Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chướng ngại Pakistan trong tam giác quan hệ Mỹ - Trung - Ấn (Phần 2)

Chướng ngại Pakistan trong tam giác quan hệ Mỹ - Trung - Ấn (Phần 2)

Tại thời điểm vai trò của Pakistan trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố bị đặt một dấu hỏi lớn, cả thế giới đang theo dõi quyết định của Bắc Kinh về quan hệ với Islamabad.

05:41 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Chướng ngại Pakistan trong tam giác quan hệ Mỹ - Trung - Ấn

Harsh V. Pant*

2. Quan hệ và lợi ích Trung-Ấn

Một số người trong cộng đồng nghiên cứu chiến lược của Ấn Độ cho rằng Trung Quốc chia sẻ nhiều mục tiêu chung với Ấn Độ, bao gồm vấn đề xây dựng một quốc gia Pakistan thịnh vượng, bền vững, an toàn, để không còn là căn cứ cho al-Qaeda và các chân rết của mạng lưới này.16 Có người cho rằng tình hình xấu đi nhanh chóng ở Pakistan và những hệ lụy lâu dài của nó đối với sự ổn định chung của khu vực chính là nguyên nhân để Bắc Kinh và New Delhi hợp tác nhiều hơn nhằm giữ ổn định vùng biên chung giữa hai quốc gia. Những bất ổn diễn ra ở Khu tự trị Tân Cương, như các cuộc bạo loạn giữa người Hán và người Hồi giáo Uighur trong năm 2009, thực sự buộc Bắc Kinh phải chú ý nhiều hơn đến các nguồn phát sinh chủ nghĩa khủng bố quốc tế từ Pakistan, đặc biệt là viễn cảnh chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Afghanistan và Pakistan sẽ tràn sang vùng tự trị bất ổn phía tây Trung Quốc. Trung Quốc ngày càng lo ngại về tính chất hiếu chiến của Hồi giáo ngày càng tăng lên mạnh mẽ ở biên giới phía tây trong vài năm qua, và môi trường an ninh ở Afghanistan và ở khu vực Trung Á nói chung vẫn là một nỗi quan ngại rất lớn. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn một mực từ chối thảo luận với Ấn Độ về vấn đề Pakistan vì không muốn làm sứt mẻ mối quan hệ đặc biệt với Pakistan, và hợp tác Mỹ-Trung Quốc về Pakistan vẫn chỉ ở mức tối thiểu.  

Những mục tiêu chung liên quan đến Pakistan mà Trung Quốc và Ấn Độ cùng nhau hướng đến bao gồm việc ngăn chặn sự gia tăng và lan rộng của chủ nghĩa cực đoan, thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở Afghanistan và Pakistan, ổn định toàn cục nền chính trị và đoàn kết xã hội ở Pakistan, cũng như độ an toàn của các cơ cở hạt nhân tại Pakistan. Trong tất cả các nước lớn, chỉ có Trung Quốc mới có thể sử dụng đòn bẩy tác động kinh tế ngày càng lớn của mình ở Pakistan để đảm bảo thể chế an ninh của Pakistan sẽ trao quyền cho phía dân sự, cho phép nhà nước Pakistan hoạt động hiệu quả. Những người lao động và tài sản của Trung Quốc thường là đối tượng của những kẻ cực đoan ở Pakistan. Các kế hoạch để biến Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn tại Afghanistan sẽ chỉ là ảo tưởng nếu Pakistan không kiểm soát các nhóm cực đoan tại Afghanistan.  

Tính ổn định của khu vực Trung Á – vốn có vai trò quan trọng bởi trữ lượng dầu và khí đốt – cũng đang bị đe dọa. Trong những năm gần đây, các cường quốc rất quan tâm đến việc mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực, dĩ nhiên Trung Quốc không phải là ngoại lệ. Quốc gia này có chung nhiều lợi ích với các cường quốc khác như Mỹ, Nga và Ấn Độ đối với khu vực Trung Á, bao gồm việc tiếp cận tài nguyên năng lượng, hạn chế sự bành trướng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, bảo đảm ổn định chính trị và tăng cường nền kinh tế khu vực. Sự bất ổn đang tiếp diễn ở Afghanistan và Pakistan là một thách thức nghiêm trọng đối với việc thực hiện những mục tiêu này. 

Tuy nhiên, mối quan hệ không phẳng lặng của Trung Quốc với Ấn Độ trong thời gian gần đây đã thực sự cản trở việc thực hiện những điều này và đạt được những lợi ích chung khác. Trên trường quốc tế, cả hai đều có những phát ngôn hoa mỹ về tình hữu nghị hợp tác. Thực sự hai bên đã cùng nhau hợp tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu cũng như yêu cầu các tổ chức tài chính thế giới tái cơ cấu khi đứng trước sự chuyển dịch của trọng tâm kinh tế toàn cầu. Nhiều người ủng hộ việc xây dựng quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Ấn Độ nhằm tạo đối trọng chống lại bá quyền của Hoa Kỳ trên toàn cầu và trong khu vực. Là một cường quốc đang trỗi dậy, Trung Quốc xem Hoa Kỳ là trở ngại lớn nhất để giành vị trí vượt trội trong trật tự chính trị toàn cầu. Kết quả là, nước này nhận thức được tầm quan trọng của việc hợp tác với các nước lớn khác như Ấn Độ để ngăn chặn Mỹ bành trướng trên thế giới, ngay cả khi chỉ để phục vụ những mục tiêu ngắn hạn.  

Ấn Độ thì lại có những cân nhắc khác, bởi lẽ vẫn còn một chặng đường dài trước khi quốc gia này có khả năng thách thức ưu thế toàn cầu của Mỹ. Tuy nhiên, quốc gia này đã không ngừng nỗ lực bày tỏ mối quan ngại của cái gọi là thế giới của các quốc gia đang phát triển, tranh luận mạnh mẽ về việc tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia và chống lại việc sử dụng vũ lực trong chính trị quốc tế. Ấn Độ lo ngại rằng Hoa Kỳ ngày càng trở nên mạnh mẽ và đơn phương hơn, cũng như viễn cảnh một thế giới đơn cực do Hoa Kỳ thống trị sẽ không có lợi cho những quốc gia yếu hơn như Ấn Độ. Do đó ý tưởng hợp tác với Trung Quốc trở nên khá hấp dẫn trong mắt một bộ phận giới tinh hoa chiến lược Ấn Độ.  

Ấn Độ và Trung Quốc đã lên án mạnh mẽ cuộc không kích ở Nam Tư do Mỹ dẫn đầu vào năm 1999, chiến dịch chống lại chế độ của Saddam Hussein tại Iraq năm 2003 và gần đây là sự can thiệp của phương Tây tại Libya, lập luận rằng những hành động này đã vi phạm trắng trợn chủ quyền của các quốc gia khác và làm suy giảm quyền lực của hệ thống Liên Hiệp Quốc. Cả hai quốc gia đều cho rằng các thể chế kinh tế quốc tế nên được vận hành theo cơ chế dân chủ hơn, đồng thời phản đối quyết liệt khi Mỹ và các quốc gia phát triển khác nỗ lực gắn kết các tiêu chuẩn lao động và môi trường khắt khe với các hoạt động thương mại toàn cầu. Bởi lẽ, cả hai đều nhận thức rõ ràng rằng điều này sẽ gây bất lợi rất lớn cho các quốc gia đang phát triển, kìm hãm động lực phát triển kinh tế, vốn luôn là ưu tiên số một đối với cả hai nước.  

Tuy nhiên, Trung Quốc cảm thấy khá hứng khởi khi nhận thấy trong những tháng đầu tiên của chính quyền Obama, Washington đã lên kế hoạch đặt mối quan hệ với Trung Quốc làm trọng tâm trong chính sách đối ngoại Hoa Kỳ trong bối cảnh Hoa Kỳ ngày càng gia tăng sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Vì thế, Bắc Kinh đã thể hiện lập trường khá cương quyết đối với Ấn Độ. Mặc dù Bắc Kinh đã giải quyết hầu hết các tranh chấp biên giới với các nước khác nhưng vẫn có thái độ miễn cưỡng khi tiến hành giải quyết với New Delhi. Trung Quốc đã đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ ra Ngân hàng Phát triển Châu Á trong năm 2009, chặn đứng hồ sơ đề nghị vay vốn của Ấn Độ đối với các dự án phát triển tại Arunachal Pradesh, một bang ở phía đông bắc Ấn Độ, nơi mà Trung Quốc liên tục khẳng định là một phần của lãnh thổ quốc gia này.  

Những tuyên bố thường xuyên và gắt gao từ phía Trung Quốc đối với vấn đề Đường Kiểm Soát Thực Tế ở Arunachal Pradesh và Sikkim (nằm giữa Nepal và Bhutan) đã thật sự làm dấy lên một hồi chuông báo động ở Ấn Độ. Kết quả là những vòng đàm phán gần đây về biên giới đều là những thất bại đáng thất vọng. Điều này khiến cho Ấn Độ hoài nghi về ý định sẵn sàng hợp tác của Trung Quốc trong việc tuân theo theo những hiểu biết chính trị mà hai bên đã đồng ý trước đây về phương hướng giải quyết các tranh chấp biên giới. Dường như sẽ không có bấtkì kết quả thật sự chắc chắn nào phát sinh từ các cuộc đàm phán biên giới Trung- Ấn, dù cho các cuộc đối thoại vẫn tiếp diễn không có hồi kết.17 

Ngoài ra, vào năm 2009, New Dehli hết sức khó chịu khi Trung Quốc đề xuất với Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ rằng nên thừa nhận Ấn Độ Dương nằm dưới phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc.18 Mối quan hệ giữa hai bên tiếp tục căng thẳng khi Trung Quốc không ủng hộ thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự Mỹ-Ấn, ngược lại cố gắng ngăn chặn tại Khối Các Nước Cung Cấp Hạt Nhân (Nuclear Suppliers Group) và thể hiện thái độ cản trở trong việc đưa những tên chủ mưu khủng bố của cuộc tấn công tháng 11 năm 2008 ở Mumbai ra trước công lý.19 

Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc trong thập kỷ qua đã giúp quốc gia này có khả năng biến mình thành một cường quốc quân sự. Sự hiện đại hóa quân sự nhanh chóng và bí ẩn xung quanh tiềm lực quân sự của Trung Quốc là một vấn đề lớn mà Ấn Độ hết sức quan tâm. Dù với bất cứ ý định nào, thì việc tăng đều đặn ngân sách quốc phòng trong những năm qua đang đưa Trung Quốc trên đường trở thành cường quốc có khả năng thách thức ưu thế của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhất. Trong khi mục tiêu trung hạn của Trung Quốc vẫn là chuẩn bị cho các vấn đề tiềm tàng ở eo biển Đài Loan, việc hiện đại hóa lực lượng hạt nhân, kho tên lửa tiên tiến ngày càng lớn và việc phát triển công nghệ không gian và không gian mạng đang làm thay đổi cán cân quân sự ở châu Á và xa hơn nữa.  

Vì Trung Quốc trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào dầu nhập khẩu cho nền kinh tế công nghiệp phát triển nhanh chóng của mình, quốc gia này sẽ phát triển và triển khai sức mạnh quân sự để bảo vệ các tuyến đường biển vận chuyển dầu từ Vịnh Ba Tư đến Trung Quốc. Năng lực triển khai sức mạnh đòi hỏi Trung Quốc phải tiếp cận được các căn cứ hải quân tiên tiến dọc theo các tuyến đường giao thông trên biển và các lực lượng có khả năng đạt được và duy trì ưu thế không quân và hải quân. Trong bối cảnh này, cái gọi là chiến lược “chuỗi ngọc trai” để mở rộng sự hiện diện hải quân và xây dựng quan hệ ngoại giao trong và xung quanh vùng duyên hải Ấn Độ Dương của Trung Quốc đang làm dấy lên mối quan ngại trong cáccộng đồng chiến lược của Ấn Độ.20 Hải quân Trung Quốc ngày càng gia tăng sự hiện diện của mình ở khu vực Ấn Độ Dương, trong khi việc mở rộng năng lực hải quân của Ấn Độ lại đi theo hướng tương đối chậm lại. Điều này có thể dẫn đến những hệ quả mang tính chất chiến lược to lớn khi lợi thế địa lý truyền thống của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương đang ngày càng bị đe dọa.21 (Xem tiếp phần 3)

* Giáo sư Khoa Quan hệ quốc tế, King's College London

Chú thích:

16 C. Raja Mohan, ‘‘The Essential Triangle,’’ Indian Express, August 5, 2011, http://www.indianexpress.com/news/the-essential-triangle/827305/.
17 For very different perceptions of India and China regarding the boundary question, see Garver, Protracted Contest, pp. 100—109. 18 Yuriko Koike, ‘‘The Struggle for Mastery of the Pacific,’’ Project Syndicate, May 12, 2010, http://www.project-syndicate.org/commentary/koike5/English. 
19 On China’s role in trying to scuttle the nuclear deal, see Harsh V. Pant, The U.S.—India Nuclear Pact: Policy, Process, and Great Power Politics (Oxford: Oxford University Press, 2011), pp. 122— 125.
20 Harsh V. Pant, ‘‘India in the Indian Ocean: Growing Mismatch Between Ambitions and Capabilities,’’ Pacific Affairs 82, no. 2 (Summer 2009). 
21 Như trên. 22Ananth Krishnan, ‘‘Behind China’s India Policy, a Growing Debate,’’ The Hindu, April 5, 2010, http://www.thehindu.com/opinion/lead/article388895.ece?homepagetrue.

Theo Harsh V. Pant (2012). “The Pakistan Thorn in China—India—U.S. Relations”, The Washington Quarterly, Vol. 35, No.1, pp. 83-95; nghiencuuquocte.net/

Nguồn:

Cùng chuyên mục