Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới: Châu Âu tìm giai điệu riêng

Chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới: Châu Âu tìm giai điệu riêng

Chính sách mới phản ánh nhận thức, quyết tâm của Liên minh châu Âu (EU) về thúc đẩy hợp tác độc lập và toàn diện hơn với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

05:06 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

EU chính thức công bố chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới ngày 16/9/2021, hơn hai tuần sau chiến dịch di tản tại Afghanistan do Mỹ khởi xướng và gần như cùng lúc với sự ra đời của thỏa thuận an ninh ba bên giữa Washington, London và Canberra, hay còn gọi là AUKUS.

Tuy nhiên, từ tháng 4/2021, Hội đồng EU đã kết luận về chiến lược hợp tác của EU về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và ngày 16/9/2021 chỉ là thời gian văn bản này được chính thức công bố.

Ngoài ra, lãnh đạo EU không được thông báo về AUKUS cho đến khi liên minh an ninh này thành hình. Do đó, chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không phải là hệ quả từ sự kiện Afghanistan và AUKUS.

Vậy đâu là lý do dẫn đến sự hình thành chiến lược này?

Động lực bên trong

Các đồng minh và đối tác khác như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Anh đã có chính sách về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Một số quốc gia trong EU như Đức, Pháp, Hà Lan và cả Anh, cũng công bố tầm nhìn của riêng mình về khu vực này. Do đó, khối cần sớm có chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thống nhất để phối hợp hành động với đồng minh và đối tác, tối đa hóa lợi ích của mình.

Quan trọng hơn, EU nhận thức rõ vai trò của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, coi đây là ưu tiên cao trong chiến lược kinh tế, an ninh và đối ngoại, gắn liền với sự phát triển và thịnh vượng của châu Âu.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chiếm 3/5 dân số, 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, đóng góp 2/3 tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới và đi đầu về phát triển kinh tế số. Ngoài ra, nơi đây có 7/20 nước thuộc Nhóm các nền kinh tế lớn cùng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đối tác quan trọng với EU.

Văn bản chính sách của EU cũng khẳng định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và châu Âu là đối tác “tự nhiên” trong thương mại và kinh tế. EU là nhà đầu tư hàng đầu và một trong những đối tác lớn nhất khu vực, với trao đổi thương mại giữa hai khu vực đạt mức 1.756 tỷ USD năm 2019.

Đồng thời, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của EU và có 4/10 đối tác thương mại lớn nhất của khối. Đặc biệt, khu vực này có nhiều đường vận tải biển lớn thiết yếu với hàng hóa đến từ châu Âu, bao gồm eo biển Malacca, Biển Đông và eo biển Bab el-Mandeb.

Ngoài ra, văn bản này cũng đề cập cạnh tranh địa chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hoạt động quân sự tại điểm nóng khu vực như eo biển Đài Loan và Biển Đông khiến căng thẳng leo thang, ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh và thịnh vượng của châu Âu. Các thách thức an ninh phi truyền thống, từ biến đổi khí hậu tới không gian mạng, cũng là bài toán EU cần hợp tác giải quyết.

Yếu tố bên ngoài

Lý do để châu Âu tìm kiếm ở một chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương độc lập không chỉ xuất phát từ bên trong, mà còn đến từ bên ngoài, đặc biệt là Mỹ.

Trở lại với câu chuyện Mỹ đơn phương rút quân ở Afghanistan hay cùng Anh và Australia bất ngờ hình thành đối tác an ninh AUKUS mà không qua tham vấn đồng minh EU, khiến Pháp mất trắng một hợp đồng tàu ngầm trị giá lên tới hàng chục tỷ Euro.

Đây không phải là nguyên nhân trực tiếp khiến EU xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương riêng. Tuy nhiên, hai sự kiện này lại là minh chứng rõ nét về điều chỉnh trong chính sách đối ngoại dưới hai đời Tổng thống Mỹ, yếu tố bên ngoài quan trọng khiến châu Âu phải thay đổi.

Một mặt, hai nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ gần nhất cho thấy Washington đang chuyển trọng tâm chiến lược từ châu Âu và Trung Đông sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Dưới thời ông Joe Biden, sự dịch chuyển này đang diễn ra nhanh hơn bao giờ hết.

Nó thể hiện rõ nét từ ưu tiên trong Chỉ dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia tạm thời, hàng loạt chuyến thăm của quan chức cấp cao Mỹ đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, rút quân khỏi Afghanistan, và mới đây là xây dựng đối tác an ninh AUKUS, chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân với Australia.

Tuy nhiên, khác với chiến lược xoay trục của ông Barack Obama hay áp lực đơn phương của người tiền nhiệm Donald Trump, nước Mỹ thời Tổng thống Joe Biden tìm cách phả hơi nóng vào Trung Quốc thông qua tập hợp quốc gia theo từng nhóm lợi ích. Cách tiếp cận này giúp Washington thiết lập mạng lưới đối tác rộng hơn, linh hoạt hơn trong cạnh tranh chiến lược toàn diện với Bắc Kinh.

Trong bối cảnh đó, mở rộng hợp tác với tất cả quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trên nhiều bình diện và lĩnh vực sẽ giúp EU tăng cường lợi ích thực chất, đồng thời củng cố vị thế của khối tại khu vực này. Từ đó, châu Âu sẽ trở thành đối tác Mỹ khó ngó lơ khi nghĩ về Trung Quốc.

Mặt khác, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và ở góc độ nào đó, nghị quyết về chiến lược EU - Trung Quốc mới, cho thấy nỗ lực tự chủ của EU về đối ngoại, giảm phụ thuộc vào Mỹ.

Châu Âu đã hiểu rõ một nước Mỹ đơn phương là như thế nào dưới thời ông Donald Trump.

Ngay khi Tổng thống Joe Biden khẳng định ưu tiên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, EU từng lo Washington sẽ hành động quyết đoán hơn, với Afghanistan hay AUKUS là minh chứng rõ nét.

Trong bối cảnh đó, EU cần soạn giai điệu của riêng mình.

Vì thế, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới có thể là tác phẩm đầu tiên, song chắc chắn chưa phải cuối cùng của châu Âu.

Nguồn: https://baoquocte.vn/chinh-sach-an-do-duong-thai-binh-duong-moi-chau-au-tim-giai-dieu-rieng-159199.html

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục