Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ: Nhân tố tác động và triển vọng 5 năm tới (Phần 3)

Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ: Nhân tố tác động và triển vọng 5 năm tới (Phần 3)

Thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền từ tháng 5/2014 tỏ rõ quyết tâm muốn Ấn Độ đóng vai trò chiến lược lớn hơn thông qua phát triển các mối quan hệ đối ngoại theo ba hướng chính gồm: (i) củng cố và tăng cường quan hệ với các nước láng giềng Nam Á và đảm bảo vai trò lãnh đạo tại khu vực Ấn Độ Dương, (ii) phát triển quan hệ với các cường quốc, (iii) đẩy mạnh quan hệ với châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông và Đông Nam Á, thông qua chính sách Hành động Hướng Đông (Act East Policy), nâng cấp từ Chính sách Hướng Đông (Look East Policy) vốn được thực hiện nhất quán qua các kỳ Thủ tướng từ năm 1992.

01:26 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ: Nhân tố tác động và triển vọng 5 năm tới

 

PGS, TS Nguyễn Vũ Tùng*

TS Đặng Cẩm Tú**

 

Có thể thấy rằng, Ấn Độ đã có được các điều kiện để cải thiện vị trí địa kinh tế và địa chiến lược trong cấu trúc và trật tự đang định hình tại châu Á - Thái Bình Dương. Điều kiện cần bao gồm tiền đề bên trong và tiền đề bên ngoài. Bên trong là tiềm lực quốc gia. Bên ngoài là cạnh tranh Mỹ - Trung về địa chiến lược và sự lan tỏa của toàn cầu hóa kinh tế từ Đông Á sang Tây Á và tiểu lục địa Ấn Độ. Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc nói chung và cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược Trung - Ấn ở khu vực Nam Á cũng là nhân tố làm cho Ấn Độ e ngại Trung Quốc hơn trước. Điều kiện đủ là chính sách đối ngoại năng động của Ấn Độ, được triển khai từ thời Thủ tướng Singh cho đến Modi hiện nay, khai thác khá hiệu quả các điều kiện thuận lợi bên ngoài. Trong bối cảnh hiện nay, bản chất của chính sách đối ngoại Ấn Độ là “quả lắc đu đưa” tranh thủ hưởng lợi từ cả hai nước Mỹ - Trung.

3. Chính sách Hành động Hướng Đông: Những nhân tố cản trở

Tuy nhiên, có một số nhân tố làm cản trở Ấn độ đầu tư sự chú ý và nguồn lực đối ngoại vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Một là, tình trạng bất ổn định của khu vực Nam Á. Khu vực Nam Á - vốn được coi là vành đai an ninh trực tiếp và vùng ảnh hưởng/sân sau của Ấn Độ đang đứng trên bờ vực của xung đột và bất ổn. Khu vực này cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về dân sốTrong những năm qua, dân số các nước Nam Á, đặc biệt là các nước Ấn Độ, Pakistan hay Bangladesh tăng nhanh chóng, khiến các nước này phải đối mặt với những thách thức liên quan đến việc giải quyết các nhu cầu giáo dục, y tế, và việc làm cho lực lượng dân số trẻ. Không những vậy, tình trạng gia tăng dân số nhanh chóng còn làm trầm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng xã hội, bao gồm bất bình đẳng thu nhập, giới tính, vùng miền, tôn giáo… tại các nước này. Nếu không được giải quyết triệt để, vấn đề này có thể sẽ gây ra các cuộc khủng hoảng xã hội nghiêm trọng cho các nước Nam Á[1].

Kinh tế Nam Á còn chậm phát triển, tình trạng đói nghèo còn phổ biếnHiện nay và trong thời gian tới, khu vực Nam Á khó duy trì được đà tăng trưởng cao. Trên thực tế, khu vực này hiện xếp sau cả Đông Âu và châu Phi về tốc độ tăng trưởng. Bên cạnh đó, do sự phụ thuộc về nguồn vốn, các nền kinh tế Nam Á tương đối dễ bị tổn thương bởi các biến động của thị trường bên ngoài. Ngoài ra, nội tại nền kinh tế các nước Nam Á cũng phải đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như thâm hụt ngân sách, nợ công và lạm phát. Trong thời gian qua, tỷ lệ lạm phát của khu vực Nam Á luôn cao gấp đôi tỷ lệ này của các khu vực khác. Với hơn 500 triệu người sống dưới mức nghèo, Nam Á là khu vực có tỷ lệ nghèo đói lớn nhất thế giới, thậm chí còn lớn hơn cả châu Phi[2]. Thêm vào đó, nguy cơ khủng bố đang ngày càng đe dọa an ninh của Ấn Độ và của cả khu vựcDo sự đa dạng về sắc tộc và tôn giáo và tình trạng đói nghèo, khu vực Nam Á là nơi ra đời và hoạt động của rất nhiều nhóm khủng bố. Đầu tiên phải kể đến các nhóm khủng bố theo mô hình al-Qaeda đang tiếp tục lên kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công tại khu vực. Ngoài ra, các nhóm khủng bố có nguồn gốc trong khu vực như nhóm Taliban ở Pakistan, các nhóm khủng bố Kashmir, phong trào nổi dậy Naxalite ở Ấn Độ… sẽ tiếp tục đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hiện đang gia tăng hoạt động ở Afghanistan nhằm thiết lập một căn cứ ở phía Đông Jalalabad - thành phố trung tâm thuộc tỉnh Nangarhar, giáp biên với Pakistan. Nhiều học giả do đó đã cho rằng Ấn độ ngày càng được kỳ vọng đóng vai trò là nước dẫn đầu đóng góp vào an ninh và phát triển của Nam Á. Điều này đòi hỏi Ấn Độ phải tập trung nguồn lực nhiều hơn cho Nam Á, do đó có thể ảnh hưởng đến chính sách Hành động hướng Đông.

Hai là, Ấn Độ vẫn chưa ổn định được quan hệ với Pakistan. Mối quan hệ căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đã và sẽ tốn nhiều nguồn lực đối ngoại và quốc phòng của Ấn Độ. Việc Pakistan có chính sách thù địch, ủng hộ các lực lượng khủng bố bên trong Ấn Độ và nhất là liên kết với Trung Quốc đã tạo ra mối đe dọa an ninh sát sườn khiến cho Ấn Độ vẫn phải tập trung nguồn lực để đối phó.

Ba là, sự cạnh tranh ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Nam Á. Với sự trỗi dậy mạnh mẽ trong những năm qua, Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ tham vọng bành trướng ảnh hưởng tại khu vực thông qua biện pháp đòn bẩy kinh tế và trên thực tế đã lấn sân Ấn Độ ngày càng nhiều. Pakistan ngày càng đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc nhằm tận dụng sự ủng hộ về kinh tế, công nghệ và quân sự của Trung Quốc. Sri Lanka cũng có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Trong khi đó, Nepal duy trì một mối quan hệ cân bằng với cả Ấn Độ và Trung Quốc nhằm bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng, nước và các tiềm năng khoáng sản. Với mối liên kết lâu đời về văn hóa, dân tộc và lịch sử, Ấn Độ đã hỗ trợ Nepal trong các lĩnh vực chính sách công, phát triển xã hội và công nghệ. Trong khi đó, Trung Quốc, sử dụng Nepal như một “con bài” để cân bằng với Ấn Độ, tăng cường hỗ trợ Nepal về kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng. Bhutan cũng là một trong những nước ở thế “kẹt giữa” hai cường quốc Trung Quốc và Ấn Độ.

        4. Triển vọng chính sách Hành động Hướng Đông 5 năm tới

Tổng hợp các yếu tố thúc đẩy và cản trở đối với chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ, có thể thấy, cạnh tranh Mỹ - Trung ở châu Á - Thái Bình Dương, ở một mức độ thấp hơn là cạnh tranh Trung - Ấn ở tiểu lục địa Nam Á và sự năng động kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương, là yếu tố có tính cấu trúc, khách quan dẫn đến việc Ấn Độ hình thành và triển khai chiến lược đối ngoại hướng Đông. Kết hợp với sự chủ động trong chính sách của các đời lãnh đạo Ấn Độ và chất chính trị tinh hoa (elite) trong hoạch định chính sách đối ngoại của Ấn Độ, có thể nói khả năng kéo dài của chính sách này khá cao. Điều này càng có cơ sở nếu đánh giá căn cứ vào mục tiêu chủ yếu của chính sách này là “nâng giá trị địa chiến lược” của Ấn Độ trong chiến lược của các nước lớn, nhất là Mỹ (vì Ấn Độ hỗ trợ Tái cân bằng với mục tiêu kiềm chế Trung Quốc), các tổ chức khu vực, nhất là ASEAN (vì Ấn Độ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN) và các mối liên kết kinh tế khu vực.

Điều này quan trọng vì các lực cản nêu trên không có tác động nổi trội ngăn Ấn Độ triển khai chiến lược hướng Đông, nhất là do việc nâng giá trị địa chiến lược phần lớn liên quan đến (i) sự đầu tư nhiều hơn các nguồn lực ngoại giao để can dự nhiều hơn với các đối tác Đông và Đông Nam Á, (ii) sự tham gia tích cực hơn tại các diễn đàn đa phương trong khu vực, và (iii) sự gia tăng hợp tác và hỗ trợ quốc phòng, bao gồm cả tập trận chung, chuyển giao công nghệ quốc phòng, hỗ trợ tài chính và công nghệ, và quan trọng là ký kết các hợp đồng mua bán vũ khí và hợp tác hải quân (đặc biệt là hợp tác ba bên, bốn bên) với các nước trong khu vực. Đây là những lĩnh vực mà Ấn Độ tuy với thực trạng kinh tế, xã hội, chính trị yếu kém vẫn có thể và trên thực tế đã triển khai với những kết quả rõ rệt.

Đối với Trung Quốc, giá trị địa chiến lược của Ấn Độ cũng không giảm đi vì (i) quan hệ giữa Ấn Độ với Mỹ càng đẩy Trung Quốc phải lôi kéo, chí ít là trung lập hóa, Ấn Độ trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung (hiện chưa đến mức quyết liệt buộc Ấn Độ phải chọn đứng hẳn về bên nào); và (ii) Ấn Độ cũng đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chiến lược kinh tế mới của Trung Quốc với nội dung mở mang thị trường xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng và sức sản xuất dư thừa.

Theo đó, Chính sách Hành động Hướng Đông thực chất có thể xem là sự “tái cân bằng” của Ấn Độ từ lập trường Không liên kết sang gắn với Mỹ hơn và từ bản sắc Không liên kết và Nam Á sang gắn với châu Á - Thái Bình Dương nhiều hơn. Đây là minh chứng của việc Ấn Độ sử dụng “sức mạnh thông minh” hiểu theo nghĩa là đầu tư ít nguồn lực nhưng có trọng tâm vào các lĩnh vực ngoại giao và quân sự, do đó đạt hiệu quả cao. Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, chính sách này nhiều khả năng sẽ được Ấn Độ tiếp tục triển khai theo ba hướng chính.

Trong quan hệ giữa các nước lớn, Ấn Độ tiếp tục chính sách cân bằng động giữa Mỹ, Nhật và Trung Quốc. Với sự tham gia của Ấn Độ cùng Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản, cân bằng quyền lực tại châu Á - Thái Bình Dương có xu hướng vận động theo các cặp quan hệ giữa năm nước chủ chốt ở khu vực với ba nhóm cơ bản, trong đó liên minh Mỹ - Nhật là một nhóm, hợp tác Trung - Nga có thể xem là một nhóm, và Ấn Độ cùng với ASEAN là những nhân tố dao động giữa hai nhóm kia. Trong cuộc cạnh tranh chiến lược và ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc, Ấn Độ sẽ trở thành đối tượng mà cả hai nước đều muốn tranh thủ, lôi kéo để gia tăng ảnh hưởng đồng thời kiềm chế đối thủ. Vì vậy, Ấn Độ tiếp tục trở thành biến số quan trọng trong thế cân bằng quyền lực tại châu Á - Thái Bình Dương. Sự dao động của Ấn Độ có thể quyết định cán cân quyền lực ở khu vực nghiêng về bên nào nhiều hơn. Trong 5 năm tới, Ấn Độ nhiều khả năng sẽ tiếp tục nghiêng hơn về phía Mỹ (cùng với Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và ASEAN) do cạnh tranh Mỹ - Trung có chiều hướng tăng lên và tham vọng của Trung Quốc ở Nam Á chưa giảm đi.

Với Trung Quốc, Ấn Độ vẫn giữ quan hệ hợp tác. Mặc dù Ấn Độ mong muốn có một trật tự đa cực ở châu Á vừa để hạn chế khả năng chi phối của Trung Quốc vừa để theo đuổi một vai trò lớn hơn trong khu vực nhưng Ấn Độ luôn tránh công khai động cơ cân bằng lại Trung Quốc trong Chính sách Hành động Hướng Đông cũng như trong quan hệ song phương với Trung Quốc. Vì vậy, Ấn Độ mở rộng vai trò trong khu vực một cách khá thận trọng và thực dụng để tránh mâu thuẫn công khai với Trung Quốc. Theo đó, trong khi cạnh tranh ảnh hưởng tại các khu vực ngoại vi và cứng rắn về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, Ấn Độ vẫn đồng thời coi Trung Quốc là đối tác, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế. Ấn Độ dưới thời Modi có lập trường cứng rắn hơn các chính phủ tiền nhiệm về vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Ấn Độ đứng về phía Mỹ kêu gọi ổn định tại Biển Đông. Tuy nhiên, chính sách của Modi là vẫn đẩy mạnh quan hệ kinh tế thương mại và thu hút đầu tư từ Trung Quốc. Trên thực tế, năm 2015, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ.

Tại châu Á - Thái Bình Dương, hợp tác của Ấn Độ với khu vực tiếp tục phát triển theo hướng tăng cường can dự ngoại giao song và đa phương với các đối tác chủ chốt (Mỹ, ASEAN, Việt Nam), đồng thời tăng cường hợp tác quân sự - an ninh theo kênh truyền thống (ARF, EAS) và mới (tham gia tập trận song phương, tay ba, tay bốn với Mỹ, Nhật, Australia, ASEAN…, cứu nạn nhân đạo, chống cướp biển). Hợp tác kinh tế cũng sẽ phát triển, tuy trong giai đoạn đầu có thể chậm và hiệu quả chưa cao./.

* Giám đốc Học viện Ngoại giao.

** Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các nước lớn, Học viện Ngoại giao.


[1] UK Ministry of Defence, 2012. Strategic trends programmem, regional survey – South Asia out to 2040.

[2]  “Chính trị, kinh tế, xã hội dần thoát khỏi khủng hoảng”. Vietnam Economic News 2013

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục