Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chuyển đổi số trong báo chí truyền thông

Chuyển đổi số trong báo chí truyền thông

Phát triển đất nước, xây dựng quốc gia hùng cường, tạo dựng cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc là khát vọng mãnh liệt của người dân Việt Nam. Để hiện thực hóa khát vọng đó, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng Sản Việt Nam, tháng 1-2/2021, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đã trở thành lựa chọn chiến lược nhằm thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển năng động, nhanh, bền vững, độc lập và tự chủ.

01:26 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, trở thành quyết tâm chính trị để Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao tới năm 2030, là nước phát triển, thu nhập cao trong tầm nhìn tới năm 2045[1].

Trong bối cảnh đó, lĩnh vực báo chí – truyền thông cần thực hiện nhiệm vụ kép. Thứ nhất, phản ánh đúng để giúp công chúng nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Nhiệm vụ này là đặc trưng của báo chí – truyền thông và đang được thực hiện tương đối tốt khi chúng ta có thể quan sát thấy rất nhiều diễn ngôn về chuyển đổi số, về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0). Thứ hai, bản thân báo chí – truyền thông cũng cần trải qua quá trình tự thay đổi theo hướng áp dụng thành tựu mới của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Quá trình này đòi hỏi sự thay đổi khắc nghiệt, đôi khi mang tính hủy diệt những yếu tố cũ để thiết lập những yếu tố chưa từng có. Tại Việt Nam, quá trình thực hiện nhiệm vụ thứ hai này mới chỉ đang ở những bước khai phá, thử nghiệm.

Một số cách hiểu về chuyển đổi số trong báo chí – truyền thông

Theo giáo sư Riaz Esmailzadeh, Đại học Carnegie Mellon tại Úc[2], hiện có hai hướng triển khai chuyển đổi số. Thứ nhất là lấy công nghệ làm trung tâm, theo đó, chuyển đổi số là việc sử dụng công nghệ, kỹ thuật để thay đổi cách con người làm việc, giao thương, giao tiếp và các hoạt động khác trong cuộc sống. Xuất phát từ nền tảng công nghệ và kỹ thuật, những người tham gia chuyển đổi số chú trọng đầu tư vào lắp đặt các thiết bị, hệ thống máy tính, Internet tốc độ cao, kết nối Internet vạn vật, xử lý và lưu trữ dữ liệu trên đám mây, phát triển phần mềm và hệ thống tự động. Ví dụ, nhiều cơ quan, công sở, tòa soạn báo chí đang làm việc qua mạng, từ xa, trên những nền tảng cho phép hội họp; dùng máy chấm công, nhận diện bằng gương mặt hay giọng nói ở những công sở, xí nghiệp, hội thảo lớn; đều là những biểu hiện của chuyển đổi số bằng thay đổi công nghệ. Cách này có ưu điểm là dùng công nghệ để hỗ trợ nhiều loại hình hoạt động trước đây làm thủ công, giúp kết nối nhiều người; nhưng nhược điểm là thu về quá nhiều thông tin mà không xử lý hết, gây lãng phí tài nguyên. Từ đó, nảy sinh hướng chuyển đổi số thứ hai.

Thứ hai là lấy thông tin làm trung tâm, theo đó, chuyển đổi số là việc xử lý thông tin (dữ liệu lớn) thu được từ môi trường diễn ra các hoạt động để làm cơ sở đưa ra quyết định. Có thể quan sát thấy ngày càng nhiều những ví dụ của chuyển đổi số theo cách thứ hai, lấy thông tin làm trung tâm. Sàn giao dịch thương mại điện tử Amazon (Mỹ) là một ví dụ điển hình của chuyển đổi số lấy thông tin làm trung tâm. Trong thương vụ bán sách cũ, Amazon không đơn thuần đưa sách lên mạng để khách hàng chọn mua. Thay vào đó, thuật toán không ngừng phân tích thói quen, nhu cầu, sở thích, khả năng chi trả của những người mua sách trên Amazon để đưa ra gợi ý cho họ mua đúng những cuốn sách họ đang cần, ở mức giá trong khả năng chi trả của họ. Cách làm này giúp Amazon mở rộng thêm 2% biên lợi nhuận trong thị trường mua bán sách cũ, mang lại cho Amazon thêm 2 tỉ USD lợi nhuận thuần mỗi năm[3].

Tương tự như vậy, nhiều báo điện tử đưa ra câu hỏi cho bạn đọc “Có cho phép báo truy cập vào cookies của bạn hay không?”. Cookies là tệp tin lưu lại thông tin bạn đọc sử dụng thiết bị gì, truy cập trang web nào, tìm kiếm thông tin gì, sở thích đọc tin, vị trí của bạn đọc v.v…Khi bạn đọc chọn câu trả lời “Có”, cho phép báo điện tử được sở hữu thông tin này, đồng nghĩa với việc tờ báo được khai thác mỏ dữ liệu lớn vào những mục đích mang lại lợi nhuận, ví dụ cho hiển thị quảng cáo phù hợp với bạn đọc. Người sử dụng mạng xã hội Facebook đã nhiều lần bất ngờ khi Facebook cho xuất hiện quảng cáo đúng mặt hàng, đúng thời điểm họ cần. Khi được khai thác đúng đắn, hợp lý, phù hợp với luật pháp và quy ước đạo đức, dữ liệu lớn là một loại tài sản mới của các cơ quan báo chí – truyền thông, bên cạnh những tài sản truyền thống, hữu hình như trụ sở, trang thiết bị, vốn tài chính, vốn nhân lực. 

Hệ thống rạp chiếu phim Galaxy cung cấp thêm một ví dụ cho việc chuyển đổi số lấy thông tin làm trung tâm. Bà Nguyễn Hoa, Giám đốc vận hành (COO) Galaxy Cinema, cho biết, trong năm đầu tiên của đại dịch Covid-19, dữ liệu lớn về hiệu suất công việc của từng nhân viên, lượng khán giả tới từng rạp, tại từng thời điểm, là cơ sở để chạy các thuật toán giúp nhà quản lý đưa ra quyết định về nhân sự, mở cửa rạp tại địa điểm nào, vào khung giờ nào. Quyết định dựa trên dữ liệu lớn giúp công ty điện ảnh này duy trì tăng trưởng trong đại dịch.        

Cơ hội và thách thức đối với chuyển đổi số trong báo chí – truyền thông

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ tầm nhìn phát triển hạ tầng số của Việt Nam đạt trình độ phát triển tiên tiến trong khu vực ASEAN. Trung ương Đảng cũng quyết tâm kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, nhất là dữ liệu về dân số, y tế, giáo dục, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Như vậy, chúng ta đã có các cam kết chính trị tạo tiền đề rất rõ ràng và thuận lợi cho công cuộc chuyển đổi số, cả về mặt hạ tầng công nghệ và xử lý thông tin dữ liệu lớn.

Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn thách thức trên con đường Cách mạng 4.0 trong lĩnh vực báo chí – truyền thông. Thách thức đầu tiên đến từ mức độ sẵn sàng chuyển đổi số. Không phải cơ quan báo chí – truyền thông nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng, trang thiết bị hiện đại. Tiếp theo, nguồn nhân lực hiện nay liệu có đủ năng lực và ý chí để khai thác, sử dụng máy móc, trang thiết bị một cách có hiệu quả. Nghiên cứu của Ellen J. Helsper[4] về bất bình đẳng xã hội chỉ rõ bất bình đẳng trong tương lai sẽ trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết, do chênh lệch trong việc tiếp cận thiết bị và hạ tầng Internet, sự khác biệt trong năng lực sử dụng thiết bị và năng lực ra quyết định dựa trên dữ liệu, dẫn đến kết quả vô cùng khác biệt về năng suất lao động, thu nhập, triển vọng phát triển của từng cá nhân, từng cơ quan và từng quốc gia. Để chiếm ưu hơn trong cuộc đua 4.0, các nước tiên tiến đang chuyển sang những công nghệ ưu việt hơn. Ví dụ, Luật Kinh tế số của Anh năm 2017 đã nâng tiêu chuẩn về Internet băng thông rộng lên gấp 5 lần (từ 2Mb/s lên 10Mb/s), hướng đến sử dụng Internet thế hệ thứ 5 (5G) để phù hợp với công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT), thay thế cho các thế hệ Internet cũ trước đây chỉ sử dụng trên máy tính và thiết bị di động.[5]

Thách thức thứ hai là nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. Trong khi quốc gia tham khảo (Singapore) đã có thời gian dài cả thập kỷ để đào tạo nguồn nhân lực có khả năng phân tích dữ liệu, thì các trường đại học của Việt Nam mới đang ở bước đầu tìm hiểu khái niệm Cách mạng 4.0. Người viết đã từng khảo sát nhóm kỹ sư dữ liệu làm việc cho Cơ quan Môi trường Quốc gia, thuộc Bộ Môi trường Bền vững Singapore. Họ là những nhân sự có bằng đại học về công nghệ thông tin và truyền thông, một số người được bổ nhiệm vào vị trí quản lý khi còn trẻ (23-26 tuổi). Có chiến lược đào tạo và trọng dụng nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông, kèm theo chiến lược bồi dưỡng kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, là cách các quốc gia chuẩn bị sẵn sàng cho chuyển đổi số.

Thách thức thứ ba, được đánh giá là thử thách cốt lõi trong ngành báo chí, đó là năng lực chuyển đổi số trong sáng tạo NỘI DUNG báo chí. Tác giả viết hoa để nhấn mạnh tầm quan trọng của những thay đổi số trong việc sản xuất ra nội dung sản phẩm báo chí. Kể từ khi thế giới có bài báo đầu tiên do chương trình máy tính tự động viết ra, về một trận động đất ở Mỹ năm 2014, đến nay nhân loại đã sử dụng nhiều bài báo tự động. Bài báo tự động là sản phẩm của việc nhà báo lập trình sẵn các mẫu câu, văn phong, bố cục bài viết, sau đó kết nối với những dữ liệu có kiểm chứng. Báo chí tự động phù hợp với việc đưa tin thiên tai, thảm họa (động đất, sóng thần, dịch bệnh), những thông tin nhiều số lặp lại (chứng khoán, thời tiết), những thông tin cần xuất bản nhanh theo thời gian thực (đua xe công thức 1).[6] Yêu cầu của báo chí tự động là phải có nguồn dữ liệu lớn được kiểm chứng, do vậy, cần tạo cơ chế để các cơ quan báo chí được kết nối với kho dữ liệu quốc gia. Ngoài ra, còn có mô hình xây dựng tòa soạn báo chí tự động trong các công ty cung cấp dịch vụ Internet, các công ty thống kê, để tận dụng nguồn dữ liệu lớn trong nội bộ của công ty (tham khảo trường hợp tờ báo Beritagar thuộc công ty dữ liệu LocaData của Indonesia[7]).

Nội dung báo chí cũng có thể tận dụng kho dữ liệu vô cùng phong phú, mở, và sẵn có trên mạng Internet mà ai cũng có thể truy cập được, ví dụ ảnh vệ tinh, hình ảnh bản đồ Google. Ngày 11/6/2021, bộ ba phóng viên gốc Ấn Độ Megha Rajagopalan, kiến trúc sư Alison Killing, và kỹ sư phân tích dữ liệu số Christo Buschek của hãng tin BuzzFeed News (Mỹ), đã giành giải thưởng báo chí Pulitzer dạng bài phân tích, cho loạt 4 phóng sự lấy dữ liệu từ hình ảnh vệ tinh sẵn có trên mạng Internet, kết hợp với phỏng vấn nhân chứng, để tìm ra những công trình xây dựng có chức năng giam giữ lao động khổ sai ở Trung Quốc.[8]

Rõ ràng là báo chí tự động và báo chí số liệu đã tạo ra nội dung nhanh hơn, an toàn hơn cho nhà báo, và những phóng sự điều tra sâu sắc mà nếu không có tư duy và năng lực về dữ liệu số thì không thể thực hiện được. Tuy nhiên, loại hình báo chí 4.0 này đòi hỏi phá vỡ cách làm việc cũ, nhà báo phải kiểm soát chặt chẽ đầu vào số liệu, biết cách lập trình, dạy máy, biết hợp tác liên ngành. Tất cả những điều này hiện đang là thách thức lớn đối với người làm báo, người quản lý báo chí, cũng như giáo dục và đào tạo báo chí. Báo chí Việt Nam có thực sự chuyển đổi số hay không phụ thuộc vào mức độ thay đổi cách thức sản xuất NỘI DUNG báo chí, chứ không phải chỉ dừng lại ở một số thử nghiệm về kênh phân phối (paywall, chatbot) không ảnh hưởng nhiều đến nội dung báo chí như hiện nay.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969) nhắc tới ý nguyện của chúng ta: “Thắng giặc Mỹ, chúng ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”. Bao thế hệ đã có công giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Sứ mệnh lịch sử của thế hệ thiên niên kỷ mới là nắm bắt thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để xây dựng và phát triển đất nước xứng đáng tiềm năng, hiện thực hóa khát vọng của toàn dân tộc. Báo chí Cách mạng cần tiên phong trong lộ trình 4.0 của dân tộc đi tới đích Độc lập, Tự do và Hạnh phúc.


[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.217

[2] Giáo sư Riaz Esmailzadeh, Bài giảng trực tuyến “Digital Transformation & the New Realities”, Đại học Carnegie Mellon, Úc, 3/2021, tr.5-6 

[3] Giáo sư Riaz Esmailzadeh, Bài giảng trực tuyến “Digital Transformation & the New Realities”, Đại học Carnegie Mellon, Úc, 3/2021, tr.30 

[4] Ellen J. Helsper, “The Digital Disconnect: The social causes and consequences of digitl inequalities”, Sage, London, 2021

[5] Ellen J. Helsper, “The Digital Disconnect: The social causes and consequences of digitl inequalities”, Sage, London, 2021, tr.30

[6] http://lambao.com.vn/6-cong-doan-trong-quy-trinh-xuat-ban-bao-chi-4-nwf9801.html

[7] http://nguoilambao.vn/bao-chi-du-lieu-va-cong-nghe-tu-dong-lam-bao-n11450.html

[8] https://www.poynter.org/reporting-editing/2021/buzzfeed-news-wins-its-first-pulitzer-prize-for-series-on-chinas-mass-detention-of-muslims/

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bài viết đã được biên tập lại và đăng báo Quân Đội Nhân Dân ngày 21/6/2021

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục