Chính sách đối ngoại của Ấn Độ với việc thực thi hiệp định Geneva tại Việt Nam (1954-1958) và với tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc: nhìn từ góc độ của chủ nghĩa lý tưởng (Phần 3)
Chủ nghĩa lý tưởng là một trong những học thuyết quan hệ quốc tế có ảnh hưởng và dấu ấn trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ sau ngày độc lập. Trong lịch sử quan hệ đối ngoại của Ấn Độ với Việt Nam giai đoạn từ 1947 đến nay, chính sách đối ngoại của Ấn Độ với Việt Nam (1954 - 1958) và quan điểm của Ấn Độ với vấn đề Biển Đông của Việt Nam trong thời gian gần đây là những ví dụ minh chứng cho hướng tiếp cận của trường phái lý tưởng trong lĩnh vực đối ngoại của Ấn Độ. Bài viết tập trung vào 3 nội dung chính: nội dung, đặc điểm của chủ nghĩa lý tưởng trong quan hệ quốc tế; chính sách đối ngoại của Ấn Độ với việc thực thi Hiệp định Geneva tại Việt Nam (1954-1958) và Quan điểm của Ấn Độ đối với tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam.
ThS Phùng Thị Thảo*
Năm 1947, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền trên Biển Đông với đường lưỡi bò 11 đoạn, sau này chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sử dụng lại đường lưỡi bò này nhưng chỉ còn 9 đoạn. Đường lưỡi bò bao trọn bốn nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên biển Đông là quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, quần đảo Đông Sa và bãi Macclesfield với khoảng 75% diện tích mặt nước của biển Đông, chỉ chừa lại khoảng 25% cho tất cả các nước Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, và Việt Nam, tức mỗi nước được trung bình 5%. Năm 2009, lần đầu tiên Trung Quốc trình lên Liên hợp quốc "đường lưỡi bò" và đòi các quyền đối với vùng nước trong phạm vi đường này.
* Quan điểm của Ấn Độ đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông
Trên thực tế, ở phương diện địa lý, Ấn Độ không có phần lãnh thổ thuộc Biển Đông. Do vậy, Ấn Độ không liên quan trực tiếp đến các tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra tại khu vực này. Tuy nhiên, Ấn Độ ngày càng được quan tâm trong những tranh chấp tại khu vực này bởi nhiều lý do. Thứ nhất, quốc gia Nam Á đã và đang tiến hành một loạt các bài tập, các chuyến viếng thăm và các bài diễn tập và dàn lực lượng của hải quân tại Biển Đông. Thứ hai, Ấn Độ xúc tiến xây dựng và đẩy mạnh mối quan hệ đối tác quân sự - chiến lược với các quốc gia thuộc khu vực duyên hải của Biển Đông. Thứ ba, Ấn Độ rất quan tâm đến việc tiến hành các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí với các nước Đông Nam Á tại khu vực Biển Đông. Và cuối cùng, Ấn Độ tích cực tham dự các cuộc thảo luận ngoại giao trong hàng loạt các diễn đàn khu vực với các nước không thuộc khu vực Biển Đông nhằm thảo luận về chính vấn đề của Biển Đông.
Ấn Độ cũng liên tục khẳng định quan điểm của nước này đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông. Chẳng hạn, mới đây nhất trong cuộc tranh luận tại Hạ viện Ấn Độ diễn ra vào ngày 27/04/2016, trả lời câu hỏi của Tiến sĩ Thokchom Meinya (đồng thời là câu hỏi số 568 tại Hạ viện nước này) về việc liệu rằng quan điểm của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông có chọc tức Trung Quốc hay không, nếu có thì lý do gì khiến Trung Quốc tức giận và cụ thể quan điểm của Ấn Độ đối với tranh chấp Biển Đông là gì, Tiến sĩ – Tướng Vijay Kumar Singh – Quốc vụ khanh Ấn Độ về đối ngoại đã trả lời: “Ấn Độ có quan điểm nhất quán đối với vấn đề Biển Đông và quan điểm của Ấn Độ liên tục được nhắc đi nhắc lại tại các diễn đàn song phương cũng như các diễn đàn đa phương. Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và tự do hàng không đối với các vùng biển quốc tế trong khi Ấn Độ duy trì lập trường cho rằng những vấn đề chủ quyền nhất định phải được giải quyết một cách hòa bình phù hợp với các nguyên tắc đã được chấp nhận trong luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển[1] (UNCLOS) năm 1982. Ấn Độ cũng rất chú ý đến Tuyên bố về quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) – được các vị Bộ trưởng Ngoại giao của các nước ASEAN và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8 diễn ra lại thủ đô Phnom Penh của Campuchia vào tháng 11/2002. Trong Tuyên bố này, các nước thành viên nhấn mạnh rằng “các bên cam đoan sẽ kiềm chế khi tiến hành thực hiện các hành động có nhiều khả năng làm phức tạp hoặc dẫn tới tình trạng leo thang tranh chấp, gây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định đồng thời cam đoan sẽ giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và các tranh chấp liên quan đến luật thông qua các biện pháp hòa bình, không đe dọa và sử dụng đến vũ lực”. Ấn Độ hoan nghênh cam kết chung của các quốc gia có liên quan trong việc tuân thủ và thực thi Tuyên bố về quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 đồng thời cùng cộng tác để hướng tới việc thông qua Công ước về quy tắc ứng xử tại Biển Đông dựa trên tinh thần đồng thuận”[MEA-Government of India, 2016].
Điều cần lưu ý nằm ở chỗ DOC là thỏa thuận nhằm ngăn ngừa căng thẳng trong tương lai và giải bớt nguy cơ xung đột quân sự liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Các bên bày tỏ cam kết với các nguyên tắc được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Hiệp ước thân thiện và Hợp tác tại Đông Nam Á năm 1976 và Năm nguyên tắc chung sống hòa bình, đồng thời tái xác nhận sự tôn trọng và cam kết đối với tự do hàng hải và hàng không tại khu vực Biển Đông. Các bên cũng đồng ý giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, thông qua tham vấn và đàm phán thân thiện giữa các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan theo các nguyên tăc của luật quốc tế được công nhận rộng rãi và không đe dọa hay sử dụng vũ lực.
Mặc dù Trung Quốc và Việt Nam đều liên quan đến tranh chấp lãnh thổ tại Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng Công ty Dầu khí quốc gia INGC của Ấn Độ đã tiến hành thực hiện dự án thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam từ năm 1988. Từ đầu những năm 2000, Trung quốc đã phải đối vai trò kể trên của Ấn Độ tại khu vực Biển Đông của Việt Nam. Chính phủ Ấn Độ cũng công khai quan điểm trước vấn đề này. Chẳng hạn, gần nhất là trong buổi thảo luận tại Thượng viện Ấn Độ vào ngày 4/12/2014, ông Vijay Jawaharlal Darda chất vấn Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ về việc trên thực tế, có phải Trung Quốc đã phải đối dữ dội trước sự hiện diện của Ấn Độ tại Biển Đông, Chính phủ Ấn Độ có hành động như thế nào trước sự phản đối này và có hành động gì để bảo vệ quyền lợi của Ấn Độ tại khu vực. Trả lời những thắc mắc kể trên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj cho hay: “Trung Quốc là nước có liên quan đến tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và Trung Quốc tỏ ra rất quan ngại trước việc các hoạt động thăm dò và khai thác hydrocarbon cũng như các dự án thăm dò và khai thác dầu khí của Ấn Độ tại Biển Đông, thuộc bờ biển của Việt Nam. Ấn Độ cũng đã truyền đạt rõ ràng rằng về bản chất, những hoạt động như thế của các công ty Ấn Độ chỉ đơn thuẩn mang tính thương mại. Ấn Độ có quan điểm nhất quán đối với vấn đề Biển Đông và quan điểm của Ấn Độ liên tục được nhắc đi nhắc lại tại các diễn đàn song phương cũng như các diễn đàn đa phương. Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và tự do hàng không đối với các vùng biển quốc tế trong khi Ấn Độ duy trì lập trường cho rằng những vấn đề chủ quyền nhất định phải được các bên liên quan đến tranh chấp giải quyết một cách hòa bình phù hợp với các nguyên tắc đã được chấp nhận trong luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982” [MEA-Government of India, 2014]. Trước đó, trong phiên họp tại Thượng viện Ấn Độ diễn ra vào ngày 8/12/2011, ông Ravi Shankar Prasad đã chất vấn Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ về việc có hay không thực tế việc công tác khai thác dầu khí của phía Ấn Độ tại các dàn khoan Việt Nam thuộc địa phận Biển Đông đã bị đình chỉ do gặp phải sự phản đối từ phía Trung Quốc, nếu vậy Biển Đông có phải do Trung Quốc kiểm soát, nếu không phải vậy thì hành động của chính phủ Ấn Độ là gì, và trên thực tế có phải Phillippines, Việt Nam, Đài Loan và Malaysia đang chống lại những tuyên bố của Trung Quốc xung quanh vấn đề này. Trả lời trước câu hỏi này, Quốc vụ khanh của Ấn Độ về đối ngoại – ông E.Ahamed khẳng định: “Chủ quyền đối với một số khu vực thuộc Biển Đông đang bị tranh chấp giữa nhiều quốc gia trong khu vực. Ấn Độ không phải là thành viên của tranh chấp này. Với tư cách là 2 nước đang phát triển với nhu cầu năng lượng ngày một gia tăng, Ấn Độ và Việt Nam đã và đang hợp tác trong ngành công nghiệp dầu khí và khí đốt. Trung Quốc với tư cách là nước có liên quan trực tiếp đến tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông đang rất lo lắng trước các hoạt động khai thác hydrocarbon và các dự án khai thác dầu khí tại khu vực Biển Đông của Việt Nam. Chính phủ Ấn Độ chắc chắn đã truyền đạt rằng những hoạt động như thế của các công ty Ấn Độ chỉ đơn thuần mang tính thương mại và những vấn đề tranh chấp lãnh thổ nhất định phải được các quốc gia liên quan đến tranh chấp giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế” [MEA-Government of India, 2011].
Trên thực tế, quan điểm chính thức kể trên của Chính phủ Ấn Độ đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại khu vực Biển Đông nói chung, đối với hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Ấn Độ tại Việt Nam nói riêng đã được Bộ Ngoại giao nước này liên tục nhắc đi nhắc lại trong các cuộc thảo luận giữa các quan chức trong chính phủ tại các phiên họp của Thượng viện và Hạ viện. Quan điểm chung của Ấn Độ là yêu cầu các bên tham gia tuân thủ luật quốc tế, Năm nguyên tắc cùng chung sống hòa bình và giải quyết xung đột thông qua các biện pháp hòa bình, không đe dọa và sử dụng vũ lực, chiến tranh. Như vậy khi so sánh quan điểm của Ấn Độ đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại khu vực Biển Đông cũng như quan điểm đối với hoạt động khai thác dầu khí của nước này tại Việt Nam với quan điểm của Ấn Độ đối với việc thực thi Hiệp định Geneva tại Việt Nam chúng tôi nhận thấy một điểm chung rõ nét. Đó là việc Ấn Độ luôn ủng hộ việc các bên liên quan đến tranh chấp tôn trọng và thực hiện luật quốc tế, giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình không sử dụng đến vũ lực, thực hiện năm nguyên tắc cùng chung sống hòa bình. Đây cũng chính là những đặc điểm xương sống, là linh hồn của học thuyết lý tưởng trong quan hệ quốc tế. Hay nói cách khác, quan điểm và chính sách của Ấn Độ về việc thực thi Hiệp định Geneva tại Việt Nam và quan điểm của Ấn Độ đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông giữa Ấn Độ và Việt Nam là hai ví dụ minh chứng cho biểu hiện của chủ nghĩa lý tưởng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với Đông Nam Á nói chung, với Việt Nam nói riêng.
[1] Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển là một hiệp ước quốc tế được tạo ra trong Hội nghị về luật biển Liên Hiệp Quốc lần thứ 3 diễn ra từ năm 1973 cho đến 1982 với các chỉnh sửa đã được thực hiện trong Hiệp ước Thi hành năm 1994. Cho đến tháng 10/2014, có 167 quốc gia và Cộng đồng châu Âu đã tham gia Công ước này. Mỹ không tham gia vì nước này tuyên bố rằng hiệp ước này không có lợi cho kinh tế và an ninh của Mỹ.
* Bộ môn Ấn Độ học, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đoàn Văn Thắng (2003), Quan hệ quốc tế: Các phương pháp tiếp cận, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội, 254 trang.
- Ngô Phương Nghị, Nguyễn Thanh Tùng, Đào Ngọc Tuấn (2015), Đại cương về Chính trị học quốc tế, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 203 trang.
- Lê Mậu Hãn (Chủ biên) (2008), Đại cương Lịch sử Việt Nam (tập III), Nhà xuất bản Giáo dục, 343 trang.
- Phùng Thị Thảo (2015), Các nguyên tắc Panchsheel và những dấu ấn của nó đối với Hiệp định Geneva và Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Bandung, Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, Số 2/2015, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tr.25 – 42.
- Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (1954), Kho lưu trữ Trung ương Đảng, http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=28340712&cn_id=661768.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục