ Ấn Độ và Pakistan cho chiến đấu cơ xâm phạm vùng trời của nhau. Điều đó đã thay đổi sau cuộc khủng hoảng tháng 2 tại Kashmir.

Lần đầu tiên trong thế kỷ này, Ấn Độ và Pakistan công khai cả ý định và năng lực dội "mưa tên lửa" vào lãnh thổ của nhau.

Các chiến dịch không kích vượt ra khỏi vùng tranh chấp ở Kashmir, tiến sâu vào không phận Pakistan, cho thấy New Delhi sẵn sàng có hành động phủ đầu. Những chi tiết trên thực địa về hoạt động của quân đội Ấn Độ có thể còn mơ hồ. Thông tin của Reuters và Al Jazeera cho thấy Ấn Độ đã phóng đại con số 300 phần tử phiến quân bị tiêu diệt.

Tuy nhiên, chi tiết về kết quả chiến dịch không quan trọng bằng phạm vi địa lý. New Delhi qua loạt đánh bom hôm 26/2 đã khẳng định chấm dứt giai đoạn tự kiềm chế, sẵn sàng đánh bom xa đường biên giới hai nước. Mục tiêu không kích mà phi công Varthaman nhận được không nằm tại khu vực Kashmir, mà nằm sâu trong lãnh thổ Pakistan và chỉ cách thủ đô Islamabad khoảng 100 km. (Xem tiếp phần 2)

Nguồn: https://baomoi.com/ban-ha-tiem-kich-an-do-pakistan-ben-bo-vuc-chien-tranh-hat-nhan/c/29852077.epi?utm_source=iapp&utm_campaign=share

Nguồn:

Cùng chuyên mục